Thứ Ba, tháng 6 26, 2012

Treo Trên Bờ Vực

Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người Việt Ngày 120625
"Kinh Tế Cũng Là Chính Trị"

Kinh Tế Lại Suy Trầm Nữa?




Kinh tế Hoa Kỳ đang bị treo trên bờ vực và nếu giới lãnh đạo Hành pháp và Lập pháp không sớm có quyết định thì sẽ tuột đáy, nghĩa là lại bị suy trầm nữa.

Chữ "fiscal cliff" được báo chí nhắc tới là để nói về vực thẳm ngân sách, một kịch bản gây ưu lo cho mọi người từ cả hai góc.

Trước hết là thuế sẽ tăng vì cuối năm nay sẽ đáo hạn hai đạo luật giảm thuế 2001 và 2003 thời Tổng thống George W. Bush - được triển hạn thêm hai năm và Tổng thống Barack Obama ký thành luật năm 2010. Từ đầu năm tới, người ta trở về thuế suất cũ, thời Tổng thống Bill Clinton.

Đã thế, số chi ngân sách sẽ tự động giảm.

Sau trận đánh giằng dai năm ngoái về định mức công trái tối đa, đạo luật kiểm soát bội chi ngân sách ban hành mùng hai Tháng Tám có quy định là nếu Quốc hội không tìm ra giải pháp giảm chi một ngàn 200 tỷ Mỹ kim trong 10 năm tới thì các khoản dự chi ngân sách sẽ tự động bị cắt một ngân khoản tương đương với số "cắt hụt". Ba ngày sau khi đạo luật được ban hành, công trái Hoa Kỳ đã bị công ty lượng cấp trái phiếu S&P hạ một điểm, từ hạng AAA xuống AA.

Rồi trong gần một năm trời, Quốc hội và Hành pháp chưa đạt thỏa thuận về ngân sách. Hoàn cảnh ngặt nghèo ấy khiến chính trường Mỹ tranh luận triền miên giữa hai hướng. Bên Cộng Hoà chủ trương giảm thuế và giảm chi để tiến dần đến quân bình ngân sách. Bên Dân Chủ đòi tăng thuế thành phần giàu có và tăng chi để giúp dân trung lưu. Trong vụ tranh luận, cựu Tổng thống Clinton lại có tiếng nói bị Hành pháp Obama coi là lạc điệu: nên triển hạn biện pháp giảm thuế thời Bush.

Trong cả năm trời, ta cứ thấy các chính khách luận về kinh tế, trong khi đó, thị trường vẫn vận hành theo quy luật riêng và đưa cỗ xe kinh tế tới bờ vực. Mà thế giới không chỉ có kinh tế Mỹ.

Quy luật đó là gì?


***


Trên đại thể, cả ba khối kinh tế dẫn đầu thế giới về trình độ phát triển - là Hoa Kỳ, Âu Châu và Nhật Bản - đều gặp chung một nạn là chi nhiều hơn thu và vay mượn quá sức nên tới kỳ trả nợ. Khi cần trả nợ thì thiếu tiền kích thích kinh tế. Sau ba khối Âu-Mỹ-Nhật, các nền kinh tế "đang phát triển", như Trung Quốc, Ấn Độ, Liên bang Nga hay Brazil, cũng có triệu chứng đình đọng, vì hết còn giải pháp xuất cảng cho ba khối kinh tế đang mất trớn. Mối nguy cộng hưởng có thể dẫn tới Tổng suy trầm sau khi đã bị một lần, từ đầu năm 2008 đến giữa năm 2009.

Bây giờ mới nói đến quy luật của kinh tế sau khi tìm hiểu về chính sách.

Thông thường, chính sách kinh tế quốc gia là sự dung hợp giữa hai loại giải pháp tiền tệ và ngân sách để kích thích tăng trưởng trong ổn định giá cả.

Thuộc thẩm quyền ngân hàng trung ương, một định chế độc lập, giải pháp tiền tệ là tăng hay hạ lãi suất. Giải pháp ngân sách thuộc Quốc hội và Hành pháp, gồm có tăng hay giảm chi, và/hoặc giảm hay tăng thuế. Hoa Kỳ đang gặp hoàn cảnh tai hại là hai loại giải pháp đó đều bất lực hoặc mâu thuẫn.

Bất lực như khi ngân hàng trung ương đã hạ lãi suất tới số không từ bốn năm nay, hai lần bơm tiền vào kinh tế qua biện pháp gọi là "tăng mức lưu hoạt có định lượng" ("quantitative easing" hay QE) và một lần đảo lãi suất để giảm phân lời trái phiếu dài hạn (gọi là "twist") được ban hành tháng Chín năm ngoái.

Tuần qua, Ủy ban Tiền tệ FOMC nhá cho biết là từ nay đến cuối năm kinh tế chưa khởi sắc, thất nghiệp sẽ lâu giảm nên ngân hàng trung ương sẵn sàng "vặn" lãi suất một lần nữa: 276 tỷ để mua vào trái phiếu dài hạn và bán ra trái phiếu ngắn hạn! Thật ra, kinh tế Hoa Kỳ đã trôi vào "bẫy sập thanh khoản", thừa tiền mà giảm phát, tựa như đẩy một sợi dây mà mọi sự vẫn không chuyển.

Mâu thuẫn là khi chính trường tranh luận về ưu tiên, là tăng thuế hay giảm chi, mà không thể dứt khoát chỉ vì Hoa Kỳ bị bội chi quá nặng và đi vay tới mức kỷ lục. Nhu cầu tranh cử - rất ngắn hạn - khiến các chính trị gia không dám nói ra sự thật là về dài thì phải có giải pháp kham khổ sau khi đã chi quá khả năng của ngân sách.

Trong khi chờ đợi xem cách chính khách xoay trở ra sao thì chúng ta trở lại thực tế của kinh tế.


***

Vấn đề nguy ngập nhất của kinh tế Hoa Kỳ ngày nay, vốn phụ thuộc vào tiêu thụ đến 72%, là tư nhân thiếu tiền và số cầu sút giảm.

Lãi suất đã được hạ tới sàn mà vì sao không hiệu quả?

Khi hạ lãi suất, giới hữu trách về chính sách tiền tệ nhắm vào hai khu vực có phản ứng bén nhạy nhất với lãi suất là gia cư và chế biến. Khu vực gia cư tạo ra việc làm nội địa là ngành xây cất - chẳng ai thuê công nhân bên Tầu xây nhà cho dân Mỹ ở bên này. Vậy mà lượng đầu tư vào khu vực gia cư hiện chưa bằng 2% tổng sản lượng quốc gia, sau khi đã xê xích trong khoảng 5% từ hơn nửa thế kỷ.

Sau gia cư, chế biến là khu vực cũng tạo ra việc làm, nhưng dù sản lượng kỹ nghệ có tăng, số việc làm vẫn giảm đều từ cả chục năm nay. Về kinh doanh, khi dùng ít công nhân thợ thuyền hơn mà vẫn nâng sản lượng thì hiệu năng có cải tiến. Mặt trái của sự huy hoàng đó là thất nghiệp! Đã sa thải nhân viên để giảm phí tổn sản xuất thì các hãng xưởng, hay giới đầu tư, không dại gì tuyển lại hoặc tuyển thêm người.

Trừ phi lập ra hãng mới, để bán món hàng mới. Mà bán cho ai?

Giới tiêu thụ không thấy lạc quan về tương lai và nhà sản xuất thì nơm nớp lo rằng sau biện pháp giảm thuế ngắn hạn mình sẽ lãnh thuế nhiều hơn và chịu nhiều phí tổn về lương bổng hay phúc lợi xã hội. Vả lại, có tiền đầu tư nghĩa là có tiền, là bọn nhà giàu đáng ghét!

Năm qua, lợi tức khả dụng của dân Mỹ chi tăng có 0,6% sau khi khấu trừ thuế khoá và lạm phát, nên mức chi tiêu tất nhiên là giới hạn. Khi tư nhân không dám chi thì nhà nước có thể tạm thời thay thế: đó là nội dung của biện pháp tăng chi.

Nhưng tăng chi để kích thích kinh tế thật ra lại không kích thích đầu tư sản xuất và chỉ có kết quả ngoạn mục về chính trị mà bất lợi về kinh tế: là triển hạn trợ cấp thất nghiệp. Từ ba năm nay, số người thất nghiệp được hưởng trợ cấp tại Mỹ đã tăng gấp ba mức trung bình của lịch sử xứ này.

Quần chúng thường nghĩ là chính trường có thể bù đắp cho thị trường qua giải pháp của cánh tả là tăng chi và tái phân lợi tức, hoặc của cánh hữu là giảm thuế. Thị trường thật ra lại lớn hơn khả năng cứu vãn của cả hai đảng và vì vậy kinh tế cứ trôi dần đến mé vực.

Tương lai rồi sẽ ra sao?

***


Khó ai biết được tình hình của mấy tháng tới, nhưng về dài thì dù bất cứ đảng nào lên lãnh đạo các quốc gia từ Âu qua Nhật hay Mỹ đều đụng vào thực tế mà mọi bà nội trợ đều biết: không thể đi vay để đi tiêu - mà phải quân bình lại chi thu.

Các nước sẽ chỉ chi ra một ngạch số bằng với nguồn thu thuế khóa. Trong khoản công chi này thì đã phải tính cả tiền lời đi vay. Việc tăng thuế không giải quyết được bài toán đó mà gánh nặng thuế khóa lại đánh sụt sản xuất. Các nước chỉ còn giải pháp giảm chi, kể cả các khoản chi gọi là bắt buộc.

Con đường gian khổ ấy là ngả thoát hiểm duy nhất và chỉ hy vọng thành hình nếu người dân hiểu ra. Dân Mỹ đã thấy kinh nghiệm Nhật Bản từ 1999 và Âu Châu từ 2009 nên có thể sớm hiểu ra sau khi rơi xuống hố vào năm tới. 

Lạc quan trong sự bi quan?

1 nhận xét:

  1. Thưa Ông Nguyễn Xuân Nghĩa
    Tôi là Nguyễn Văn Thạnh, đã hấp thụ tư tưởng Kinh tế cũng là chính trị của ông. Tôi thấy một đòn bẩy lớn từ kinh tế để thay đổi chính trị ở VN.
    http://thanhniencuuquoc.blogspot.com/2012/06/chuong-trinh-dan-huu-hoa.html
    Mong ông đọc bài viết trên và cho tôi xin tư vấn
    Trân trọng và chúc ông sức khỏe
    K.s Nguyễn Văn Thạnh
    Email: hsmxvn@gmail.com

    Trả lờiXóa