Thứ Bảy, tháng 7 28, 2012

Độc Hành Sát Thủ hay Cái Dũng Ở Đầu Ruồi

Nguyễn-Xuân Nghĩa - Ngày Nay 120724 

Nhân Vụ Tàn Sát Tại Colorado, Nhìn Lại Hiện Tượng Sát Thủ Cô Đơn Trong Xã Hội Mỹ  

 * Truyện bằng tranh cho thiếu nhi *


Nửa đêm Thứ Sáu 20, nghi can James Homes đã mở cuộc tàn sát trong một rạp hát bóng tại thị trấn Aurora của tiểu bang Colorado. Kết quả là 12 người thiệt mạng, 58 người bị thương. Vụ giết người của một tay sát thủ cô đơn lập tức gây phản ứng trong dư luận thế giới. Như mọi khi, bỉnh bút Nguyễn-Xuân Nghĩa lại... nhìn ra chuyện đổi trắng thay đen trong lịch sử Hoa Kỳ.


Vụ tàn sát tại Colorado vào nửa đêm 20 qua ngày 21 đã được dư luận cả thế giới chứ không riêng gì Hoa Kỳ theo dõi và bình luận. Người ta nói đến cái "nhân" là tình trạng tâm thần bất ổn của nghi can, James Holmes, xuất thân từ California và đang bỏ dở học trình Tiến sĩ về khoa thần kinh tại Đại học Colorado, hay cái "duyên" là cuốn phim về nhân vật Batman, nửa người nửa dơi ("The Dark Knight Rises").

Một kẻ như vậy tất nhiên là đã có tư tưởng sát nhân lởn vởn trong đầu và chuẩn bị tội ác từ lâu rồi. Cơ hội ra tay là đêm đầu tiên ra mắt cuốn phim hư cấu này. Việc nghi can nhuộm đỏ mái tóc và hành xử như nhân vật Joker trong truyện Batman chỉ là phần trình diễn của kẻ bất thường. Nghĩa là chẳng có phim Batman thì Holmes vẫn có thể hành động và chẳng dùng súng thì hung thủ vẫn có thể giết người, như đã gài bom ngay trong căn hộ của mình.

Đáng chú ý hơn cả về biến cố đau thương này là phản ứng của các chính trị gia.

Họ lập tức tranh luận về quyền mang súng của người Mỹ, hoặc về nhu cầu kiểm soát việc thụ đắc võ khí. Nếu nghi can không dễ dàng mua súng thì có khi bi kịch đã chẳng xảy ra, đấy là lập luận cố hữu của những người hiền lành - và của đa số bên đảng Dân Chủ. Nhưng cuộc tranh luận đó chỉ chứng tỏ là người Mỹ mắc bệnh quên trí nhớ.

Xin hãy nhắc về chuyện trí nhớ trước, về hiện tượng độc hành sát thủ sau.


***


Sau cuộc Nội chiến 1861-1865, một số nhân vật cực đoan của phe Confederation ở miền Nam đã lý luận rằng xã hội bị biến chất bởi người da đen, dân da trắng phải tự bảo vệ lấy bản sắc. Nhóm người quá khích này xuất phát từ đảng Dân Chủ, là sáng lập viên của phong trào Ku Klux Klan hắc ám. Chuyện ấy, người Mỹ đã quên.

Họ cũng quên rằng đảng Dân Chủ khi đó chủ trương phải kiểm soát võ khí và hạn chế quyền mang súng để dân da đen không thể tự vệ bằng súng. Loại luật lệ "phải đạo" ấy cho phép các tay Ku Klux Klan bên đảng Dân Chủ tha hồ bắn hạ bọn nô lệ da đen vừa được giải phóng như người ta bắn vịt trời. Mà chơi.

Chìm sâu trong chuyện quái đản ấy là đảng Dân Chủ thời "hậu chiến" vừa lập ra phong trào KKK vừa vận động đạo luật chối từ quyền công dân cho người da đen: chẳng là công dân thì không có quyền mang súng. Vì thế, từ hơn trăm năm trước, sau khi Tổng thống Abraham Lincoln giải phóng dân da đen, đảng Cộng Hoà ủng hộ việc cho họ quyền mang súng để tự vệ.

Như đạo luật "Anti-Klan" năm 1871 do Tổng thống Cộng Hoà Ulysses Grant nhắm vào hai việc: diệt trừ tổ chức kỳ thị KKK và cho phép công dân mang súng để bảo vệ tính mệnh và tài sản. Được thành lập cũng từ năm đó, hiệp hội NRA đề cao quyền mang súng và 60 năm trước đây hội này còn tích cực vận động cho người da đen được quyền có súng!

Ngày nay, người ta quên hẳn quá khứ và cứ nghe những lý luận đảo điên về nhân quả mà tưởng là sự thật. Mỗi khi có một vụ thảm sát, chuyện mang súng lại là đề tài tranh luận!


***


Chúng ta trở lại những kẻ một thân một mình tìm cách giết người.

Từ hung thủ đã ám sát Tổng thống Lincoln đến John Hinckley, kẻ mưu sát Tổng thống Ronald Reagan, hay Theodore Kaczinski, tay "Unabomber" đã gửi bom thư để giết người từ năm 1978 mãi đến 1996 mới bị bắt. Hoặc trường hợp của Eric Rudolph, kẻ đánh bom nơi tổ chức Thế vận hội 1996 tại Atlanta, hay hai phụ nữ đã chẳng bảo nhau mà cùng mưu sát Tổng thống Gerald Ford. Trường hợp của hai phụ nữ đó là hãn hữu chứ đa số hung thủ đều thuộc nam giới.

Gần đây hơn thì có vụ Seung-Hui Cho, kẻ gây ra vụ tàn sát tại Đại học Virginia Tech trước khi tự sát. Hay Jared Lee Loughner, kẻ đã nố súng bắn loạn đầu năm ngoái vì oán ghét nữ Dân biểu Gabrielle Giffords tại Arizona, khiến sáu người thiệt mạng, bà Giffords bị thương nặng vì trúng đạn vào đầu.

Động lực giết người của họ có thể là ý thức hệ, là tôn giáo, là bệnh lý, hoặc sự hòa nhập của cả ba yếu tố này, cho nên người ta rất khó xếp loại để điều tra hay ngăn ngừa.

Thí dụ như vì chống lại quyền phá thai, hoặc muốn bảo vệ súc vật, kẻ điên có thế tấn công nhà thương, phá hoại xưởng thuộc da thú làm y phục. Nổi tiếng trong xu hướng bệnh hoạn này là các nhóm "dân quân" tự phát đã giết người hay tấn công nhà chức trách vì lý do ý thức hệ: cực hữu, vô chính phủ, tự do tuyệt đối, hoặc đề cao sự ưu việt của da trắng, nhóm "white supremacist".

Nhưng khi đã là một tập thể, các lực lượng ấy có thể bị nhà chức trách xâm nhập và phá vỡ từ bên trong và kẻ sát thủ độc hành bỗng dễ thành thất nghiệp.

Đầu năm 1992, một lãnh tụ lỗi thời của tổ chức KKK bèn phát huy sáng kiến "kháng chiến không lãnh đạo" để "đổi mới" phong trào white supremacist: gầy dựng các tổ đặc công tự trị mà khỏi cần phối hợp.

Từ lý luận của tay Louis Beam này, họ lập ra hai tầng tổ chức. Hoàn toàn hợp pháp và công khai là lớp vỏ vận động thông tin – được Đệ nhất Tu chính án bảo vệ - nhằm khích động quần chúng. Chìm bên dưới như tà ma là phần hành động, gồm từng cá nhân hay tiểu tổ một vài người sẽ tiến hành bạo động sau khi thu thập kiến thức về "nghiệp vụ" từ hệ thống thông tin công khai.

Người ta rất khó truy tìm hung thủ trong môi trường khủng bố tự phát đó.

Nhưng trong hiện tượng bạo động, vấn đề gai góc nhất cho nhà chức trách là đối phó với những cá nhân mắc bệnh cuồng sát trong tâm trí. Làm sao biết trước để phòng ngừa vì tình trạng tự cô lập của những tay sát thủ mắc bệnh tâm thần? Hung thủ thường lủi thủi sống một mình, chuẩn bị lấy hành động sát nhân và vì ít giao tiếp với người khác nên không để lộ âm mưu giết người.

Đã thế, vì mắc bệnh tâm thần, họ bất cần tới hậu quả. Nhiều khi phạm tội rồi vẫn chẳng tìm cách đi trốn, như John Hinckley năm xưa và có khi còn được giảm án vì mắc bệnh! Trường hợp James Holmers có lẽ cũng như vậy, bất cần, khỏi trốn và có khi thoát tội tử hình.

Mà nạn sát thủ độc hành này không chỉ xảy ra trong các thành phố lớn vì nơi nào cũng có. Hiện trường cũng chẳng là một công thự liên bang hay cơ quan nhà nước như vụ Timothy McVeigh đánh bom cao ốc liên bang của Oklahoma City khiến 168 người mất mạng năm 1995. Nơi giết người có thể là đất công cộng rất khó kiểm soát hay bảo vệ, như trường học, nhà thương, bãi đậu xe.

Chỉ sau khi tai họa xảy ra người ta mới hiểu ra một vài triệu chứng chung.

Thí dụ như phản ứng bạo động trước đó của hung thủ với người chung quanh. Hoặc hành vi phạm pháp hay những phát biểu kỳ quái trước khi ra tay. Một hiện tượng đáng chú ý là khi hung thủ bất ngờ ly khai một tập thể, bỏ học, ra khỏi một tổ chức hay chìm sâu vào một vùng im lặng không còn liên lạc gì với thân nhân hay bạn bè.

Nhưng làm sao có thể đoán trước thảm họa từ những chỉ dấu mơ hồ đó? Hoặc làm sao biết được là kẻ điên có thể "tập dượt" – dry run – trước khi ra tay, như thăm viếng hiện trường, hoặc tìm cách tiếp xúc hay bật tín hiệu cho nạn nhân?

Khi tìm hiểu những chuyện như vậy trong xã hội Mỹ, người ta có thể kết luận rằng ngăn ngừa tội ác còn khó hơn đáy biển mò kim. Nhưng, cũng từ những nhiễu âm vang dội sau khi đã có người mất mạng, chúng ta còn có thể nhìn ra vài chuyện khác về văn hoá.


***


Xã hội Mỹ sùng chuộng bạo lực ngay từ trong lịch sử.

Thiên anh hùng ca của Hoa Kỳ nhiều khi lạc điệu thành ra hành khúc của bọn sát nhân. Và tinh thần đó thấm vào nghệ thuật giải trí, càng sát sự thật càng hay. Càng tinh vi ma quái thì càng ăn khách. Hàng năm, vào dịp lễ Halloween thì ta càng thấy ra điều ấy, nhất là trong giới thiếu niên có tâm trí non nớt và tưởng rằng mình có quyền làm được mọi chuyện. Ngợi ca bạo lực hoặc chỉ thấy cái dũng ở đầu ruồi của nòng súng là một nết văn hoá rất lạ, và được Hiến pháp bảo vệ tương tự như quyền mang súng.

Cánh tả thì đòi quyền tự do sáng tạo, cánh hữu đòi quyền tự do mang súng và cãi lộn lung tung!

Vậy mà một hiện tượng bi thảm khác đã lặng lẽ xảy ra trong thế giới của những người có súng: 10 năm sau khi khai mở chiến dịch A Phú Hãn, nạn binh lính Mỹ tự sát đã vượt mọi kỷ lục - mỗi ngày một mạng - còn cao hơn số thương vong vì tác chiến. Có mấy ai để ý đến hiện tượng ấy không? Làm sao giải thích được sự thờ ơ của xã hội với những thanh niên đang làm nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc và rơi vào khủng hoảng tâm thần vì nỗi cô đơn trước hình ảnh của chiến trường và sự thản nhiên của hậu phương?

Thế rồi, khi một vụ tàn sát xảy ra thì truyền thông lại tranh nhau khai thác tin tức khiến hung thủ nổi danh như minh tinh màn bạc, khiến kẻ câm nín trong thế giới bệnh hoạn bỗng muốn nổi danh với đời - đòi chơi lấy tiếng! Có khi còn viết hồi ký ra tiền nữa. Hiện tượng bắt chước – copy cat – sau mỗi vụ thảm sát có thể gieo mầm cho một vụ thảm sát khác.

Trong khi ấy, các chính khách đều ra vẻ nhỏ lệ rồi lập tức tranh cãi và đổ lỗi. Hung thủ mà là người da trắng và nạn nhân là dân da đen thì mọi chuyện bỗng chuyển qua hướng khác, qua cái tội tổ tông của nước Mỹ. Tội kỳ thị dân da đen.

Thật ra, một lỗi lầm đã có trong lá tử vi của nước Mỹ là việc các tiểu bang có quyền ban hành luật lệ cấm dân nô lệ không được có võ khí.

Sau Nội chiến, khi chế độ nô lệ được bãi bỏ, nhiều tiểu bang vẫn duy trì luật này, lồng trong Đạo luật Da đen (Black Codes) nhằm hạn chế quyền hạn của người da đen, kể cả quyền có súng. Chế độ kỳ thị đó dẫn tới phản ứng đấu tranh cho dân quyền và quyền bình đẳng của mọi công dân, bất kể tới màu da, ngày nay đang được coi như ưu điểm của đảng Dân Chủ.

Ngày nay, cái đảng mang tiếng ác ôn kỳ thị và nguyên nhân của hiện tượng chơi súng lại là đảng Cộng Hoà, xưa kia tranh đấu cho mọi người da đen được quyền bình đẳng, kể cả quyền bình đẳng với khẩu súng. Chúng ta gọi hiện tượng đó là gì? 


Đổi trắng thay đen?  

1 nhận xét:

  1. thang nay bac Nghia co it bai qua.cho mong duoc doc nhung bai viet cua bac.

    Trả lờiXóa