Nguyên Lam & Nguyễn-Xuân Nghĩa, RFA Ngày 161109
"Diễn đàn Kinh tế"
Nhiều người sẽ phải hy sinh, được phúc lợi ít hơn và
đóng thuế nhiều hơn...
Hôm Thứ Ba, hơn 130 triệu người Mỹ đã đi bầu trong một cuộc tổng
tuyển cử sóng gió nhất của lịch sử cận đại Hoa Kỳ. Cuộc tranh cử tại Mỹ khiến
cả thế giới quan tâm theo dõi vì siêu cường này vẫn có ảnh hưởng toàn
cầu và lý tưởng dân chủ của nước Mỹ có giá trị phổ biến. Nhưng, sau cuộc bầu cử, đâu
là những bài toán kinh tế của nước Mỹ?
Cần chuẩn bị cho năm mười năm tới
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin
kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, hôm Thứ Ba
mùng tám, cử tri Hoa Kỳ có tổng tuyển cử để bầu ra những người sẽ lãnh
đạo nước Mỹ, gồm có Tổng thống, Phó Tổng thống, toàn thể 435 Dân biểu Hạ
viện, 34 trong số 100 Nghị sĩ Thượng viện cùng 12 Thống đốc Tiểu bang
và nhiều chức vụ dân cử khác tại các địa phương. Cuộc tranh cử Tổng
thống năm nay cuốn hút sự chú ý của dư luận khắp nơi vì không khí rất lạ
kỳ, thậm chí kỳ cục, với ngôn từ có vẻ nhuốm mùi mị dân. Nhưng việc bầu
cử không chỉ có hai người đứng đầu Hành pháp Liên bang mà còn có nhiều
đại biểu khác và Nguyên Lam xin đề nghị ông phân tích cho là sau cả năm
tranh cử, cấp lãnh đạo mới của nước Mỹ sẽ phải giải quyết những bài toán
kinh tế nào?
Trong cuộc tranh cử, ít ai nói tới những yêu cầu của năm mười năm tới, nhưng nếu không có kế hoạch giải quyết ngay từ bây giờ thì nước Mỹ cũng có thể đi vào chu kỳ suy thoái đã thấy tại Nhật Bản. Nguyễn-Xuân Nghĩa
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Trước hết, tôi xin nêu vài nhận xét về phong thái tranh cử khá đặc biệt của Hoa Kỳ để người ta khỏi hiểu lầm về nền dân chủ Mỹ.
- Ngay thời lập quốc hơn 200 năm trước, tranh cử Tổng thống tại Hoa Kỳ
đã có nét sỗ sàng tới mức thô tục giữa ban vận động của các ứng cử viên,
là điều ít thấy ở nhiều nước dân chủ khác. Nhưng chẳng vì vậy mà họ lại
coi nhau là kẻ thù phải tiêu diệt và sau bầu cử thì họ vẫn nói đến việc
dung hòa quan điểm và hợp tác chứ không bỏ tù hay thủ tiêu đối lập. Thứ
hai, trong nền dân chủ Mỹ, ai cũng có quyền nêu ra loại đòi hỏi ưu tiên
mà người khác có khi gọi là phụ thuộc hay chẳng đáng kể. Cái quyền công
khai xác định tầm quan trọng ưu tiên đó, như nên bảo vệ kỷ cương xã
hội hay phải bảo vệ quyền tự do văn hóa, cũng phản ảnh tinh thần dân chủ
mà xứ khác lại cho là thái quá. Thứ ba, nhiều khi việc tranh cử tại Mỹ
có nhuốm mùi mị dân, nói cho lịch sự là “đại chúng”, lần này cũng vậy.
Tuy nhiên, ta nên thấy rằng đấy là trào lưu đang phổ biến tại các xứ
Âu-Mỹ khi quần chúng thất vọng với giải pháp cổ điển của các chính đảng
truyền thống nên ưa thích loại chương trình táo bạo mà người khác cho là
mị dân. Then chốt nhất, nhiều chế độ độc tài như phát xít hay cộng sản
đã xuất phát từ phong trào mị dân, tại Hoa Kỳ thì điều ấy rất khó xảy ra
chính là vì dân chúng có quyền chọn ưu tiên khác và các lãnh tụ mị dân
sẽ sớm trôi vào lãng quên. Bây giờ thì ta có thể trở lại trọng tâm của
đề tài.
Nguyên Lam: Thưa vâng, trọng tâm của đề tài là những bài
toán kinh tế đang chờ đợi giới lãnh đạo mới. Thưa ông, cụ thể thì đâu là
những ưu tiên mà họ cần giải quyết?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Người ta có nhiều cách xác định ưu tiên,
bản thân tôi thì thấy ra ba loại vấn đề lớn mà Tổng thống thứ 45 và Quốc
hội Khóa 115 sẽ tuyên thệ nhậm chức vào đầu năm tới phải sớm cùng giải
quyết. Dư luận quá chú ý đến cuộc bầu cử Tổng thống chứ việc bầu ra Quốc
hội mới cũng rất quan trọng để góp phần giải quyết ba bài toán này
trong mấy năm tới.
- Thứ nhất là sự chuyển dịch dân số gây ra nạn lão hóa,
với tỷ lệ người già cao hơn nên đòi hỏi nhiều dịch vụ hơn xưa. Thứ hai
là hồ sơ di dân. Hoa Kỳ có dân số tương đối trẻ nhất các nước hậu công
nghiệp là nhờ di dân, mà cũng vì vậy nên gặp nhiều bài toán kinh tế xã
hội phải giải quyết. Thứ ba, và gần như là hậu quả của hai vấn đề trên,
chính là nạn thiếu hụt công quỹ và phải vay mượn. Ba loại thách đố ấy sẽ
đòi hỏi sự tỉnh táo để giải quyết, chứ không dễ hứa hẹn như khi đi
tranh cử.
Nguyên Lam: Chúng ta nghe nói đến nạn lão hóa dân số tại
Nhật Bản, Âu Châu và thậm chí Trung Quốc, thưa ông, Hoa Kỳ cũng gặp hiện
tượng đó hay sao?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Mọi quốc gia đã phát triển đều tiến tới
tình trạng đó khi người ta lập gia đình trễ hơn và có ít con hơn, vài
chục năm sau thì lực lượng lao động vì thu hẹp trong khi giới cao niên
lại đông hơn và sống thọ hơn nên tự nhiên trở thành loại trung tâm phí
tổn mà lớp người trẻ đang ở vào tuổi lao động phải chu cấp qua ngả này
hay ngả khác. Cụ thể thì tại Hoa Kỳ, thành phần cao niên trên 65 tuổi đã
càng ngày càng đông, từ 12,5% dân số vào năm 1990 thì sẽ chiếm 16%
trong vài năm nữa, để tới năm 2030 sẽ là 20% dân số. Khối dân này đòi
hỏi nhiều khoản chi của ngân sách liên bang nên có thể giới hạn các ưu
tiên kia. Người ta thấy rằng đà tăng trưởng kinh tế Hoa Kỳ có giảm sút
một phần cũng vì hiện tượng dân số đó, khi thế hệ sinh đẻ vào thời Hậu
chiến, từ 1946 tới 1964 sẽ dần dần về hưu mà vẫn cần các dịch vụ xã hội
hay y tế cho tuổi già. Trong cuộc tranh cử, ít ai nói tới những yêu cầu
của năm mười năm tới, nhưng nếu không có kế hoạch giải quyết ngay từ bây
giờ thì nước Mỹ cũng có thể đi vào chu kỳ suy thoái đã thấy tại Nhật
Bản.
Phúc lợi sẽ ít hơn và đóng thuế sẽ nhiều hơn?
Nguyên Lam: Ông vừa nói Hoa Kỳ có dân số trẻ nhất trong các
nước hậu công nghiệp chính là nhờ tiếp nhận di dân. Bây giờ, thưa ông
vì sao di dân lại là loại vấn đề ưu tiên của Mỹ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Quả thật là khi tiếp nhận di dân, đa số từ
các nước nghèo hơn với tỷ lệ sinh sản cao hơn người bản địa, thì Hoa Kỳ
có dân số tương đối trẻ hơn và vài chục năm nữa lại còn trẻ hơn dân số
Trung Quốc nên sẽ có năng suất còn cao hơn. Tuy nhiên, việc hấp thụ di
dân đòi hỏi thời gian và tốn kém, nếu không khéo giải quyết thì dễ gây
mâu thuẫn chính trị giữa di dân và người bản địa như chúng ta đã thấy
trong cuộc tranh cử năm nay.
Nguyên Lam: Thưa ông, chúng ta nên nhìn như thế nào thì có
thể hiểu ra bài toán kinh tế, xã hội và chính trị của vấn đề di dân vì
đấy đã là một đề tài tranh luận khá gay gắt tại Hoa Kỳ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi nghĩ là giữa khối dân bản địa và thành
phần di dân cần có một tỷ lệ tương xứng để di dân học hỏi và chấp nhận
các giá trị văn hóa tinh thần đã làm nên bản sắc quốc gia. Với lãnh thổ
rộng lớn và đất đai phì nhiêu, Hoa Kỳ thừa sức có dân số cao gấp ba,
nhưng đấy là về dài. Trong trung hạn thì vẫn cần thời gian hội nhập lớp
người mới định cư. Tính đến vài năm trước thì thành phần sinh đẻ ngoài
nước Mỹ, là di dân, lên tới 42 triệu, là 13% dân số toàn quốc, tỷ lệ cao
nhất từ trăm năm nay nên khó nói là người Mỹ kỳ thị di dân.
- Vấn đề là trong số này cỡ 11 triệu là nhập cư bất hợp pháp nên khó xử
trí theo cả hai mặt tình lý. Sau khi định cư thì di dân và con cái phải
học ngôn ngữ và tập quán Mỹ và được giáo dục đào tạo để làm nên sự giàu
mạnh cho Hoa Kỳ và trong giai đoạn ấy thế hệ nào cũng có những va chạm
để thích ứng. Nếu nhận vào quá đông và quá nhiều người thiếu tay nghề
thì giai đoạn thích ứng sẽ kéo dài, tốn kém và mâu thuẫn giữa lớp người
trước và người sau thường xảy ra. Nhiều xứ khác đặt nặng tiêu chuẩn tay
nghề hay kiến năng của di dân, Hoa Kỳ lại có từ tâm thiện ý và thiên về
tiêu chuẩn đoàn tụ gia đình nên càng dễ gặp loại mâu thuẫn đó. Chưa nói
tới mối nguy khủng bố, nhiều nước Âu Châu cũng gặp bài toán này và vì lẽ
đó khủng hoảng đã xảy ra trong nội bộ Liên hiệp Âu châu.
Nguyên Lam: Thưa ông, nếu vậy thì hiện tượng lão hóa dân số
và bài toán di dân lại kết tụ vào nhau và ảnh hưởng đến tương lai của
nước Mỹ. Trong khi đó, phải chăng là các ứng cử viên cứ tranh luận về
quá khứ mà chưa nói rõ là họ sẽ làm gì cho tương lai?
Kết luận ở đây là sau khi tranh cử với đầy hứa hẹn, thực tế kinh tế sẽ bắt Hành pháp và Lập pháp hợp tác với nhau để nói thật rằng nhiều người sẽ phải hy sinh, được phúc lợi ít hơn và đóng thuế nhiều hơn. Nguyễn-Xuân Nghĩa
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Trong mọi cuộc tranh cử thì mục đích yêu
cầu chỉ là thắng cử, mọi kế hoạch hành động như thuế khóa, anh sinh, trợ
cấp hay an ninh quốc phòng, v.v… đều chỉ là phác họa mà thôi. Sau khi
đắc cử thì người ta mới thấy ra nhiều vấn đề thật và sẽ phải cùng hợp
tác để giải quyết. Nếu không, họ sẽ thất cử vào kỳ tới!
- Khi đó, giới lãnh đạo mới thấy rằng mọi chương trình đều lệ thuộc vào
một điều kiện là kinh tế phải tăng trưởng để quốc gia có phương tiện
giải quyết. Nhưng làm sao tăng trưởng và phát triển khi Hoa Kỳ đang mắc
nợ quá nhiều? Sản lượng kinh tế của nước Mỹ hiện ở mức 18 ngàn tỷ đô la
một năm, mà gánh nợ thì lên tới gần 20 ngàn tỷ, chưa kể khoảng ba ngàn tỷ
của chính quyền tiểu bang hay các địa phương. Chương trình của chúng ta
nhiều lần nói tới núi nợ quá lớn và sẽ sụp đổ của Trung Quốc mà không
thể quên gánh nợ của nước Mỹ đã lên tới khoảng 125% của Tổng sản lượng
chứ không ít. Đấy không là chuyện nợ nần trong nội tình Hoa Kỳ mà là nợ
các thế hệ về sau, thí dụ như về qũy An sinh Xã hội do lớp trẻ đóng góp
để trả cho người già yếu. Chưa nói đến việc thanh toán các khoản nợ đang
tích lũy thì hàng năm ngân sách quốc gia Hoa Kỳ vẫn phải trả tiền lời,
ít ra là 250 tỷ trong năm nay và thật ra còn nhiều hơn vậy, lên tới 400
tỷ nếu kể thêm nhiều khối nợ ngoại ngạch. Với đà này thì chưa đầy chục
năm nữa, khoản tiền lời đó có thể lên tới 800 tỷ đô la một năm.
- Trong khi ấy, vì kinh tế tăng trưởng chậm, thu hoạch về thuế khóa sút
giảm so với yêu cầu công chi và hiện có khoảng 43 triệu người thuộc
diện nghèo khốn, 56 triệu người ghi danh trong quỹ Bảo trợ Y tế
Medicare, gần 43 triệu cần phiếu trợ cấp thực phẩm, v.v… Đấy là các bài
toán đang chờ đợi thành phần vừa mới đắc cử. Khi tranh cử thì ai cũng có
thể hứa hẹn sẽ tăng trợ cấp hay không giảm phúc lợi, nhưng thực tế của
kế toán quốc gia, cụ thể là nạn bội chi ngân sách đã lên tới hơn ngàn tỷ
lại không cho áp dụng chính sách hào phóng đó. Nếu cứ tiếp tục thì mỗi
năm số công trái, là nợ nần của công quyền, sẽ thêm hai ngàn tỷ.
Nguyên Lam: Thưa ông, nếu tính nhẩm thì ngoài khoản nợ hiện
nay là hơn 20 ngàn tỷ, cộng thêm tiền lời và số bội chi cỡ hai ngàn tỷ
một năm, v.v… như ông vừa trình bày, trong vòng năm năm nữa thôi, số
công trái của nước Mỹ có thể lên tới 30 ngàn tỷ đô la. Chưa nói đến vốn
chứ khoản tiền lời hàng năm ngân sách quốc gia cần thanh toán có thể lên
tới mức nào?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Với đà hứa hẹn tăng chi trong cuộc tranh cử
vừa qua thì kinh tế Mỹ có thể bị lạm phát và lãi suất tăng nên tiền lời
cũng tăng và có thể ngốn hết từ 15 đến 16% số thu ngân sách chứ không
ít. Tình trạng đó không thể kéo dài nên sớm muộn gì giới lãnh đạo cũng
phải giải quyết. Khi ấy, họ rơi vào vòng luẩn quẩn: in tiền ra trả nợ
thì gây lạm phát, nếu tăng thuế thì kinh tế bị suy trầm, thất nghiệp
tăng và nguồn thu thuế khóa giảm nên càng mắc nợ. Hiện nay, các mục chi
nặng nhất của ngân sách liên bang Hoa Kỳ là tiền lời, quốc phòng và dịch
vụ y tế xã hội, đấy là chưa kể tới quỹ An sinh Xã hội phải thanh toán
cho người về hưu ngày càng đông sau một đời lao động. Vì hai yêu cầu về
quốc phòng và tiền lời đi vay đều khó giảm nên các khoản chi xã hội sẽ
bị ảnh hưởng, tức là bị cắt. Kết luận ở đây là sau khi tranh cử với đầy
hứa hẹn, thực tế kinh tế sẽ bắt Hành pháp và Lập pháp hợp tác với nhau
để nói thật rằng nhiều người sẽ phải hy sinh, được phúc lợi ít hơn và
đóng thuế nhiều hơn. Giải pháp duy nhất khả thể là tìm đà tăng trưởng
cao hơn cho nền kinh tế. Lúc đó, nhiều người có thể tự hỏi là vì sao lại
ra tranh cử Tổng thống để ôm lấy bài toán khó khăn này!
Nguyên Lam: Trong khi đó, dân chúng theo dõi việc giải
quyết bài toán đó để quyết định về lá phiếu của họ trong cuộc bầu cử
tới! Nguyên Lam và Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do xin cảm tạ ông về bài
phỏng vấn này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét