Thứ Ba, tháng 2 28, 2012

Những Lời Đốp Chát

Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người Việt Ngày 20120227
"Hoa Kỳ Nhìn Từ Bên Ngoài"


 Và nhiều dấu chấm bị lãng quên....

* Tổng thống Barack Obama bên Tổng trưởng Quốc phòng Leon Panetta 
họp báo cùng các tướng lãnh tại Ngũ giác đài vào đầu năm nay 
về Chiến lược Quốc phòng mới của Hoa Kỳ *



Bài này sẽ nói về rất nhiều dấu chấm trong vài câu hỏi.

Cuộc tranh cử tổng thống năm nay tại Hoa Kỳ là sự đụng độ khốc liệt của hai triết lý chính trị, phản ảnh từ dưới cơ sở lên tới thượng tầng lãnh đạo của hai đảng chính. Tới ngày bầu cử, mùng sáu Tháng 11 này, thành phần ôn hòa và trung dung có thể là quả cân ở giữa để tạo ra một thế quân bình. Đấy là một thông lệ. Nhưng năm nay, chuyện này vẫn chưa chắc và bất trắc đó cũng là chi tiết khá đặc biệt của cuộc bầu cử. Và của nước Mỹ.

Hoa Kỳ đang ở giữa những chuyển động vài chục năm mới thấy một lần.

Hơn 60 năm - gần ba thế hệ - không gặp đại chiến và kinh tế đã công nghiệp hóa để tiến lên một hình thái sản xuất mới có tạo ra một sự phồn thịnh chưa từng thấy. Đấy là phần tích cực, được đánh giá là ưu thế của kinh tế tự do và chính trị dân chủ. Mặt trái của sự thể đó là tình trạng vay mượn lưu cữu, nó chất lên một núi nợ cao chưa từng thấy. Đến ngày trả nợ, khởi sự từ vụ khủng hoảng 2008 và nay vẫn chưa dứt, người ta hoài nghi ưu thế đã được nhiều thế hệ ngợi ca.

Cuộc tranh luận về ưu nhược điểm của Hoa Kỳ đang kết tụ vào bài toán công chi thu trong hoàn cảnh kinh tế chưa hồi phục và thất nghiệp còn cao. Chuyện này thật ra cũng là thường tình của một quốc gia quá trẻ và một xã hội quá năng động. Nhưng khác với các cuộc tranh luận trong lịch sử - bài này không đủ chỗ nhắc lại chuyện đó, xin hẹn kỳ khác - lần này, người dân lại phân vân trong một hình thái sinh hoạt hoàn toàn mới.

Đó là thế giới của thông tin điện toán mà mọi biến cố hay suy luận đều tức thời xuất hiện, với vận tốc điện tử.

Hậu quả là không gian quyết định toả rộng hơn, ra toàn cầu, và dội ngược về nước Mỹ. Thí dụ là đối sách với Trung Quốc và ảnh hưởng về đồng Mỹ kim, với Iran và ảnh hưởng trên giá xăng dầu, hoặc lập trường của Mỹ trong khối G-20 về kế hoạch cứu nguy đồng Euro của Âu Châu....

Không gian đã tỏa rộng hơn mà thời gian tính toán lại thu hẹp, trong nháy mắt, với hậu quả cũng lập tức tác động vào từng quyết định trong một vòng xoáy ngày một nhỏ hơn, nhỏ như một mũi khoan rất bén. Chỉ kịp nhìn ra tương quan nhân quả gần như chớp nhoáng đó, người dân, hay cử tri, cũng đủ chóng mặt!

Đã thế, hình thái sinh hoạt đó còn có một hệ quả tai hại gấp bội: người ta quen dần với "lập luận quy nạp" inductive.

Xin mặc cả vài chữ cho hiện tượng này. 

Trong một chuỗi lý luận, người ta dựa trên những ví dụ về tương quan nhân quả không có cơ sở, nhưng có thể dễ nghe, bắt mắt và đáng tin. Từ đó, người ta dựng lên nhiều tín điều mơ hồ mà cứ tưởng là chân lý. Đó là nhược điểm của phép quy nạp, lý luận nhảy cóc.

Chuyện nhỏ là thí dụ về cổ phiếu. Khi thị trường chứng khoán lên hay xuống giá, tựa đề của bản tin có ngay nội dung giải thích lý do khiến người ta dễ tưởng đó là sự thật. Hôm sau thì lại không hiểu vì sao thị trường bỗng có sự chuyển động ngược.

Một thí dụ khác, về chuyện lớn. Trung Quốc có hơn ba ngàn tỷ đô la dự trữ và là chủ nợ lớn nhất của nước Mỹ nhưng món nợ đó chưa lên tới 10% tổng số ngoại trái của Hoa Kỳ, mà nếu không gửi tiền cho Mỹ thì các đấng con trời cũng chẳng có nơi nào an toàn hơn. Nhưng sự thể phức tạp này lại được quy nạp thành một chân lý khập khiễng: nước Mỹ mắc nợ và bị Bắc Kinh cột dây nợ vào cổ, cho nên phải thoả hiệp!

Nếu cần giải thích cho tường tận hơn, thay vì dùng vài thí dụ bắt mắt, thì không gian truyền hình không có chỗ mà thời gian phát hình lại giới hạn. Chuyện trăm năm được giải thích trong vài giây và tranh luận phức tạp được gom vào lời "đốp chát", sound bites, một từ rất Mỹ.

Đáng lẽ, người ta phải áp dụng một cách lý luận khác, gọi là phép "suy diễn hợp lý", deductive

Đó là lần lượt đi từ định đề A qua B, qua C như một chuỗi lập luận hợp lý, dần dần mới đến kết luận là Z. Nhưng, ngoài một số chuyên gia học giả, mấy ai có thời giờ theo dõi từng bước lý luận rắc rối này? Trong một cuộc tranh luận của các ứng cử viên, chẳng ai dại dột hành hạ cử tọa và khán giả truyền hình bằng từng bước A, B, C,... Z như vậy. 

Có mà điên!

Và các học giả có được mời lên giải thích thì cũng đành áp dụng thủ thuật đốp chát sound bites, với những chữ dễ hiểu về một hiện tượng khó hiểu trong một thế giới đã trở thành quá phức tạp.

Nhưng, bài này không viết về hiện tượng ly kỳ đó. Mà chỉ xin tập trung vào một chuyện gọi là "đối ngoại".


***


Trong cuộc tranh luận - chưa có - của cuộc bầu cử tổng thống năm nay, dân Mỹ được nghe nói mãi về sự lớn mạnh của Trung Quốc: có nền kinh tế sẽ sớm vượt Hoa Kỳ và khả năng bành trướng có khi làm nước Mỹ mắc nợ phải thúc thủ. Hoa Kỳ có muốn phản công thì cũng phân vân giữa Trung Đông và Đông hải, khi mà ngân sách quốc phòng lại bị cắt giảm....

Một số người lý luận theo phép quy nạp – mà không biết – thì đi từ chân lý khập khiễng, là đảng Cộng Hoà của bọn nhà giàu và các tay buôn súng nên có lập trường chủ chiến, đến một câu hỏi lớn bằng... hư vô: làm gì với Trung Quốc bây giờ?

Cường quốc này đang huy động hậu thuẫn của các chế độ hung đồ, từ Bắc Hàn đến Iran, Syria, v.v... để dẫn nước Mỹ vào một cuộc xa luân chiến cho hụt hơi. Huống hồ, nhu cầu rất chính đáng của nước Mỹ hiện nay là chấn chỉnh công chi thu và cứu giúp những thành phần bần hàn để xây dựng lại nội lực.

Sự thật ở đây là vài ba chục dấu chấm đã bị lãng quên trong cả chuỗi lý luận.

Hoa Kỳ đang có thỏa ước phòng thủ về an ninh với khoảng 50 quốc gia lớn nhỏ trên thế giới. Trung Quốc mới là kẻ "vạn lý độc hành": không có một mống đồng minh hay đồng chí trong một hiệp định an ninh, dù là Bắc Hàn, Miến Điện, Pakistan, Iran hay – xin lỗi – Việt Nam!

Nhìn trong lâu dài, cứ kể như từ Thế chiến II, Hoa Kỳ đã can thiệp vào nhiều nơi bằng quân sự. Cái tội nặng lắm của một nước Mỹ hiếu chiến và đế quốc! Sự thật rất khó hiểu, nên không thể giải thích bằng kiểu đốp chát trong vài giây, là nước Mỹ ít khi can thiệp một mình.

Gần như lần ra quân nào, dưới chính quyền Dân Chủ hay Cộng Hoà, nước Mỹ cũng có đồng minh, nếu có gọi là chư hầu thì chưa chắc đã đúng. Lại xin mặc cả vài hàng để kể lại cho rõ trong chuỗi suy diễn từ A đến Z:

Ngay sau Thế chiến II, khi Liên Xô rồi Trung Quốc khai thác nội chiến Cao Ly thành cuộc chiến Triều Tiên, Hoa Kỳ đã nhập cuộc. Nhưng dưới lá cờ Liên hiệp quốc và bên cạnh 12 quốc gia là Anh, Pháp, Bỉ, Hoà Lan, Luxembourg, Gia Nã Đại (Canada), Úc, Tân Tây Lan, Thổ Nhĩ Kỳ (Turkey), Hy Lạp, Thái Lan và Phi Luật Tân. Ngày nay, quân lực Mỹ vẫn còn ở đó, theo quy định của Liên hiệp quốc.

Trong cuộc chiến sau này bị phỉ nhổ là "phi chính nghĩa" là tại Việt Nam, Hoa Kỳ lâm chiến cùng... bảy đồng minh là Úc, Tân Tây Lan, Nam Hàn, Đài Loan, Phi Luật Tân, Thái Lan và thậm chí... Tây Ban Nha (Spain).

Khi Chiến tranh lạnh tàn lụi, và cần cấp cứu Kuweit, trong cuộc chiến vùng Vịnh năm 1991, nước Mỹ tấn công Iraq với hậu thuẫn của 31 quốc gia Âu, Á, Phi, kể cả Ba Lan và Tiệp Khắc vừa bước ra khỏi quỹ đạo Xô viết. 

Sau vụ khủng bố 9-11, Hoa Kỳ mở chiến dich A Phú Hãn (Afghanistan) năm 2001, nhưng dưới lá cờ NATO và với sự góp công góp của từ hơn bốn chục quốc gia. Năm 2003, với sự ủng hộ và cho phép của Quốc hội, Hoa Kỳ đã... "đơn phương" can thiệp vào Iraq, tội rất nặng của ông George W. Bush hiếu chiến: người ta quên mất 38 dấu chấm là tên các quốc gia đã đi vào liên minh này.

Người ta cũng quên hỏi là vì sao trong cuộc tranh cử năm 2000, Thống đốc George W, Bush lại chống việc Chính quyền Bill Clinton can thiệp vào Kosovo để "xây dựng quốc gia" cho khu vực này trong nước Cộng Hoà Serbia, dưới lá cờ của NATO? Khi ấy, Clinton bên Dân Chủ là chủ chiến và Bush Cộng Hoà là bồ câu?

Những chuyện khó hiểu ấy dẫn chúng ta đến vài câu hỏi.

Vì sao Hoa Kỳ ngang ngược, và bị đả kích về rất nhiều chuyện, vẫn có thể can thiệp vào thiên hạ sự cùng nhiều xứ khác, trong một lãnh vực sinh tử cho mọi người là quân sự? Vì các quốc gia kia chấp nhận cái phận chư hầu cho Đế quốc Mỹ? Hay là họ chỉ làm "thợ vịn" và tinh quái vận dụng sức mạnh Hoa Kỳ để bảo vệ quyền lợi và an ninh của họ? Hay là họ bị nước Mỹ lung lạc, đánh lừa? Hay là dù sao sức mạnh quân sự kinh tế và thế chế dân chủ của Hoa Kỳ vẫn là yếu tố ổn định và an toàn nhất?

Mà Trung Quốc hay Liên bang Nga có những đặc tính như vậy không? Làm sao giải thích được chuyện đó bằng vài câu đốp chát trên truyền hình?

4 nhận xét:

  1. dear bác Nguyễn Xuân Nghĩa. k hiểu sao đợt này trang dainamax.org cháu vào mãi mà k được.
    cháu muốn đọc các bài bên đó mà chưa kịp coppy, bác có thể cho cháu xin lại các bài đó k ạ? hoặc bác có thể đưa các bài đó lên blogspot để mọi người có thể đọc những bài ấy, vì đó là những bài viết giá trị mà và cần cho kiến thức của mọi người.
    cảm ơn bác Nguyễn Xuân Nghĩa.

    Trả lờiXóa
  2. Xin cám ơn dao vien đã theo dõi. Dainamax Magazine trên dainamax.org đã bị trục trặc từ cuối tháng 10 nên mới có Dainamx Tribune này từ tháng 11.

    Trong tương lai, sẽ lần lượt yết lại các bài cũ cho độc giả gần xa.

    Chân cứng đá mềm! NXN

    Trả lờiXóa
  3. Nặc danh2/3/12 8:10 SA

    Mong chú Nghĩa sớm khôi phục lại những bài viết từ Dainamax Magazine, cháu rất hâm mộ những bài viết từ mục : Giải ảo của chú

    Người đọc ở Sài Gòn.

    Trả lờiXóa
  4. cám ơn bác NGhĩa nhiều, nhờ những phân tích về phép suy luận, diễn dịch nhảy cóc của báo chí, truyền thông ở đây mà giúp cháu thay đổi nhiều trong suy nghĩ,trong những tin tức được phổ biến hàng ngày.Quả thực, thế giới phức tạp hơn những suy nghĩ đơn giản của những người bình thường.

    Trả lờiXóa