Nguyễn-Xuân Nghĩa - Việt Báo ngày 161109
Giải phẫu sự thất bại của đảng
Dân Chủ
* Quần chúng của Trump không là người điên *
Sau hơn một năm tranh cử, với các ứng cử viên trình bày chủ trương của
mình và quan điểm về các đối thủ - đặc biệt phũ phàng trong cuộc tranh cử tổng
thống – đến lượt cử tri được phép trả lời bằng lá phiếu. Phán quyết của họ gây
ngạc nhiên, làm các thị trường tài chánh hốt hoảng tuột giá, rồi kết quả được
thấy sau nửa đêm, giờ miền Đông.
Hôm sau, mặt trời vẫn mọc trên một khung cảnh chính trị mới của Hoa Kỳ.
Đảng Cộng Hòa đại thắng vì vẫn giữ đa số tại Thượng viện lẫn Hạ viện và
– biến cố bất ngờ nhất - ứng cử viên Donald Trump là Tổng thống tân cử. Với chiến
thắng đó, đảng Cộng Hòa phải hàn gắn mâu thuẫn nội bộ và sáng hôm sau thì hả hê
với bài diễn văn đặc biệt ôn tồn và tích cực của một Donald Trump đầy dáng dấp
Tổng thống về tinh thần đoàn kết. Kế đó, Dân biểu Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan cũng
nói ngay đến nhu cầu hợp tác. Sau đấy, tới lượt Hillary Clinton và Tổng thống Barack
Obama xác nhận phán quyết của cử tri và kêu gọi sự đoàn kết với Tổng thống tân
cử cho tương lai của nước Mỹ. Việc bàn giao đang khởi sự giữa một Tổng thống
Dân Chủ và một Tổng thống Cộng Hòa, và sau khi hốt hoảng bậy, thị trường cổ phiếu
Hoa Kỳ đã tăng giá ngon lành!
Chúng ta sẽ còn nhiều năm tìm hiểu lại chuyển động bất ngờ vừa qua của
nước Mỹ, bài này chỉ có thể tổng hợp vài nét chính, cũng với tinh thần “giải phẫu
một vụ thất bại” như đã viết trước đây về đảng Cộng Hòa.
Sau tám năm cầm quyền của một Tổng thống Dân Chủ với thành tích khả mỏng,
mọi chính khách Cộng Hòa đều có hy vọng lên thay mà chẳng ngờ một nhân vật có
thành tích mơ hồ và phong thái thô lỗ như Donald Trump lại là ứng cử viên! Các
chính khách Cộng Hòa có thể do dự, bất mãn, từ chối ủng hộ, hoặc còn kêu gọi dồn
phiếu cho ứng cử viên của đảng Dân Chủ, mà cuối cùng ông Trump đắc cử. Đảng Cộng
Hòa sẽ phải tự vấn tâm và tìm ra lý do giải thích.
Thật ra, lý do ấy nằm chình ình ngay trong đảng Dân Chủ.
Xưa kia, từ năm 1932 trở về sau, đảng Dân Chủ theo đuổi lý tưởng bảo vệ giới
lao động, đa số là dân da trắng, bằng chánh sách bao cấp. Ngày nay đảng lại dời
xa nếp cũ, cấu kết với tài phiệt, nhắm vào những ưu tiên văn hóa phóng túng của
thiểu số và vận động các sắc tộc thiểu số làm sức mạnh mà coi nhẹ nỗi lầm than
của giới trung lưu da trắng có lợi tức thấp, khi công quỹ bị bội chi, công trái
gia tăng và chánh sách bao cấp làm kinh tế trì trệ. Ngoài quá nhiều tỳ vết của
bản thân và gia đình, Hillary Clinton cũng chẳng thấy được sự chuyển dịch tâm
lý của xã hội ấy nên mới là Con Ong Chúa bị đốt. Bầy ong thợ là truyền thông
dòng chính thì còn tái tê hơn!
Hóa ra Donald Trump bắt mạch được sự tuyệt vọng của lực lượng trung lưu
xưa nay đã xây dựng nếp giá trị tinh thần của nước Mỹ thâm sâu. Niềm kiêu hãnh
và giấc mơ thăng tiến của lực lượng này bị chặn từ mấy thập niên. Ngồi kẹt ở dưới,
họ bàng hoàng khi xã hội tân tiến lại đề cao nếp sống buông thả và khinh miệt
những kỷ cương mà nhiều thế hệ đã thấm nhuần.
Đảng Dân Chủ bỏ rơi họ, giới thượng lưu Cộng Hòa thì lãnh đạm. Cho nên cách
phát biểu của Trump càng bị đả kích thì lực lượng trung lưu thấp càng thấy là
ông mới thông cảm với sự bất mãn của họ. Ông nói lớn những gì họ rủa thầm ở
trong nhà!
Hillary Clinton và giới thượng lưu kinh tế và ưu tú văn hóa tin rằng sẽ
thắng cử mà có lẽ chẳng biết đếm. Truyền thông báo chí và giới nghệ sĩ phóng
đãng còn gây thêm lầm lạc qua phương tiện thông tin tân kỳ và các mạng xã hội.
Phong trào phản kháng nhuốm mùi mị dân của Donald Trump thì đếm theo kiểu khác
để hội đủ số phiếu.
Các cuộc thăm dò ý kiến cử tri sau khi bỏ phiếu cho thấy vài điều bất ngờ.
Phụ nữ có học thì ghét Trump lắm mà không đủ là lực lượng bảo vệ nữ quyền do
Hillary đề cao. Dù mang tiếng là kỳ thị, ông Trump vẫn được 20% lá phiếu của cử
tri gốc Latino. Còn thành phần da trắng quê kệch, nghèo nàn - và mê tín lạc hậu
vì vẫn tin vào Thượng đế lẫn kỷ cương xã hội - đã giúp ông Trump chiến thắng tại
các tiêu bang xôi đậu có tính cách chiến lược nhất. Thí dụ ai cũng nói tới là dù
có Thống đốc Cộng Hòa là John Kasick công khai chống Trump, cử tri Ohio vẫn bỏ
phiếu cho nhân vật lố bịch này!
Hình ảnh tiêu biểu từ cơn động đất vừa qua là giới trẻ thong dong nói về
thời trang điệu nghệ toàn cầu trong quán Starbucks phải nhìn vào vụ nổi loạn của
đám Mỹ ruộng! Các chuyên viên ưu tú từ New York nói tới kinh doanh Thượng Hải
phải tìm hiểu tâm tư của đám bình dân muôn mảu đang xếp hàng đi chợ trong
Wal-Mart.
Đau đớn không kém là giới thượng lưu và ưu tú Âu Châu.
Xưa nay, họ vẫn coi thường nếp văn hóa thô lỗ Hoa Kỳ và khinh miệt nhân
vật thô bỉ nhất của cái đảng nhà quê bảo thủ là đảng Cộng Hòa (trước kỳ bỏ phiếu, tờ
The Economist còn phóng ra bài quan điểm ủng hộ Hillary Clinton!) Họ không ngờ
nền dân chủ quái đản của nước Mỹ cho phép quần chúng hạ lưu lên tiếng. Sở dĩ không
ngờ vì họ quên mất rằng người dân bỏ phiếu vì nỗi quan tâm trước mặt, ở địa
phương, chứ không vì những lý tưởng xa vời ở trên trời. Người dân Anh bỏ phiếu
quyết định việc ra khỏi Liên Âu không vì nỗi đắn đo về vị trí kinh doanh của thủ
đô London trong tương lai mà vì bực bội với làn sóng di dân đang tràn vào địa
phương của họ do mấy quyết định từ thủ đô Bruxelles rất xa xôi của Âu Châu.
Cử tri Mỹ cũng vậy. Họ không bỏ phiếu cho vị trí siêu cường của nước Mỹ
dưới con mắt của một cựu Ngoại trưởng. Đối sách ngoại giao của các ứng cử viên
chưa là đề tài đáng chú ý. Cử tri thiết thực quan tâm đến lợi tức và gánh thuế
phải trả.
Như tại California, giới trung lưu thấp kiếm được mỗi tháng hơn bốn ngàn
bạc, chỉ đủ vặt mũi bỏ mồm, làm sao cho con vào Đại học, nói gì tới loại trường
ưu tú sẽ đào tạo ra thành phần công dân quý tộc toàn cầu? Cho con vào các đại học
cộng đồng thì cũng còn phải đi vay! Bao giờ ra trường và có đủ tiền trả nợ
không? Đảng Dân Chủ cứ nói tới phạm trù trừu tượng là nạn bất công xã hội, giới
thượng lưu của họ đang hưởng sự bất công đó. Còn giới hạ lưu Cộng Hòa thì nhìn
vào nồi cơm và đồng lương không tăng. Hai thế giới trái ngược vừa mới dội vào
nhau.
Và “cái giỏ của thành phần đáng chê” – hình ảnh khiếm nhã của Hillary về
dân nghèo và đám bảo thủ chống phá thai hay hôn nhân đồng tính – đã nổi giận và
đưa Trump lên đài chiến thắng. Khi mà gần phân nửa dân số bị giới thương lưu coi
thường như vậy thì lá phiếu của họ là cách trả lời. Chẳng lẽ nền dân chủ Hoa Kỳ
là thời cơ của Mỹ ruộng? Không, ông Trump đắc cử vì đa số bỏ phiếu chống
Hillary!
Chiến lược của Hillary là biến cuộc bầu cử thành cuộc trưng cầu dân ý về
tác phong thô bỉ của “The Donald”, nào ngờ kết quả lại là trưng cầu dân ý về tư
tưởng trịch thượng và tác phong đáng ngờ của Hillary.
Vì vậy, người viết mới gọi đó là Ong Chúa Bị Đốt, vì chính nọc độc của
mình!
Nhìn rộng ra ngoài, cả thế giới hậu công nghiệp đang bị chấn động mạnh với
niềm tin sa sút vào chính quyền và các định chế thống trị từ 70 năm nay. Hậu quả
là trào lưu mị dân đại chúng và sự thắng thế của các chính đảng hay khuynh hướng
cực đoan. Tình trạng phân cực đó đã thể hiện tại Âu Châu và nhân danh dân chủ hay
chủ quyền quốc gia, nhiều người đề cao chủ nghĩa quốc gia dân tộc, chống toàn cầu
hóa, v.v… Hoa Kỳ cũng gặp hiện tượng đó, với lối diễn tả trực ngôn và thô lỗ rất
Mỹ. Cuộc bầu cử vừa qua chỉ xác nhận chiều hướng thay đổi này.
Trong một kỳ khác, khi có thêm dữ kiện về ban tham mưu đối ngoại của
ông, chúng ta sẽ tìm hiểu về đối sách ngoại giao của Tổng thống Donald Trump.
Ngay trước mắt, ông đang có nhiều ưu tiên khác. Còn ưu tiên của đảng Dân Chủ là
tìm lại bản thể để trở về với người dân. Sau những thất bại liên tục của đảng Cộng
Hòa, tới lượt Dân Chủ phải thoát xác….
Nước Mỹ đáng ghét mà tuyệt vời!
---
Bài này được viết vào ngày sau bầu cử
Thưa bác Nghĩa !
Trả lờiXóaBác đã rất nhiều lần nói là Tổng thống Mỹ không có nhiều quyền lực về đối nội và chỉ có quyền lực ở lĩnh vực đối ngoại. Khi nhìn vào HIến pháp và cách thức tổ chức quyền lực của nước Mỹ thì bác nói hoàn toàn đúng
Nhưng khi thực tế thì có một số trường hợp đặc biệt như cựu Tổng thống Reagan ( 1980 - 1988 ) thì thấy Ông Reagan đã làm được những điều tuyệt với cho nước Mỹ về cả đối nội và đối ngoại. Đối nội chính là kế hoạch kích thích kinh tế mang tên ông và đối ngoại là góp phần làm cho Liên xô sụp đổ
Do đó bác cho cháu hỏi là ý nghĩa câu nói Tổng thống mỹ không có nhiều quyền lực chỉ mang tính chất tương đối phải không ạ ?
Trong trường hợp hiện nay Đảng Cộng hòa nắm trọng Quốc hội 115 của nước Mỹ và ông Trump có thể thu phục được Quốc hội thì hoàn toàn ông Trump sẽ có " thực quyền " hơn không ạ ?
Cháu cảm ơn bác !
Cuộc chấn chỉnh bằng lá phiếu không phải bằng "bạo lực cách mạng" giúp cho Hoa Kỳ trở mình xoay cánh như vậy là tốt đẹp thầy Nghiã ạ. Không có cái gì có thể là hoàn hảo tuyệt đối, nên em cảm thấy mừng cho Hoa Kỳ. Dĩ nhiên như~ng xu hướng cuả cánh tả chỉ là bị "on hold" chứ chẳng phải bị triệt tiêu hoàn toàn, sau vài kỳ rồi lại được giở ra làm tiếp. Bay bằng hai cánh đó mà.
Trả lờiXóaBây giờ là lúc người ta bàn tán việc chọn các quan chức cao cấp. Thầy Nghiã có ý kiến gì không ạ?
Tôi đang theo dõi tiếp, dù rất bận với tờ Báo Xuân và tự an ủi là mình đã ở ngoài vòng tục lụy!
XóaLà một Phật tử chắc thầy Nghĩa cung~ hiểu tục lụy không có vòng nào cả. Nó chính là cái "trần gian đầy vơi" này đó thôi.
Xóa