Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người Việt Ngày 150622
"Hoa Kỳ Nhìn Từ Bên Ngoài"
Đấu trí với Tầu mà chẳng muốn nhức đầu!
* Lại một hội nghị Hoa-Mỹ: Jack Lew, John Kerry. Uông Dương và Dương Khiết Trì * |
“Phàm dấy quân mười
vạn, ra binh ngàn dậm, trăm họ tổn phí, nhà chúa cung phụng ngày tốn ngàn vàng,
trong ngoài dao động, dọc đường lao lung, bảy mươi vạn nhà khỏi lao động cầy cấy…”
Binh pháp Tôn Tử dạy như vậy về… “kinh tế học của chiến
tranh”: tung trăm ngàn lính ra sa trường thì bảy trăm ngàn hộ ở nhà phải cung
phụng và quốc khố bị hao tổn. Giải pháp ít tốn kém hơn chiến tranh chính là phải
biết rõ về địch tình. Tình hình bên địch. Thiên “dụng gián” của Binh thư Tôn tử mở đầu như vậy để nói về nhu cầu sử
dụng gián điệp, một nhu cầu vừa kinh tế vừa đạo đức. Nếu không là “bất nhân rất mực”!
Thật ra, chân lý ấy có giá trị toàn cầu, không là đặc
tính của Tầu.
Khi Trung Quốc ráo riết khởi động binh đao ở bên kia đại
dương, các cơ quan hữu trách về tình báo của Mỹ hay bất cứ xứ nào khác đều muốn
biết rõ về tổ chức nhân sự, về bộ máy hành chánh và quân sự của Bắc Kinh. Và có
khi họ đang ráo riết tiến hành để tránh động binh. Nhưng chưa thấy kết quả ra
sao thì công chúng Hoa Kỳ được biết rằng kho dữ kiện về nhân sự liên bang – cả
triệu hồ sơ của công chức Mỹ - đã bị Bộ Quốc An của Trung Quốc đột nhập, và
đánh cắp.
Khác với Bộ Công An – chuyên trị về an ninh nội địa – Bộ Quốc An có trách nhiệm về tình báo và phản
gián. Đấy là Bộ Dụng Gián theo định nghĩa của Tôn Tử, hay của Trung ương Tình
báo CIA.
Tức là trong trận đánh không tiếng nổ, Hoa Kỳ vừa bị tuột
váy đến xấu hổ: chưa biết địch tình thế nào thì tin tặc của địch đã lẩn vào
nhà, trổ từ trên nóc rồi chui vào óc xem bộ não vận hành ra sao!
Nhưng đấy là lúc dư luận Mỹ lại xôn xao về vụ cơ quan
tình báo điện tử National Security Agency thu thập hóa đơn điện thoại của người
dân, trong khi cảnh sát ráo riết truy lùng hai can phạm tội sát nhân vượt ngục
từ hai tuần trước nhờ một nữ nhân viên nhà tù, một ả lù lù như cái lu tự lắc.
Nhìn từ bên ngoài, xã hội Mỹ đang tranh luận về việc nhà
chức trách dò xét và vi phạm quyền riêng tư của công dân mà lại chểnh mảng trách
vụ bảo vệ an ninh quốc gia. Đã để tù nhân xổng chuồng, còn cho chơi súng khiến
một đứa trẻ có thể giết luôn chín người hiền lương đang học Kinh thánh trong
ngôi nhà thờ cổ.
Có cái gì đó rất bất thường trong xã hội Mỹ!
***
Đấy là một xã hội cực kỳ tiên tiến, với phương tiện kỹ
thuật hiện đại nhất, khiến mọi người đều có thể cất giữ bí mật cá nhân trên một
vùng trống trải bát ngát là không gian điện toán. Nhìn từ giác độ của Tôn Tử
hay các chiến lược gia, trận tuyến ấy không biên cương vực thẳm và mở rộng cho
mọi cuộc tấn công. Nếu muốn thủ là bảo vệ bí mật của mình, các cơ quan hữu
trách phải giăng lưới và có khi thu hẹp quyền tự do của người dân.
Xã hội Mỹ đang phân vân về chuyện công thủ đó. Thị trường
Mỹ thì lo chuyện khác.
Các doanh nghiệp cao kỹ như Apple hay Google không thể
yêu cầu cơ quan tình báo NSA tiết lộ bí mật kinh doanh hay kỹ thuật của Huawei
(Hoa Vi) hay Baidu (Bách Độ) nhưng cũng rõ là Bắc Kinh đang đánh cắp bí quyết của mình để nâng cao
khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Trung Quốc. NSA hay CIA hay nhiều cơ quan
hữu trách khác của Hoa Kỳ phải xâm nhập và ăn cắp bí mật của thiên hạ để bảo vệ
quốc gia, chứ không để tư doanh của Mỹ kiếm lời.
Đạo đức Hoa Kỳ coi việc kiếm lời như vậy là bất chính.
Thí dụ như chiếu theo đạo luật bài trừ tham nhũng tại hải
ngoại, Foreign Corrupt Practices Act (FCPA), được ban hành từ thời Jimmy Carter
vào năm 1977, doanh nghiệp Mỹ mà hối lộ viên chức xứ khác để giật lấy hợp đồng
kinh doanh là bị tội hình. Doanh nghiệp Tầu mà làm như vậy thì được tuyên
dương.
Chúng ta có một hệ thống luân lý khác, cực kỳ bất lợi nếu
nhìn vào bàn tay vô hình của đối phương.
Đối phương có quyền dụng gián toàn diện, trên chiến trường,
chính trường hay thị trường, và coi đấy là nghĩa vụ công dân với cái đảng đang
lãnh đạo quốc gia. Tại Hoa Kỳ, các chính khách mà nghe lén bí mật của đảng đối
lập là vào tù. Tổng thống gian hùng biến báo như Richard Nixon cũng còn có thể
bị cách chức. Tại Trung Quốc, trò yếm trá là lẽ khôn ngoan. Không dụng gián chơi
gian mới là bất nhân rất mực. Nếu vậy thì thắng bại ra sao?
Chẳng lẽ phải thi đua với quỷ dữ?
***
Sự thể nó không đơn giản và đen tối như vậy.
Thứ nhất, Hoa Kỳ là một nước tuyệt đối bảo vệ lẽ đa
nguyên bằng tinh thần trọng pháp. Đa nguyên là xã hội có nhiều thành phần và
cách suy nghĩ khác nhau và bảo vệ quyền khác biệt ấy. Khi đã có nhiều thành phần
thì phải có phép phân quyền và phân công lao động để người nào lo việc nấy.
Các thành phần có những quyền hạn riêng được luật pháp
quy định rõ ràng để không có lạm dụng: cảnh sát có quyền chặn xe, khám nhà và
xét hỏi lý lịch thiên hạ trong một số điều kiện, nhưng sở thuế không có quyền
soi mói lập trường chính trị của người thọ thuế. Thị trường có quyền sáng tạo độc
lập để kiếm lời và luật pháp phải bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp,
nhưng cơ quan tình báo không có nhiệm vụ đánh cắp bí mật của thiên hạ để làm
giàu cho thị trường. Hình như là trên thế giới chỉ có dăm ba nước mới tự chế
như vậy.
Trong trò công thủ của phản gián, nếu để địch xâm nhập hoặc
bị khủng bố tấn công, cơ quan hữu trách phải bị khiển trách, nhưng bảo vệ người
dân bằng cách vi phạm quyền tự do của công dân thì đáng bị kỷ luật.
Trong khung cảnh phức tạp đó, các nhà làm luật – cũng là
chính khách – phải vật lộn với nhau để kịp thời có quy định pháp lý thích hợp.
Thường thì không kịp vì đi chậm hơn thị trường. Đấy là những con gián rụng.
Ở bên kia đại dương, các cơ quan hữu trách của Trung Quốc
chưa tiến tới trình độ ấy, cho nên cả nước từ chính quyền đến doanh nghiệp, đều
đi ăn cắp. Vì cái gì họ cũng muốn có nên cái gì và ai ai cũng ăn cắp. Khi thi
đua ăn cắp như vậy, họ không khai triển được tinh thần sáng tạo – là từ cái
không mà làm ra có, vô trung sinh hữu – nên chỉ ăn cắp lẫn nhau.
Đấy là quy luật của chế độ độc tài: định chế hóa sự rình
rập chôm chĩa và thu hẹp quyền tự do của mọi người.
Binh pháp Tôn Tử có dạy: “Kín nhiệm vậy thay. Không cái
gì mà không dùng gián điệp”, với hậu quả là cả nước làm gián điệp nên chẳng còn
ai sáng tạo. Khi nào nhờ phúc tổ mà phát minh ra điều gì mới để kiếm ra tiền
thì họ sẽ biết sợ ăn cắp. Nghĩa là còn lâu lắm.
Chúng ta đang thấy ra hai kiểu thi đua khác nhau, của hai
nền văn minh khác nhau. Đấy mới là lý do vì sao trong hiệp ước Đối tác Xuyên
Thái Bình dương TPP, Hoa Kỳ chưa thể mời Trung Quốc vào cuộc chơi.
_____
Chuyện chỉ có ở nước
Mỹ:
Tuần qua, tại thị trấn Overton ở miền Đông tiểu bang Texas, Andrea và
Zoey có sáng kiến hiếm tiền mua quà cho cha nhân ngày Father’s Day. Hai chị em,
lên tám và lên bảy, mở quầy bán nước chanh, là một cái bàn ọp ẹp ngoài lộ. Một
tiếng sau, vừa thu được 25 đồng thì bị cảnh sát dẹp tiệm: “thiếu giấy phép hành
nghề và có thể vi phạm vệ sinh vì không kiểm phẩm dưới nhiệt độ quá cao”. Trước
sự sốt sắng của con gián rụng, hai chị em bèn sáng tạo: không bán nước mà nhận
tiền tặng! Và được lối xóm ủng hộ với nhiệt tình, hình ảnh được đưa lên truyền
hình toàn quốc. Nước Mỹ vui thật!
"Ăn cắp" ở VN dưới một hình thức khác: Đi Tắt Đón Đầu.
Trả lờiXóaVì "Đã có Đảng và Nhà nước lo", một cách nói khác của việc "đóng đai" nên người Việt khỏi cần phải sáng tạo. Xứ ta không cần "ăn cắp" bởi không cần trí tuệ, năng suất lao động thấp nói lên điều đó. Việc không tôn trọng sở hữu trí tuệ không phải có mục đích ăn cắp mà chỉ là "Đói ăn vụng".