Nguyên Lam & Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA Ngày 161207
"Diễn đàn Kinh tế"
Một quốc gia dân chủ tân tiến mà vẫn bị cô lập?
Việc Tổng thống Tân cử Hoa Kỳ là ông Donald Trump vừa nói chuyện
điện thoại hôm mùng hai với Tổng thống Đài Loan là bà Thái Anh Văn đã
gây nhiều nguồn dư luận sôi nổi vì vị trí của Đài Loan trong quan hệ
giữa hai nền kinh tế đứng đầu thế giới là Hoa Kỳ và Trung Quốc. Bối cảnh
của vụ này là gì và hậu quả sẽ ra sao cho tình hình Đông Á?
Bộ luật Taiwan Relation Act năm 1979
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin
kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, cuộc điện đàm
hôm mùng hai vừa qua giữa Tổng thống Tân cử Donald Trump của Hoa Kỳ với
Tổng thống Đài Loan là bà Thái Anh Văn đã gây chấn động vì có thể khiến
lãnh đạo Bắc Kinh khó chịu, với nhiều hậu quả ảnh hưởng tới quan hệ
giữa hai nền kinh tế đứng đầu thế giới là Hoa Kỳ và Trung Quốc. Giữa
những phản ứng trái ngược, kỳ này, tiết mục Diễn đàn Kinh tế của chúng
ta sẽ tìm hiểu về hồ sơ rắc rối đó, ông nghĩ sao?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi xin đề nghị là chúng ta phải tạm gác
qua một bên cuộc điện đàm của ông Donald Trump với bà Thái Anh Văn mà
tìm hiểu bối cảnh trước đó, từ gần đến xa.
Từ hơn 40 năm qua tám đời Tổng thống, Hoa Kỳ vẫn duy trì sự huyền hoặc ngoại giao là chỉ công nhận Trung Cộng, nhưng vẫn duy trì quan hệ kinh tế lẫn an ninh với Đài Loan, là một nước dân chủ không có độc lập. Nguyễn-Xuân Nghĩa
- Chuyện gần mà báo chí ít quan tâm là từ nhiều tháng nay, Bắc Kinh gia tăng áp lực với Đài Loan mặc dù Đài Loan có hơn 23 triệu dân và một hệ thống dân chủ với nền kinh tế thuộc loại tiên tiến, một năm sản xuất gần 600 tỷ đô la và có lợi tức bình quân một đầu người là 25 nghìn đồng, là giàu gấp bẩy lần người dân trong Trung Hoa lục địa. Một thí dụ nhỏ là Đài Loan có mặt trong hội nghị hàng năm của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Á châu Thái Bình Dương APEC. Mùng năm Tháng 10 vừa rồi, bà Thái Anh Văn đề cử ông James Soong, tên chính thức là Tống Sở Du, làm đại diện tham dự Thượng đỉnh của APEC tại thủ đô Lima của Peru dù trước đó Bắc Kinh quyết liệt phản đối. Đài Loan tham dự APEC với tư cách là một nền kinh tế, dưới tên gọi là “Trung Quốc Đài Bắc” chứ cũng chẳng là một quốc gia độc lập mà đi đâu cũng bị Bắc Kinh chặn đầu và tìm cách cô lập. Sau cùng, ông Tống Sở Du vẫn tham dự Hội nghị APEC vào tháng trước mà chẳng ai nói tới. Người ta cũng chẳng nói đến việc hôm 23 tháng trước, Bắc Kinh đã chỉ thị cho Hong Kong ngăn cản một chiến hạm vận tải từ Đài Loan tới Singapore sau khi gâp áp lực cho nhiều quốc gia Trung Mỹ hay Nam Mỹ như Cộng hòa Dominican, Panama hay El Salvador phải đoạn giao với Đài Loan nếu muốn làm ăn với Trung Quốc…
Nguyên Lam: Khi theo dõi chuyện này, ông thấy Bắc Kinh lặng
lẽ can thiệp vào quan hệ của nhiều nước khác để gây khó khăn cho Đài
Loan trước khi có vụ điện đàm giữa ông Donald Trump và bà Thái Anh Văn.
Nếu nhìn vào bối cảnh xa thì sự thể đó là gì mà Bắc Kinh có thể lấn lướt
Đài Loan như vậy?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Người ta có ấn tượng sai là Trung Quốc tạm
ngưng khuấy động vùng biển Đông Bắc Á và Đông Nam Á vì củng cố được thế
lực kinh tế và chính trị trong khu vực. Thật ra, lãnh đạo Bắc Kinh vẫn
gây khó cho các lân bang trong vùng, lại tiếp tục bành trướng ra nhiều
nơi khác, kể cả Trung Nam Mỹ và Phi Châu. Nhìn vào bối cảnh xa thì Đài
Loan đã ra đời từ năm 1912 dưới tên gọi là Trung Hoa Dân Quốc và là nền
cộng hòa đầu tiên của dân Trung Hoa. Sau khi thất trận trong cuộc chiến
Quốc Cộng giữa Quốc Dân Đảng và Cộng Sản Đảng vào năm 1949, Quốc Dân
Đảng dạt qua Đài Loan và duy trì sự hiện hữu của Trung Hoa Dân Quốc dù
vẫn bị Trung Cộng uy hiếp và tấn công để đòi thống nhất dưới chế độ cộng
sản. Trong khi Trung Cộng bị khủng hỏang dưới thời cai trị của Mao
Trạch Đông thì Đài Loan cải cách kinh tế từ những năm 60 rồi cải cách
chính trị từ những năm 80 của thế kỷ trước, để trở thành một nước dân
chủ phú cường thuộc loại tiến bộ nhất Đông Á.
Nguyên Lam: Như vậy thưa ông, mọi việc thay đổi từ khi nào
mà ngày nay người ta cho rằng một vụ khủng hoảng đang manh nha vì cú
điện đàm của ông Trump?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Mọi sự chỉ thay đổi từ năm 1972, khi Hoa Kỳ
mở cửa cho Trung Cộng trở về hội nhập vào cộng đồng thế giới trong mục
đích ly gián quan hệ giữa Trung Cộng và Liên bang Xô viết vào thời Chiến
tranh lạnh. Kế tiếp thì Hoa Kỳ công nhận Trung Cộng và đoạn giao với
Trung Hoa Dân Quốc nên từ năm 1979 Đài Loan phải nhường ghế Hội viên
Thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc cho Trung Cộng. Tuy
nhiên, khi ấy Quốc hội Mỹ vẫn muốn Đài Loan khỏi bị Bắc Kinh thôn tính
nên biểu quyết bộ luật Taiwan Relation Act năm 1979, và các chính
quyền nối tiếp đều duy trì một phạm trù ngoại giao nhập nhằng, rằng chỉ
công nhận một nước Trung Hoa - với hàm ý nhưng không công khai chính
thức - là Đài Loan thuộc về Trung Quốc. Khi cần thu hồi lại Hong Kong và
Ma Cao, lãnh đạo Bắc Kinh thời đó là Đặng Tiểu Bình tiếp tục sử dụng
khái niệm nhập nhằng ấy qua khẩu hiệu “nhất quốc lưỡng chế” là một quốc
gia có hai chế độ, chế độ tự do tại Hong Kong, Ma Cao và Đài Loan, và
chế độ cộng sản tại Hoa lục, với hứa hẹn thống nhất sau này. Từ hơn 40
năm qua tám đời Tổng thống, Hoa Kỳ vẫn duy trì sự huyền hoặc ngoại giao
là chỉ công nhận Trung Cộng, nhưng vẫn duy trì quan hệ kinh tế lẫn an
ninh với Đài Loan, là một nước dân chủ không có độc lập. Cụ thể thì họ
tránh tiếp xúc trực tiếp với lãnh đạo của Đài Loan để khỏi làm Bắc Kinh
phật ý.
Gây rủi ro trong quan hệ ngoại giao
Nguyên Lam: Ngày nay, khi ông Donald Trump và bà Thái Anh
Văn trực tiếp nói chuyện điện thoại thì nhiều người cho rằng Bắc Kinh sẽ
giận dữ và Tổng thống Tân cử của Mỹ có thể đã gây rủi ro trong quan hệ
với Trung Quốc. Ông nghĩ sao về chuyện này?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi thiển nghĩ rằng vấn đề là cách đánh giá
lợi và hại lẫn cả nhiều rủi ro trong quan hệ an ninh và kinh tế giữa
các nước. Chuyện ngoại giao chỉ là… ngoại giao, là ngôn ngữ, có khi
chẳng có thực chất hay thực lực. Giới bình luận cứ phê phán ông Trump là
lấy rủi ro vì dám vi phạm một nguyên tắc ngoại giao với Bắc Kinh, họ
không có trí nhớ!
- Chúng ta không quên rằng bán đảo Triều Tiên ngày nay vẫn có hai nước là
Bắc Hàn Cộng sản, hung hăng và đói rét, và Nam Hàn thịnh vượng theo chế
độ dân chủ. Nếu chấp vào ý thức hệ cứ tạm gọi là quốc cộng, tự do và
cộng sản, thì Bắc Hàn là đồng chí của Cộng sản Nga và Tầu và Nam Hàn mới
là đối thủ hoặc tay sai của Hoa Kỳ và Nhật Bản như họ vẫn nói. Vậy mà
năm 1991 cả Tầu và Nga đều đồng ý nhận Nam Hàn và Bắc Hàn vào làm hội
viên Liên Hiệp Quốc chứ không bắt các nước phải chọn một trong hai chế
độ này. Khi Liên Xô tan rã và Chiến tranh lạnh kết thúc, Bắc Kinh lập
tức công nhận và thiết lập bang giao với Nam Hàn từ năm 1992. Tức là
quyền lợi kinh tế lấn át quan hệ ngoại giao, khiến ngày nay Nam Hàn là
bạn hàng quan trọng của Trung Quốc.
Chúng ta nên nghĩ rằng ông Donald Trump là một con diều hâu về an ninh và là doanh gia đặt ra luật chơi khác cho Trung Quốc. Nguyễn-Xuân Nghĩa
- Khi nhớ lại, ta thấy Bắc Kinh cũng tự mâu thuẫn với sự nhập nhằng
ngoại giao của họ khi cứ dòi phong tỏa hay trừng phạt quốc gia nào có
quan hệ với Đài Loan. Chuyện Đài Loan chỉ là tự ái cho thần dân u mê của
Bắc Kinh thấy ra thế lực của đảng Cộng sản khiến một siêu cường như Hoa
Kỳ cũng sẵn sàng bỏ rơi Đài Loan. Khốn nỗi, Hoa Kỳ cũng biết đánh giá
rủi ro và đi nước đôi nên vẫn bán võ khí và có luật lệ bảo vệ Đài Loan.
Nguyên Lam: Như vậy thì thưa ông phải chăng Chính quyền
Donald Trump sắp tới chỉ xác nhận một sự thật che giấu dưới huyền thoại
ngoại giao là “nhất quốc lưỡng chế”? Sự thể rồi sẽ ra sao, thưa ông?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Chúng ta biết rằng sau khi đắc cử vào Tháng
Giêng rồi làm Tổng thống vào Tháng Năm bà Thái Anh Văn của đảng Dân
Tiến không tiếp tục chính sách thân Bắc Kinh của vị tiền nhiệm là ông Mã
Anh Cửu thuộc Quốc Dân Đảng. Nhưng bà cũng thận trọng không đoạn tuyệt
với Bắc Kinh hoặc muốn Đài Loan tuyên bố độc lập như nhiều người lo sợ.
Bà còn lặng lẽ từ bỏ một chủ trương khi tranh cử năm ngoái là Đài Loan
sẽ không tranh chấp về chủ quyền trên các quần đảo tại Đông Nam Á, cụ
thể là trả lại đảo Ba Bình mà Quốc Dân Đảng đã chiếm của Việt Nam cách
nay đúng 70 năm vào ngày 12 Tháng 12 năm 1946. Đài Loan cố duy trì chính
sách ôn hòa để dồn ưu tiên vào kinh tế dù vẫn bị Bắc Kinh thường xuyên
uy hiếp như chúng ta vừa nhắc tới. Đấy là phần Đài Loan. Sau khi ông
Trump đắc cử thì một cơ hội đã mở ra cho Đài Loan trong khi Bắc Kinh lại
gây sức ép với Chính quyền Hong Kong để thu hẹp quyền tự do của Hong
Kong, tức là phủ nhận tư cách “nhất quốc lưỡng chế” của mình.
Nguyên Lam: Và phải chăng Tổng thống Tân cử Donald Trump đã
nhân cơ hội đó mà trực tiếp nói chuyện điện thoại để gây khó cho Bắc
Kinh thưa ông?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thật ra, người ta có thể đánh giá sai nhân
vật này như kẻ ăn nói thiếu suy nghĩ và có cử chỉ bốc đồng khi vi phạm
nguyên tắc ngoại giao nhập nhằng của Hoa Kỳ từ hơn 40 năm qua với Trung
Cộng. Trước hết, trong dư luận Hoa Kỳ thuộc cả hai đảng, vẫn còn nhiều
người giữ cảm tình với Đài Loan và không muốn đảo quốc này bị Bắc Kinh
thôn tính. Thứ hai, có một trào lưu rất mạnh trong xã hội Hoa Kỳ ngày
nay là nước Mỹ phải ưu tiên bảo vệ quyền lợi của mình, ta có thể gọi đó
là “chủ nghĩa quốc gia Hoa Kỳ”, mà ông Trump khéo cảm nhận được và trở
thành một biểu tượng. Trong khi ấy, vì nhiều khó khăn nội bộ, lãnh đạo
Bắc Kinh là Chủ tịch Tập Cận Bình cũng đề cao chủ nghĩa dân tộc Đại Hán
để vuốt ve tự ái quốc dân và củng cố quyền lực của mình. Khung cảnh đó
khiến quan hệ giữa Mỹ và Tầu đang đi vào một khúc quanh khi nhiều người
Mỹ nghĩ là Bắc Kinh trục lợi qua buôn bán với Hoa Kỳ làm họ bị thiệt
thòi, lại còn nhân đó uy hiếp các lân bang về quân sự. Quyết định của
ông Trump là điều không đáng ngạc nhiên.
Nguyên Lam: Nhiều nhà quan sát đã bình luận rằng các vị
Tổng thống tân nhậm của Hoa Kỳ như Ronald Reagan, hay George H.W. Bush
hay Bill Clinton đều có lập trường gay gắt với Bắc Kinh về số phận của
Đài Loan hay về các lý do nhân quyền, nhưng sau cùng thì quan hệ giữa
hai nước vẫn trở lại quy luật “làm ăn bình thường” vì quyền lợi kinh tế.
Thưa ông, liệu rằng Tổng thống Donald Trump có là như vậy không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Chúng ta chưa thể biết hết mọi chuyện và có
lẽ những người trong cuộc ở tại thủ đô Washington hay Bắc Kinh và Đài
Bắc cũng vậy. Tuy nhiên, hoàn cảnh ngày nay hết còn như xưa. Đầu tiên,
Liên Xô đã tan rã và Liên bang Nga hết là mối nguy như trước. Thứ hai,
Trung Quốc đang thách đố quyền lợi của Hoa Kỳ và an ninh của nhiều nước
đồng minh tại Đông Á. Thứ ba, dù là người dân Mỹ không muốn Hoa Kỳ tiếp
tục yểm trợ các đồng minh và nạn khủng bố Hồi giáo với cuộc khủng hoảng
tại Trung Đông đang là mối quan tâm, Hoa Kỳ cũng không thể bỏ ngỏ khu
vực Đông Á và ban tham mưu của ông Trump đã công khai nói về chuyện đó.
Vì vậy, chúng ta nên nghĩ rằng Donald Trump là một con diều hâu về an
ninh và là doanh gia đặt ra luật chơi khác cho Trung Quốc, qua việc
thương thuyết lại quan hệ kinh tế và dứt khoát ngăn ngừa sự bành trướng
của Bắc Kinh. Chuyện Đài Loan chỉ là mặt nổi khi đảo quốc này đang bị uy
hiếp trước sự thản nhiên của thiên hạ.
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin cảm tạ ông về cuộc phỏng vấn kỳ này.
Thưa bác Nghĩa, nếu bác có chương trình Giải ảo về chủ đề này, cháu xin đề nghị bác giải thích giúp một chi tiết. Ông Trump chơi lá bài Đài Loan để thương thuyết với Trung Hoa Đại Lục (?) mà vì phụ thuộc Mỹ về an ninh, Đài Loan phải chịu thôi. Vậy, người Đài Loan, từ dân chúng đến lãnh đạo chính trị, nghĩ gì và chấp nhận việc này ra sao ? Cháu cảm ơn bác.
Trả lờiXóaÔng Trump chọn đề tài nhạy cảm nhất cho Bắc Kinh là Đài Loan để thông báo là từ nay quan hệ Mỹ-Hoa sẽ khác. Lãnh đạo Đài Loan vận dụng tình thế mới tại Hoa Kỳ để tăng cường khả năng an ninh, sau khi thất vọng với chính sách quỵ lụy Bắc Kinh của Obama, chứ không phải là bị Trump lợi dưng. Hôm Thứ Sáu mùng 2, Hạ viện Mỹ biểu quyết với đa số 375 (trên 435 Dân biểu) và hôm Thứ Năm 08, Thượng viện đồng ý với đa số 97 (trên 100 Nghị sĩ) việc tăng cường hợp tác an ninh với Đài Loan, kể cả bán võ khí và thao dượt quân sự hàng năm. Xem Giải Ảo mới, sẽ có chuyện này. Đài Loan đã từng bị Mỹ hại từ 1947 rồi 1979 nên... có kinh nghiệm! Nhờ vậy mà vẫn tồn tại!
XóaVâng ạ! Mà hình như ý của cháu hỏi chưa rõ. Cháu muốn hỏi là lãnh đạo và dân Đài Loan nghĩ gì khi họ dựa vào Mỹ và (tạm gọi là) công cụ cho Mỹ ngã giá với Hoa Lục. Dù họ ko thích nhận là chinese, nhưng cũng là gốc Hoa. Bác từng nói, lãnh đạo quốc gia là đồng minh của Mỹ phải thường xuyên đấu trí với Mỹ để ko quá phụ thuộc mà mất chính nghĩa với dân chúng ở nhà. Vậy trường hợp Đài Loan như thế nào ạ ?
XóaCháu không hiểu. Đài Loan không làm công cụ cho ai hết mà nhân dịp này củng cố thêm sức mạnh của mình. Đa số dân Đài Loan và Hong Kong khônh hãnh diện là "người Tầu", "người Hoa" và chẳng thiết tha gì với "Trung Quốc Mộng" của Tập Cận Bình. Chính nghĩa của lãnh đạo là cho dân được tự do, hạnh phúc - xứ Singapore có hai phần ba dân số là gốc Hoa mà có xưng là người Hoa đâu - chứ ôm lấy cái danh hão thì chỉ bị Bắc Kinh trùm lưới lên đầu!
XóaThưa bác Nghĩa,
Trả lờiXóaCháu vừa mới xem xong giờ giải ảo tuần này. Giờ giải ảo của bác 1 tuần chỉ kéo dài 30 phút nhưng lại có nhiều thông tin bổ ích hơn là facebook feed news của cả 1 tuần. Ngày nào mở facebook lên là tràn ngập news feed của các báo và bạn bè về ông "Đỗ Nam Châm" ( hút tin tức). Nhưng đa phần là các tin bất lợi phân tích chê bai, đến lời kêu gọi để cho các đại cử tri đổi ý. Nhưng chẳng thấy ai nói gì về chuyên lật lọng của Hillary, gọi điện chúc mừng, nhưng Hillary team vẫn tiếp tục kêu gọi đếm phiếu lại nhằm hạ uy tín ông Trump là 1 tổng thống không đủ 270.
Còn vụ Đài Loan hôm trước, thì không những truyền thông dân chủ mà bạn bè của cháu (1 số trong đó là người Việt) trên facebook đều kịch liệt share là ông Trump làm sai nguyên tắc ngoại giao, trong khi chẳng thấy ai nói đến việc vì chữ "Taiwan President" của ông Trump mà Trung Cộng chỉ trích dữ dội. Nay được bác Nghĩa phân tích, cháu lại càng thấy rõ hơn 1 Donald Trump khó đoán và có tính toán hẳn hoi chứ không phải "khùng" như thiên hạ nói đến.
Hay tuần rồi NYT có 1 bài về Philippine với tựa đề là "They Are Slaughtering Us Like Animals". Khi đọc những bài viết về Philippine cháu luôn có thắc mắc là có rất nhiều người Philippine ủng hộ ông Duterte nêu ra ý kiến trong mục comments. Và theo cháu tìm hiểu là những người bị giết trong chiến dịch anti-drug war này là những người có liên quan đến việc buôn bán ma tuý. Nên vấn đề cháu thấy trở nên nhập nhằng là ai thật sự là nạn nhân. Dĩ nhiên cách giải quyết của ông Duterte có phần cực đoan nhưng nếu ai từng du lịch hay tìm hiểu về Philipine thì ngoài vấn đề tham nhũng, phía Bắc của Philippine khá an toàn, không như miền Nam thường là nơi hoành hành của bọn Abu Sayyaf. Nên cháu thắc mắc sao các anh nhà báo đưa tin hình ảnh rõ nét về tình hình ở phía Bắc thì có bao giờ dám dấn thân về phía Nam Phillippine để thấy rõ toàn cảnh chính trị và khó khăn của Philippine như thế nào. Hay giống như bác Nghĩa có đề cập là tình hình nhân quyền ở Trung Cộng thì chẳng thấy anh nhà báo nào dám viết và đề cập ( mà nếu viết thì chắc gì đã an toàn hay được chụp những hình ảnh rõ và sắc nét như bài viết vừa rồi tại Philippine của NYT).
Giờ giải ảo tuần này bác Thái bảo 1 bạn nói bác Nghĩa nói chuyện và giải thích dễ hiễu giống Donald Trump. Em thì lại thấy nói chuyện dễ hiễu của bác giống kinh tế gia quá cố Milton Friedman nhiều hơn. Cháu chúc bác một mùa giáng sinh vui vẻ.
Nhật Bản, Nam Hàn, Đài Loan, Miến Điện đều có những nữ lưu đáng ngưỡng mộ.
Trả lờiXóaNgười Việt cũng có một chị mới xuất hiện bên cạnh TT Obama là Elizabeth Phù, nhưng lại là công dân Mỹ gốc Việt. Tuy chị này không thể làm lãnh đạo trong nước Việt Nam nhưng nếu làm cố vấn hay đại sứ gì đó thì cũng là một nhịp cầu tốt. Poorshope mong thầy Nghiã viết thêm về tương lai cuả Đông Nam Á.
Em mến phục TT Trump. Hy vọng ông giữ bang giao với Trung Quốc nhưng phải cứng cưạ không cho TQ tràn xuống ĐNA, giữ vững tự do hàng hải hàng không trên Biển Đông. Nhờ theo đó Việt Nam mình mới không bị mất lãnh hải. Mấy mươi năm qua, người dân Đài Loan đã phải chịu trả không biết bao nhiêu tiền bạc trang bị vũ khí, giao tế, chịu đựng sự lãng quên cuả cộng đồng quốc tế trong khi TQ không ngừng bức bách, cũng chỉ là để được độc lập tự do.
Xin hãy xem Giờ Giải Ảo tuần này trên Người-Việt theo mạch dẫn sau đây:
Xóahttp://www.nguoiviettv.com/chu-nghia-quoc-gia-hoa-ky-doi-dau-voi-chu-nghia-dai-han-trung-quoc-tai-dai-loan-14/#.WEuguQIwQC0.facebook
Poorshope đã xem Giờ Giải Ảo nói trên. Xin cảm ơn thầy Nghĩa đã giới thiệu sách The Hundred-Year Marathon: China's Secret Strategy to Replace America as the Global Superpower
XóaCám ơn Poorshope. Hãy đón xem Giải Aảo kỳ tới, còn hấp dẫn hơn nữa, về Thuật Quỷ Biển!
XóaEm đọc được một nưả cuốn sách, thấy tác giả liệt kê ra nhiều chi tiết, sự kiện có tính cảnh báo, cảnh tỉnh giới học giả, lãnh đạo và chính khách Hoa Kỷ về một Trung Quốc Mộng. Tuy nhiên ông CIA này cũng tự "thành thật khai báo" là có khi ông ta cũng thầm tin và ủng hộ mối thâm giao với TQ. Cái tưạ sách tuy có vẻ báo động đỏ nhưng nội dung vả giọng viết thật là hiền lành, không diều hâu. Nói chung là chàng than vãn, hình như muốn kể ơn mưa móc đó mà, ôi chúng ta tốt và hết dạ với China thế kia mà sao họ khốn nạn gọi chúng ta là quỷ dữ, thù ghét chúng ta, nuôi mộng đợi một ngày "úp sọt" chúng ta chứ? Thật ra, cái sự "Quân tử trả thù mười năm, trăm năm chưa muộn" nó như một tính cách mà các đấng con trời nhắm vào hết thảy mọi hướng ở mọi việc chứ chẳng phải chỉ với Hoa Kỳ. Có cái gì đó âm độc trong vẻ lầm lì bi tráng ấy, nó làm cho những người thật lòng yêu mến nét đẹp văn hóa Trung Hoa phải nổi gai, dị ứng.
XóaPoorshope ơi! Hãy xem các bình luận gia thờ Tầu mạt sát ông ta thì rõ! Và nên xem ngay Giờ Giải Ảo kỳ này trên Người-Việt TV thì mới hiểu ra sự tà ma:
Trả lờiXóahttp://www.nguoiviettv.com/thuat-quy-bien-trong-tranh-cu-tong-thong-my-14/
Truyền thông ở bất cứ nơi đâu thì cũng chỉ để tham khảo, nhiều khi nó cứ ào ào như stock market sao ấy. Và như thầy Nghĩa đã nói, là luôn phải tự mình tìm hiểu nó có thật sự đúng hay không. Nhờ đọc blog thầy Nghiã mà em mới học biết thêm nhiều điều được giải ảo. Xin cảm ơn thầy Nghiã nhé.
Trả lờiXóaChàng CIA này đã theo dõi và phát hiện nhiều động thái khả nghi cuả TQ từ mấy thập niên trước, không công khai nói trên truyền thông chỉ báo cáo Tổng thống và Lầu Năm Góc rồi được lãnh giải khen thưởng, thì đâu phải là cái loại người chỉ biết hưởng funding cuả đối tác mà quên nhiệm vụ đối với quốc gia, rất đáng ngưỡng mộ. Quốc phòng cuả Hoa Kỳ tuy hùng hậu nhưng phát tán, chia ra ba bốn phiá, cho nên những người làm việc bảo vệ đất nước không thể hời hợt, dễ tin hay tham nhũng được. Tuy nhiên đã mấy mươi năm qua Hoa Kỳ chọn TQ làm bạn chắc có lý do. Nay chính là thời điểm xét nghiệm lại quả thật TQ có chọn HK là một người bạn cuả tương lai hay không. Đặng đã "dạy" cho CSVN một bài học từ đó "rét" luôn. Loại bài học nào Hoa Kỳ cần phải "dạy" CSTQ để biến nó thành một người bạn thật sự? Đó là một câu hỏi mà tân Tổng thống Trump đang cần giải ảo và cố vấn.
Riêng về tiểu bang cuả chúng ta, đây thật sự là một tin buồn nhất đối với Poorshope: Dân Cali Sắp Uống Nước Cống Lọc Lại
https://vietbao.com/a261797/dan-cali-sap-uong-nuoc-cong-loc-lai?cmmid=296908#cmm_item_296908
Làm lãnh đạo ai lại không muốn phát huy tinh thần quốc gia dân tộc vì nó có lợi cho quyền lực của họ. Một khi nó hôn trầm có nghĩa là họ đã bị lệ thuộc hay kìm chế quá sâu và chặt chẽ. Người Tàu thật là giỏi, trong vòng chưa đầy một thế kỷ mà họ đã thu hoạch Nội Mông, Hồi,Tây Tạng, giờ là Việt Nam trong kế hoạch của họ.
Trả lờiXóaThương quê hương quá.
Tổng thống tân cử Trump đã công khai trên truyền thông rằng ông sẵn sàng gặp TT Đài Loan Mã Anh Văn nếu bà này thăm Hoa Kỳ sau ngày ông tuyên thệ - ý nói đợi đến ngày ta chính thức là TT Hoa Kỳ. Có lẽ nàng sẽ đổi lịch trình chuyến công du để diện kiến, không phải mẫu thân mà là chàng Trump, người mà bao năm qua nàng đã phải khổ công chờ đợi. Nhiều khi thấy thương mấy nàng châu Á nhà ta quá, phải chịu nhiều khổ nhọc vì tương lai chấn hưng quốc gia dân tộc, nào là dân chủ hoá, riêng một góc trời, bị nạn chứ không tham nhũng, cắn răng chịu chửi để được... viếng đền, etc.
Trả lờiXóa