"Diễn đàn Kinh tế"
Chưa hùng mà đã hung, có khi bị hội chứng Vương An Thạch!
Khi theo dõi tình hình Trung Quốc, người ta thấy một nghịch lý. Từ vài năm nay, giới kinh tế bắt đầu nói đến nỗi khó khăn của lãnh đạo kinh tế Trung Quốc sau giai đoạn tăng trưởng huy hoàng là bình quân 9% một năm trong 34 năm liên tục và nay đến lúc phải cải cách để khỏi rơi vào cái bẫy xập của một nước có lợi tức trung bình. Nhưng ngược lại, nhiều nhà nghiên cứu về chiến lược thì nêu vấn đề về sức bành trướng cả thương mại lẫn quân sự của Bắc Kinh khiến các lân bang đều lo ngại. Như vậy thì Trung Quốc mạnh hay yếu? Diễn đàn Kinh tế tìm hiểu chuyện này qua phần trao đổi của Hải Ninh với chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa....
Hải Ninh: Xin kính chào ông Nghĩa. Thưa ông, dường
như “Con Đường Tơ Lụa Mới” và “Bạch Thư Quốc Phòng” của Bắc Kinh là hai
mặt trái ngược của Trung Quốc. Một đằng là hứa hẹn hợp tác toàn cầu, từ
Á Châu sang Trung Đông, Âu Châu, Phi Châu qua các dự án xây dựng hạ
tầng được các ngân hàng của Bắc Kinh tài trợ. Đằng kia là hành vi bành
trướng trên nhiều khu vực có tranh chấp về chủ quyền, lại được bảo vệ
bằng sức mạnh quân sự chưa từng có của Trung Quốc. Thuần về kinh tế cũng
vậy, giới chuyên gia nói đến khó khăn của lãnh đạo Bắc Kinh sau một
giai đoạn tăng trưởng ngoạn mục và nay chất lên một núi nợ có thể sụp
đổ, vậy mà từ vài năm nay một số học giả về chiến lược lại nói về mối
nguy xuất phát từ Trung Quốc cho an ninh của nhiều nước lân bang tại
Đông Á. Nếu như vậy, thưa ông, Trung Quốc mạnh hay yếu?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi thiển nghĩ rằng để có giải đáp cho
câu hỏi ấy ta cần nhớ đến quy luật là mọi mô thức kinh tế đều chỉ có hy
vọng dự báo chính xác nếu có sự đóng góp của bộ môn “kinh tế sử”. Thiếu
tầm nhìn về lịch sử thì các phương trình kinh tế đều chỉ có giá trị hạn
chế.
- Về Trung Quốc thì sau gần 200 năm loạn lạc vì ngoại xâm lẫn nội
chiến, một xã hội hơn một tỷ dân đã có ba chục năm yên lành để làm ăn kể
từ 1979, thì kinh tế Trung Quốc tất nhiên có một đà tăng trưởng cao
chưa từng thấy. Nhiều quốc gia khác cũng từng có cơ hội tương tự mà với
dân số thấp hơn nên ít được thiên hạ chú ý. Trong ba thập niên đó, vụ
thảm sát tại Quảng trường Thiên An Môn cách nay 26 năm vào ngày bốn
Tháng Sáu năm 1989, khởi đi từ phong trào quần chúng phản đối nạn lạm
phát và tham nhũng đã bị thế giới lãng quên nhưng vẫn hằn in trong tư
duy của lãnh đạo xứ này. Họ rất sợ nguy cơ động loạn và dù biết là sau
mấy chục năm tăng trưởng thiếu phẩm chất, họ phải cải cách để chuyển
hướng qua một hình thái tăng trưởng khác nhưng vẫn rất thận trọng. Đấy
là một đặc tính người ta nên nhớ khi luận bàn về sự mạnh yếu của Trung
Quốc.
Khi đầu tư nhiều để nâng sản lượng cho một thị trường nội địa không được tiêu thụ như ý thì nhà nước đẩy mạnh xuất cảng và độc quyền thu về ngoại tệ nên có khối dự trữ mấp mé bốn ngàn tỷ đô la để có thể bành trướng ảnh hưởng với thiên hạ - Nguyễn-Xuân Nghĩa
Hải Ninh: Ông nêu ra vài ba vấn đề về thời gian
lẫn không gian để nhắc đến mô hình kinh tế Trung Quốc trong đó yếu tố
chính trị lại giữ ví trí then chốt, tại sao vậy?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Lãnh đạo Bắc Kinh không phát minh ra điều
gì mới, nhưng họ có trí nhớ. Từ kinh nghiệm Đông Á của các nước như
Nhật Bản, Nam Hàn, Đài Loan và cả Singapore, mô hình Trung Quốc có đặc
tính riêng là hệ thống chính trị giữ vị trí điều tiết thị trường. Nhà
nước dùng quy luật tư bản để củng cố sức mạnh của nhà nước, dưới sự lãnh
đạo của một đảng độc quyền.
- Thuần về kinh tế và nhờ định hướng chính trị ấy, tăng trưởng của
Trung Quốc xuất phát từ hai lực đẩy là tăng đầu tư và giảm tiêu thụ. Nhà
nước giữ vai trò thắt lưng buộc bụng, nhưng thắt ai và buộc ai là quyết
định của lãnh đạo. Khi đầu tư nhiều để nâng sản lượng cho một thị
trường nội địa không được tiêu thụ như ý thì nhà nước đẩy mạnh xuất cảng
và độc quyền thu về ngoại tệ nên có khối dự trữ mấp mé bốn ngàn tỷ đô
la để có thể bành trướng ảnh hưởng với thiên hạ.
- Thế giới cứ ngợi ca “phép lạ kinh tế” Trung Quốc mà ít thấy khái
niệm "tăng đầu tư" và "giảm tiêu thụ" có nghĩa là nhà nước trưng thu
tiết kiệm rất nhiều và rẻ của dân để đưa vào sản xuất. Nếu Tần Thủy
Hoàng Đế mà có truyền thông quốc tế ở chung quanh thì Vạn Lý Trường
Thành ở miền Bắc hay kinh đào Linh Cư tại miền Nam cũng được coi là sự
kỳ diệu vì giải quyết được nạn thất nghiệp cho một dân số qúa đông!
Người ta thấy ra cái "được" mà khó đếm được cái "mất" - như ô nhiễm môi
sinh, tham nhũng hay bất công xã hội, là các vấn đề đang ám ảnh lãnh đạo
xứ này.
Hải Ninh: Thưa ông, khi nhắc đến yếu tố lịch sử
gần xa thì ta có thể nhớ tới biến cố 2008-2009 rất gần đây là khi kinh
tế thế giới bị suy trầm, xuất cảng của Trung Quốc sút giảm thì Bắc Kinh
bơm tiền kích thích để vẫn duy trì đà sản xuất cũ. Việc bơm tiền qua ngả
tín dụng, chủ yếu là qua hệ thống ngân hàng của nhà nước, đã đẩy kinh
tế vượt qua Nhật Bản năm 2010, do đó người ta mới có ấn tượng rằng Trung
Quốc rất mạnh về kinh tế, nhưng phải chăng mặt trái cùa sức mạnh ấy là
một núi nợ được ước lượng vào khoảng 282% của Tổng sản lượng xứ này?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Ta đều có thể hiểu thiên hạ vay tiền để
đầu tư, khi thấy đầu tư có lời cao thì vay thêm để đầu cơ, là kiếm lời
lớn hơn trong ngắn hạn nhưng với rủi ro cao hơn. Khi dàn máy bơm tiền
lại thuộc về nhà nước, do tay chân nhà nước điều tiết theo diện chính
sách mà bất chấp quy luật thị trường thì đằng sau nạn đầu cơ chỉ là "lạm
dụng tín dụng". Tức là tay chân nhà nước và thân tộc mở canh bạc theo
kiểu tháp ảo làm kinh tế bốc như trái bóng bay, hay bọt xà bông. Ngày
nay, nạn đầu cơ địa ốc thổi giá đất đai của nhiều tỉnh thành Trung Quốc
chả khác gì Nhật Bản trước khi Nhật bị bể bóng năm 1990 và trôi vào hai
chục năm suy trầm. Ở bên dưới trái bóng Trung Quốc là bộ máy sản xuất dư
dôi ế ẩm, chưa sử dụng hết 60% công xuất, nằm bên núi nợ xấu sẽ sụp khi
bóng bể. Lãnh đạo Bắc Kinh có hiểu ra mối nguy ấy nên muốn tránh và tìm
cách dồn sức đầu tư ra ngoài. Các dự án họ trù tính thực hiện ở nơi
khác nằm trong chiều hướng phân mỏng rủi ro mà gia tăng thế lực trong
khi vẫn muốn nắm dao đằng chuôi.
Hệ thống tài chánh ngân hàng TQ có nhiều lệch lạc tích lũy từ lâu, kết tụ thành mạng lưới chằng chịt ở mọi cấp hành chính, từ trung ương tới từng địa phương, với thế lực rất lớn của các đảng viên. Những mắc mứu về quyền lợi, trong đó nạn nhũng lạm, tức là tham nhũng và lạm dụng, không chỉ cản trở mà còn phá hoại - Nguyễn-Xuân Nghĩa
Hải Ninh: Có lẽ hiểu ra mối nguy ấy nên thế hệ thứ
năm lên lãnh đạo sau Đại hội 18 vào cuối năm 2012 quyết định chuyển
hướng. Một năm sau, Tháng 11 năm 2013, Nghị quyết của Hội nghị Ban chấp
hành Trung ương kỳ ba của khóa 18 đề ra phương hướng cải cách và chấp
nhận một đà tăng trưởng thấp hơn. Thay vì 9-10% thì quãng 7,5% cũng là được. Có thể là Bắc Kinh biết rằng phải giảm tốc độ cho cỗ xe khỏi lật khi vào khúc quanh. Nhưng
vì sao mà ngày nay họ vẫn đề ra chỉ tiêu tăng trưởng là hơn 7% một năm
trong khi giới quan sát kinh tế hay các định chế tài chính quốc tế đều
cho rằng Trung Quốc khó đạt mức tăng trưởng như vậy và nếu không khéo
thì kinh tế sẽ hạ cánh nặng nề chứ không nhẹ nhàng như lãnh đạo Bắc Kinh
mong muốn?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Bắc Kinh tính cải cách với ý thức cao về
chính trị và có chuẩn bị về tổ chức. Nhưng sau 30 năm thì phép lạ kinh
tế cũng sinh ra nhiều bệnh lạ. Hệ thống tài chánh ngân hàng Trung Quốc
có nhiều lệch lạc tích lũy từ lâu, kết tụ thành mạng lưới chằng chịt ở
mọi cấp hành chính, từ trung ương tới từng địa phương, với thế lực rất
lớn của các đảng viên. Những mắc mứu về quyền lợi, trong đó nạn nhũng
lạm, tức là tham nhũng và lạm dụng, không chỉ cản trở mà còn phá hoại
chỉ thị của trung ương. Việc bơm tiền hay phân phối tài nguyên qua nhiều
ngả mờ ám như ngân hàng chui vẫn tiếp tục chất lên một núi nợ mà chúng
ta trình bày trong một kỳ trước. Vì vậy, lãnh đạo xứ này phải tập trung
lại quyền lực về trung ương qua chiến dịch diệt trừ tham nhũng và vận
động hậu thuẫn của quần chúng lẫn quân đội bằng những động thái mang
tính chất bành trướng đối với các nước lân bang.
Vì chưa thể cải cách được, lãnh đạo Bắc Kinh phô diễn sức mạnh quân sự với bên ngoài và nghĩ là vì các nước e ngại rủi ro đụng độ nên sẽ nhượng bộ yêu sách của họ - Nguyễn-Xuân Nghĩa
Hải Ninh: Theo cách đánh giá của ông thì phải
chăng việc Bắc Kinh xây đảo nhân tạo tại vùng biển Đông Nam Á và công bố
Sách Trắng về Quốc Phòng cũng còn có chủ đích trấn an hay tranh thủ dư
luận ở ngay bên trong Trung Quốc?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Khi lãnh đạo Bắc Kinh nói đến yêu cầu
chuyển hướng quân sự theo tinh thần gọi là “chủ động phòng thủ” thì khái
niệm phòng thủ đó bao trùm lên chính trường nội địa! Khi các quốc gia
khác báo động về mối nguy của Trung Quốc thì Bắc Kinh càng yên tâm rằng
thần dân bên trong thêm hãnh diện về thế lực của quốc gia trên trường
quốc tế mà bớt phàn nàn về chuyện kinh tế. Ngày nay, lãnh đạo Bắc Kinh
lấy nhiều rủi ro về đối ngoại và gây vấn đề cho lân bang khiến các đề
nghị hợp tác và xây dựng của họ trong kế hoạch Con Đường Tơ Lụa, họ gọi
là “Nhất Đai Nhất Lộ” lại mất dần sự hấp dẫn về kinh tế khi cân nhắc với
rủi ro về an ninh. Đấy cũng là khía cạnh khác về chuyện mạnh yếu của
Trung Quốc khi ta đối chiếu với nỗ lực đầu tư và viện trợ tương tự của
Nhật Bản tại Đông Á. Nhiều nước Đông Nam Á không sợ Nhật Bản mà e ngại
Trung Quốc và đấy không là một thế mạnh của Bắc Kinh.
Hải Ninh: Nếu tổng kết lại, thưa ông có phải Trung
Quốc đang gặp nhiều vấn đề kinh tế ở bên trong mà lãnh đạo muốn khỏa
lấp bằng kế hoạch quy mô với bên ngoài và vì vậy lại gây cảm giác bất an
cho các nước?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi nghĩ rằng về kinh tế, lãnh đạo Bắc
Kinh cần đạp thắng để đổi hướng, rồi sợ tăng trưởng giảm làm thất nghiệp
tăng và bị động loạn nên lại ngầm bơm tiền kích thích qua nhiều kênh mà
họ biết là thiếu an toàn. Năm ngoái, họ thử nghiệm biện pháp bơm tiền
tinh tế hơn, không qua ngả tín dụng ngân hàng đầy rủi ro mà qua việc
ngân hàng trung ương mua lại trái phiếu của một số khu vực nhất định,
như công khố phiếu ở các địa phương miền Tây, miền Trung, hay trái phiếu
hỏa xa, gia cư hay ngân hàng. Năm nay thì họ vừa cho phép đảo nợ tại
một số tỉnh, tức là cũng thi hành biện pháp bất thường các nước Tây
phương đã áp dụng, là "quantitative easing", là tăng mức lưu hoạt
có định lượng. Đâm ra Trung Quốc chưa thể hãm đà tăng trưởng để tìm ra
thế quân bình bền vững hơn, với tiêu thụ nội địa mới là lực đẩy.
- Vì chưa thể cải cách được, lãnh đạo Bắc Kinh phô diễn sức mạnh quân
sự với bên ngoài và nghĩ là vì các nước e ngại rủi ro đụng độ nên sẽ
nhượng bộ yêu sách của họ. Chúng ta có thể gọi đó là “Hội chứng Vương An
Thạch” là khi Tể tướng nhà Tống là Vương An Thạch tiến hành việc cải
cách mà thời đó gọi là “biến pháp”. Vì sự cưỡng chống của phe bảo thủ
bên trong, họ Vương đi tìm thắng lợi quân sự ở bên ngoài qua quyết định
tấn công Việt Nam vào năm 1075. Nào ngờ quân Tống đại bại dưới tay Thái
úy Lý Thường Kiệt, Vương An Thạch mất chức và chuyện biến pháp cũng
thành nước lã ra sông và nhà Đại Tống lụn bại dần. Việt Nam ngày nay không được như đời Lý ngày xưa
nhưng thế giới ngày nay không chỉ có Trung Quốc với Việt Nam - và rủi ro
cho Trung Quốc là chuyện có thật vì họ chưa hùng mà đã đòi hung.
Hải Ninh: Xin cảm tạ ông Nghĩa về bài phỏng vấn lý thú này.
Con nghe bác nói nhiều về biến cố Vương An Thạch rồi, vậy theo bác, chừng nào nó xảy ra? Và con nhớ có 1 lần bác nói là xảy ra xong rồi dân Việt lại lao vào nội chiến đánh nhau toác đầu ra nữa. Nghe não lòng quá
Trả lờiXóaKhông, lần này sẽ rất nhanh. Cả nước đứng dậy dẹp luôn đảng Cộng sản và hô hào toàn quốc kháng chiến, trong khi nội tình Trung Quốc rối beng và các nước khác đều nhảy vào chi phối hoặc canh chừng để sự suy sụp của TQ không văng miểng ra ngoài. Não lòng nhất là sự nguy dại triền miên của người cộng sản. Họ lợi dụng lòng ái quốc của dân tộc và dẫn Việt Nam vào chỗ tiêu vong vì ngoại thuộc.
Xóa