Thứ Ba, tháng 8 21, 2012

Hồi Quang Phản Chiếu

Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người Việt Ngày 120820
"Hoa Kỳ Nhìn Từ Bên Ngoài"

Nhìn vào trong gương, chính quyền là nhân dân, tay trái là tay mặt....

* Thủ bút của nhà văn John Steinbeck trong bài diễn văn ông soạn cho 
Tổng thống Lyndon Johnson năm 1965 - nhưng không được xài * 



John Steinbeck (1902-1968) là một nhà văn lớn của California và của thế giới với giải Nobel Văn chương năm 1962. Ông có nhiều tác phẩm đã ghi lại dấu ấn cho đời sau. Chúng ta có thể thưởng thức văn chương của ông. Nhưng theo dõi tư tưởng của ông thì dễ bị loạn trí.

Thời trẻ, ông đứng hẳn vào phía cực tả, chịu ảnh hưởng của các tác giả đảng viên Cộng đảng Mỹ, gia nhập hội Liên hiệp các Nhà văn, một tổ chức do đảng này thành lập năm 1935. Năm 1959, khi một Ủy ban Hạ viện Hoa Kỳ (House Committee on Un-American Activities) điều tra các phần tử thân cộng, thời ấy gọi là "chống Mỹ", ông dõng dạc bảo vệ các đồng nghiệp và đồng chí. Và trở thành khuôn mặt đáng nhớ trong trào lưu phản kháng của văn nghệ sĩ tả khuynh thời đó.

Chỉ mươi năm sau, trong cuộc chiến của Hoa Kỳ tại Việt Nam, năm 1967, ông được tạp chí thiên tả Newsday gửi qua làm phái viên chiến trường. Ông viết về những bài ngợi ca quân lực Mỹ và bị tờ New York Post kết án là phản bội lý tưởng của cánh tả. Xin ghi thêm rằng thời ấy, tờ New York Post kỳ cựu (do một lãnh tụ đời nay ta gọi là "bao cấp" Alexander Hamilton thành lập từ năm 1801) còn thuộc phe tả. Đến năm 1976 mới được tỷ phú Rupert Murdoch mua lại và chuyển dần thành tờ lá cải thiên hữu. Lá cải vì hay đi tin cụp lạc với đề tựa bắt mắt mà bất kể về sự trung thực trong nội dung. Và thiên hữu vì có những bài quan điểm bảo thủ, thậm chí bênh vực Trung Quốc!

Nhưng tội của John Steinbeck còn nặng hơn vậy vì có hai người con phục vụ chiến trường Việt Nam. Ông ủng hộ cuộc chiến do người bạn thân là Tổng thống Lyndon Johnson tiến hành, nên lãnh tội "diều hâu chủ chiến"....

Trong vài trăm chữ ở trên, ta đã có thể thấy "bức tranh vân cẩu", hay hiện tượng đảo điên của xã hội Hoa Kỳ, qua một nhà văn lớn mà mình nghĩ rằng ai cũng biết.

***


Nổi tiếng với các tác phẩm về sự u ám của xã hội Mỹ thời Tổng khủng hoảng 1929-1933, John Steinbeck còn để lại câu danh ngôn: "Chúng ta chỉ cần nhớ một số tài phiệt lang sói (wolfish financiers) đã dành hai phần ba cuộc đời vơ vét tiền bạc trong cống rãnh xã hội và một phần ba còn lại là để vun tiền vào đó".

Nhà văn kết án bọn tư bản tài chánh, những dòng họ tài phiệt như Carnegie, Rockefeller hay Ford? Ông nghĩ sao về những người đã khởi nghiệp từ chốn lầm than, như F.W. Woolworth, J.C. Penney hay Sam Walton, rồi dựng lên các doanh nghiệp lớn với cả vạn nhân công bán hàng ngày một rẻ hơn? Hoặc chán vạn người đã thất bại sau các dự án đầu tư bất thành. Hay các tỷ phú đời nay đã gom lại một tài sản rất lớn rồi lập ra các sáng hội (foundation) giúp đỡ người khác. Như Warren Buffet, Bill Gates hay Georges Soros, những nhân vật không hề che giấu thiện cảm của họ với đảng Dân Chủ "của người nghèo".

Câu chuyện Steinbeck là một ngụ ngôn về nước Mỹ.

Ông có thể là một nhà văn xuất chúng mà chẳng hiểu gì – và cũng chẳng cần tìm hiểu – về kinh tế hay kinh doanh. Nhưng nhận xét vu hồ của ông vẫn được nhiều người coi là lời vàng ý ngọc để phê phán cái xấu xa của chủ nghĩa tư bản Hoa Kỳ. John Steinbeck không là một ngoại lệ. Rất nhiều đại trí thức hay văn nghệ sĩ giàu xụ trong thế giới tự do của Hoa Kỳ cũng nghĩ thế.

Họ nói như người... Hà Nội năm xưa. Trước thời "đổi mới"!

Trước "Cách mạng Tháng 10", Vladimir Ilyich Lenin viết rằng quản lý kinh tế quốc dân cũng dễ tựa việc phát thư (xin lỗi quý độc giả làm việc trong Bưu điện!) Còn quản trị một doanh nghiệp là loại nghiệp vụ đơn giản nên chẳng có lý do gì khiến các doanh gia được trả lương cao hơn bất cứ một công nhân bình thường nào.

Ba năm sau khi cầm quyền để cải tạo nền kinh tế tư bản chủ nghĩa của nước Nga, Lenin thú nhận là gặp phải thực tế "đổ nát, đói khát và tàn tạ".

Ông ta bèn tiến hành... đổi mới với "Chính sách Kinh tế Mới" New Economic Policy hay NEP sau khi phê phán trước Đại hội IX của Đảng Cộng sản Liên Xô năm 1920. Rằng "Những quan điểm về quản trị doanh nghiệp thường thấm nhuần tinh thần dốt nát và chống lại sự chuyên nghiệp". Chính sách Kinh tế Mới của Lenin là trở lại Chủ nghĩa Tư bản Nhà nước.

Hoặc tiến lên chủ nghĩa tư bản nhà nước như ta đang chứng kiến tại Trung Quốc hay Việt Nam.

Nhưng vì sao bài này lại viết về những chuyện ấy?


***


Hoa Kỳ là một xã hội phát triển đến độ tinh vi phức tạp mà người bên ngoài khó hiểu ra. Trong nét phức tạp đó có lắm điều huyền hoặc, fiction, thậm chí là sự dối trá kỹ thuật dựng thành chân lý. Đã thường đọc nhiều sự huyền hoặc về lịch sử cuộc chiến của Mỹ tại Việt Nam, chúng ta còn gặp những huyền hoặc kinh tế hay pháp lý mà không để ý.

Huyền hoặc kinh tế như lời phê phán của nhà văn John Steinbeck là điều thông cảm được. Nhưng từ một giáo sư về quản trị và kinh tế của Đại học MIT nổi tiếng là Lester Thurow thì ta nên giật mình.

Năm 1980, Thurow xuất bản cuốn "The Zero Sum Society" với lý luận "hơn bù kém" - cái mà kẻ này được là cái người kia bị mất. Đấy là một triết lý kinh tế không được thực tế phản ảnh. Trong cuốn sách, được tái bản vào năm 2001, khi viết về nạn thất nghiệp tại Hoa Kỳ từ năm chục năm qua, "trầm trọng nhất trong các nước công nghiệp hoá", ông chẳng hề so sánh với kinh tế Âu Châu và mức thất nghiệp mấp mé 10%. Tất nhiên là cũng chưa thấy ra vụ khủng hoảng ngày nay của Âu Châu bao cấp.

Thurow dựng lên một sự huyền hoặc kinh tế, economic fiction hay fallacy, với mục tiêu đề cao sự can thiệp của nhà nước. Ông đề cao chuyện đó vì triết lý chính trị của mình hơn là vì thực tế kinh tế, nhưng làm sao những người ít chú ý đến kinh tế chính trị học lại thấy được thực hư?

Về loại huyền hoặc pháp lý, ta có ngạn ngữ "không ai được phép không biết luật". Đó là khi nhà chức trách phản bác lời biện bạch của một nghi can là họ vô tình vi phạm vì chẳng biết luật.

So với Đạo luật về An sinh Xã hội năm 1935, chưa tới 50 trang gồm 15.600 chữ, Đạo luật Cải tổ Y tế năm 2010 dày 2.700 trang là một thí dụ về sự phức tạp khiến người chống kẻ thuận mà ít ai rõ về nội dung hay hậu quả quá rắc rối sau này. Nhưng chẳng sao, Nancy Pelosi, chính khách triệu phú năm đó là Chủ tịch Hạ viện, đã khuyên các đồng viện là cứ biểu quyết đi, rồi sẽ biết về nội dung! Không ai được phép không biết luật?

Trong cuộc bầu cử năm nay, tranh luận về hai hướng tả hữu, như tăng cường quyền hạn cho nhà nước hay công dân, đã phản chiếu sự nhiêu khê rắc rối của xã hội Mỹ.

Nhưng nhìn từ bên ngoài, như từ Bắc Kinh hay Hà Nội, chuyện rất đáng nói là người ta có thể hiểu ngược!

Tăng cường vai trò của một nhà nước bao biện với tay chân thân tộc có đầy quyền thế là một tai họa cho người dân Trung Quốc, Việt Nam. Hay các nước độc tài hoặc thiên về xu hướng tư bản nhà nước, như Argentina hay Venezuela. Nhà nước đó là trung tâm tham nhũng và chính sách đó là sự bất công, không bền. Vì quyền lợi của quốc dân trong các nước đó, đề cao quyền tự do của người dân trong xã hội dân sinh và của tư doanh trong thị trường là điều cần thiết.

Chúng ta sống trên một địa cầu hình tròn, đi hết hướng Tây là gặp phía Đông. Mà lại đi bằng tin tức điện tử với tốc độ gần như tức thời.

Trong thế giới như tấm gương đó, tay trái của ta được hồi quang phản chiếu thành tay phải của người. Lý luận chính đáng ở bên này mà nhập vào trong gương thì có thể ngợi ca một chính sách quái đản ở nơi mà nhà nước có quyền gia tăng công chi vô tội vạ để lấy tiền thuế của dân mà tài trợ các dự án lãng phí nhưng có lợi cho tay chân nhà nước.

Có điều an ủi cho xã hội Hoa Kỳ, là các đại gia đã vét tiền nơi cống rãnh của mấy xứ kia đều sẽ lại chuyển vào Mỹ, là nơi mà tư doanh hay bọn đầu tư xấu xa vẫn được quý trọng và bảo vệ!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét