Ban tranh cử Obama với lời chống chế yếu ớt - yếu xìu và cay như ớt!...
* Hai ứng cử viên tổng thống Mỹ, Barack Obama và Mitt Romney, qua nét hý họa *
Nhân ngày sinh nhật Hoa Kỳ, lễ Quốc Khánh mùng bốn Tháng Bảy, người viết đơn cử một thí dụ về những ưu điểm của nền dân chủ Mỹ....
Đại học Pennsylvania là trường tư thục cổ kính, được Benjamin Franklin thành lập từ năm 1740 và hiện là một trong những đại học uy tín nhất Hoa Kỳ với các phân khoa về luật, nha y, kinh doanh, truyền thông, chính sách công quyền. Đại học này đã đào tạo nhiều nhân vật nổi tiếng, từ Tổng thống Mỹ tới Thủ tướng của các xứ khác, từ tỷ phú đến bác học hay khôi nguyên Nobel, v.v....
Từ năm 1993, University of Pennsylvania lập ra một Trung tâm về Chính sách Công quyền, Annenberg Public Policy Center, do sự đóng góp tiền bạc từ Sáng viện Annenberg của ông Walter Annenberg, doanh gia tỷ phú, nhà ngoại giao, truyền thông và người hảo tâm đã hiến tặng nhiều tỷ Mỹ kim cho các hoạt động công ích. Nằm trong Phân khoa Báo chí, Trung tâm Annenberg có một dự án là FactCheck.org từ năm 2003.
"FactCheck", hay kiểm chứng, là dự án độc lập, có mục tiêu kiểm chứng và trình bày các vấn đề thuộc chính sách công quyền từ cấp liên bang đến tiểu bang và địa phương.
Dự án FactCheck này rất có ích cho giới truyền thông và quần chúng quan tâm vì tự động kiểm chứng lại mọi lẽ đúng sai trên chính trường. Nôm na là lãnh tụ này hay chính khách kia mà tuyên bố điều gì, hoặc tung ra khẩu hiệu tranh cử ra sao, thì đều bị FactCheck tìm hiểu và phê phán. Người viết này thường xuyên theo dõi những thông tin hai chiều và khách quan của họ. Quý độc giả nên tìm vào đây để đánh giá các bài bình luận hay phiên dịch của truyền thông!
Bây giờ, bước qua chuyện tranh cử.
Trong một loạt quảng cáo trên truyền hình, ban tranh cử của Tổng thống Barack Obama đã đả kích ứng cử viên Mitt Romney, người có hy vọng là thụ ủy bên đảng Cộng Hoà. Đây là chuyện thường tình trên chính trường trong mua tranh cử. Ê kíp Obama công kích Romney là kẻ "làm thịt doanh nghiệp" – mua các hãng xưởng gặp khó khăn về rồi banh ra từng mảng, giữ lại phần vụ có lời để bán ra và giải tán những phần vụ lỗ lã, sa thải nhân viên, v.v... – là là "tư lệnh của việc đẩy việc làm ra nước ngoài", outsourcing in chief, vì đã từng làm chủ và quản trị công ty Bain Capital.
Ngày 29 Tháng Sáu, FactCheck rọi đèn vào loạt quảng cáo này và kiểm chứng từng phần để kết luận rằng ban tranh cử Obama nói sai, thậm chí xuyên tạc là Mitt Romney đã đẩy việc làm của công nhân Mỹ sang bên Tầu!
Số là Mitt Romney lập ra Bain Capital từ năm 1984, có mua lại, tái tổ chức rồi bán ra nhiều cơ sở kinh doanh, có đóng cửa một số, nhưng cũng đầu tư vào sản xuất tại Mỹ cho thị trường nội địa và xuất cảng, v.v... Năm 1999, dù vẫn là chủ đầu tư, Romney ủy quyền quản trị Bain Capital cho người khác để giành thời giờ cho Ủy ban Tổ chức Thế vận hội mùa Đông 2002 của thành phố Salt Lake City. Và sau đó ông không quay trở lại điều kiển Bain Capital nữa.
Những hoạt động ấy đều có khai báo với Hội đồng Giám sát Thị trường Cổ phiếu và Chứng khoán (SEC) và dầu vết còn lưu trong các hồ sơ hay thông cáo báo chí được FactCheck kiểm lại.
Trong một bài phân tách dài hơn 4.200 chữ với 19 cước chú về xuất xứ các tài liệu tham chiếu, FactCheck nhận định rằng những lời cáo buộc của ban tranh cử Obama về Romney, khi ông ta không còn điều khiển Bain Capital, là sai lạc. Bài "Obama’s ‘Outsourcer’ Overreach" của FactCheck lập tức bị ban tranh cử Obama phản bác qua một lá thư dài sáu trang gửi FactCheck vào chiều mùng một Tháng Bảy. Và cho cả truyền thông báo chí mà khỏi thông báo.
Hôm sau, FactCheck trình bày lại nội vụ và bác bỏ từng lập luận phản bác của ban tranh cử Obama, với tiêu đề là "FactCheck to Obama Camp: Your Complaint is All Wet": lời ta thán của ban tranh cử Obama là ướt nhẹp!
Nội dung bài này trình bày lại từng sự việc từ hơn chục năm trước, với chứng cớ rõ ràng kể cả việc trực tiếp phỏng vấn những người trong cuộc, để bác bỏ lời phàn nàn của ban tranh cử Obama. Lý thú nhất trong kết luận của FactCheck là 1) những lời cáo buộc của ban tranh cử là vô bằng, thiếu cơ sở vững chắc; và 2) nếu quả thật Mitt Romney đã can dự vào những tội danh bị ban tranh cử kết án thì ông ta đáng bị toà án liên bang truy tố!
Nghĩa là Hành pháp Obama không làm đúng chức năng công quyền?
Chúng ta chứng kiến chuyện ly kỳ là ban tranh cử của một Tổng thống đương quyền đã vu cáo ứng cử viên đối lập. Khi bị một cơ quan độc lập phanh phui lại vẫn nhập nhằng chuyện xuyên tạc nên bị cơ quan độc lập này quạt ngược, với đầy đủ chứng từ trong một chuỗi lý luận nhuốm vẻ mỉa mai. Nghĩa là không thể nhân danh tổng thống mà nói nhăng nói cuội được!
Trong quá khứ và qua cuộc vận động bầu cử lần này, FactCheck đã phê phán và phơi bày nhiều lý luận ngoa ngụy của cả hai đảng, hoặc của từng ứng cử viên. Và càng nói quá hoặc nói sai thì càng bị chiếu cố. Nhưng đây là lần hiếm hoi mà ban tranh cử Obama lại nhảy vào đả kích một trọng tài vô can để tiếp tục đốn chân đối thủ, nên lãnh cái thẻ vàng!Khi nhìn dân chúng chuẩn bị đốt pháo bông ăn mừng Quốc Khánh, người viết xin có cái pháo nhỏ này, để góp phần vinh danh nền dân chủ Hoa Kỳ. Các tờ báo Việt ngữ của chúng ta lâu lâu nên ghé mắt vào mạng lưới FactCheck, để khỏi dịch những lý luận hàm hồ của chính giới mà cứ tưởng là tin đáng tin. Cũng là một cách nâng cao dân trí và góp phần xây dựng dân chủ.
Bác Nguyễn Xuân Nghĩa ơi, sao Bác lại bắt chước người trong nước viết sai chính tả như vậy ?
Trả lờiXóaTrong câu sau đây :
"Năm 1999, dù vẫn là chủ đầu tư, Romney ủy quyền quản trị Bain Capital cho người khác để giành thời giờ cho Ủy ban Tổ chức Thế vận hội mùa Đông 2002 của thành phố Salt Lake City. Và sau đó ông không quay trở lại điều kiển Bain Capital nữa."
Bác viết "giành" thay cho "dành". Người Việt trong nước đã bị bệnh tâm thần rất nặng, dùng chữ điên đảo cả lên, không lẽ mình ở hải ngoại cứ bắt chước theo hay sao?
giành : tranh giành, giành giựt
dành : để dành, dành riêng, dành cho (dành thời giờ cho...)
Mong Bác coi lại.
Xin gop y voi Dinh Le nhu the nay:
XóaToi khong phai la nha ngon ngu nhung theo kinh nghiem, nguoi mien bac thuong dung chu "gi" nhu Quynh Giao, giong song...trong khi do nguoi mien nam lai dung chu "d" nhu Quynh Dao, dong song...ca hai deu dung ca, tiec qua hoc gia Nguyen Van Vinh da mat roi, neu khong Yen Chi se email de nho ong giai thich dum Dinh Le.
Chuc ong mot ngay vui.
Yen Chi
( xin loi, viet tieng Viet ma khong co dau thi e qua nhung...luc bat tong tam!)
Đây là phải theo luật chánh tả ngữ học, chớ không phải Bắc hay Nam:
Trả lờiXóa-Giành giựt do chữ tranh (Hán Việt) âm tr phải biếm âm thành gi. Như trào=giễu; trì= giữ...
-dành là để dành do biếm âm của chữ di. Di=dành. Như di tặng, di tích, di cảo, di ngôn, di sản.... Âm Hán Việt d cũng biến thành d qua chữ Việt
Võ Kỳ Điền
Xin cám ơn độc giả Võ Kỳ Điền và lời góp ý của Đinh Lê cùng Yên Chi.
Trả lờiXóaNgười viết không bắt chước người trong nước viết sai chính tả - và lại hay nói ngược nữa nên đôi khi gây khó chịu cho cả "trong ngoài" - thấy đa số trong nước viết chính tả chuẩn hơn. Nhưng về cách dùng chữ thì cũng có những kiểu cách kỳ lạ và đậm ảnh hưởng của bách thoại Trung Quốc hiện đại, không phải là văn ngôn Trung Hoa!
Chữ dành trong câu đó thì viết với D có lẽ chuẩn hơn là GI. Đinh Lê có lý! Nhưng, đôi khi người viết vẫn dùng GI trong ý nghĩa tranh giành để nhấn mạnh đến yếu tố tích cực, chủ động.
Ngoài ra, theo cuốn "Giúp đọc NÔM và HÁN VIệT của Linh mục Anthony Trần Văn Kiệm (ông mới mất), người Việt chúng ta vẫn dùng hai cách viết này như nhau, thí dụ "tranh dành", "dành dựt", "dành ăn" (trang 374)....
Trong cuốn này mà người viết thường xuyên sử dụng để kiểm lại, tác giả trình bày cả cách viết Hán hay Nôm nên người viết học được nhiều chữ.
Dù sao, vẫn xin cảm tạ quý độc giả đã đọc và còn góp ý. NXN