Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người-Việt Ngày 161114
"Kinh Tế Cũng Là Chính Trị"
Làm sao tìm lại vang bóng của khu vực chế biến Hoa Kỳ?
* Cơ sở GM này đóng cửa... *
Trước sự bàng hoàng của dư luận toàn
cầu và các thị trường tài chánh thế giới về việc tỷ phú Donald Trump đắc cử
Tổng thống một cách bất ngờ, người ta phải nhìn về đằng sau và mất nhiều năm để
tìm ra những lý do giải thích tương đối hợp lý. Nhưng, trong khi đó kinh tế vẫn
vận hành và sinh hoạt người dân vẫn tiếp tục. Khi ấy, ta cần cái nhìn “nóng”,
tức thời, về tương lai trước mắt, xem chính sách kinh tế của vị Tổng thống Tân
cử sẽ ảnh hưởng ra sao tới đời sống. Nghĩa là vì “kinh tế cũng là chính trị”, chúng
ta cần nhìn ra đằng trước, để lượng định xem chính trị chi phối kinh tế ra sao. Bài này được viết
trong tinh thần đó….
***
Một sự kiện thuộc về bối cảnh trường
kỳ đã lọt ra khỏi tầm nhìn của nhiều người, đó là sự chuyển dịch xã hội dưới ảnh
hưởng của kinh tế và khoa học kỹ thuật.
Hơn hai thế kỷ trước, 50% dân số Hoa
Kỳ - các nước Âu châu cũng vậy – sinh sống trong các nông trại, nôm na là nông
dân. Ngày nay, tám chín thế hệ sau, tỷ lệ dân số trong nông nghiệp Mỹ chỉ còn
là 2%. Cái nhìn thiển cận và bi quan thì kết luận rằng giai cấp nông dân bị giai
cấp công nhân tiên tiến tiêu diệt! Ngày nay, trong hình thái kinh tế hậu công
nghiệp, một lực lượng lao động rất lớn của các lãnh vực sản xuất hay dịch vụ cổ
điển, như chế biến (hay lái xe vận tải!) sẽ mất việc như nông dân đã mất việc
và lực lượng này phải kiếm nghề khác. Nhưng sự thay đổi ấy không diễn tiến chậm
rãi qua nhiều thế hệ mà xảy ra trong… nửa thế hệ, chừng dăm bảy năm thôi, và xảy
ra đồng loạt trong nhiều khu vực sản xuất.
Thu hẹp ống kính thì việc làm trong
khu vực chế biến với thành phần công nhân quý tộc vì quý báu cho kinh tế bỗng tiêu
tan rất nhanh và ngày càng nhanh. Nhanh tới độ công nhân không kịp chuyển
hướng, học nghề và tìm ra việc làm khác để giữ được lương cao, hay ít ra là mức
lương cũ. Họ cảm thấy là bị nghèo đi trước một tương lai mờ mịt. Thế rồi, khi
giới kinh tế nói đến sự sa sút của khu vực chế biến thì giới chính trị bèn tìm
ra thủ phạm, để xin việc làm qua lá phiếu. Họ đổ lỗi cho kinh tế thị trường, tự
do mậu dịch và toàn cầu hóa, v.v….
Cả hai ứng cử viên Cộng Hòa và Dân Chủ
đều thi đua đổ lỗi và hứa hẹn phép lạ. Nếu đắc cử, Tổng thống Hillary Clinton phải
làm phép lạ kinh tế ấy! Chẳng may đắc cử, Tổng thống Donald Trump rơi vào khó
khăn tương tự. Thủ tướng Winston Churchill có câu nói mà kịch sĩ Donald Trump
đang thấm thía khi nhập vai Tổng thống: “Phe chiến thắng cũng gặp vấn đề, may
quá là loại vấn đề dễ chịu hơn, nhưng không phải là dễ giải quyết!”
Bây giờ, thay vì dành một cuốn sách
cho việc giải quyết ngần ấy vấn đề, xin hãy nhìn vào khu vực chế biến, và trong
khu vực kinh tế này, tập trung vào “thủ phạm chính trị” là hiệp ước tự do mậu
dịch. Khi tranh cử, Donald Trump bày tỏ quyết tâm đàm phán lại các hiệp ước tự
do thương mại để khôi phục công việc làm trong khu vực chế biến Hoa Kỳ. Thí dụ
nổi bật là Hiệp ước Tự do Mậu dịch Bắc Mỹ NAFTA đã được Tổng thống Bill Clinton
ban hành từ năm 1994 sau khi được Quốc hội phê chuẩn trước đó. (Éo le không kém
là Hiệp ước Xuyên Thái Bình Dương TPP mà Chính quyền Obama phải ngậm ngùi giã
biệt vì sự chống đối của cả hai đảng trong Quốc hội lẫn hai ứng viên trong cuộc
tranh cử vừa qua – nhưng đấy là một đề tài khác vì giấy mực có hạn!)
Bước đầu, ông Trump đòi đơn phương
triệt thoái khỏi nhóm NATFA gồm Canada, Mỹ và Mễ. Việc đó bất khả vì ba lý do,
luật pháp, hiến pháp và sự cưỡng chống của doanh trường. NAFTA là gạo đã thành
cơm còn thơm hơn rượu nếp, vì hội nhập kinh tế Hoa Kỳ vào cả một chu trình cung
cấp của các doanh nghiệp với Mexico và Canada. Trong hàng nhập từ các xứ này có
cơ phận do doanh nghiệp Mỹ chế biến. Xóa bỏ cam kết là hết chuyện chơi.
Nếu không thể đơn phương tháo chạy
thì Hoa Kỳ dưới sự lãnh đạo của Tổng thống thứ 45 và Quốc hội khóa 115 có thể thương
thuyết lại, với các luận cứ dọa và dụ. Thí dụ như hăm dọa tăng thuế nhập nội
trên hàng nhập cảng. Kinh nghiệm làm ăn và ngã giá của doanh gia Donald Trump
cho biết là xứ Mễ cũng có thể trả đũa làm giảm mức xuất cảng của Mỹ. Chi bằng
ta tập trung vào chuyện râu ria để tìm chiến thắng biểu kiến về chính trị: xứ
Mễ phải chấp hành các quy định về môi sinh và về xuất xứ của hàng hóa bán qua
Mỹ. Đấy là thắng lợi rất nhỏ và ưu tiên rất thấp trong chán vạn hồ sơ khác mà
ông Trump cần giải quyết ngay.
Cũng theo hướng đó, Tổng thống Tân
cử Hoa Kỳ có thể đòi trừng phạt Trung Quốc qua biện pháp nâng hàng rào quan
thuế.
Trong quan hệ thương mại Mỹ-Hoa,
nước Mỹ nhập cảng nhiều sản phẩm hoàn tất như điện thoại thông minh, vật gia
dụng hay đồ chơi trẻ em, hàng dệt sợi, xưa kia thuộc khu vực chế biến Hoa Kỳ,
nay là sản phẩm “chế tạo tại Trung Quốc”. Thật ra trong loại hàng này, nhiều
món có thể được gọi là “sản phẩm Hoa Kỳ chế biến tại Trung Quốc”, với phần đóng
góp của Nhật Bản, Nam Hàn, Singapore hay Malaysia.
Từ nhiều năm nay, Bắc Kinh cũng gặp
bài toán của các nước Tây phương đi trước, là thấy khu vực chế biến của mình bị
rút ruột vì giới đầu tư đi tìm các thị trường có ưu thế rẻ hơn, như Mễ, Ấn,
Việt, Nam Dương hay Bangladesh, v.v…. Trung Quốc đang muốn đa năng hóa cơ chế
sản xuất và leo lên bậc thang cao hơn, như từ chế biến lên dịch vụ, với giá trị
gia tăng hay đóng góp nhiều hơn và đành phải chạy đua mà chỉ sợ loạn ở bên
trong vì hết là công xưởng chế biến của toàn cầu.
Bây giờ, cả Hillary Clinton lẫn
Donald Trump đều muốn đặt lại vấn đề, như nhìn vào tấm kính chiếu hậu. Nhưng vì
ông Trump thắng cử cho nên hôm Chủ Nhật 13, Chủ tịch Tập Cận Bình đã gọi điện chúc
mừng.
Nhân tiện, tài chủ họ Tập nói chuyện
phải quấy với tài phiệt Donald, nôm na là trình bày hơn thiệt và ngã giá theo
kiểu con buôn. “Nếu quý quốc làm khó, như hạn chế nhập cảng iPhone “Made in
China”, tệ quốc buộc lòng phải mua Airbus của Âu Châu hơn là Boeing!"
Khi ấy, bài toán kinh tế cũng là chính trị của Tổng thống Trump sẽ là gì?
Khi ấy, bài toán kinh tế cũng là chính trị của Tổng thống Trump sẽ là gì?
Để lấy lòng quần chúng mà khỏi mất
lòng các bạn hàng bốn phương, tân Tổng thống sẽ không đánh đòn hù của cựu ứng
cử viên (là nâng hàng rào quan thuế) mà sẽ đánh đòn thật: dùng ngay hệ thống
luật lệ và cam kết hiện hành của Tổ chức Thương mại Thế giới WTO để tập trung
khiếu nại một số chính sách phá giá, bảo hộ hay lũng đoạn hối đoái của Bắc
Kinh. Đại sứ Thương mại, các Tổng trưởng Ngân khố và Thương mại do ông Trump bổ
nhiệm sẽ thi hành việc đó và bố cáo cho bàn dân thiên hạ thấy rằng ông cứng rắn
chống Tầu hơn Chính quyền Obama!
Nhưng ngoài phần trình diễn đó, tân
Tổng thống phải khởi sự một nỗ lực khác sẽ được người kế nhiệm thi hành:
Đó là việc xây dựng lại khu vực chế
biến nội địa phải mất nhiều năm mới thành, trong khi tiến bộ khoa học kỹ
thuật đang mặc nhiên tạo ra một khu vực chế biến mới, được tự động hóa đến tối
đa. May ra, khi ông Trump mãn nhiệm thì kinh tế Hoa Kỳ mới định hình được mô
thức sản xuất mới, với những ứng dụng tối tân về sản xuất hay ấn loát ba chiều
3-D Printing, Kiến năng nhân tạo, Nano-technology, v.v…. Khổ nỗi, mô thức mới
cũng chẳng tạo thêm được việc làm cho công nhân!
***
Vì vậy, không nên chờ phép lạ kinh
tế của Donald Trump để tìm lại vang bóng một thời của khu vực chế biến, đằng
nào cũng bị đào thải. Nếu lạc quan thì ta nên trông đợi vào viễn kiến của Tổng
thống mới để đặt nền móng cho một mô thức kinh tế hoàn toàn đổi khác, với những
hậu quả lan rộng vào quan hệ kinh tế của nước Mỹ với thế giới bên ngoài.
Mối lo xương tủy là Hoa Kỳ phải xây dựng hệ thống kinh tế chính trị và luật pháp cho một hình thái sản xuất sẽ chôn cất khu vực chế biến của Mỹ trong vinh quang. Đấy mới là lãnh đạo!
Thưa bác Nghĩa,
Trả lờiXóaCháu từng xem một chương trình của bác (cháu không nhớ rõ là "Giờ Giải Ảo" hay "Bên Kia Màn Khói") có nói thời đi học bên Pháp bác từng đánh nhau với một người, sau này người đó có viết thư xin kết bạn lại với bác. Cháu cũng vừa bị bạn tuyên bố "từ mặt" vì có những tư tưởng cánh hữu, cổ vũ tự do kinh tế. Để có tư tưởng này là một quá trình gian khổ với trái tim tràn đầy thiện tâm, chính trực, và cẩn trọng như cháu cố gắng kiểm tra lại từng chi tiết một bác viết hay bác Vũ Linh viết, mà nhận được kết quả này thì quả là đáng buồn.
Có lẽ mình đã chọn nhầm bạn, anh ta còn sân si vì chuyện chính trị trong khi đáng lẽ ra đó phải là chuyện nhỏ ở các mối quan hệ cá nhân mới đúng chứ? Cháu luôn nghĩ như thế và càng tâm niệm như thế!
Xin phép bác bữa nay cho cháu tâm sự vì cháu nghĩ có lẽ bác từng gặp những tình huống tương tự (vì cháu đoán chắc chắn bác là người thiên về cánh hữu và có thiện tâm, đạo đức lẫn sự chính trực) nên có thể cho cháu một chút gì đó từ người từng trải. Nếu bác cảm thấy bình luận này thật vớ vẩn thì mong bác thông cảm và bỏ qua.
Cháu xin cảm ơn bác và chúc bác giữ gìn tốt sức khỏe để có thêm nhiều bài viết hay!
Cám ơn độc giả dễ thương này. Chúng ta có thể im, hoặc trước hiện tình đất nước thì nói ra những suy nghĩ của mình mà không quên là thiên hạ có thể có thiên kiến và thậm chí thiếu hiểu biết vì không toàn thời suy ngẫm và tìm hiểu. Khi đó mình cũng mong được lời phản biện có cơ sở và chấp nhận là bị người khác nhục mạ! Đấy là lúc ta nhớ đến thành ngữ "chân cứng đá mềm"...
Xóa@Thinh Pham: Nếu được thì add friend nhé. Email mình là : kevinvo2710@gmail.com
XóaThưa bác Nghĩa,
Trả lờiXóaBác nghĩ thế nào về chiến tranh thông tin đang diễn ra khi Google, Facebook đang tuyên chiến với truyền thông cánh hữu-theo chủ nghĩa tự do cổ điển, đây chẳng phải là bóp nghẹt tự do ngôn luận, ngày càng toàn trị hóa đấy sao?
http://www.breitbart.com/california/2016/11/16/google-facebook-to-defund-conservative-sites-as-fake-news/
Chuyện này làm cháu nhớ đến nhiều người đang đề cập tự do ngôn luận bị giết chết tại châu Âu (đặc biệt là cách truyền thông xứ Thụy Điển hay Đức, hay BBC của Anh Quốc cố ý đưa sai sự thật về vấn đề Hồi giáo) và đặc biệt cảm phục nhà báo Flemming Rose vì tinh thần tự do báo chí của ông:
https://www.cato.org/friedman-prize
Vụ FB hay GG, thậm chí nguyên cả hệ thống siêu cực tả ở Silicon Valley đang cố gắng giết hại có hệ thống tự do ngôn luận tại Mỹ. Nếu con người không được tự do nói ra suy nghĩ của mình, bị chụp mũ bằng những từ xấu xa nhất khi đang nói sự thật (như "racist"), thế khác nào sống dưới chế độ cộng sản? Khi cháu nhìn vào chỉ đang thấy thiểu số khống chế cả truyền thông, giáo dục và kinh tế tùy ý làm bậy, và sẵn sàng bôi nhọ những người chống lại chúng một cách không từ thủ đoạn.
Cháu thật lo lắng về tương lai và tự hỏi liệu sự tự do có thể quay trở lại và làm cách nào để thúc đẩy sự tự do với tư cách là một cá nhân nhỏ bé? Kính mong bác cho vài lời bình.
Cháu xin cảm ơn.
Dainamax hơi chậm yết bài vì tôi quá bận với việc hàng ngày và... tờ Xuân Việt Báo mà tôi làm chủ biên từ 2003! Sẽ đề cập đến chuyện này, nhưng xin cảnh báo rằng truyền thông báo chí không luôn luôn khách quan và nếu tiến bộ về công nghệ thông tin là cơ hội truyền bá tư tưởng thì cũng là nơi kẻ gian tung bạc giả cho thiên hạ xài! Cái khó là ta phải biết- và biết chọn! Năm sáu tin do cùng một nơi, như Google, Bloomberg hay AOL, tung ra không có giá trị bằng cùng một tin do năm sáu nơi đưa ra với nội dung khác biệt! Sống trong nền dân chủ quả là mệt hơn trong chế độ độc tài vì đòi hỏi phải dùng cái đầu! Nhung cũng nhờ vậy mà kẻ gian khó tung bạc giả ra thị trường.
Xóa
Trả lờiXóaWelcome home, Apple.
http://www.breitbart.com/big-government/2016/11/18/silicon-valley-bows-to-trump-apple-to-build-iphones-in-america/
Con chào ông Nghĩa ạ! Chuyện của con còn đáng buồn hơn. Con nói lên sự thật thì đứa bạn thân con cắt dut lien hệ với con(con là dan di cư sống ở trong nam,bạn thân con ở ngoài bắc). Các anh em họ hàng thì coi thường con(lo cho mình không nổi mà bày đặt lo chuyện đất nước).
Trả lờiXóa