Thứ Ba, tháng 11 22, 2016

Bầu Đi Rồi Bầu Lại?



Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người-Việt Ngày 161121
"Hoa Kỳ Nhìn Từ Bên Ngoài"

Thể thức tuyển cử ít tệ nhất mà phù hợp nhất cho Hoa Kỳ  


 * Kết quả bầu cử Tổng thống 2016, theo từng quận *



Chúng ta quen nghe rằng Hoa Kỳ có nền dân chủ lâu đời nhất vì giành lại độc lập từ Đế quốc Anh vào năm 1776 rồi thành lập nền “cộng hòa liên bang” từ năm 1789. Khái niệm ấy ăn sâu vào tâm trí thiên hạ nên có người kinh ngạc là tại sao trong cuộc tranh cử vừa qua, ứng cử viên Hillary Clinton của đảng Dân Chủ đã tạm chiếm phiếu cử tri tới hơn một triệu mà sau cùng ứng cử viên Donald Trump của đảng Cộng Hòa lại đắc cử Tổng thống.

Hình như là cái gì đó bất công, hay ít ra là khó hiểu, trong thể thức bầu cử người lãnh đạo Hành pháp nền Cộng hòa Liên bang Mỹ.

Chúng ta nên chịu khó tìm hiểu thể thức tuyển cử kỳ bí này của nền dân chủ Hoa Kỳ….


***


Nói vắn tắt, vào ngày bầu cử, cử tri không trực tiếp bầu lên Tổng thống mà bầu ra những người sẽ chọn lựa lãnh đạo Hành Pháp. Những người đó là “Đại cử tri”, hay cử tri đại diện, trong một tập thể gọi là Đại Cử Tri Đoàn, viết cho gọn là Cử Tri Đoàn, Electoral College. Khi bỏ phiếu, có người không biết rằng Hoa Kỳ dùng thể thức gián tiếp để đề cử vị đại diện dân cử cao cấp nhất của nền cộng hòa liên bang. Lý do là từ thời lập quốc, bậc khai sáng hay “Quốc phụ” đã chọn phương pháp gián tiếp ấy và ghi vào Hiến pháp. Tại sao vậy?

Thứ nhất, Hoa Kỳ không được thành lập như một nền Dân chủ mà là nền Cộng hòa.

Cộng hòa là hệ thống chính trị cho phép người dân để cử đại biểu để lo việc chung của tập thể cho mình. Bậc Quốc phụ không lập nền Dân chủ, là thể chế dựa trên quyền làm chủ của công dân, vì họ gạt ra ba thành phần công dân không có quyền đề cử giới đại diện sẽ cai trị mình, là dân nô lệ, phụ nữ, và ở nhiều tiểu bang, những người không có tài sản. Đấy là một nghịch lý?

Nghịch lý thời kiến quốc có nhiều lẽ hợp lý sau đây.

Giới đại biểu được cử tri bầu lên không nhất thiết nghe công luận mà tự ý quyết định về sự lợi hại của từng việc và được công luận phê phán bằng lá phiếu vào kỳ bầu cử sau, cứ sáu năm một lần nếu đại biểu là Nghị sĩ trong Thượng viện, và hai năm một lần nếu là Dân biểu Hạ viện. Trước đây, giới dân cử trong hệ thống lập pháp của tiểu bang mới chọn người làm Nghị sĩ, và giới dân cử này dĩ nhiên cũng do dân chọn trong các cuộc bầu cử định kỳ. 

Ta nên chú ý tới đặc tính gián tiếp đó: lòng người hay ý dân được thể hiện nhưng qua lớp trung gian, tựa như một cái lọc.

Vốn rất thực tiễn – lại chẳng mấy lạc quan về con người - bậc Quốc phụ sợ lòng dân hay nhiệt tình của quần chúng sẽ chi phối chánh sách quốc gia nên muốn có lớp trung gian để gạn lọc và dung hòa ý dân với quốc sách. Lớp người này, thuộc nam phái, biết suy xét và phải có tài sản để cân nhắc lợi hại trong công vụ vì hại là mất tiền, và vì có tài sản nên tương đối khó mua chuộc. Mấy ai mua chuộc được một tỷ phú… như Donald Trump!

Thứ nữa, người như vậy có thể không xem việc làm đại biểu là sự nghiệp, và dám lấy quyết định mà chẳng sợ bị thất cử. Họ chịu trách nhiệm với cử tri, nhưng không là con tin của cử tri mà nhất nhất theo ý dân để giải quyết công vụ. Nói cách khác, từ nguyên thủy, bậc Quốc phụ của Hoa Kỳ không tin vào nền dân chủ trực tiếp và thiên về giải pháp cộng hòa với cái lọc là giới đại biểu.

Từ triết lý chính trị đó của những người sáng lập, Hoa Kỳ mới có thể thức bầu cử Tổng thống với tầng lớp trung gian là Cử Tri Đoàn.

Lẽ hợp lý thứ hai của chuyện rắc rối này là Hoa Kỳ không theo thể chế Đại nghị (parliamentary system). Thể chế đó sát nhập Hành pháp và Lập pháp làm một, thực tế là giới Lập pháp trong Quốc hội mới cầm quyền và đảng đa số chọn người lãnh đạo Hành pháp. Bậc Quốc phụ muốn tách tiêng Hành pháp là Lập pháp để hai cơ chế này kiềm chế lẫn nhau.

Vì vậy, họ phải tìm ra một hệ thống khác. Và chúng ta đi vào chuyện rắc rối hơn nữa, xin quý độc giả kiên nhẫn.

Từ thời Lập quốc, bậc sáng lập ra nước Mỹ coi đảng phái chính trị là phe phái bè đảng! Việc Hoa Kỳ có hai chính đảng lớn và nhiều đảng nhỏ là chuyện về sau, chứ thời đó họ sợ ứng cử viên là con tin của nhiều đảng, mỗi đảng chỉ nhắm vào quyền lợi riêng mà gây ách tắc công vụ vì không ứng cử viên nào chiếm được đa số. Nỗi lo ngại đó không hẳn là phi lý và chẳng thể xảy ra nếu người ta theo dõi chính trường Âu Châu đời nay.

Khi gặp cảnh bế tắc ấy thì ai sẽ khai thông?

Họ lập ra một cơ chế có thẩm quyền thương thảo, dung hòa mâu thuẫn để đa số bầu lên một Tổng thống. Các đại biểu thuộc cơ chế này có thể đổi ý khi thương thảo để tìm giải pháp dung hòa và đề cử Tổng thống. Nếu vẫn bế tắc thì kết quả bầu cử mới thuộc thẩm quyền Hạ viện, là Lập pháp chọn người lãnh đạo Hành pháp, chuyện bất đắc dĩ và chỉ xảy ra có một lần vào năm 1824, nhưng chỉ một lần.

Cơ chế mà ta gọi là Cử Tri Đoàn được lập ra trong mục tiêu đó, để Tổng thống khỏi là con tin hay công cụ của Hạ viện.

***

Xin nhắc lại, thứ nhất, Hoa Kỳ được lập ra như nền Cộng hòa, không là nền Dân chủ, và còn tránh hiện tượng dân chủ trực tiếp nên mới phải giải quyết nhiều nhu cầu rắc rối khó hiểu.

Thứ hai, nền cộng hòa Hoa Kỳ là một thể chế liên bang, một tập hợp của nhiều “quốc gia” gọi là tiểu bang. Sau thời lập quốc gồm có 13 tiểu bang, nước Mỹ ngày nay có 50 tiểu bang và một khu vực hành chánh tự trị là Thủ đô Washington D.C.

Cộng hòa Liên bang Đức là tập thể của sắc dân Đức tại nhiều tiểu bang. “Cộng hòa Liên bang Hoa Kỳ” không có sắc dân mà chỉ có… nhiều đời di dân cùng chia sẻ một không gian sinh tồn tại Bắc Mỹ. Chữ “America” không là sắc dân mà hàm ý địa dư, công dân trên một khu vực địa dư. Khi dịch thành “Hợp chủng quốc Hoa Kỳ” ta nên chú ý tới đặc tính “hợp chủng” đó.

Đi vào thực tế thì nền Cộng hòa theo thể chế Liên bang này giải quyết việc chọn lựa Tổng thống ra sao? Câu trả lời là ta phải đi từ liên bang xuống tiểu bang.

Mỗi tiểu bang của nước Cộng hòa này đều có chính quyền, chính phủ và quốc hội, với Thống đốc lãnh đạo Hành pháp. Cơ chế riêng muốn sống chung và nhường một số quyền quyết định cho cơ chế chung là chính quyền liên bang, nhưng vẫn giữ nhiều thẩm quyền riêng. Các tiểu bang đều đồng ý là không tiểu bang nào bị gạt ra ngoài hoặc bị tiểu bang khác lấn lướt quyền lợi. Dù có đông dân hay ít tài nguyên, các tiểu bang lớn nhỏ giàu nghèo đều phải có quyền bình đẳng pháp lý.

Nhằm giải quyết nhu cầu đó, Hoa Kỳ có hai cơ chế đại biểu song hành. Một là Hạ viện với số Dân biểu phản ảnh dân số của từng tiểu bang và bày tỏ ý dân một cách trực tiếp nhất qua nhiệm kỳ hai năm. Hai là Thượng viện: mọi tiểu bang lớn nhỏ gì cũng có hai Nghị sĩ, sáu năm một lần thì bầu lại để vừa ngăn ngừa nhiệt tình sôi nổi của Hạ viện vừa kiểm soát hay phê chuẩn nhiều quyết định của Tổng thống. Thí dụ, Thượng viện đã bác bỏ quyết định đàn hặc Tổng thống Bill Clinton do Hạ viện biểu quyết và nói chung thường phê chuẩn các hiệp ước hay bổ nhiệm của Tổng thống.

Chúng ta thấy lại triết lý chính trị của bậc Quốc phụ: thay dân chủ trực tiếp bằng nhiều lớp đại biểu trung gian có thể hạn chế nhiệt tình sôi nổi của người dân và kiềm chế lẫn nhau. Vì vậy, Hoa Kỳ có thể thức bầu cử Tổng thống phức tạp mà cũng tinh vi nhất.

Cử Tri Đoàn là lớp trung gian quy tụ 100 Nghị sĩ, 435 Dân biểu và ba đại biểu của Thủ đô, tổng cộng là 538 “Đại cử tri”. Muốn đắc cử Tổng thống thì phải có hơn nửa (269) số phiếu Đại cử tri, tức là phải đạt 270 phiếu. Hàm ý ở dưới là 1) không tiểu bang nào có dưới ba phiếu, 2) tiểu bang nào cũng có tiếng nói trong tiến trình tuyển cử, 3) muốn đắc cử, các ứng cử viên phải quan tâm đến quyền lợi của từng tiểu bang; 4) chứ không thể hốt phiếu của vài ba tiêu bang đông dân nhất mà có thể đắc cử Tổng thống của toàn quốc.

Các nước dân chủ không gặp hoàn cảnh đặc thù của nước Mỹ nên có thể nghĩ tới giải pháp phổ thông đầu phiếu để bầu lên người lãnh đạo Hành pháp. Hoa Kỳ là quốc gia “nhân tạo”, thành lập từ một triết lý sống chung, không phải là “dân tạo” của một sắc dân, lại có quá nhiều khác biệt cần dung hòa nên việc thể hiện ý dân hay ý chí chung đòi hỏi một thể thức tuyển cử khác.

Xin lấy thí dụ nữa, một tiểu bang thưa dân lại có loại tài nguyên hiếm quý nhất cho kinh tế quốc dân. "Ý chí chung" của một quốc gia bình thường có thể dẫn tới việc “quốc hữu hóa” tài sản đó cho toàn dân cùng hưởng, với hậu quả là tiểu bang kia bị bóc lột, đòi ly khai, có khi gây nội chiến! Chưa nói đến tài nguyên thiên nhiên, một khái niệm đạo đức là chế độ nô lệ cũng khiến Hoa Kỳ bị Nội chiến sau cuộc bầu cử Tổng thống năm 1860: từ 1861 tới 1865 mất 700 ngàn sinh linh khi cả nước chỉ có 34 tiểu bang với dân số tổng cộng chưa tới 32 triệu dân!

Nhờ thể thức tuyển cử ấy, các ứng cử viên phải quan tâm đến các tiểu bang thưa thớt dân cư ở giữa, chứ không thể chỉ vận động để thắng phiếu tại bốn tiểu bang đông dân ở vùng duyên hải như California, Texas, Florida hay New York. Vòng sơ bộ khởi sự rất sớm khiến các tiểu bang ở giữa, như Iowa, New Hampshire, Nevada, v.v… có cơ hội thẩm xét các ứng cử viên ngay từ đầu. Và ứng cử viên Donald Trump thắng cử chính là vì khéo thuyết phục được cử tri bị lãng quên trong các tiểu bang không may về kinh tế do hiệu ứng toàn cầu hóa và không may về địa dư và dân số là nằm giữa với dân số thấp.

Ông chiếm đa số phiếu cử tri tại 30 tiểu bang mà vẫn thua số phiếu cử tri do bà Clinton thu được tại 20 tiểu bang và Thủ đô, nhưng ông đạt đa số phiếu Cử Tri Đoàn.


















Bầy cử tri của Hillary: Chúng ta muốn gì? Muốn nhớ đi bầu! Muốn vậy khi nào? Từ hai tuần trước!   



Bây giờ, đảng Dân Chủ và giới bình luận đang bàn cãi xem bà Hillary Clinton có thể nào thuyết phục một số Đại cử tri của 30 tiểu bang đã dồn phiếu cho ông Trump đảo ngược quyết định mà bầu cho liên danh Dân Chủ hay chăng? Rất nhiều phần là không. Từ năm 1900 tới nay mới chỉ có tám người đảo phiếu theo kiểu đó. Với 155 phiếu Đại cử tri phải cam kết theo luật mà không đảo phiếu, ông Trump vẫn nắm phần thắng trong tay, trong khi các Đại cử tri của bà Clinton lại có thể đảo phiếu cho… Nghị sĩ Bernie Sanders hay Thống đốc Ohio là John Kasich!

Sau khi thất cử, nếu bà Clinton cũng nghe xui dại mà đòi xét lại, thì mùng sáu Tháng Giêng tới, khi mọi chuyện trở thành chính thức, người ta càng thấy là bà đáng thất cử: lấy ngọn bỏ gốc, lỡ quên các tiểu bang ở giữa mà còn đòi xóa bỏ một hệ thống tuyển cử đã chứng tỏ giá trị, không những ít tệ nhất mà lại phù hợp nhất cho nền dân chủ lạ kỳ này. 

Thứ Ba, tháng 11 15, 2016

Donald Trump Không Có Phép Lạ



Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người-Việt Ngày 161114
"Kinh Tế Cũng Là Chính Trị"

Làm sao tìm lại vang bóng của khu vực chế biến Hoa Kỳ?


 * Cơ sở GM này đóng cửa... * 

Trước sự bàng hoàng của dư luận toàn cầu và các thị trường tài chánh thế giới về việc tỷ phú Donald Trump đắc cử Tổng thống một cách bất ngờ, người ta phải nhìn về đằng sau và mất nhiều năm để tìm ra những lý do giải thích tương đối hợp lý. Nhưng, trong khi đó kinh tế vẫn vận hành và sinh hoạt người dân vẫn tiếp tục. Khi ấy, ta cần cái nhìn “nóng”, tức thời, về tương lai trước mắt, xem chính sách kinh tế của vị Tổng thống Tân cử sẽ ảnh hưởng ra sao tới đời sống. Nghĩa là vì “kinh tế cũng là chính trị”, chúng ta cần nhìn ra đằng trước, để lượng định xem chính trị chi phối kinh tế ra sao. Bài này được viết trong tinh thần đó….

***

Một sự kiện thuộc về bối cảnh trường kỳ đã lọt ra khỏi tầm nhìn của nhiều người, đó là sự chuyển dịch xã hội dưới ảnh hưởng của kinh tế và khoa học kỹ thuật.

Hơn hai thế kỷ trước, 50% dân số Hoa Kỳ - các nước Âu châu cũng vậy – sinh sống trong các nông trại, nôm na là nông dân. Ngày nay, tám chín thế hệ sau, tỷ lệ dân số trong nông nghiệp Mỹ chỉ còn là 2%. Cái nhìn thiển cận và bi quan thì kết luận rằng giai cấp nông dân bị giai cấp công nhân tiên tiến tiêu diệt! Ngày nay, trong hình thái kinh tế hậu công nghiệp, một lực lượng lao động rất lớn của các lãnh vực sản xuất hay dịch vụ cổ điển, như chế biến (hay lái xe vận tải!) sẽ mất việc như nông dân đã mất việc và lực lượng này phải kiếm nghề khác. Nhưng sự thay đổi ấy không diễn tiến chậm rãi qua nhiều thế hệ mà xảy ra trong… nửa thế hệ, chừng dăm bảy năm thôi, và xảy ra đồng loạt trong nhiều khu vực sản xuất.

Thu hẹp ống kính thì việc làm trong khu vực chế biến với thành phần công nhân quý tộc vì quý báu cho kinh tế bỗng tiêu tan rất nhanh và ngày càng nhanh. Nhanh tới độ công nhân không kịp chuyển hướng, học nghề và tìm ra việc làm khác để giữ được lương cao, hay ít ra là mức lương cũ. Họ cảm thấy là bị nghèo đi trước một tương lai mờ mịt. Thế rồi, khi giới kinh tế nói đến sự sa sút của khu vực chế biến thì giới chính trị bèn tìm ra thủ phạm, để xin việc làm qua lá phiếu. Họ đổ lỗi cho kinh tế thị trường, tự do mậu dịch và toàn cầu hóa, v.v….

Cả hai ứng cử viên Cộng Hòa và Dân Chủ đều thi đua đổ lỗi và hứa hẹn phép lạ. Nếu đắc cử, Tổng thống Hillary Clinton phải làm phép lạ kinh tế ấy! Chẳng may đắc cử, Tổng thống Donald Trump rơi vào khó khăn tương tự. Thủ tướng Winston Churchill có câu nói mà kịch sĩ Donald Trump đang thấm thía khi nhập vai Tổng thống: “Phe chiến thắng cũng gặp vấn đề, may quá là loại vấn đề dễ chịu hơn, nhưng không phải là dễ giải quyết!

Bây giờ, thay vì dành một cuốn sách cho việc giải quyết ngần ấy vấn đề, xin hãy nhìn vào khu vực chế biến, và trong khu vực kinh tế này, tập trung vào “thủ phạm chính trị” là hiệp ước tự do mậu dịch. Khi tranh cử, Donald Trump bày tỏ quyết tâm đàm phán lại các hiệp ước tự do thương mại để khôi phục công việc làm trong khu vực chế biến Hoa Kỳ. Thí dụ nổi bật là Hiệp ước Tự do Mậu dịch Bắc Mỹ NAFTA đã được Tổng thống Bill Clinton ban hành từ năm 1994 sau khi được Quốc hội phê chuẩn trước đó. (Éo le không kém là Hiệp ước Xuyên Thái Bình Dương TPP mà Chính quyền Obama phải ngậm ngùi giã biệt vì sự chống đối của cả hai đảng trong Quốc hội lẫn hai ứng viên trong cuộc tranh cử vừa qua – nhưng đấy là một đề tài khác vì giấy mực có hạn!)

Bước đầu, ông Trump đòi đơn phương triệt thoái khỏi nhóm NATFA gồm Canada, Mỹ và Mễ. Việc đó bất khả vì ba lý do, luật pháp, hiến pháp và sự cưỡng chống của doanh trường. NAFTA là gạo đã thành cơm còn thơm hơn rượu nếp, vì hội nhập kinh tế Hoa Kỳ vào cả một chu trình cung cấp của các doanh nghiệp với Mexico và Canada. Trong hàng nhập từ các xứ này có cơ phận do doanh nghiệp Mỹ chế biến. Xóa bỏ cam kết là hết chuyện chơi.

Nếu không thể đơn phương tháo chạy thì Hoa Kỳ dưới sự lãnh đạo của Tổng thống thứ 45 và Quốc hội khóa 115 có thể thương thuyết lại, với các luận cứ dọa và dụ. Thí dụ như hăm dọa tăng thuế nhập nội trên hàng nhập cảng. Kinh nghiệm làm ăn và ngã giá của doanh gia Donald Trump cho biết là xứ Mễ cũng có thể trả đũa làm giảm mức xuất cảng của Mỹ. Chi bằng ta tập trung vào chuyện râu ria để tìm chiến thắng biểu kiến về chính trị: xứ Mễ phải chấp hành các quy định về môi sinh và về xuất xứ của hàng hóa bán qua Mỹ. Đấy là thắng lợi rất nhỏ và ưu tiên rất thấp trong chán vạn hồ sơ khác mà ông Trump cần giải quyết ngay.

Cũng theo hướng đó, Tổng thống Tân cử Hoa Kỳ có thể đòi trừng phạt Trung Quốc qua biện pháp nâng hàng rào quan thuế.

Trong quan hệ thương mại Mỹ-Hoa, nước Mỹ nhập cảng nhiều sản phẩm hoàn tất như điện thoại thông minh, vật gia dụng hay đồ chơi trẻ em, hàng dệt sợi, xưa kia thuộc khu vực chế biến Hoa Kỳ, nay là sản phẩm “chế tạo tại Trung Quốc”. Thật ra trong loại hàng này, nhiều món có thể được gọi là “sản phẩm Hoa Kỳ chế biến tại Trung Quốc”, với phần đóng góp của Nhật Bản, Nam Hàn, Singapore hay Malaysia.

Từ nhiều năm nay, Bắc Kinh cũng gặp bài toán của các nước Tây phương đi trước, là thấy khu vực chế biến của mình bị rút ruột vì giới đầu tư đi tìm các thị trường có ưu thế rẻ hơn, như Mễ, Ấn, Việt, Nam Dương hay Bangladesh, v.v…. Trung Quốc đang muốn đa năng hóa cơ chế sản xuất và leo lên bậc thang cao hơn, như từ chế biến lên dịch vụ, với giá trị gia tăng hay đóng góp nhiều hơn và đành phải chạy đua mà chỉ sợ loạn ở bên trong vì hết là công xưởng chế biến của toàn cầu.

Bây giờ, cả Hillary Clinton lẫn Donald Trump đều muốn đặt lại vấn đề, như nhìn vào tấm kính chiếu hậu. Nhưng vì ông Trump thắng cử cho nên hôm Chủ Nhật 13, Chủ tịch Tập Cận Bình đã gọi điện chúc mừng.

Nhân tiện, tài chủ họ Tập nói chuyện phải quấy với tài phiệt Donald, nôm na là trình bày hơn thiệt và ngã giá theo kiểu con buôn. “Nếu quý quốc làm khó, như hạn chế nhập cảng iPhone “Made in China”, tệ quốc buộc lòng phải mua Airbus của Âu Châu hơn là Boeing!"  

Khi ấy, bài toán kinh tế cũng là chính trị của Tổng thống Trump sẽ là gì?

Để lấy lòng quần chúng mà khỏi mất lòng các bạn hàng bốn phương, tân Tổng thống sẽ không đánh đòn hù của cựu ứng cử viên (là nâng hàng rào quan thuế) mà sẽ đánh đòn thật: dùng ngay hệ thống luật lệ và cam kết hiện hành của Tổ chức Thương mại Thế giới WTO để tập trung khiếu nại một số chính sách phá giá, bảo hộ hay lũng đoạn hối đoái của Bắc Kinh. Đại sứ Thương mại, các Tổng trưởng Ngân khố và Thương mại do ông Trump bổ nhiệm sẽ thi hành việc đó và bố cáo cho bàn dân thiên hạ thấy rằng ông cứng rắn chống Tầu hơn Chính quyền Obama!

Nhưng ngoài phần trình diễn đó, tân Tổng thống phải khởi sự một nỗ lực khác sẽ được người kế nhiệm thi hành:

Đó là việc xây dựng lại khu vực chế biến nội địa phải mất nhiều năm mới thành, trong khi tiến bộ khoa học kỹ thuật đang mặc nhiên tạo ra một khu vực chế biến mới, được tự động hóa đến tối đa. May ra, khi ông Trump mãn nhiệm thì kinh tế Hoa Kỳ mới định hình được mô thức sản xuất mới, với những ứng dụng tối tân về sản xuất hay ấn loát ba chiều 3-D Printing, Kiến năng nhân tạo, Nano-technology, v.v…. Khổ nỗi, mô thức mới cũng chẳng tạo thêm được việc làm cho công nhân!

***

Vì vậy, không nên chờ phép lạ kinh tế của Donald Trump để tìm lại vang bóng một thời của khu vực chế biến, đằng nào cũng bị đào thải. Nếu lạc quan thì ta nên trông đợi vào viễn kiến của Tổng thống mới để đặt nền móng cho một mô thức kinh tế hoàn toàn đổi khác, với những hậu quả lan rộng vào quan hệ kinh tế của nước Mỹ với thế giới bên ngoài.

Cho nên trận chiến mậu dịch mà nhiều người e ngại ông Trump tiến hành chỉ là mối lo ngoài da.  

Mối lo xương tủy là Hoa Kỳ phải xây dựng hệ thống kinh tế chính trị và luật pháp cho một hình thái sản xuất sẽ chôn cất khu vực chế biến của Mỹ trong vinh quang. Đấy mới là lãnh đạo!