Thứ Ba, tháng 8 14, 2012

Quả Bom LIBOR

Thanh Hà & Nguyễn-Xuân Nghĩa - RFI Ngày 120814
Tạp Chí Kinh Tế RFI  

Tai tiếng về gian lận lãi suất liên ngân hàng LIBOR

 
Trụ sở ngân hàng Barclay tại Luân Đôn. Ảnh chụp ngày 20/07/2012.
* Trụ sở ngân hàng Barclay tại Luân Đôn. Ảnh chụp ngày 20/07/2012. REUTERS/Simon Newman *


“Quả bom” LIBOR, đó là cụm từ báo chí dùng để nói về vụ tai tiếng tài chính đang bao phủ lên hàng chục tập đoàn ngân hàng thế giới. Gian lận trong việc niêm yết lãi suất có lợi cho các ngân hàng nhưng gây nhiều thiệt hại cho hàng triệu người phải đi vay tín dụng. Bốn năm sau khi bị phanh phui, lần này mọi chuyện xuất phát từ kinh đô tài chính châu Âu: Luân Đôn.

Tai tiếng thao túng lãi suất liên ngân hàng là bằng chứng cụ thể cho thấy thị trường tài chính thế giới kể từ sau cơn bão 2008 tới nay vẫn chưa được cải thiện. Các hoạt động tài chính vẫn rất mờ ám và dựa trên sự gian dối của giới ngân hàng.

Đầu tháng 7/2012 thống đốc ngân hàng Anh Barclays, Bob Diamond và tổng giám đốc Jerry del Missier đã phải từ chức sau khi nhìn nhận tập đoàn này thao túng công cụ đo lường các hoạt động tài chính là lãi suất liên ngân hàng LIBOR, trong thời gian từ 2005 đến 2009.

Barclays đồng ý xin nộp phạt 453 triệu đô la để thoát khỏi búa rìu pháp lý của Anh Quốc và Hoa Kỳ. Nhưng dù nộp phạt ban lãnh đạo của Barclays vẫn không khỏi bị truy tố về hình sự. Nhiều ngân hàng lớn khác của thế giới cũng đang trong tầm ngắm của tư pháp. Các tập đoàn Royal Bank of Scotland, Lloyds Bank của Anh, Deutsche Bank của Đức, Bank of America hay CitiGroup của Hoa Kỳ cũng đang bị điều tra. Riêng đối với Pháp, hiện có hai tập đoàn ngân hàng là Société Générale và Crédit Agricole bị tình nghi có tham dự vào vụ tài tiếng tài chính được gọi là vụ “Liborgate” qua lãi suất liên ngân hàng của châu Âu mang tên Euribor Tại châu Á thì nhiều ngân hàng nhật bị dính líu đến xì-căng-đan LIBOR.

Tại Hoa Kỳ bộ trưởng Tài chính Timothy Geithner bị Quốc hội gọi ra điều trần vì với tư cách Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ New York trước khi tham gia thành phần chính phủ.

Vào tháng 5 2008 nhật báo kinh doanh The Wall Street Journal tại Hoa Kỳ tung ra một kết quả nghiên cứu theo đó một số ngân hàng quốc tế đã có hành vi gian lận khi đề nghị những lãi suất thấp hơn thực tế trên thị trường giao dịch ngoại tệ. Nhưng khi ấy, Hiệp hội Ngân hàng Anh quốc khẳng định rằng dù ở vào hoàn cảnh khủng hoảng tài chính, hệ thống lãi suất gọi là LIBOR vẫn đáng tin vậy. Chẳng những thế, nhiều cơ quan hữu trách về thanh tra ngân hàng cũng phản bác tài liệu nghiên cứu của tờ The Wall Street Journal, rằng các ngân hàng không có gian lận trong việc niêm yết lãi suất này.

Bốn năm sau, khi tình hình kinh tế vẫn chưa sáng sủa và còn bị nhồi vào vụ khủng hoảng của đồng Euro thì lại nổ ra một vụ tai tiếng khác. Trước tiên là việc ngân hàng Barclays của Anh bị các cơ quan hữu trách của Anh, Mỹ phạt gần 400 triệu đô la về tội gian lận các lãi suất khai báo, gọi là LIBOR và Euribor. Sau đó, hàng loạt ngân hàng quốc tế đã bị điều tra tại Mỹ, Anh và Nhật.

Lãi suất LIBOR là gì  các ngân hàng đã thao túng công cụ tài chính này ra sao để chuộc lợi? Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa lần lượt trả lời các câu hỏi trên.


RFI: Thân chào anh Nguyễn Xuân Nghĩa tai tiếng tài chính đang nổi cộm lên từ đầu mùa hè năm nay cụ thể là như thế nào ?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Đây là một hồ sơ khá chuyên môn nên tôi xin phép phải đi từng bước.
  
- Trước hết, trên các thị trường đầu tư tài chính, người ta phát minh ra nhiều khí cụ đầu tư tinh vi qua việc mua bán lời hứa trong tương lai, như sẽ mua một tờ giấy nợ hoặc một số ngoại tệ trị giá ngần này tiền trong một kỳ hạn nhất định nào đó. Đến thời hạn mà phân lời của giấy nợ hay hối suất của ngoại tệ lại cao hơn hay thấp hơn dự tính thì người đầu tư có thể lời lớn và đối tác ở đầu bên kia thì lỗ nặng. Nôm na thì ta có thể nghĩ đến việc đánh cá, đánh cược về những gì sẽ xảy ra sau này, như phân lời trái phiếu, lãi suất tín dụng hay hối suất hoặc tỷ giá ngoại tệ.

- Chức năng của loại hình đầu tư đó là san sẻ và giảm thiểu rủi ro trên thị trường và thực tế đó là đầu cơ, tức là đầu tư với mức lời cao mà rủi ro lớn. Khối lượng giao dịch trong thị trường đầu tư loại này thực tế đã lên tới mấy trăm ngàn tỷ đô la chứ không ít nên cũng thu hút các ngân hàng tham gia để kiếm lời hoặc phòng ngừa rủi ro trong đầu tư theo kiểu đóng chốt ở cả hai đầu. Trong thị trường đầu tư rắc rối ấy, có loại "biến phiếu" hay "dérivatifs" là các khí cụ đầu tư mà giá trị biến thái từ một thông số chưa biết trước như lãi suất hay hối suất chẳng hạn.

- Năm 1984, các ngân hàng của Anh quốc mới thấy nhu cầu là nên tiêu chuẩn hóa cách tính lãi suất trên một cơ sở tương đối thống nhất vì điều ấy có lợi cho sự giao dịch trong nghiệp vụ đầu tư. Từ những nỗ lực đó, và có phối hợp với Ngân hàng Trung ương Anh quốc, người ta tiến tới việc thiết lập hệ thống lãi suất gọi là LIBOR, là viết tắt từ Lãi suất Liên ngân hàng Anh quốc và ta phải đọc như "lai-bơ".

RFI: Như anh vừa trình bày thì đây là một sáng kiến của các ngân hàng tư nhân Anh Quốc và có tham khảo với Ngân hàng Trung ương của Nhà nước Anh, chứ không là một quyết định của chính quyền?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Thưa là trong nền kinh tế tự do, các hiệp hội tư doanh có thể định ra những quy ước giao dịch miễn là minh bạch và bình đẳng mà những người tham gia cùng chấp nhận. Chính quyền có nhiệm vụ tìm hiểu và xác định giá trị của các quy ước này rồi kiểm soát sự thi hành để bảo vệ quyền lợi của công chúng và sự ổn định của thị trường, chứ không nhất thiết là cơ chế duy nhất có quyền ban hành quy ước sinh hoạt của thị trường.

- Trở lại chuyện lãi suất LIBOR thì đấy là tác phẩm của Hiệp hội Ngân hàng Anh. Hiệp hội là một tổ chức có uy tín được thành lập từ năm 1919 và nay có thành viên là 250 ngân hàng Anh hoạt động tại gần 200 quốc gia trên thế giới. Sau hai năm thử nghiệm thì từ đầu năm 1986 hiệp hội này lập ra hệ thống lãi suất LIBOR.

- Nói cho dễ hiểu thì đây là lãi suất nền tảng mà các ngân hàng dùng để tính như phí tổn cơ bản của nghiệp vụ tài trợ. Trên nguyên tắc thì mỗi ngày, hiệp hội tính ra các lãi suất của 10 loại ngoại tệ thông dụng cho 15 hạn kỳ đi vay từ ngắn nhất là qua đêm đến dài nhất là một năm, rồi đúng 11 giờ rưỡi giờ London gửi qua cho hãng tin Thomson Reuters phổ biến cho thế giới. 

- Căn cứ trên lãi suất chuẩn này, các ngân hàng trên thế giới mới tính ra lãi suất cho các nghiệp vụ tài trợ khác. Nghĩa là Lãi suất LIBOR trở thành tiêu chuẩn tham chiếu cho các thị trường tài chính và xuất xứ của các loại lãi suất hay phân lời của các nước. Đó là một thước đo cho tính toán kinh doanh và chi phối rất mạnh thị trường đầu tư "biến phiếu" như chúng ta vừa nói hồi nãy.

RFI: Bây giờ thì người ta mới thấy rằng cái thước đo ấy không đáng tin. Vì sao từ tháng 5/2008 tờ Wall Street Journal bên Mỹ đã nghiên cứu và nêu vấn đề về sự thiểu khả tín này, mãi đến bây giờ câu chuyện mới bùng nổ?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Ta bước qua phần chi tiết kỹ thuật của cách tính này thì mới hiểu ra sự thể là tại sao: 

- Hàng ngày, 16 ngân hàng tại Luân Đôn, trong đó có cả ngân hàng của Mỹ, thông báo cho Thomson Reuters biết rằng đây là lãi suất mà họ trù tính sẽ trả cho các nghiệp vụ đi vay, từ loại ngắn hạn trong ngày cho đến loại một năm. Thomson Reuters bèn công bố bốn lãi suất thấp nhất và bốn lãi suất cao nhất của nhóm ngân hàng này và số trung bình của tám lãi suất còn lại. Con số trung bình ấy được dùng làm chuẩn để tính ra cỡ 150 thứ lãi suất khác nhau của các thị trường thế giới. Chi tiết nên chú ý ở đây là lãi suất được thông báo chỉ là tiền lời mà ngân hàng trù tính sẽ trả chứ không là tiền lời thực tế đã trả. Nói cách khác, đây chỉ là dự tính hoặc ước tính mà thôi.

- Trong mấy chục năm liền, lối tính đó thường thì khá gần với thực tế nên được mọi nơi, kể cả chính quyền, chấp nhận để tính ra tiền lời của mình, thí dụ như phân lời công khố phiếu. Nhưng đôi khi lối ước tính ấy chỉ là ước đoán hay thậm là dàn xếp và dàn xếp với gian ý.

- Chuyện "đôi khi" này xảy ra trong vụ khủng hoảng tài chính năm 2008. Khi ấy, thế giới lo sợ nạn ách tắc tín dụng và cạn kiệt thanh khoản và thị trường liên ngân hàng thực tế bị đông lạnh vì các ngân hàng hết dám vay nhau dù với bất cứ lãi suất nào. Như vậy thì làm gì có lãi suất nền? Con số đưa ra chỉ là hư cấu mà vẫn được công bố như thường vì nếu không có một cái kim chi nam thì người ta biết là nên chạy theo hướng nào?

- Thực tế thì nhiều ngân hàng đưa ra lãi suất thấp để chứng tỏ tình hình kinh doanh của họ vẫn còn khả quan. Có ngân hàng lại đưa ra lãi suất cao, có thể vì nghĩ đến việc khai thuế thấp hơn sau này. Hiệp hội Ngân hàng Anh không thể không biết về sự thể ấy.

RFI: Thế các ngân hàng trung ương hay cơ quan hữu trách Anh hay Mỹ có biết điều ấy không?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Bây giờ mà nhìn lại thì người ta thấy các cơ quan hữu trách tại Anh và Mỹ đều có biết cả. 

- Năm đó, chính Hiệp hội Ngân hàng Anh có thông báo cho cơ quan Thanh tra Tài chính Anh rằng họ gặp vấn đề trong việc ấn định lãi suất. Tổng trưởng Tài chính Mỹ ngày nay là ông Geithner khi ấy là Chủ tịch Ngân hàng Liên bang New York với trách nhiệm kiểm tra các ngân hàng Mỹ tại Wall Street hiển nhiên là cũng biết vì đã gửi thư cho cơ quan Thanh tra Tài chính Anh với đề nghị cải tiến cách tính lãi suất này.

- Bây giờ thì mọi người cứ làm như bị bất ngờ chứ khi đó các định chế có thẩm quyền như Quỹ Tiền tệ Quốc tế FMI hay Ngân hàng Thanh toán Quốc tế BIS còn phản bác kết quả nghiên cứu của tờ The Wall Street Journal và nói rằng cách tính lãi suất LIBOR vẫn là thích hợp.

- Chúng ta không quên rằng năm 2008, cả thế giới đang bị một trận bão tài chính, nếu giới hữu trách có tri hô rằng nơi kia bị sạt lở chỉ gây thêm hốt hoảng cho thị trường nên có lẽ mọi người đều nín thinh. Ngày nay, mọi người đùng đùng đổ lỗi cho nhau và các chính khách lại có cơ hội đàn hặc hay can thiệp để chứng tỏ là họ ưu lo cho dân chúng. Tôi nghĩ rằng đây là một hài kịch phi lý.

RFI: Anh vừa đưa ra một nhận xét với nhiều nghịch lý. Thứ nhất, việc ước tính lãi suất ấy có sự mờ ám; thứ hai, các cơ quan có trách nhiệm kiểm tra có biết mà không làm gì; thứ ba là bây giờ người ta mới tri hô, đổ lỗi và điều tra. Thế là thế nào?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Trước hết là về nguyên tắc thì các thị trường cần có một chỉ số hay dấu mốc tài chính làm cơ sở cho những tính toán về đầu tư hay tài trợ. Thứ hai là về phương pháp thì chỉ số hay lãi suất đó phải xuất phát từ các ngân hàng là tác nhân của hoạt động tài chính trên thị trường, chứ không thể là từ một định chế tài chính trung ương nào đó của thế giới nằm bên ngoài thị trường. Thứ ba, về thủ tục ước tính ra lãi suất đó thì người ta cần có sự minh bạch, là điều thực tế không hề có trong cách tìm ra lãi suất LIBOR, và đấy mới là vấn đề.

- Sở dĩ như vậy, và đây là chuyện đáng quan tâm nhất khi ta nghĩ đến giải pháp cải thiện, là vì các ngân hàng hay giới điều hành ở trên cùng rất khó tìm ra con số thật trong hoàn cảnh hỗn mang của một vụ khủng hoảng thời 2008. Và càng khó cấp bách chọn ra một con số có thể làm cơ sở tài chính của họ bị sạt nghiệp và chính họ bị mất việc. Vì thế, trong khung cảnh thiếu minh bạch của thủ tục tính toán và đầy biến động của thị trường, người ta rất dễ gặp cái nạn dàn xếp với gian ý.

RFI: Làm sao cơ quan hữu trách của các nước và trước tiên là các ngân hàng có thể cải cách hệ thống này?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Yếu tố then chốt ở đây là sự minh bạch rõ ràng để mọi người cùng có thông tin như nhau để mà tính toán một cách bình đẳng hầu không một ai, người đi vay hoặc người cho vay chẳng hạn, lại thủ lợi bất chính. 

- Thứ nhì, khi tính toán như vậy, người ta phải nghĩ đến trường hợp thực tế là giữa cơn khủng hoảng thì thà rằng có một con số mơ hồ thiếu chính xác còn hơn là chẳng có một chỉ số nào cả. Nghĩa là trong cơn bão tố người ta vẫn cần một cái neo. Nhưng làm sao đảm bảo rằng cái neo đó không cứu riêng một ngân hàng mà nhận chìm những người khác xuống nước?

- Các định chế có trách nhiệm sẽ phải tìm ra giải pháp thực tế cho nhu cầu này. Nhưng điều tai hại nhất là khi họ lại nhân đó mà chăng thêm một tấm lưới cứng ngắc trói buộc tất cả các ngân hàng vào với nhau. Nghĩa là nhà nước lại can thiệp và bó chặt thị trường.

- Vấn đề căn bản là phải có hệ thống pháp quyền và luật lệ minh bạch và bình đẳng cho mọi người trong cuộc, với những quy định rõ ràng về các biện pháp chế tài hay trừng phạt khi có vi phạm. Đây là một nhu cầu rất phức tạp và căn bản của viêc định ra luật chơi rõ ràng. Chứ có truy tố hay trừng phạt một vài ngân hàng mà chưa cải cách được thủ tục và phương pháp thì vẫn chẳng giải quyết được vấn đề.

RFI: Xin cảm ơn anh Nghĩa và xin hẹn lại anh tuần tới.



5 nhận xét:

  1. Bác Nghĩa ơi,
    Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF không phải FMI.

    Trả lờiXóa
  2. Em Meo Luoi ơi, tôi trả lời một đài phát thanh Pháp thi phải dùng tiếng Pháp của người ta. Fond Monétaire International, viết tắt là FMI. Cũng như tổ chức WTO phải đọc theo tiếng Pháp là ONC! Nhập gia tùy tục chứ! NXN

    Trả lờiXóa
  3. Vậy Ngân Hàng Thanh Toán Quốc Tế bác cũng để tiếng Pháp chứ ạ. Có phải là Banque des Règlement Internationaux (BRI) không bác?

    Trả lờiXóa
  4. Bác Nghĩa ơi,
    Mèo rất thích các bài viết của bác vì kiến thức uyên thâm dưới văn từ lịch sự, tinh tế, chuẩn xác. Đây là điều khá hiếm hiện nay. Do đó, đôi khi, Mèo lướt qua thấy những từ bị đánh sai (do lỗi đánh máy) hoặc do Mèo chưa hiểu hết, thì Mèo còm vào blog bác thôi. Mong bác không vì thế mà cho rằng Mèo nhỏ nhặt. Vì mong rằng, những bài viết của bác sẽ góp phần gìn giữ cho tiếng Việt trong sáng.
    Nói thêm là Mèo cũng thích bác bình các vấn đề khác ngoài kinh tế (là chính), ví dụ các bài về tôn giáo, ca nhạc, văn thơ đã đọc ở blog cũ dainamax.org.
    Cảm ơn bác.

    Trả lờiXóa
  5. Hello Mèo Lười!

    Nếu thích nhiều thứ như vậy thì... đâu có lười?

    Chúc điều an lành.

    NXN

    Trả lờiXóa