Thứ Hai, tháng 7 16, 2012

Săn Lùng Dưới Đáy Biển


Nguyễn -Xuân Nghĩa- Ngày Nay Houston, Ngày 120715

Khi Trung Quốc thị uy ngoài Đông hải, chuyện đáy biển còn ly kỳ gấp bội

 * Thêm một điểm nóng ngoài Đông Hải - tranh chấp Nhật-Hoa về đảo Senkaku (Điếu Ngư Đài) *

 
Từ 27 Tháng Sáu đến mùng bảy Tháng Tám, 22 quốc gia trên vành cung Thái bình dương có cuộc thao dượt hải quân gọi là RIMPAC. Do Hoa Kỳ khởi xướng năm 1971 và hai năm tiến hành một lần với sự tham gia ngày càng đông đảo của các nước, RIMPAC lại thiếu vắng quốc gia có nhiều tiềm thủy đĩnh nhất và đang muốn khống chế Đông hải của Việt Nam. Đó là Trung Quốc. Bỉnh bút Nguyễn-Xuân Nghĩa tìm hiểu và giải thích chuyện này....



Ngoài khơi Hawaii, trong cuộc thao dượt RIMPAC (Rim of the Pacific) lần thứ 23 kể từ năm 1971, có bốn quốc gia đã đưa tiềm thủy đĩnh vào cuộc kể cả Hoa Kỳ, duy nhất gửi tới loại tầu ngầm nguyên tử. Hải quân Trung Quốc hiển nhiên là theo dõi và tìm hiểu khả năng của Mỹ ở dưới đáy biển.

Tiềm thủy đĩnh là loại ám khí dưới biển có thể cân bằng lực lượng trong một trận giao tranh giữa hai cường quốc hải quân, vì có thể tiến rất sâu vào "phòng tuyến địch" để do thám và  bất ngờ ra đòn sát thương. Cho một quốc gia có tham vọng trở thành cường quốc hải dương trước sức mạnh độc bá của Hoa Kỳ, võ khí này của Trung Quốc có thể bảo vệ vùng biển cận duyên, từ lãnh thổ ra Hoàng hải, Đông hải hoặc xa lắm là Đông hải của Việt Nam. Đấy là lý thuyết.

Nhưng muốn từ vành đai đầu tiên mà tiến ra Thái bình dương, ám khí dưới biển của Bắc Kinh phải lách qua hai dàn phòng ngự là chuỗi hải đảo Ryu Kyu giữa Nhật Bản và Đài Loan và eo biển Luzon giữa Đài Loan và Phi Luật Tân. Đây là hai yết hầu dưới biển vẫn do Hoa Kỳ kiểm soát để bảo vệ quyền tự do giao lưu ngoài biển Đông.

Nhưng tầu ngầm Trung Quốc chưa có khả năng di chuyển ngầm – mà ít gây tiếng động – khi tiến tới vùng biển nằm sâu hơn, ở bên ngoài của thềm lục địa. Vì thế Bắc Kinh không muốn trực diện xung đột với Hoa Kỳ. Chỉ mong là sẽ chậm rãi kiểm soát được vùng biển cận duyên và gây ngần ngại nếu như Hoa Kỳ có muốn hay có phải can thiệp.

Việc Trung Quốc xây dựng lực lượng hải quân lớn mạnh đã khởi sự 10 năm sau cải cách kinh tế. Ngày nay, mục tiêu bành trướng của Bắc Kinh trở thành tinh vi và có trọng tâm là khống chế Đông hải như một vùng trái độn quân sự mà khỏi phải dụng binh.

Khu vực gọi là "Đông hải" này có hai phần Nam/Bắc.

Phía Bắc là biển Đông của Trung Quốc, kéo dài từ lãnh thổ Nga qua bán đảo Triều Tiên, biển Nhật Bản xuống tới Eo biển Đài Loan và dãy đảo Lưu Cầu hay Ryu Kyu của Nhật, trong đó có Senkaku hay Điếu Ngư Đài mà Nhật Bản và Trung Quốc đều đòi chủ quyền (cùng Đài Loan) và hiện do Nhật Bản kiểm soát. 

Phía Nam, là biển Đông của Việt Nam, có vùng biển Đông Nam Á. Vượt qua biển Đông Nam Á thì mới đến biển Phi Luật Tân và Thái bình dương. Đông hải của Việt Nam nối liền Thái bình dương với Ấn Độ dương và là khu vực sinh tử của Nhật Bản, Nam Hàn và Đài Loan phía Bắc với lãnh hải của Úc Đại Lợi ở phía Nam. Đây cũng là nơi sinh sống của gần 600 triệu dân Đông Nam Á, trong đó có nguồn thủy sản và cả dầu khí thiết yếu cho gần 90 triệu người Việt.

Nhiều người cho rằng nếu Trung Quốc coi Đông hải là khu vực chiến lược của họ thì cũng chẳng khác gì Hoa Kỳ đã từng xem  đại lục Mỹ Châu là khu vực ảnh hưởng của Mỹ, theo lý luận của "Chủ thuyết Monroe" từ đầu thế kỷ 19 dưới thời Tổng thống James Monroe.

Thật ra, chủ thuyết ấy nhắm vào hai khía cạnh tích cực và tiêu cực. Sau hàng loạt cuộc chiến thời Napoléon, Hoa Kỳ không muốn can dự vào chuyện Âu Châu và thứ hai cũng không muốn các nước Âu Châu mở thêm thuộc địa tại Trung Nam Mỹ. Về sau, khái niệm đó được thu gọn thành "Mỹ châu là của người Mỹ". "Người Mỹ" ở đây là Hoa Kỳ. Trung Quốc ngày nay cũng có thể lý luận trên các diễn đàn quốc tế rằng "Á Châu là của người Á" với hàm ý là không của Hoa Kỳ.

Chỉ nội lập luận đó đã nói lên mâu thuẫn tất yếu: Hoa Kỳ khẳng định rằng mình là quốc gia Châu Á và bảo vệ quyền lợi của Mỹ tại Á Châu là mục tiêu chiến lược.

Hệ quả thứ hai của "chủ thuyết Monroe - với màu sắc Trung Hoa", rằng Á Châu là của người Á, còn đụng vào một thực tế khác tại Châu Á. Về địa dư, Á châu bao gồm các nước Tây Á như Iran hay Saudia Arabia qua tới Viễn Đông, như Nga, Đại Hàn, Nhật Bản, và bao trùm bán đảo Nam Á của Ấn Độ đến các quốc gia quần đảo hay bán đảo tại Đông Nam Á. Trong một chuỗi dài như vậy, Á Châu là của người Á nào?

Nói cách khác, Á châu có thể là của người Á, mà không thể là của người Trung Hoa. Nhật Bản, Đại Hàn, Ấn Độ và nhiều quốc gia khác tất nhiên cũng đồng ý như vậy! Các nước này đều tham gia thao dượt RIMPAC.

Một khía cạnh chiến lược khác là nếu ngoài Đông hải của Trung Quốc, lãnh đạo Bắc Kinh gặp bốn nước có khả năng đương cự là Nga, Nam Hàn, Đài Loan và Nhật Bản, thì tại Đông hải của Việt Nam, họ gặp các nước nhỏ yếu hơn, đó là 10 quốc gia trong Hiệp hội ASEAN. Vì thế, chiến lược Đông hải của Trung Quốc tất nhiên nhắm vào Đông Nam Á, gây ảnh hưởng tới 10 nước trong nhóm ASEAN. Đa số trong nhóm này lại là đồng minh hay đối tác của Hoa Kỳ.

Đấy là bối cảnh chung trên mặt biển. Dưới đáy sâu tình hình còn phức tạp hơn vậy.

Hoa Kỳ là siêu cường đại dương từ trăm năm. Hàng không mẫu hạm đầu tiên được Mỹ hạ thủy trăm năm trước khi hải quân Bắc Kinh thử nghiệm "tầu sân bay" Varyag mua lại của Ukraine. Hoa Kỳ cũng thường xuyên lâm chiến ở mọi nơi trong mọi hình thái chiến tranh và có kinh nghiệm chiến trường hơn hẳn mọi quốc gia khác trên địa cầu. Tướng lãnh Hoa Kỳ đều là sĩ quan lên lon là từ thành tích tác chiến và tổ chức hay chiến lược, chứ không từ các tiêu chuẩn vu vơ, như đảng tịch, hay sắc tộc. Sau chiến tranh Triều Tiên, Trung Quốc chỉ có kinh nghiệm quân sự là uy hiếp Việt Nam trong các năm 1974, 1979 và 1988.

Kết hợp với sức mạnh kinh tế và khả năng kỹ thuật từ cả trăm năm, Hoa Kỳ là quốc gia không đối thủ ngoài đại dương, trên không gian và dưới đáy biển. Hoa Kỳ không có nhu cầu xâm lăng hoặc đưa quân vào kiểm soát Trung Quốc như Nhật Bản đã làm và thất bại. Siêu cường này chỉ cần bảo vệ quyền tự do và ưu thế của mình trên các đại dương, và dĩ nhiên ngoài Đông hải của Trung Quốc và Đông hải của Việt Nam.

Trước một đối phương như vậy, Trung Quốc không dại gì mà trực diện thách đố, gây hấn hay tấn công trong một cuộc chiến tất bại ở ngoài đại dương.

Lãnh đạo Bắc Kinh chỉ muốn cản trở sự xâm nhập của Hoa Kỳ ở ngoài biển và ngăn ngừa sự khống chế của Mỹ trên không gian. Họ nhắm vào hai mục tiêu "cản trở" và "ngăn ngừa" (Ngũ Giác Đài gọi tắt là A2/AD, anti-access/area denial), nhưng với điều kiện là không bị thiệt hại. Họ thực hiện mục tiêu có điều kiện ấy qua nhũng tính toán về lẽ hơn thiệt: làm sao cho Hoa Kỳ cân nhắc lợi hại và e ngại tổn thất mà chấp nhận sự hiện diện của Trung Quốc ngoài biển.

Do không thể trực diện đối đầu ngoài biển và trên không gian, Trung Quốc đi ngầm ở dưới: dùng tiềm thủy đĩnh làm sức mạnh gián chỉ.

Vì lối tính toán ấy, Hải quân Trung Quốc ngày nay có lực lượng tiềm thủy đĩnh cổ điển lớn nhất thế giới, chạy bằng dầu cặn, diesel và vài tầu ngầm chạy bằng năng lượng hạch tâm và cốcải tiến loại cổ điển bằng sức đẩy của phản lực để có thể nằm lâu hơn dưới đại dương. Hải quân Trung Quốc hiện đã có 60 tầu ngầm đủ loại và muốn nâng số này lên 75 trong thập niên tới.

Nhưng nằm im dưới biển để làm gì nếu không có khả năng tấn công để can gián và cấm chỉ?

Khả năng đó là loại phi đạn đối hạm ASBM, Anti Ship Ballistic Missile, là dùng ám khí từ đáy biển để phục kích chiến hạm Mỹ. Nếu các ám khí này lại mang đầu đạn nguyên tử thì ưu thế của các hạm đội Mỹ có thể bị triệt tiêu. Các nhà nghiên cứu quân sự đều đang tìm hiểu khả năng này của Hải quân Trung Quốc.

Vì thế, cùng với cách dàn trận trên mặt đất hay xây dựng các đơn vị loại Hải quân Công xưởng ngoài biển Đông Nam Á là chuyện đang xảy ra, Trung Quốc cũng bố trí phương tiện dưới đáy biển. Và cần tìm hiểu xem Hoa Kỳ biết được tới đâu và sẽ làm những gì để chống trả phục binh của mình.

Đấy là trận đánh về tình báo và kỹ thuật không gây tiếng nổ đang tiến hành dưới đáy đại dương.

Tuy nhiên, một hệ thống quân sự thống nhất lại gồm có không gian ba chiều, trên không, ngoài biển và dưới đáy biển, với sự phối hợp chặt chẽ về thông tin, điều động và tác chiến. Vệ tinh, tầu ngầm hay hỏa tiễn gì thì cũng do con người điều khiển căn cứ trên nhận thức và tổ chức với những phương tiện hiện đại nhất mà cũng phải là bí mật nhất. Hoa Kỳ đã có cả trăm năm đào luyện, Trung Quốc mới chỉ bắt đầu và sớm lắm thì phải một thế hệ nữa mới làm ra trò. Trong khoảng thời gian đó, Hoa Kỳ không ngồi yên.

Duy nhất có một ưu thế của Trung Quốc là tâm lý của Hoa Kỳ, thường hay lạc quan tếu rồi hốt hoảng bậy và cãi nhau lung tung về ưu tiên.

Bên lề cuộc thao dượt RIMPAC có cuộc tranh luận về ngân sách quốc phòng. Lồng bên trong là ngân sách trang bị cho Hải quân.

Khi đã quyết định đưa 60% lực lượng Hải quân vào Thái bình dương, giới chức Hoa Kỳ và các nhà chiến lược ưa nói đến thuở vàng son là khi nước Mỹ có 600 chiến hạm vào thời Tổng thống Ronald Reagan. Hiện nay, Hải quân Mỹ có 284 đơn vị và thực tế chỉ có 250 chiến hạm có khả năng ứng chiến! Hoa Kỳ sa sút?

Một đề tài gây tranh luận khác là so sánh tương quan lực lượng. Từ năm 2000, so với Mỹ thì Hải quân Trung Quốc đã thiết kế tầu ngầm nhiều gấp bốn lần, và qua năm 2005 thì gấp tám. Trong khi ấy, Hải quân Mỹ mất dần khả năng tấn công tiềm thủy đĩnh và sẽ thua sút Trung Quốc. Nghĩa là lồng trong cuộc tranh luận về tiết giảm công chi để quân bình ngân sách, hình như nước Mỹ đang bật ra tín hiệu là sắp vỡ nợ nên phải cắt bớt quân phí!

Nhưng nếu nhìn từ Trung Quốc với tâm lý đa nghi và cũng do những tính toán về quyền lực của các đảng viên và tướng lãnh trước Đại hội 18, nhiều người lại không nghĩ vậy. Biết đâu đó chỉ là âm mưu giả yếu của lãnh đạo quân sự Hoa Kỳ!

Phải chăng Hoa Kỳ đang tỏ vẻ yếu thế và tạo cơ hội cho Bắc Kinh có thái độ cương cường hơn như thế giới càng ngày càng thấy rõ. Thái độ ấy sẽ thuyết phục các nước ASEAN cùng nghĩ lại.... Nên hòa giải với Trung Quốc hay hòa hợp với Hoa Kỳ? 
 
Chúng ta có thể hiểu nội dung và mục tiêu chuyến Á du của Ngoại trưởng Hillary Clinton trong tinh thần đó. Tha hồ mà suy diễn!
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét