Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người Việt Ngày 120730
"Hoa Kỳ Nhìn Từ Bên Ngoài"
Thế Vận Hội và tương quan lực lượng
* Dân biểu tình tại Khải Đông trong tỉnh Giang Tô
lật đổ xe cảnh sát hôm Thứ Bảy 28 - Ảnh Kyodo *
lật đổ xe cảnh sát hôm Thứ Bảy 28 - Ảnh Kyodo *
Trước khi Thế vận XXX khai mạc tại thủ đô Anh quốc và không hổ danh một đại diện cho đảng Cộng Hoà, nguyên Thống đốc Mitt Romney đã thể hiện truyền thống của đảng là... rút súng tự bắn vào chân! Hoặc nói cho hiền hòa hơn, tự vả vào miệng.
Đã từng tổ chức Thế vận hội Mùa Đông 2002 tại Utah, ứng cử viên Tổng thống bên đảng Cộng Hoà hiển nhiên biết rõ sự khó khăn của việc tổ chức. Nhưng thay vì nhấn mạnh đến nỗ lực tích cực của Ủy ban Thế vận Anh quốc trong bối cảnh suy trầm kinh tế, ông mau mắn dạy dỗ nước Anh về việc bảo vệ an ninh Thế vận và nhắc tới khiếm khuyết. Kết quả là nhục mạ quốc gia đang chào đón ông trong vòng tranh cử Tổng thống tại Hoa Kỳ.
Ban tham mưu tranh cử của Romney không làm đúng việc. Phải chi họ dành dăm ba phút suy nghĩ về một việc phù du mà cần thiết cho các chính khách:
Vì sao lực sĩ đoạt huy chương vàng lại rưng rưng nước mắt khi quốc thiều trổi lên cùng lá quốc kỳ của mình? Vì sao khán giả trong vận động trường hay trước màn ảnh truyền hình ở nơi khác lại hò la cổ võ lực sĩ của quốc gia mình? Với người Việt ta, loại câu hỏi đó cũng thể hiện qua sự việc là mình ta hơi buồn khi nhìn đến phái đoàn Việt Nam và chú ý đến các lực sĩ gốc Việt trong phái đoàn Mỹ và Đức....
Vì sao như vậy? Vì tâm lý liên đới của những người cùng sinh sống trong một cộng đồng quốc gia? Vì lòng yêu nước hay vì tự ái dân tộc? Khi hữu sự, những động lực mơ hồ ấy thật ra lại có sức mạnh dời sông lấp biển.
Ông Romney quên bẵng chuyện này và xúc phạm tự ái của người Anh. Từ một đế quốc suy tàn sau mấy thế kỷ thấy lá quốc kỳ không hề lặn trên mặt địa cầu, người Anh muốn nhân Thế vận London khẳng định bản sắc của mình. Nhất là khi đã thấy Trung Quốc phô trương thanh thế tại Thế vận Bắc Kinh năm 2008. Thế rồi trước khi mở màn thì lại bị một ông đồng minh xối cho lon nước lạnh!
Chuyện ấy dẫn ta trở về một tiêu chuẩn phù phiếm có thể đo lường sức mạnh của quốc gia: số huy chương đoạt được tại Thế vận hội. Càng nhiều vàng thì càng mạnh.
Chỉ có tại Hoa Kỳ, nhật báo The Wall Street Journal cất công nghiên cứu và phỏng vấn các chuyên gia để trong một bài tổng hợp rất dài dự đoán số huy chương mà phái đoàn Mỹ sẽ đoạt tại London: như số anh hùng Lương Sơn Bạc, 108 cái! Trong đó có 40 huy chương vàng. Còn Trung Quốc? Sau thành tích hoành tráng lần trước, năm nay phái đoàn Trung Quốc có thể tụt xuống hạng nhì với 92 huy chương, gồm 38 lóng lánh màu vàng.
Đây chỉ là một dự đoán, và dù có cơ sở rất khoa học về những tiêu chuẩn - kể cả thành tích đã qua của từng lực sĩ ưu tú cho mỗi quốc gia - thì bảng điểm này vẫn có thể trật lấc. Nhưng chính các tiêu chuẩn ấy mới khiến ta chú ý đến sự khác biệt giữa hai nước dẫn đầu về kinh tế lẫn huy chương.
Đó là số tiền mà mỗi bên đầu tư vào việc tuyển chọn, huấn luyện hay thi đấu? Không!
Đó là số tiền mà mỗi bên đầu tư vào việc tuyển chọn, huấn luyện hay thi đấu? Không!
Khác biệt chính là tính chất tự do và tự phát của Hoa Kỳ, khởi đi từ phân khoa thể thao trong các trường học cho đến việc tuyển lọc và tập dượt ở từng địa phương. Hoàn toàn tư nhân, của xã hội dân sự. Phía Trung Quốc thì đấy là sức mạnh tổng hợp của dân tộc, của hơn một tỷ 300 triệu người. Nhưng do nhà nước gom thành một mũi nhọn.
Chìm sâu bên dưới có một hiện tượng xã hội rất lạ: trong 20 năm qua, số trường học về thể thao tại Trung Quốc giảm mất 40% vì người dân Hoa lục nhìn thấy nhiều ngả tiến thân khác hơn là trở thành lực sĩ. Riêng người viết còn nhìn thấy một hiện tượng nhỏ nhoi khác. Ngày đầu tiên, con kình ngư Michael Phelps mất ngay huy chương vàng, nhưng tấm huy chương cao quý ấy vào tay một lực sĩ khác của Mỹ, Ryan Lochte. Tại Hoa Kỳ, chẳng ai có thể mãi mãi ngự trên đỉnh và thay bậc đổi ngôi là một quy luật.
Sự linh động và sinh động của một xã hội tự do đã tạo ra sức mạnh Hoa Kỳ.
Câu chuyện ấy dẫn ta về một vấn đề thời sự. Trong cuộc tranh đua về quyền lợi quốc gia, cụ thể là thế và lực giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, những yếu tố nào mới là sức mạnh? Tài nguyên, nhân lực, khả năng tổ chức, tinh thần quốc dân, hay ý chí lãnh đạo? Câu hỏi ấy dẫn tới một mâu thuẫn, một nghịch lý, chưa được vận dụng.
Hơn một tỷ người dân Trung Hoa hiển nhiên là có niềm tự hào dù mơ hồ về văn hoá lịch sử của họ. Y như trong trò chơi Thế vận – It's just a game! – lãnh đạo Bắc Kinh đã khéo khai thác niềm tự hào thành sức mạnh tổng hợp. Một sức mạnh do đảng Cộng sản Trung Hoa là đại biểu chân chính – và toàn quyền sai khiến.
Nhưng trong khối dân đông đảo ấy, cả trăm triệu người đã và đang tranh đấu và thậm chí hy sinh vì những yếu tố mà nhiều người Mỹ lại coi thường: chống lại cường quyền, sự nghèo đói, bất công, bệnh tật hay chinh chiến. Nhiều người Mỹ coi thường các yếu tố đã trở thành hiển nhiên trong cuộc sống thường nhật của họ nên ít chú ý đến nỗi khát khao của dân Trung Quốc.
Ngoài tự ái dân tộc, một điểm rất chung của mọi quốc gia như ta có thấy trong Thế vận hội, đa số người dân Trung Quốc ngày nay cũng hiểu ra sức mạnh giải phóng của kinh tế thị trường. Kinh tế tự do mở ra chân trời tự do cho chính họ và có làm xã hội thay đổi. Nhưng quyền tự do đó xuất phát từ sự tính toán của lãnh đạo nên tất nhiên là phải có giới hạn.
Tại Hoa Kỳ, quyền tự do này là bản chất của xã hội, quốc gia, của từng người dân và vì vậy nó thường gây mâu thuẫn với nhà nước. Chúng ta sẽ sai lầm nếu coi mâu thuẫn này là nhược điểm của nước Mỹ. Càng sai lầm hơn khi đánh giá thấp những mâu thuẫn trong xã hội Trung Quốc.
Một nhà nước mà không có khả năng thay đổi thì khó có khả năng tồn tại.
Hoa Kỳ thường xuyên thay đổi. Cứ hai năm một lần là nhà nước ở mọi cấp lại được người dân xét lại khả năng qua lá phiếu trong nhiễu âm cãi cọ của bầu cử. Tại Trung Quốc, mọi sự đều có vẻ lầm lỳ khốc liệt. Cứ hai Đại hội đảng, 10 năm một lần, người ta mới thấy một chút hy vọng thay đổi. Hoặc chẳng được thấy mà chỉ suy đoán qua những đòn phép chính trị, pháp lý hay hình sự từ trên rỉ xuống.
Nếu không nhìn ra khác biệt này, Hoa Kỳ - và cả chúng ta nữa – sẽ quên một yếu tố vận động hay vận dụng.
Người dân Trung Quốc hãnh diện về phi thuyền Thần Châu, vệ tinh Phong Vân hay mẫu hạm Thi Lang, chuyện ấy rất chính đáng nhưng nếu chỉ nhìn vào đó thì người ta dễ gom tỷ người thành một. Vào chung một chiến tuyến.
Người dân Trung Quốc có hãnh diện về nạn tham ô, bất công, độc đoán, cướp bóc và đàn áp của cái đảng đang độc quyền lãnh đạo hay chăng? Hiển nhiên là không. Họ có thầm kính phục về đởm lược của những người đang tranh đấu như Lưu Hiểu Ba hay Ngải Vị Vị không? Dù chẳng được nói ra, hiển nhiên là có.
Khi hữu sự, ở ngoài Đông hải chẳng hạn, thì những người khát khao tự do của Trung Quốc sẽ đứng ở đâu? Nếu người dân Trung Quốc có tự do và làm nhà nước thay đổi thì chuyện "hữu sự" hay xung đột ấy có xảy ra không? Nhiều phần thì không vì họ cũng chấp nhận quyền tự do lưu thông ngoài biển mà hầu hết mọi quốc gia đều đồng ý và bảo vệ. Hiển nhiên là họ cũng chấp nhận việc ôn hòa đàm phán để giải quyết những mâu thuẫn về chủ quyền.
Nếu giúp cho người dân Trung Quốc thật sự làm chủ đất nước của họ, có lẽ Hoa Kỳ sẽ tránh được câu hỏi nhiều người đang thắc mắc. Là làm sao chống được Trung Quốc.