Những Nghịch Lý Về Chủ Nghĩa Tư Bản Và Ngộ Nhận Về Chủ Nghĩa Xã Hội
Trên thế giới ngày nay, người ta đang chứng kiến một nghịch lý. Các quốc gia từng thiết lập và theo đuổi chủ nghĩa tư bản từ nhiều thế kỷ đều bị suy yếu về kinh tế, ngược lại, một số quốc gia đang phát triển hình như đã tiếp thu kinh nghiệm của các nước đi trước và đạt kết quả kinh tế tốt đẹp hơn, với vai trò trọng yếu hơn của nhà nước. Diễn đàn Kinh tế nêu vấn đề về lý luận và thực tế này với nhà tư vấn kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa của đài Á châu Tự do và sau đây là phần giải đáp khá bất ngờ của ông.
"Liên Minh của sự Sợ hãi"
Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nguyễn Xuân Nghĩa. Thưa ông, từ hơn trăm năm nay, người ta cứ nghe nói đến sự tiêu vong tất yếu của tư bản chủ nghĩa theo các lý luận phổ biến nhất của Karl Marx hay những người tự xưng là "Mác-xít". Sự thật thì các nước đi theo chủ nghĩa tư bản đều phát triển mạnh và thường xuyên cải tiến hay điều chỉnh sau mỗi đợt khủng hoảng. Trong khi ấy, giải pháp tập trung quản lý theo kế hoạch của nhà nước lại thất bại và các nước cộng sản đều bị khủng hoảng và chế độ chính trị sụp đổ, đó là biến cố long trời lở đất đã xảy ra hai chục năm trước tại Liên bang Xô viết và các nước Cộng sản Đông Âu.
Thế rồi, sau thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21, hàng loạt quốc gia tiên tiến trong khối tư bản lại bị khủng hoảng kinh tế, như tại Hoa Kỳ, Nhật Bản hay Âu Châu. Trong khi đó, các nước đang phát triển mà áp dụng một hình thái tư bản chủ nghĩa khác, với vai trò chủ đạo về lý luận và lãnh đạo về quản lý của nhà nước, lại đạt thành quả ngoạn mục hơn. Vì vậy, người ta mới nói đến hình thái tư bản nhà nước như một giải pháp phát triển hấp dẫn, nhất là cho các nước nghèo. Vì các vấn đề khá cơ bản về lý luận lẫn thực tế, chúng tôi xin đề nghị là kỳ này, chúng ta sẽ cùng trao đổi về việc đó để làm sáng tỏ một số điểm. Ông nghĩ sao về đề nghị này?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi nghĩ rằng đây là một đề tài hấp dẫn và cần thiết, nhất là để làm sáng tỏ một số ngộ nhận về lý luận. Cũng xin nói ngay từ đầu là tôi vẫn sẽ nói ngược để ngợi ca tư bản chủ nghĩa! Vấn đề là cần hiểu rõ về định nghĩa và thống nhất là ta đang nói về chuyện gì.
- Trước hết, trên thế giới hiện nay, chúng ta đã thấy xuất hiện một "liên minh của sự sợ hãi", giữa một số quốc gia đang nổi lên mà đứng đầu là Trung Quốc. Theo sau là Liên bang Nga cùng vài chế độ độc tài khác, như Bắc Hàn, Iran, Syria, Venezuela và cả Việt Nam. Các quốc gia này có thể viện dẫn một số thành quả kinh tế nhất định để chứng minh rằng lãnh đạo có lý lẽ chính đáng khi cầm quyền một cách tuyệt đối. Cái lẽ chính đáng ấy có thể là đà tăng trưởng cao hoặc sự ổn định chính trị khiến nhà nước lấy được nhiều quyết định cần thiết mà có lợi cho người dân. Sự thật lại hơi khác vì đấy là một liên minh thực tế của các chế độ bất ổn và đang sợ bị sụp đổ. Nhưng nhiều người lại không thấy ra sự thể khách quan này vì một ngộ nhận khác.
Vũ Hoàng: Ông vừa muốn ngợi ca chủ nghĩa tư bản lại vừa nói đến sự bất ổn và thậm chí sợ hãi của một số quốc gia đang có cái vẻ ổn định hoặc đã đạt một số thành tích kinh tế. Chúng ta sẽ trở lại chuyện này. Nhưng ông cũng nói đến một ngộ nhận khác. Thưa ông, ngộ nhận đó là gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thưa rằng ngộ nhận đó là các nước tư bản đều đang bị khủng hoảng và đây là sự khủng hoảng tất yếu của chủ nghĩa tư bản mình đã từng nghe nói đến từ khi có sự xuất hiện của chủ nghĩa Mác-Lenin. Nói vắn tắt thì người ta lầm tưởng rằng sau khi chế độ tập trung quản lý bằng kế hoạch nhà nước bị sụp đổ cùng hệ thống tổ chức cộng sản, nhiều quốc gia khôn ngoan áp dụng phương pháp tư bản nhưng theo định hướng của nhà nước và chế độ tư bản nhà nước mới là giải pháp. Sự lầm lẫn ở đây nằm trong định nghĩa sai lạc về tư bản chủ nghĩa rồi sự ngộ nhận còn tai hại hơn, đó là ưu thế không hề có của chế độ tư bản nhà nước. Nó chỉ là chế độ "tư bản thân tộc" của tay chân nhà nước, một chế độ bất công và không bền.
Vũ Hoàng: Chúng ta sẽ bắt đầu bằng phần giải thích của ông về định nghĩa sai lạc về chủ nghĩa tư bản. Nó sai lạc ở chỗ nào?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Sai lạc đầu tiên xuất phát từ cách đánh giá sai lý luận cơ bản của kinh tế gia Adam Smith, người được coi là cha đẻ của tư bản chủ nghĩa, qua những gì ông ta viết từ cuối thế kỷ 18, trước Karl Marx cả trăm năm. Người ta đánh giá sai vì lầm tưởng rằng Adam Smith hoặc cả tư bản chủ nghĩa nằm trên một động lực duy nhất là lợi nhuận.
- Vì lầm lẫn đó, người ta dời đổi mục tiêu từ khoa học qua luân lý với nội dung phê phán chủ nghĩa tư bản là dựa trên lòng tham của con người. Một chế độ xác lập trên máu tham là chế độ đáng ghét về đạo lý. Và nếu nó lại tất yếu sụp đổ vì những lý luận có vẻ khoa học của Marx thì chủ nghĩa Mác Lênin hoặc chủ nghĩa xã hội tất nhiên là có giá trị hơn.
Trên thế giới hiện nay, chúng ta đã thấy xuất hiện một "liên minh của sự sợ hãi", giữa một số quốc gia đang nổi lên mà đứng đầu là Trung Quốc.
Ô. Nguyễn Xuân Nghĩa
- Sự lầm lẫn ở đây xuất phát từ một điểm căn bản trong lý luận của Adam Smith. Ông ta khách quan nhận định rằng con người ta có một động lực quan trọng trong đời sống, là lợi ích cá nhân hay tư lợi mà nhiều người hời hợt gọi là máu tham hoặc sự ích kỷ. Khái niệm về tư lợi thật ra không đơn giản như vậy vì ước muốn được người khác trọng vọng, thí dụ như chữ "danh" của Đông phương, cũng là tư lợi. Việc thu thập tiền tài để làm việc từ thiện cũng là một loại tư lợi.
- Nhưng, trên cơ sở của tư lợi, chủ nghĩa tư bản mà Adam Smith đề cao và báo trước là hệ thống định chế, là các cơ chế chi phối quyết định của con người trong tập thể. Quan trọng nhất trong các định chế này là quyền tư hữu, là người dân có quyền làm chủ tài sản của mình và nhà nước phải bảo vệ quyền tư hữu đó.
- Song song, Adam Smith cũng tiên báo một hiện tượng sau này người ta mới hiểu ra và ngày nay ai cũng thấy. Đó là vì tư lợi mà nhiều người muốn tiến tới chế độ độc quyền và dùng loại lý luận về đạo lý để bảo vệ cái thế độc quyền đó. Lý luận tiêu biểu nhất chính là công bằng xã hội. Vì yêu cầu công bằng xã hội mà nhà nước nên và cần can thiệp để nâng đỡ hay bảo vệ thành phần này hoặc thành phần khác. Chính là sự can thiệp có vẻ đạo đức và chính đáng ấy mới làm lệch lạc sự vận hành bình thường của thị trường và gây ra vấn đề kinh tế. Và hậu quả nối tiếp là gây ra vấn đề xã hội và chính trị. Nói vắn tắt lại, tư bản chủ nghĩa theo cái nhìn nguyên thủy của Adam Smith là một hệ thống giá trị về văn hóa chứ không đơn giản là chuyện theo đuổi tư lợi!
Chủ nghĩa Tư bản
Vũ Hoàng: Thưa ông, đó là về lý luận. Chứ về thực tế và đối chiếu với hoàn cảnh ngày nay của nhân loại thì chủ nghĩa tư bản đó là gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Nói rằng chủ nghĩa tư bản là một hệ thống văn hóa và có giá trị về đạo lý thì có vẻ ngược ngạo nhưng sự thật là như vậy. Đó là nhà nước phải bảo vệ quyền tư hữu, phải đảm bảo khả năng thực thi các hợp đồng của người dân với nhau và không cho phép bất cứ ai nhân danh bất cứ điều gì mà can thiệp vào quyền quyết định của người khác. Vì thế, tư bản chủ nghĩa chỉ có thể phát triển trong một chế độ dân chủ là nơi mà mọi người đều có quyền bình đẳng như nhau trước luật pháp do đại diện của mình thiết lập ra.
- Bây giờ ta đi vào thực tế và tôi xin lấy một thí dụ rất cụ thể đã được nói tới ở Việt Nam và nơi khác.
- Bây giờ ta đi vào thực tế và tôi xin lấy một thí dụ rất cụ thể đã được nói tới ở Việt Nam và nơi khác.
- Hiển nhiên là nhà nước có nhiệm vụ làm ra chính sách kinh tế có lợi cho việc tuyển dụng và đẩy lui nguy cơ thất nghiệp. Nhưng nhà nước không có nhiệm vụ tạo ra công ăn việc làm. Nói vậy thì có người thấy là chướng. Tôi xin nói thêm một điều chướng tai khác nữa, là doanh nghiệp cũng không có nhiệm vụ tạo ra việc làm. Nhà nước không thể là một cơ quan xã hội có nhiệm vụ tìm việc và tư doanh cũng chẳng là một trung tâm lao động có chức năng tuyển dụng.
- Nhà nước có nhiệm vụ và yêu cầu về chính sách là tạo điều kiện cho tư doanh được làm ăn dễ dàng để theo đuổi lợi nhuận. Tư doanh có quyền theo đuổi lợi nhuận và phải chấp nhận rủi ro trên doanh trường chứ không được đòi hỏi nhà nước bênh vực hay bảo vệ. Việc bênh vực hay bảo vệ đó chỉ khiến nhà nước can thiệp vào doanh trường, nâng đỡ thành phần nay hay thành phần khác và vô hình chung giúp cho một số cơ sở kinh doanh chiếm ưu thế trên các cơ sở khác. Thế rồi, trong tiến trình truy tìm lợi nhuận, tư doanh mới tạo ra việc làm. Càng sản xuất có lời thì càng tuyển thêm người và kết quả là đẩy lui nguy cơ thất nghiệp.
Vũ Hoàng: Ông vừa nêu ra một nghịch lý quả thật là hơi chướng tai, nhưng nghe ra thì hình như cũng có cơ sở. Ông giải thích chuyện này cho rõ ràng hơn được không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Trong một tiền kiếp của bản thân tôi, khi còn là nhân viên của một ngân hàng phát triển cách nay gần bốn chục năm, tôi vẫn thẩm định giá trị các dự án đầu tư của tư doanh và một trong các tiêu chuẩn đó là đánh giá xem dự án này sẽ tạo ra bao nhiêu việc làm.
- Sau này mình mới biết là sai nếu dùng tiêu chuẩn đó để thanh lọc dự án. Lý do là nếu lấy tiêu chuẩn "tạo ra việc làm" thì dự án xây dựng Vạn lý Trường thành của Trung Hoa có giá trị nhất. Hoặc nếu nói theo một kinh tế gia nổi tiếng của Thế kỷ 20 là ông Milton Friedman, một dự án đào kinh có thể có giá trị tuyển dụng lao động rất cao nếu thay vì dùng máy móc hay cuốc xẻng, người ta dùng muỗng nĩa hoặc tay không để đào đất. Theo phương pháp đó thì dự án thủy lợi này tạo ra cả triệu việc làm. Nhưng đó là một dự án có giá trị kinh tế rất thấp và là một sự lãng phí.
- Bây giờ ta tiến xa hơn một chút mà nói đến việc sản xuất thiết bị, khiến những người đào đất bằng tay bị mất việc và phải đi tìm việc khác. Nhưng việc sản xuất đó cũng khiến nhiều người có việc làm mới trong suốt quy trình chế biến sắt thép, thiết kế rồi vận chuyển và bảo trì máy móc.
Vũ Hoàng: Ông vừa nêu ra một thí dụ lý thú và cũng gián tiếp nói đến vai trò của nhà nước trong một yêu cầu lao động có vẻ chính đáng mà lại gây ra hậu quả lãng phí.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thưa đúng như vậy và tôi xin nói đến một trường hợp khác để khỏi bị hiểu lầm là mình theo "chủ nghĩa phục Mỹ"!
- Quãng ba chục năm trước, người Mỹ hốt hoảng vì sự suy sụp của kỹ nghệ thép trước sự lớn mạnh của ngành thép Nhật Bản hay Nam Hàn. Vì yêu cầu bảo vệ việc làm cho công nhân ngành thép, nhà nước mới can thiệp vào thị trường và đánh thuế trên thép nhập khẩu. Nhờ vậy mà Hoa Kỳ đã "cứu được" 5.000 công việc. Nhưng cũng vì vậy mà thép lên giá và gây thiệt hại cho các nhà sản xuất Mỹ cần thép trong tiến trình sản xuất của họ. Sự thiệt hại đó khiến kinh tế Mỹ mất một số việc cao gấp năm con số công việc nói là được cứu trong ngành thép. Và kết quả là doanh nghiệp Mỹ tìm cách đầu tư ra ngoài, tạo ra việc làm cho thợ thuyền xứ khác, dụ như Trung Quốc hay Việt Nam.
- Quãng ba chục năm trước, người Mỹ hốt hoảng vì sự suy sụp của kỹ nghệ thép trước sự lớn mạnh của ngành thép Nhật Bản hay Nam Hàn. Vì yêu cầu bảo vệ việc làm cho công nhân ngành thép, nhà nước mới can thiệp vào thị trường và đánh thuế trên thép nhập khẩu. Nhờ vậy mà Hoa Kỳ đã "cứu được" 5.000 công việc. Nhưng cũng vì vậy mà thép lên giá và gây thiệt hại cho các nhà sản xuất Mỹ cần thép trong tiến trình sản xuất của họ. Sự thiệt hại đó khiến kinh tế Mỹ mất một số việc cao gấp năm con số công việc nói là được cứu trong ngành thép. Và kết quả là doanh nghiệp Mỹ tìm cách đầu tư ra ngoài, tạo ra việc làm cho thợ thuyền xứ khác, dụ như Trung Quốc hay Việt Nam.
Nhà nước có nhiệm vụ và yêu cầu về chính sách là tạo điều kiện cho tư doanh được làm ăn dễ dàng để theo đuổi lợi nhuận.
Ô. Nguyễn Xuân Nghĩa
- Một thí dụ nóng hổi khác là Đạo luật Canh nông của Hoa Kỳ, năm năm lại duyệt xét một lần và vừa được tái tục. Vì mục tiêu xã hội rất cao đẹp là bảo vệ nông gia, Đạo luật này lại gây thiệt thòi cho nhiều thành phần khác ở tại Hoa Kỳ, và nhất là cho nông gia của xứ khác. Đây không là một biểu hiện của tư bản chủ nghĩa mà chỉ là xã hội chủ nghĩa trá hình với hậu quả bất ngờ là lại gây ra bất công xã hội mà ít người nhìn ra.
- Cũng xin nói thêm là ta nên hoài nghi loại chữ như "xã hội chủ nghĩa" vì trong thế kỷ 20, nó dẫn tới hai tai họa trái ngược mà tàn khốc như nhau là chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa xã hội quốc gia của Đức quốc xã, nghĩa là chủ nghĩa phát xít. Loại "xã hội chủ nghĩa" lý tưởng này là một bước tiến tới "chủ nghĩa tư bản nhà nước" với hậu quả tất yếu là "chủ nghĩa tư bản thân tộc", chủ nghĩa tư bản phe phái và là một sự bất công khác.
Vũ Hoàng: Phải chăng ta có thể đi tới kết luận ở đây rằng chủ nghĩa tư bản nhà nước không là chủ nghĩa tư bản mà chỉ là sự bất công được định chế hóa bằng luật lệ của đảng cầm quyền?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Đúng như vậy thưa ông. Chủ nghĩa tư bản nhà nước có sự hấp dẫn của nó, nhưng dẫn đến chủ nghĩa tư bản thân tộc. Tức là những kẻ có chức có quyền can thiệp vào thị trường để nâng đỡ thân tộc hay phe đảng của mình và đi ngược đạo lý nguyên thủy của tư bản chủ nghĩa. Các nước dân chủ cũng bị nguy cơ tư bản thân tộc khi nhiều nhóm thế lực tác động vào chính quyền để bênh vực hay bảo vệ phe phái của mình. Nhưng nhờ quy luật dân chủ, hiện tượng đó có thể bị giới hạn hoặc đẩy lui và thường xuyên bị báo chí phanh phui.
- Tại các nước không có dân chủ, nhà nước có thể nhân danh lý tưởng xã hội chủ nghĩa để thiết lập chế độ tư bản nhà nước mà thực chất vẫn là bao che cho thân tộc, phe phái hoặc những ai có quan hệ với đảng viên cán bộ của đảng. Ta đang chứng kiến việc đó tại Trung Quốc và Việt Nam hoặc Liên bang Nga hay Venezuela. Chẳng phải ngẫu nhiên mà đấy cũng là nơi xuất phát ra những lập luận đả kích hoặc xuyên tạc tư bản chủ nghĩa.
Vũ Hoàng: Xin cảm tạ ông Nghĩa về cuộc phỏng vấn lý thú và đầy nghịch lý này.
Những kiến giải rất thú vị của bác Nghĩa.
Trả lờiXóaRất đơn giản mà lại rất sâu sắc.
Cảm ơn bác nhiều,chúc bác sức khỏe và có thêm nhiều bài viết thú vị
Bác Nghĩa ơi, muốn nghiên cứu các học thuyết kinh tế thì nên nghiên cứu ở trang web nào được a. Cháu cũng k có nhiều thời gian vì còn phải làm việc kiếm tiền nuôi gd, nhưng cũng muốn học hỏi thêm kiến thức. Chắc phải đọc =TA. cháu học kỹ thuật ra mà.
Trả lờiXóaTrả lời Hanoi: Hình như ở nhà đã có người dịch một cuốn sách về 50 kinh tế gia có ảnh hưởng nhất, hãy cố tìm xem. Ngoài ra, dĩ nhiên là có nhiều nơi trình bày hoặc phê phán các học thuyết này mà tôi... không thể biết hết. Sẽ để ý và giới thiệu nhiều cách nhìn khác nhau, nếu có cơ hội.
Trả lờiXóaXin chúc may mắn. NXN
Xin giới thiệu mọi người một góc nhìn tương tự
Trả lờiXóahttp://ksnvthanh.blogspot.com/2012/07/con-uong-cua-marx.html
Trân trọng
"một dự án đào kinh có thể có giá trị tuyển dụng lao động rất cao nếu thay vì dùng máy móc hay cuốc xẻng, người ta dùng muỗng nĩa hoặc tay không để đào đất. Theo phương pháp đó thì dự án thủy lợi này tạo ra cả triệu việc làm. Nhưng đó là một dự án có giá trị kinh tế rất thấp và là một sự lãng phí." ==> Khái quát lên sẽ là "các dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, nhiều nhân công sẽ gây lãng phí, giá trị kinh tế thấp"
Trả lờiXóa- Bây giờ ta tiến xa hơn một chút mà nói đến việc sản xuất thiết bị, khiến những người đào đất bằng tay bị mất việc và phải đi tìm việc khác. Nhưng việc sản xuất đó cũng khiến nhiều người có việc làm mới trong suốt quy trình chế biến sắt thép, thiết kế rồi vận chuyển và bảo trì máy móc ==> khái quát lên là "sử dụng máy móc công nghệ hiện đại sẽ tạo ra sự dịch chuyển lao động, tạo ra nhiều công ăn việc làm mới, lĩnh vực mới. Nó có thể bền vững & phát triển lâu dài sau này"
Nhưng thực tế, các nhà quản lý trình độ thấp nên họ thích các dự án đơn giản, sử dụng nhiều nhân công để họ có nhiều cơ hội...