Nguyễn-Xuân Nghĩa - Việt Báo ngày 161111
Donald Trump diễn xuất giỏi, bây
giờ mới sống và làm thật!
* Bợm thật! *
Chúng ta vừa chứng kiến một bi hài kịch chính trị của Hoa Kỳ, khi tỷ phú
Donald Trump bất ngờ thắng cử trước sự bàng hoàng của đa số - kể cả cử tri đã dồn
phiếu cho ông. Sau này, giới nghiên cứu sẽ tìm hiểu về các lý do, giới chính trị
thì nghĩ ngay tới nhiệm kỳ đầu của Tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ.
Vì lãng tai, người viết chẳng sợ súng nên xin có vài ý kiến ba xu về hiện
tượng này.
Donald Trump là người có ma lực thuyết phục, là đức tính trời cho. Ông
thuyết phục người ta tin vào điều ông nói mà khỏi kiểm chứng - và cũng chẳng cần
kiểm chứng. Với đặc tính thiên phú ấy, ông còn là một người giỏi diễn xuất. Nói
cho gọn, Donald Trump là kịch sĩ. Điều này chẳng bất ngờ vì ông có show truyền
hình của mình. Thứ ba, là người cực kỳ thông minh, Trump cảm nhận được tâm lý
quần chúng, hay khán giả, nếu ta nghĩ tới sân khấu kịch nghệ.
Là kịch sĩ, ông lại không diễn theo kịch bản do ai đó soạn thảo, ông cứ nhìn
xuống cử tọa rồi theo đó mà diễn xuất cho hợp ý khán giả. Các chính khách hay thầy
giáo có tài đều phải như vậy: tùy phản ứng cử tọa mà chuyển đạt thông tin, chứ
không chúi mũi vào diễn văn hay bài giảng mà độc thoại, nói một mình, cho mình.
Ma lực thuyết phục là lợi thế được Donald Trump tận dụng, để thuyết phục
cử tọa hay cử tri, rằng ông là “người của họ”.
Về chính trị thì đấy là nghệ thuật mị dân, được gọi lịch sự là “đại
chúng”. Cứ theo ý đám đông mà nói, dù nói ra nhiều điều mâu thuẫn. Cũng về
chính trị, hay triết lý chính trị, Donald Trump không có chủ thuyết. Chủ thuyết
là chuyện tính sau, may lắm thì… ông đang tính.
Nhờ tài năng đó, Donald Trump nói ra những điều mà rất nhiều người đang
nghĩ trong đầu. Ông nói như chẳng suy nghĩ và xúc phạm thiên hạ mà không bao giờ
xin lỗi, hoặc cải chính. Chính là nét sống sượng đôi khi cố tình vô giáo dục ấy lại càng
được cử tọa thấy rằng ông nói thật. Ông đóng kịch là người nói thật và nói lớn
cảm nghĩ thầm kín của nhiều người. Mục tiêu là dù chẳng có tổ chức hay phe phái
gì trong đảng Cộng Hòa, ông vẫn phải có quần chúng.
Lực lượng quần chúng đó, hơn là tài mạt sát hay tật trâng tráo, mới giúp
ông loại bỏ các đối thủ có thế giá trong đảng. Họ thua ông không vì họ chẳng
dám chửi, mà vì họ không nhìn ra sự bất mãn của một số quần chúng đông đảo
trong đảng. Tức là đảng Cộng Hòa có vấn đề mà các bậc trưởng thượng,
thành phần ưu tú có ảnh hưởng trong đảng, lại chẳng nhìn ra.
Truyền thông chính mạch, có tinh thần thiên tả và thiên vị, cũng không
làm nổi bật một sự kiện thống kê: mỗi khi Trump xuất hiện, người ta đông đảo
tham dự với nhiệt tình, đông đảo và say mê hơn quần chúng tham gia các cuộc vận
động của bà Hillary Clinton. Dù có quê kệch thì nhiệt tình đó vẫn là thực tế.
Trump hiểu ra thực tế đó, chúng ta thì không, cho nên mới bị ngạc nhiên, càng ngạc
nhiên hơn nữa khi cử tri phía Dân Chủ lại tham gia bỏ phiếu ít hơn. Họ không
say mê náo nhiệt bằng thành phần ủng hộ ông Trump. Bây giờ nhiều người trong số này mới ân hận
và biểu tình đập phá!
Kịch sĩ Donald Trump cho cử tọa của mình cảm nghĩ rằng đấy là cơ hội để
họ làm nên lịch sử, bằng lá phiếu.
Ông có một tổ chức tranh cử luộm thuộm, chi tiền rất ít mà vẫn đạt kết
quả bất ngờ trước một đối thủ dày dạn kinh nghiệm và phương tiện, có ban tranh
cử toàn những chiến lược và chiến thuật gia có tài đã vận động quần chúng từ cơ
sở lên. Nhưng, ngoài những tỳ vết quá lớn của bản thân và gia đình, bà Hillary
Clinton còn cho thấy rằng bà là người của quá khứ, với những giải pháp lưỡng đảng
của quá khứ - và đã thất bại.
Vì thất bại nên hơn 60% dân Mỹ đang nghĩ rằng quốc gia đi chệch hướng, về
cả đối nội lẫn đối ngoại. Kịch sĩ Donald Trump bèn dựng rạp trình diễn vở “Cứu Nguy
Nước Mỹ”, và khiến cử tọa trở thành cử tri. Họ nhiệt thành góp phần cứu nguy bằng
lá phiếu. Họ cứu nguy vì thấy chính bản thân và gia đình trong nỗi nguy đó.
Mọi giáo phái có thể huy động được tín đồ cho một mục tiêu cao cả nhưng
xa vời sau rất nhiều hy sinh khắc khổ. Biệt tài của Trump là nói ra mục tiêu cụ
thể thiết thực: trong “cái chung” rất cao cả của tổ quốc Hoa Kỳ, có những “cái
riêng” của từng người. Khán giả, cử tọa hay cử tri thấy là chính họ đang tràn
lên sân khấu để hoàn tất vở kịch có hậu này - cho bản thân của họ.
Giới nghiên cứu chính trị và xã hội sẽ còn phải đếm lại số phiếu của từng
thành phần cử tri để kết luận nhưng vài chi tiết sơ khởi cho thấy hậu thuẫn của
Trump không chỉ có đàn ông da trắng ít học và ít tiền. Ông xúc phạm phụ nữ mà vẫn
được một số phụ nữ có học ủng hộ. Ông bày tỏ tinh thần kỳ thị di dân lẫn người
thiểu số mà vẫn được cử tri gốc Á và Nam Mỹ ủng hộ nhiều hơn ứng cử viên Mitt
Romney của bên Cộng Hòa năm 2012.
Nếu có thể nói tới một chiến lược tranh cử thì vào tháng cuối, Donald
Trump mới thật sự dàn trận để tranh thủ cử tri tại các tiểu bang xôi đậu mà nhiều
người cho rằng đã thiên hẳn về phía Dân Chủ. Ra vẻ uyên bác, có khi người ta
nói là ông đánh du kích, "lấy nông thôn bao vây thành thị". Thật ra ban tranh cử
của ông dồn sức vào các thành phần bị sa sút vì chuyển dịch dân số, vì chuyển động
kinh tế của toàn cầu hóa và cả những người ngoan đạo đang e sợ xã hội biến chất
vì phong trào “phải đạo chính trị” và nếp văn hóa quá phóng túng của thành phần
thượng lưu có học.
Nhưng đấy là chuyện về sau, chứ trong gần một năm trời, ứng cử viên
Donald Trump là kịch sĩ làm cho khán giả nhập vai. Vâng, khán giả nhập vai, là
điều rất trái cựa!
Bây giờ, đến lượt kịch sĩ Donald Trump thủ vai Tổng thống….
Khi ấy, ta trở về thực tế ngoài sân khấu: Donald Trump là một doanh gia. Biệt tài của ông là có máu con buôn, đã viết sách về nghệ thuật ngã giá! Nói đến ngã giá, các doanh gia đều biết hơn chính trị gia là có cái giá phải trả! Là người diễn vẻ thô lỗ cho quần chúng, tay tỷ phú này không thể không biết luật mà cũng chẳng mơ hồ gì về chính trị nghị trường, là chuyện ngã giá giữa Hành pháp với các phe phái bên Lập pháp trong từng hồ sơ.
Donald Trump có thể thiếu kinh nghiệm chính trị hay quân sự nhưng như mọi
doanh gia hay chính khách, ông biết rằng không ai lãnh đạo một mình để tự thân
giải quyết cả ngàn hồ sơ của quốc gia. Đấy là công việc của nội các và ban tham
mưu mà ông đang thành lập. Kịch sĩ thủ vai nóng nẩy cũng không thể không biết rằng
bên kia cũng có nhiều người nóng nẩy - họ đang biểu tình phản đối kết quả bầu cử
- và lãnh đạo của họ trong đảng Dân Chủ điêu đứng cũng phải dàn trận cho cuộc chiến nghị trường
đã khởi sự và kéo dài tới cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào năm 2008.
Đấy là khi Tổng thống phải mời kịch sĩ bước qua chỗ khác, chứ không thể
đổ dầu vào lửa để làm cử tọa hừng chí.
Từng đề nghị ông đưa ra khi tranh cử - xây tường ở biên giới miền Nam, trục
xuất di dân, từ chối Hiệp ước TPP, hay xét lại Hiệp ước NAFTA, v.v… – sẽ được
ban tham mưu của Tổng thống và lãnh đạo Cộng Hòa cân nhắc lại theo lối ngã giá.
Cái gì làm được cái gì không, và làm được thì phải trả giá bao nhiêu, ai trả
và bao giờ trả, với hậu quả chính trị là những gì cho các hồ sơ khác? Là doanh
gia, ông Trump cũng biết là phải ngã giá với thị trường, tức là gây hậu quả tới lãi
suất, thuế khóa và tăng trưởng kinh tế. Là Tổng thống, ông sẽ biết là phải ngã
giá với cả hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ. Nhìn ra ngoài, ông biết chánh sách
bảo hộ mậu dịch mà ông đề cao sẽ có cái giá về kinh tế lẫn ngoại giao. Về an
ninh cũng vậy, giới tướng lãnh, ngoại giao và viên chức bảo an sẽ cho ông biết
cái giá phải trả khi muốn xóa bỏ lực lượng khủng bố ISIS, bỏ rơi Liên Âu hoặc đấu
trí đấu lực với Trung Quốc, Liên bang Nga, Iran, v.v….
Chủ trương cực đoan quá khích của diễn viên Donald Trump sẽ phương hại
cho sự nghiệp của Tổng thống. Khi ấy, kịch sĩ Donald sẽ ngã giá với chính khách
Trump. Là người ưa ra vẻ nói thật tới độ phũ phàng, ông sẽ nói thật rẳng mình phải
dung hòa, vì quyền lợi tối thượng của Tổ quốc và quần chúng. Nhưng khi đã là Tổng thống thì con vịt The Donald của thời tranh cử lại là con diều hâu nếu an ninh của nước Mỹ bị các chế độ hung đồ đe dọa: ông đề nghị gia tăng ngân sách quốc phòng là trong ý hướng đó.
Khi ấy, đối lập kết luận rằng Donald Trump là người giảo hoạt, theo
cơ hội chủ nghĩa! Họ biết quá chậm một sự thật bẽ bàng mà bậc trưởng thượng
trong đảng Cộng Hòa đã thấy từ vòng sơ bộ của cuộc tranh cử! Khi ấy, nếu nghĩ
sâu xa hơn về quá khứ, Donald Trump cũng chẳng khác gì nhiều vị tiền nhiệm đã từng
hứa một đàng làm một nẻo cho quyền lợi của nước Mỹ.
Nét độc đáo của kịch sĩ có tài là khi nào cũng làm như mình nói thật!
Nét độc đáo của Donald Trump là soạn lấy vở kịch cho mình, chứ không dựa vào
bài bản của một thế lực nào khác. Nhờ vậy, ông biến không thành có!
Còn lại thì ta sẽ đợi xem vở kịch ngã
giá của vị Tổng thống bị thiên hạ coi thường khi đi tranh cử!
Thật ngưỡng mộ tác giả. Cháu cầu mong sức khỏe cho ông và cũng là cho mình để phổ cập kiến thức thường nhật. Câu chữ trong các bài phân tích thật sâu sắc, ngoại trừ một lỗi chính tả "tranh cửi" - "tranh cử". Xin lưu lại bài viết để học tiếng Việt. Cám ơn thật nhiều ạ.
Trả lờiXóaCám ơn Ce Phan. Tôi đã sửa và thêm vài chữ cho rõ ý. Thiên hạ đáng giá sai nhân vật kỳ lạ này. Tôi mong là các chế độ cũng đánh giá sai và sẽ có ngày tái tê!
XóaMột vị Tổng thống từng hành nghề kịch sĩ: Ronald Reagan.
Trả lờiXóaThầy Nghĩa muốn nói tới, là doanh gia Donald sẽ là người biết đếm: phí tổn, rủi ro và lợi ích. Quy luật là: ngại rủi ro thì sẽ kém lợi ích.
Ngày xưa, lãnh đạo Âu Châu cũng coi thường Reagan và quên ông Tướng, anh hùng dân tộc và Tổng thống của Pháp là Charles de Gaulle từngviết trong hồi ký rằng lãnh đạo chính trị phải có ý thức trình diễn! Âu Châu, cánh tả tê tái và nổi giận, mà chẳng thấy Trump là con buôn thực tiễn chứ không là kẻ mất dạy điên khùng đâu! Cụ Lý bình an nhé. Nghĩa
XóaCảm ơn thầy.
Trả lờiXóa
Trả lờiXóaDonald J. TrumpVerified account
@realDonaldTrump
"This will prove to be a great time in the lives of ALL Americans. We will unite and we will win, win, win!"
Very crunchy, very crispy language of a racing game. He's so fun to watch and likable.
Clinton acted as a waitress in SNL show too, very cool and beautiful.
Oh America...