Chủ Nhật, tháng 12 04, 2016

Kinh Tế Hình Tròn



Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người-Việt Ngày 161130
"Kinh Tế Cũng Là Chính Trị:

Ai Sẽ Tài Trợ Đà Tăng Trưởng Của Donald Trump, Mà Tài Trợ Bằng Cái Gì?   


* Gãi đầu rồi gãi tai! *



Trong ba tuần liền, thị trường cổ phiếu Hoa Kỳ vọt tăng giá sau khi ôngDonald Trump trở thành Tổng thống Tân cử. Ngẫm lại thì người ta đi từ bất ngờ này qua bất ngờ khác.

Bất ngờ đầu tiên là ông Trump thắng cử, trái với nhiều tiên đoán. Bất ngờ kế tiếp là các thị trường mở cửa vào đêm Hoa Kỳ kiểm phiếu sụt giá mạnh. Bất ngờ sau đó, chỉ có năm tiếng đồng hồ, là các thị trường lại vọt lên giá như một tin mừng sau những báo động hoảng tiều. Chẳng lẽ thị trường cổ phiếu gồm cả triệu người, trong số này có các quỹ đầu tư với những chuyên gia kinh tế thượng thặng, lại cùng lầm?

Bây giờ, giải thích thế nào về sự lạc quan hồ hởi với “hiệu ứng Donald Trump”? Mục “kinh tế cũng là chính trị” kỳ này xin tìm câu trả lời, và còn cố đi xa hơn vậy, xin quý độc giả chịu khó theo dõi.

Sau khi coi thường một ứng cử viên chẳng giống ai, người ta nhìn lại chương trình hành động của Donald Trump và suy luận như sau: Ông Trump hứa hẹn 1/ giới hạn tầm kiểm soát luật lệ để doanh nghiệp dễ làm ăn và tuyển thêm người, trong số này có các doanh nghiệp tài chánh và dược phẩm; 2/ gia tăng ngân sách quốc phòng, mỗi năm 60 tỷ, nên sẽ đem lại mối lợi cho các ngành sản xuất liên quan tới quân sự; 3/ nâng mức tăng trưởng kinh tế và số lao động nhờ biện pháp giảm thuế; và 4/ tăng chi ngân sách cho các dự án xây dựng hạ tầng cơ sở. Nói tóm lại, chương trình kinh tế của Donald Trump là tăng chi và giảm thuế để kích thích sản xuất, vì vậy, thị trường cổ phiếu coi đó là tin mừng cho doanh lợi trong tương lai nên vọt lên giá.

Nhưng, câu hỏi đầu tiên về kinh tế là tiền đâu? Chúng ta sẽ tìm câu trả lời, từ lý thuyết kinh tế qua thực tế chính trị….

Hãy lấy một ví dụ dễ hiểu là kế hoạch xây dựng hạ tầng. Ngược với lập luận của chính khách – người mới nhất nói tới chuyện ấy là Tổng thống Barack Obama sau khi nhậm chức vào năm 2009 với hình ảnh “cuốc sẻng đã sẵn sàng” – kế hoạch hạ tầng đòi hỏi nhiều điều kiện tiến hành, từ luật lệ qua thủ tục ngân sách rồi đầu thầu, v.v… Sẽ mất vài năm chứ không là mì ăn liền có thể nuốt vội. Chính quyền tân nhậm phải thực hiện chuyện này và khởi sự bằng quyết định tài trợ: tiền đâu để trả cho các nhà thầu?

Chính quyền có thể đi vay thiên hạ và trả trước bằng một tờ giấy nợ gọi là công khố phiếu.

Người cho vay là giới đầu tư được trả tiền lãi gọi là “phân lời”, hay yield, hơi khác với lãi suất ngân hàng. Khi cho vay như vậy, giới đầu tư từ cụ già, các hộ gia đình đến doanh nghiệp đều phải tiết kiệm nhiều hơn. Tiền tiết kiệm đó dồn qua đầu tư vào hạ tầng. Vì kinh tế vận hành theo hình tròn, khoản gia tăng tiết kiệm ấy cũng có nghĩa là tiết giảm tiêu thụ. Thay vì mua món hàng nay hay dịch vụ nọ, các hộ gia đình dùng khoản tiền đó cho chính phủ vay. Cái tăng hay cái “được” cho khu vực xây cấy, từ máy ủi đến công nhân ngoài công trường, có thể là cái giảm hay cái “mất” của khu vực nào khác.

Nói cho văn hoa khó hiểu, kế hoạch hạ tầng là quyết định sung đương phương tiện từ các khu vực ngoài xây cất cho khu vực xây cất, nôm na là dồn tiền qua nơi khác. Nơi nào thì có lợi hơn là một câu hỏi kinh tế mà cũng là chính trị, nơi nào ra tiền và ra phiếu cho kỳ bầu cử tới?

Ở trên, ta vừa nói đến các cụ già hay các hộ gia đình. Họ là nhà đầu tư, họ bớt tiêu thụ và nâng tiết kiệm qua các quỹ hưu bổng để có tiền lời sau này. Khi thấy các con số trừu tượng lập lòe trên màn ảnh, rằng giá trái phiếu tăng và phân lời giảm – giá và lời luôn luôn chuyển động ngược – thì đấy là thông tin của thị trường cho mọi người trong các hộ gia đình, mà ít ai để ý.

Hãy trở lại vòng tròn của kinh tế. Khi các quỹ hưu bổng, hay qũy đầu tư, quỹ đối xung gọi là hedge funds, mua công khố phiếu để tài trợ dự án hạ tầng, họ lấy tiền ở đâu?

Lấy tiền từ những người đầu tư kiếm lời. Các quỹ hưu bổng giữ vị trí trung gian giữa chủ nợ cho vay là giới đầu tư - các hộ gia đình hay doanh nghiệp đầu tư kiếm lời cho thân chủ - và nhà nước, là cơ quan phát hành công khố phiếu. Vì kế hoạch hạ tầng, giới đầu tư châm thêm tiền bằng cách giảm tiêu thụ hoặc bán một phần tài sản đã đầu tư vào khu vực nào khác. Vòng tròn ấy có nghĩa là tăng nơi này thì giảm nơi kia, chứ không có mức tăng thuần trước đây chưa có.

Bây giờ, ta mở rộng vòng tròn cho thêm nhức đầu!

Nếu người ngoại quốc muốn tham gia việc tài trợ đầu tư của Chính quyền Trump, họ lấy tiền ở đâu? Là Mỹ kim ở thị trường nước ngoài đưa vào mua Công khố phiếu Hoa Kỳ. Nhưng tài sản ấy từ đâu mà có? Từ số xuất siêu – xuất cảng cao hơn nhập cảng – trong luồng giao dịch với thị trường Mỹ! Khép lại vòng tròn cho đẹp thì kế hoạch tăng chi cho hạ tầng cơ sở tại Mỹ góp phần nâng mức nhập siêu của Hoa Kỳ, làm giảm số xuất cảng và tăng nhập cảng, tức là đi ngược với một chủ trương then chốt của ông Trump! Kinh tế gia nghi ngờ chính trị gia là đúng!

Nếu quý độc giả còn kiên nhẫn đọc tiếp, để hiểu “kinh tế cũng là chính trị”, hãy nghĩ đến vài giải pháp tưởng lạ mà quen.

Chính quyền Trump cần đi vay khi phát hành thêm Công khố phiếu để tài trợ kế hoạch hạ tầng. Nếu không muốn giảm nơi này để tăng nơi nọ như vừa trình bày ở trên thì Nội các Trump phải tự hỏi là ai sẽ bán thêm tiền cho mình để lấy về giấy nợ được Chính quyền đảm bảo? Câu trả lời là các định chế tài chánh như ngân hàng thương mại, quỹ tiết kiệm, các tổ chức tín dụng, và cả con voi trắng lù lù như trái núi là Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ. Ngân khoản tài trợ phụ trội - cỡ trăm tỷ một năm theo dự kiến của Tổng thống Tân cử - được lấy từ hư vô, là “tiền ảo” trên thị trường tín dụng. Nói cho dễ hiểu là nhà máy in tiền, nhưng khó hiểu vì là in tiền điện tử: trương mục của các định chế tài chánh được Ngân hàng Trung ương tá ghi – credit – một khoản tiền có thể sử dụng cho các dự án hạ tầng sẽ thực hiện sau khi thông qua luật lệ và thủ tục.

Đấy là giải pháp Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ đã áp dụng từ nhiều năm qua!

Giải pháp kia đang làm nức lòng doanh nghiệp và các hộ gia đình là giảm thuế. Trước đây, họ phải trả thuế cho Chính phủ có tiền trang trải nhiều dịch vụ công ích, ngày nay họ hy vọng sẽ được bớt thuế để dùng tiền đó cho các mục tiêu họ quyết định lấy, như đầu tư hay tiêu thụ. Tức là vẫn tái phân phối tài nguyên mà then chốt là chữ “sẽ”, vòng tròn không gian chuyển qua thời gian, vào tương lai sau này sẽ có. Nhưng ngay trước mắt, với bội chi ngân sách mấp mé ngàn tỷ một năm, cái được cho các doanh nghiệp và hộ gia đình là cái mất của công quỹ vì nguồn thu về thuế khóa bị giảm, với hy vọng là biện pháp giảm thuế sẽ kích thích kinh tế, nâng đà tăng trưởng nên lợi tức gia tăng của gia đình và doanh nghiệp sẽ đem lại nhiều thuế hơn cho nhà nước!

Hoa Kỳ đã từng áp dụng biện pháp giảm thuế để kích thích kinh tế và gây tranh luận trong giới hàn lâm kinh tế và các chính khách về mối tương quan giữa bội chi ngân sách và đà tăng trưởng. Giới kinh tế thuộc cánh tả, theo lý luận của John Maynard Keynes tin rằng tăng chi và chấp nhận bội chi ngân sách sẽ nâng đà tăng trưởng. Thực tế lại không nhất thiết như vậy:

Biện pháp giảm thuế thời Ronald Reagan có nâng đà tăng trưởng từ 1982 nhưng không gây bội chi ngân sách mà còn được thặng dư năm 1984 so với đà tăng trường. Dưới Chính quyền Bill Clinton và đà kiểm soát của Hạ viện trong tay đảng đối lập Cộng Hòa kể từ 1994, bội chi ngân sách có giảm từ năm 1993 tới 1997 và được thặng dư từ năm 1998 tới năm 2000, nhưng đà sản xuất từng năm lại không tăng. Chính quyền George W. Bush có giảm thuế từ năm 2002 mà chẳng nâng đà tăng trưởng và khi xiết lại công chi từ năm 2003 thì sản lượng kinh tế lại tăng mạnh.

Chuyện rắc rối phức tạp ấy có nghĩa là các chính trị gia và cái loa kinh tế của họ gây tranh luận thừa về quan hệ trực tiếp giữa bội chi ngân sách hay chánh sách công chi thu và tăng trưởng kinh tế. Yếu tố kích thích lại nằm trong tay Ngân hàng Trung ương với chánh sách tín dụng và biện pháp tăng “tiền ảo”. Tổng thống Donald Trump có thể đem lại kỳ vọng cho thị trường cổ phiếu nhưng đà tăng trưởng kinh tế, giả dụ như qua kế hoạch xây dựng hạ tầng sau này, lại nằm trong tay một định chế độc lập là Ngân hàng Trung ương. Ông chỉ có thể quyết định gián tiếp khi bổ nhiệm những người lèo lái cỗ máy này, từ Thống đốc Janet Yellen trở đi!

Ta nên kết luận rằng tường thuật vụ tranh cử thì vui và dễ hơn là nói về khả năng của người đắc cử khi được tiếng là sẽ quản trị một nền kinh tế nằm trong tay người khác! Từ Quốc hội, con buôn, ông già bà cả tới tài phiệt và Ngân hàng Trung ương chẳng ai bầu mà vẫn đang bán tiền ảo.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét