Nguyên Lam & Nguyễn-Xuân Nghĩa, RFA Ngày 161213
"Diễn đàn Kinh tế"
Trong tuần này, nhiều phần thì Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ sẽ tăng
lãi suất với hậu quả trước mắt là đồng Mỹ kim lại lên giá so với các
ngoại tệ khác. Các nền kinh tế đang phát triển mà vay mượn quá nhiều
bằng tiền Mỹ sẽ bị ảnh hưởng trước tiên.
Nguyên nhân
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. Như
nhiều người chờ đợi, tuần này Ngân hàng Trung ương Mỹ có thể tăng lãi
suất làm Mỹ kim sẽ lên giá so với các ngoại tệ khác, sau khi đã lên giá
từ hai năm qua. Từ mươi ngày qua, Việt Nam lên cơn sốt vì đồng bạc Việt
Nam sụt giá mạnh so với đô la Mỹ và đã có lúc vượt qua ngưỡng 23 ngàn đồng
mới ăn một Mỹ kim. Vì vậy, kỳ này, thưa ông, Diễn đàn Kinh tế đề nghị
ông trình bày về nguyên nhân và hậu quả của việc Mỹ kim lên giá.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Sau khi Ngân hàng Trung ương Mỹ nâng lãi
suất ngắn hạn 25 điểm bách phân tức là 0,25% cách nay một năm, hầu hết
mọi người đều chờ đợi là lãi suất tại Mỹ sẽ tăng sau kỳ họp tuần này của
Ủy ban Tiền tệ và Tín dụng Hoa Kỳ, gọi tắt là FOMC. Lý do cơ bản là
kinh tế Mỹ hồi phục nhanh hơn và thất nghiệp giảm mạnh sau khi thống kê
lao động được công bố hôm Thứ Sáu đầu tháng. Lý do quan trọng hơn vậy là
Tổng thống Tân cử Donald Trump sẽ áp dụng chính sách kinh tế có nội
dung tăng chi, giảm thuế và thậm chí bảo hộ mậu dịch để giữ việc làm cho
nhân công Mỹ nên nhiều phần thì lạm phát sẽ tăng với hậu quả là trong
năm tới, lãi suất tại Hoa Kỳ còn tăng nữa, ít ra là hai lần. Kết cục thì
việc Mỹ kim lên giá từ năm 2014 sẽ còn tiếp tục và đấy là vấn đề cho
nhiều nước chứ không chỉ có Việt Nam.
Lý do quan trọng là Tổng thống Tân cử Donald Trump sẽ áp dụng chính sách kinh tế có nội dung tăng chi, giảm thuế và thậm chí bảo hộ mậu dịch để giữ việc làm cho nhân công Mỹ... Nguyễn-Xuân Nghĩa
Nguyên Lam: Nhưng thưa ông, dù có sản lượng kinh tế
lớn nhất vì bằng với gần một phần tư sản lượng toàn cầu, vì sao đồng bạc
Mỹ lại có thể gây nhiều ảnh hưởng như vậy cho các nước?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi nghĩ là ta nên cẩn thận khi theo dõi và
nhận định chuyện này vì tính trật là lại mất tiền! Tôi còn nhớ là sau
vụ khủng hoảng tài chính năm 2008 và Hoa Kỳ liên tục hạ lãi suất tới sàn
rồi bơm tiền ào ạt, nhiều người, kể cả tại Hoa Kỳ, vội nói đến ngày tàn
của tư bản chủ nghĩa và vai trò của kinh tế Hoa Kỳ trong khi nhiều xứ
hưởng lợi nhờ đô la rẻ như bèo. Từ giữa năm 2013, khi Ngân hàng Trung
ương Mỹ thông báo quyết định họ gọi là “vuốt nhọn chính sách tiền tệ” là
giảm dần việc bơm tiền và có khi tăng lãi suất, thì người ta thấy Mỹ
kim lên giá. Khi ấy, chương trình chuyên đề của chúng ta đã cảnh báo
việc đó. Rằng kinh tế Hoa Kỳ có thể bị suy trầm nhưng so với nhiều khối
tiền tệ khác như Âu Châu hay Nhật Bản, thì Mỹ kim vẫn là ngoại tệ đáng
tin cậy hơn cả, hoặc ít tệ nhất để bảo vệ giá trị tài sản của mình và
nếu tưởng tiền Mỹ rẻ mà đi vay thả dàn thì sẽ khốn khi đô la lên giá. Ta
nên nhớ lại chuyện xưa để khỏi lầm chuyện sau nầy khi thiên hạ cứ nói
đến ngày tàn của nước Mỹ!
Vị trí đồng Mỹ kim
Nguyên Lam: Nếu vậy, thưa ông, ta trở lại chuyện
xưa, là vì sao Mỹ kim lại ngự trị trong luồng giao dịch toàn cầu khiến
các nước bị chấn động mỗi khi đồng bạc xanh lên hay xuống giá?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi thiển nghĩ là chúng ta phải trở ngược
lên một năm Thân, cách nay 72 năm, thì mới hiểu vì sao Mỹ kim trở nên
một ngoại tệ dự trữ của toàn cầu, rồi sau mỗi khi thăng trầm thì thiên
hạ lại mất tiền và oán Mỹ! Trước khi Thế chiến II chấm dứt vào năm 1945
thì từ năm 1944, Hoa Kỳ và các đồng minh Tây phương đã xây dựng lại một
kiến trúc tài chính quốc tế khác để tránh loại biến động tài chính và
khủng hoảng kinh tế đã góp phần gây ra chiến tranh. Đó là Hội nghị tại
Bretton Woods và sự ra đời của các định chế tài chính toàn cầu như Quỹ
Tiền Tệ Quốc Tế hay Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Quốc tế là tiền
thân của Ngân hàng Thế giới ngày nay. Hội nghị ấy quy định rằng ngoại tệ
của các nước không còn giàng giá vào vàng, tức là từ bỏ chế độ “kim bản
vị”, mà neo giá vào tiền Mỹ theo tỷ lệ nhất định giữa đồng đô la Mỹ và
vàng. Đại lược là 35 Mỹ kim ăn một troy ounce, khoảng 31 gram vàng.
... đồng Mỹ kim vẫn là ngoại tệ phổ biến nhất vì được sử dụng trong hơn 85% nghiệp vụ giao dịch ngoại hối của thế giới, 39% các khoản nợ toàn cầu và tiền Mỹ nằm trong hơn 63% của dự trữ ngoại tệ của các nước. Nguyễn-Xuân Nghĩa
- Sau đó, cách nay đúng 70 năm, kế hoạch viện trợ Marshall của Mỹ nhằm
tái thiết Âu Châu từ năm 1947 đã bơm tiền Mỹ vào việc phục hồi Âu Châu.
Khi ấy, là cường quốc ít bị thiệt hại về chiến tranh, Hoa Kỳ là đầu máy
tái thiết các nước và Mỹ kim trở thành ngoại tệ phổ biến nhất, đến độ
các nước Âu Châu còn phát hành công khố phiếu để vay tiền mà là trái
phiếu yết giá bằng tiền Mỹ. Người ta gọi đó là “Đô la Âu châu”, hay
Euro-Dollar!
- Tháng Tám năm 1971, khi bội chi gia tăng một phần vì phí tổn của cuộc
chiến tại Việt Nam, Hoa Kỳ từ bỏ chế độ giao hoán thiết lập từ Hội nghị
Bretton Woods, là hết giàng Mỹ kim vào vàng như trước, và gây chấn động
nặng khiến nhiều người lại nói đến ngày tàn của nước Mỹ và thiên hạ
chẳng xài đô la mất giá nữa. Sự thật không như vậy vì vụ khủng hoảng dầu
khí sau đó vẫn khiến các nước cần đô la mua dầu vì dầu thô của xứ Saudi
Arabia lại giàng giá vào Mỹ kim và dẫn tới sự xuất hiện của đồng “Đô la
Dầu hỏa” hay Petro-Dollar, được các nước trao đổi với nhau và sau cùng
vẫn lại gửi vào ngân hàng Mỹ để kiếm lời cho an toàn.
Nguyên Lam: Khi ông nhắc lại bối cảnh lâu dài như
vậy thì ta mới thấy ra vị trí khác thường của đồng bạc xanh. Nhưng ông
có nói đến vụ khủng hoảng tài chính năm 2008 khiến nhiều người lầm tưởng
là tư bản chủ nghĩa bị khủng hoảng và tiền Mỹ mất luôn vị trí thống
trị. Sự thể diễn biến ra sao mà ngày nay, và tuần này, xứ nào cũng lo
rằng Mỹ kim lại tăng giá?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Người ta lầm khi cho rằng khủng hoảng tài
chính bùng nổ tại Mỹ với sự sụp đổ của các tập đoàn đầu tư Bear Sterns
vào Tháng Ba rồi Lehman Brothers vào Tháng Chín năm 2008. Thật ra, cả Âu
Châu lẫn Hoa Kỳ có chính sách bơm tiền và vay mượn dễ dãi, nhất là các
ngân hàng Âu Châu vay mượn bằng tiền Mỹ, và thổi lên trái bóng gia cư
địa ốc. Bên trong khối tiền này là nhiều khoản nợ xấu được gói kín như
trong kén nợ mà xấu chừng nào thì chẳng ai biết. Khủng hoảng tài chính
manh nha từ năm 2007 tại Âu Châu rồi mới bùng nổ dữ dội tại Hoa Kỳ. Khi
ấy, Ngân hàng Trung ương Mỹ lại đẩy lui nạn ách tắc tín dụng của các
ngân hàng với biện pháp tiền tệ dễ dãi làm Mỹ kim sụt giá. Rồi vì tiền
Mỹ quá rẻ trong sự trì trệ của khối kinh tế Âu-Mỹ-Nhật, tư bản chảy vào
các nước đang phát triển để kiếm lời. Tức là người ta vay nhau vẫn bằng
đô la tưởng rẻ như bèo. Khi Mỹ kim lên giá chầm chậm từ hai năm qua thì
các nước lỡ vay quá nhiều bắt đầu hụt hơi. Chuyện hôm nay là tiền Mỹ sẽ
tăng giá mạnh và nhiều nước đang phát triển sẽ thiếu Mỹ kim để trả nợ và
lâm khủng hoảng!
Nguyên Lam: Sau khi nhắc lại khung cảnh ngày trước,
xin ông tổng kết cho bức tranh ngày nay và vị trí của đồng Mỹ kim trong
luồng giao dịch toàn cầu để thính giả của chúng hiểu được vì sao mà
nhiều nước sẽ khổ khi đô la lên giá.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Dù lâu lâu thiên hạ lại nói Hoa Kỳ sắp bị
khủng hoảng, đồng Mỹ kim vẫn là ngoại tệ phổ biến nhất vì được sử dụng
trong hơn 85% nghiệp vụ giao dịch ngoại hối của thế giới, 39% các khoản
nợ toàn cầu được yết giá bằng Mỹ kim và tiền Mỹ nằm trong hơn 63% của dự
trữ ngoại tệ của các nước. Trong hoàn cảnh hiện nay, khi kinh tế Âu
Châu, Tầu và Nhật đều gặp khó khăn thì người ta thấy rằng lưu giữ tài
sản bằng tiền Mỹ là cách an toàn nhất. Nghịch lý ở đây là thiên hạ vẫn
cần tiền Mỹ trong khi thế giới lại lo rằng với việc ông Donald Trump là
Tổng thống Tân cử thì Hoa Kỳ sẽ trôi vào giai đoạn bất trắc. Điều bất
trắc thật ra là thiên hạ sẽ thiếu đô la và kinh tế thế giới thiếu thanh
khoàn để giải quyết nhu cầu chi dụng!
Rủi ro
Nguyên Lam: Một cách cụ thể, thưa ông, các nước sẽ gặp những rủi ro gì khi Mỹ kim lên giá?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Rủi ro ấy không đồng đều vì tùy hoàn cảnh
từng nước căn cứ trên ba yếu tố là có khối dự trữ ngoại tệ nhiều hay ít,
mắc nợ bằng Mỹ kim cao hay thấp và có trương mục vãng lai hay cán cân
chi phó bằng ngoại tệ bị thiếu hụt hay không và người ta so sánh ba yếu
tố ấy căn cứ trên Tổng sản lượng của từng nước. Trên cơ sở đó, hiện nay,
các nước như Venezuela, Turkey, Chile, và Ai Cập đang bị nguy nhất
trong tám nước sẽ bị rủi ro, sau đó mới là cảnh ngộ ngặt nghèo của sáu
bảy nước khác, trong đó có Hy Lạp, Angentina, Mexico, Peru và cả Việt
Nam nữa vì mắc nợ quá nhiều mà dự trữ ngoại tệ chưa đủ dầy! Nhưng ngoài
mười mấy quốc gia đó, chính là kinh tế Trung Quốc mới đáng ngại hơn cả
và tuần này khi thiên hạ nói đến việc Mỹ kim lên giá là thị trường cổ
phiếu Thượng Hải rơi rớt thê thảm.
Nguyên Lam: Thưa ông, Trung Quốc có sản lượng kinh
tế đứng hàng thứ nhì thế giới và bề gì họ vẫn có dự trữ ngoại tệ trị giá
hơn ba ngàn tỷ Mỹ kim thì vì sao tình hình lại đáng ngại nhất khi Mỹ
kim lên giá?
Kể từ năm 2014 dự trữ ngoại tệ của Bắc Kinh hao hụt mất một phần tư, từ gần bốn ngàn tỷ thì chỉ còn hơn ba ngàn. Bây giờ, khi tiền Mỹ lên giá thì dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc càng bị bào mỏng hơn. Nguyễn-Xuân Nghĩa
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Thật ra, Trung Quốc lâm thế kẹt khi tưởng
đã thành đại gia kinh tế. Thứ nhất, họ vẫn giàng giá đồng bạc vào tiền
Mỹ và khi Mỹ kim lên giá thì từ 18 tháng nay, họ phá giá, là ấn định tỷ
giá đồng Nguyên thấp hơn so với tiền Mỹ khoảng 12% kể tử đầu năm 2014.
Tưởng là tiền rẻ sẽ giúp xuất khẩu để kích thích sản xuất nhưng họ bị
hậu quả bất lường là nạn tẩu tán tư bản, là doanh nghiệp tìm tiền Mỹ đầu
tư ra ngoài. Để tránh tình trạng đó, Bắc Kinh ra biện pháp trái ngược
là bán Mỹ kim nhằm giữ giá đồng Nguyên cho cao thì lại càng mất ngoại
tệ. Kể từ năm 2014 dự trữ ngoại tệ của Bắc Kinh hao hụt mất một phần tư,
từ gần bốn ngàn tỷ thì chỉ còn hơn ba ngàn. Bây giờ, khi tiền Mỹ lên
giá thì dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc càng bị bào mỏng hơn. Vậy mà tuần
trước, Bắc Kinh vẫn bị Tổng thống Tân cử Donald Trump đả kích là lũng
đoạn hối đoái khi phá giá đồng bạc và cảnh báo rằng Hoa Kỳ sẽ có biện
pháp trả đũa. Hậu quả là làm đồng Nguyên càng sụt giá và nạn tẩu tán tư
bản càng tăng.
- Kết luận ở đây là Ngân hàng Trung ương Mỹ chưa tăng lãi suất thì việc
thị trường dự báo đồng đô la Mỹ còn lên giá khiến Trung Quốc càng lúng
túng. Thay vì áp dụng chính sách ngoại hối ổn định, họ cố can thiệp, khi
nâng khi hạ giá đồng bạc và rơi vào tư thế còn vất vả hơn nữa, đó là
mắc tội lũng đoạn hối đoái để tìm lợi thế thương mại. Cách nay đúng 15
năm, Bắc Kinh được Hoa Kỳ chấp nhận cho gia nhập Tổ chức Thương mại Thế
giới WTO kể từ ngày 11 Tháng 12 năm 2001. Khi ấy, họ được điều kiện đặc
miễn dù nền kinh tế chưa hội đủ tiêu chuẩn gọi là kinh tế thị trường.
Chuyện đặc miễn ấy nay phải chấm dứt sau 15 năm mà Bắc Kinh vẫn can
thiệp vào thị trường thì sẽ bị gần 160 thành viên WTO còn lại khiếu nại
và trừng phạt về tội lũng đoạn. Đúng lúc ấy, Mỹ kim lại lên giá thì
Trung Quốc càng rơi vào cảnh lưỡng nan khó xử!
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin cảm tạ ông về cuộc phỏng vấn kỳ này.
---
Bài phỏng vấn này được thực hiện mờ sáng Thứ Hai 12 tại Hoa Kỳ. Sau khi lãi suất Mỹ tăng 25 điểm trưa Thứ Tư, Mỹ kim lên giá cao nhất kể từ 14 năm nay!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét