Cái nhân của khủng hoảng là nạn vay mượn quá nhiều, nay đến lúc trả nợ
Bốn năm trước, sau Đại hội Toàn quốc của hai đảng Dân Chủ và Cộng Hoà, vụ sụp đổ của tập đoàn đầu tư Lehman Brothers đã đảo lộn tình hình kinh tế và chính trị của nước Mỹ. Thật ra, thế giới đã trôi vào một chu kỳ khủng hoảng tài chính khởi sự từ một năm trước đó mà ít ai thấy. Năm năm sau, là ngày nay, Diễn đàn Kinh tế trở lại nguyên ủy của vấn đề qua phần trao đổi của Việt Long với chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa.
Tình hình chưa khả quan
Việt Long: Thưa ông, đúng bốn năm trước, Hoa Kỳ có tranh cử tổng thống như năm nay. Lần trước, Đại hội của đảng Dân Chủ vừa kết thúc vào cuối Tháng Tám và của đảng Cộng Hoà vào đầu Tháng Chín thì khủng hoảng tài chính bùng nổ ngày 15 Tháng Chín từ vụ sụp đổ của tập đoàn đầu tư Lehman Brothers cùng nhiều tổ hợp tài chính khác. Vụ khủng hoảng xảy ra giữa một nạn suy trầm sản xuất manh nha từ Tháng 12 năm 2007 và gây chấn động kinh tế từ Hoa Kỳ qua Âu Châu rồi lan rộng khắp nơi. Ngày nay, tình hình vẫn chưa khả quan và khối Euro trong Liên hiệp Âu châu còn bị nguy cơ tan rã như nhiều nhà nghiên cứu quốc tế đã cảnh báo. Vì vậy, kỳ này, chúng ta sẽ trở lại hồ sơ đó, ông nghĩ sao?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thưa ông, qua phần tóm lược vừa rồi, ta thấy ra một chuỗi thời điểm trước sau. Khởi đầu là nạn suy trầm kinh tế Hoa Kỳ vào cuối năm 2007, đến hiện tượng về sau người ta gọi là "Tổng suy trầm Toàn cầu" trong hai năm 2008-2009. Ở giữa là vụ Lehman Brothers cùng tập đoàn bảo hiểm AIG và nhiều cơ sở khác phá sản vào Tháng Chín năm 2008.
- Khi các biến cố dồn dập xảy ra như vậy, ta khó thấy ra tương quan nhân quả, tức là cái gì là nguyên nhân và cái gì là hậu quả. Phải chăng, suy trầm kinh tế Hoa Kỳ vào cuối năm 2007 mới làm các cơ sở tài chính bấp bênh nhất bị phá sản? Vào thời điểm bốn năm trước, nói chung người ta đều bị bất ngờ và lúng túng trong cách diễn giải và sau đó là cách ứng phó. Bây giờ, với chiều dài đủ dày của thời gian, may ra ta có thể thấy được một vài mấu chốt của cả hồ sơ rắc rối này.
Việt Long: Nếu vậy, xin ông nhắc lại về các mấu chốt đó, ít ra là trong khung cảnh thời gian.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi xin được nhắc lại là Tháng Ba năm 2008 đã có biến cố tiên báo cơn khủng hoảng. Đó là khi tập đoàn đầu tư Bear Sterns của Mỹ bị vỡ nợ và tiêu vong sau 85 năm hoạt động và được bán lại cho hệ thống ngân hàng JP Morgan Chase. Trước đấy, bên kia Đại Tây Dương cũng có dấu hiệu biến động khi nhiều ngân hàng của Anh bị khủng hoảng và nhất là khi ngân hàng BNP-Paribas của Pháp bị mất thanh khoản là hết tiền mặt vào mùng bảy Tháng Tám năm 2007, cách nay đúng năm năm.
- Cho đến giờ, hầu hết đều nghĩ nguyên do của khủng hoảng là sự sụp đổ của hệ thống tín dụng gia cư đầy rủi ro của Hoa Kỳ. Đó là loại tín dụng thứ cấp hay "sub-prime", hạng thấp về an toàn, đã gây lỗ lã cho các công ty tài trợ sau khi trái bóng đầu tư về gia cư và địa ốc bị bể năm 2006. Tôi thiển nghĩ nguyên nhân nó còn phức tạp và trầm trọng hơn vậy nếu ta tự hỏi là vì sao lại có bong bóng đầu tư địa ốc?
- Một lý do khác khiến mình phải tìm giải đáp ở chỗ sâu xa là nhiều nước Âu châu, như Anh hay Ireland và Tây Ban Nha cũng có bong bóng đầu tư địa ốc và trái bóng của họ tương đối còn lớn hơn của Mỹ. Họ bị khủng hoảng vì nhiều lý do nội tại ở bên trong chứ không vì bị hiệu ứng vỡ nợ tại Hoa Kỳ. Vì vậy, ta cần tìm ra giải đáp ở chỗ khác.
Hiện tượng bong bóng đầu cơ
Việt Long: Ông nêu ra một nghi vấn đáng chú ý là vì sao mà Âu Châu và Hoa Kỳ lại có hiện tượng bong bóng đầu tư hay đầu cơ trên thị trường bất động sản? Lý do đáng lưu ý là về sau Việt Nam và Trung Quốc cũng có hiện tượng bong bóng. Người ta giải thích thế nào về vụ này?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi xin nêu hai vấn đề để biết thận trọng về phương pháp nghiên cứu trước những loại vấn đề quá phức tạp.
- Đầu tiên, hơn 80 năm trước đã có vụ sụt giá cổ phiếu tại Mỹ vào tháng 10 năm 1929. Sau vụ sụt giá là trận Tổng khủng hoảng 1929-1933 với hậu quả kéo dài đến Thế chiến II vào năm 1939. Phải khá lâu sau đấy người ta mới hiểu ra từng diễn biến trước sau để thấy rằng không phải nạn sụt giá cổ phiếu mà chính là các kế hoạch ứng phó sau đấy mới gây ra Tổng khủng hoảng kéo dài và lan rộng qua xứ khác. Đó là hiện tượng gọi là "hậu quả bất lường" của các liều thuốc đổ bệnh. Nói như vậy để ngày nay ta nhìn ra liều thuốc đổ bệnh khi Việt Nam ào ạt bơm tín dụng nhằm kích thích kinh tế với hậu quả là bong bóng địa ốc và khủng hoảng ngân hàng vì nợ xấu.
- Điều ấy dẫn ta đến vấn đề thứ hai là sai lầm về phương pháp nhận định. Đó là hiện tượng gọi là "post hoc", nôm na là "trước-sau". Người ta cứ tưởng rằng việc gì xảy ra trước thì là nguyên nhân của chuyện xảy ra sau. Thí dụ dễ hiểu là cứ thấy con gà gáy rồi mặt trời mới mọc thì người ta kết luận sai rằng nhờ gà gáy nên mặt trời mọc. Người ta có thể lầm lẫn về tương quan nhân quả hoặc nhận vơ về những thành tích không có.
- Sau khi đã nhìn ra bối cảnh như vậy mình mới nói về cái nhân của vụ khủng hoảng khiến nhiều cơ sở đã theo nhau vỡ nợ như một dây chuyền. Cái nhân ở đây chính là chuyện mắc nợ.
Việt Long: Ông đã dành một thời gian rất dài để dần dần nói đến cái nhân của mọi sự là nợ nần? Phải chăng, ông hàm ý là cả Hoa Kỳ, Âu Châu và Nhật Bản ngày nay đều bị điêu đứng vì vay nợ quá nhiều? Và sau ba khối kinh tế tiên tiến này thì nhiều xứ khác, kể cả Trung Quốc hay Việt Nam, cũng có thể bị những tai họa tương tự?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Với thời gian thì mình cũng có thể sáng mắt ra sau khi tự hỏi là vì sao lại vỡ nợ? Câu hỏi ấy dẫn tới vấn nạn kế tiếp là vì sao lại đi vay tới mức không trả được nợ?
- Một tiêu chuẩn đo lường mức vay nợ là so sánh với Tổng sản lượng GDP. Ta hãy khởi sự kể từ sau Thế chiến II với nhóm G-7 là bảy nước công nghiệp hàng đầu của thế giới, gồm có Hoa Kỳ, Canada, Âu Châu và Nhật Bản, và với gánh nợ của nhà nước mà ta gọi là "công trái". Yêu cầu tái thiết sau chiến tranh khiến gánh nợ vượt 110% Tổng sản lượng kể từ năm 1950. Nhưng sau đó giảm đều, 25 năm mới xuống tới 35% GDP, vào năm 1975. Thế rồi từ đấy, các nước lại vay mượn quá nhiều, tới năm 2007 thì gánh nợ vượt 80% và khủng hoảng bùng nổ. Khi biến động xảy ra, nhóm G-7 lại tăng chi để kích thích kinh tế khiến gánh công trái đã vượt 120% của GDP, còn cao hơn thời tái thiết hơn 60 năm về trước. Gánh công trái bùng phát trong một chu kỳ dài hơn 30 năm và khi đến hồi phải trả nợ thì mọi sự đều đình đọng. Đó là nguyên nhân sâu xa nhất.
- Nhưng giai đoạn chồng chất nợ nần ấy cũng là thời tăng trưởng ngoạn mục nhờ lãi suất thấp. Chính là lãi suất thấp khiến người ta càng dễ đi vay. Thị trường gia cư chứng kiến hiện tượng lạc quan hồ hởi đó. Lãi suất rẻ và chính sách khuyến khích dân chúng vay tiền mua nhà có khi vượt quá khả năng trả nợ đã thổi lên trái bóng bất động sản và làm nhà cửa lên giá. Khách nợ có ngôi nhà lên giá đã lại thế chấp tài sản này để vay thêm. Như riêng trong năm 2005, dân Mỹ vay thêm 720 tỷ đô la chỉ nhờ trị giá căn nhà, và 720 tỷ là số tiền kích thích tiêu thụ còn lớn hơn biện pháp kích cầu của chính phủ sau này. Nhưng khi căn nhà sụt giá và khách nợ phải bóp bụng trả tiền thì mọi sự đều sụp đổ. Thế rồi tư nhân dành dụm chừng nào để trả nợ thì chính quyền lại tăng chi chừng đó để kích thích kinh tế và gánh nợ từ khu vực tư đã chuyển qua khu vực nhà nước.
Việt Long: Ông nhắc đến trái bóng gia cư tại Mỹ, còn tại Âu châu thì sao?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Chúng ta cũng gặp hiện tượng đó mà còn trầm trọng hơn.
- Âu châu cũng có bong bóng gia cư địa ốc, lại còn gặp sự lạc quan hồ hởi khi Chiến tranh lạnh kết thúc năm 1991, các nước Đông Âu được bung ra tái thiết và phát triển theo kinh tế thị trường. Rồi việc thống nhất tiền tệ từ năm 1999 khiến nhiều quốc gia vay mượn quá khả năng thanh toán để thi hành chính sách kinh tế bao cấp. Nhưng Âu châu khó tìm ra giải pháp cứu nguy vì đã thống nhất thương mại giữa 27 thành viên của Liên hiệp Âu châu và về tiền tệ giữa 17 hội viên của khối Euro mà chưa thống nhất về chính trị hoặc ít ra về chính sách công chi thu chung giữa các hội viên với nhau.
- Đã thế, chủ trương kinh tế bao cấp trong nhiều thập niên còn dựng lên rào cản cho việc cải cách thị trường lao động để nâng mức cạnh tranh. Nếu 17 nước trong khối Euro cố duy trì hệ thống tiền tệ thì có khi gây rạn nứt cho cả Liên Âu. Nhìn vậy thì Âu châu bị khủng hoảng vì cái nhân tự tại ở bên trong, và biến động từ Hoa Kỳ chỉ là cái duyên mà thôi.
Chuyện nợ nần
Việt Long: Còn trường hợp Nhật Bản thưa ông, xứ này mới có mức vay mượn cao nhất trong khối công nghiệp hoá, vì sao lại như vậy?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Vì dân Nhật có chính sách kinh tế bao cấp nhất nhằm bảo vệ tình liên đới trong một xã hội thuần chủng và quyết liệt gìn giữ tinh thần tôi xin gọi là "rau cháo có nhau". Họ có sức tiết kiệm rất cao và dân chúng cho nhà nước vay tiền để duy trì tình trạng đó. Nhật đã bị bể bóng từ 20 năm trước nên kinh tế suy trầm bảy lần liền. Chính quyền xứ này vay tiền của dân, chứ không vay nước ngoài, để tiếp tục chống đỡ một cách tuyệt vọng với gánh công trái đã cao hơn 240% Tổng sản lượng GDP và tình trạng này không thể tiếp tục nên người ta còn chờ đợi một hiệu ứng Nhật Bản, nền kinh tế thứ ba của thế giới, cho kinh tế toàn cầu.
Việt Long: Câu hỏi sau cùng thưa ông, rồi đây tình hình các nước đang phát triển sẽ ra sao khi mà các nền kinh tế công nghiệp hoá đang phải thắt lưng buộc bụng để trả nợ sau mấy chục năm vay mượn quá nhiều?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Để thoát hiểm, khối công nghiệp hoá nói chung đều cắt lãi suất tới sàn, tức là mấp mé 0%. Hậu quả bất lường cho các nước đang phát triển là họ dễ nhập khẩu chính sách tiền rẻ, là cũng lại đi vay và tiếp nhận đầu tư nước ngoài để rồi thổi lên bong bóng đầu tư trong khi xuất khẩu sa sút vì thị trường nhập khẩu của Âu-Mỹ-Nhật đều sẽ giảm. Các nước này chỉ có hy vọng vượt qua nguy khốn nếu có chính sách tiền tệ chặt chẽ hơn, bớt được phản ứng đi vay và tránh được nạn bong bóng đầu tư. Những nước có chính sách vĩ mô lỏng lẻo nhất thì dễ bị lạm phát, khủng hoảng ngân hàng trong khi vẫn lãnh nguy cơ suy trầm.
- Nói chung thì cơ sự ngày nay có nguyên nhân lâu dài từ mấy chục năm trước nên tình hình khó khăn cũng kéo dài mất nhiều năm, và dài nhất kể từ vụ Tổng khủng hoảng 80 năm trước. Gặp hoàn cảnh đó mà cứ tiếp tục đi vay và gây thêm bội chi ngân sách thì người ta chỉ lao về phía trước, vào trong một vực thẳm còn nguy ngập hơn. Chúng ta mong rằng cuộc tranh cử hiện nay tại Hoa Kỳ có thể làm sáng tỏ vấn đề để lãnh đạo chọn hướng giải quyết khác, nhưng riêng tôi thì chẳng mấy lạc quan trước một vấn đề quá sâu xa mà thế hệ ngày nay có khi đã quên mất nên cứ chỉ đòi giải pháp dễ dãi rồi sẽ lại đánh bùn sang ao.
Việt Long: Đài Á châu Tự do xin cảm tạ chuyên gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về cuộc trao đổi này.
tình liên đới trong một xã hội thuần chủng và quyết liệt gìn giữ tinh thần tôi xin gọi là "rau cháo có nhau" ---> các DN Nhật khi ra nước ngoài thì cũng sẽ ưu tiên sử dụng sp của DN Nhật làm ra. Điều này có thể tìm thấy trong KD của các DN nhật ở trong nước cũng như nước ngoài.
Trả lờiXóa