Thứ Sáu, tháng 8 24, 2012

Mùa Biển Động


Nguyễn-Xuân Nghĩa - Việt Tribune Ngày 120824

Những Cơn Giông Bão Trước Mắt

* Kềm và Kẹp - Tuần duyên Nhật chặn tầu Trung Quốc vào đảo Senkaku do Nhật Bản đang quản lý *


An ninh và kinh tế, nguy cơ nào là nặng hơn cả? Câu hỏi này đáng được chú ý khi chúng ta nhìn vào khung cảnh đầy giông bão hiện nay.

Gần năm năm sau vụ Tổng suy trầm 2008-2009, kinh tế thế giới sẽ gặp nguy cơ suy trầm lần nữa. Theo định nghĩa thông thường, suy trầm hay recession là khi đà tăng trưởng sản xuất bị chậm lại trong sáu tháng liền (hai quý liên tiếp). Nặng hơn thì có nạn suy thoái, là depression. Vấn đề là người ta thường chỉ biết rằng kinh tế có suy trầm hay không sau một khoảng thời gian, trước đó thì chỉ là dự đoán, với xác suất đúng hay sai khó ai biết được.

Lần trước, kinh tế Hoa Kỳ bị suy trầm từ Tháng 12 năm 2007 cho đến Tháng Bảy năm 2009.

Sau đó, sức phục hồi lại không đủ mạnh để đẩy lui thất nghiệp dù đã có hàng loạt biện pháp bơm tiền để kích thích. Đó là các biện pháp xuất phát từ ngân sách quốc gia qua nhiều dự án công chi và từ chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương. Chính sách ấy là hạ lãi suất gần tới số không, hai lần nâng mức lưu hoạt có định lượng (quantitative easing hay QE) và hai đợt can thiệp vào thị trường trái phiếu (bán loại dài hạn để mua loại ngắn hạn) nhằm hạ lãi suất dài hạn hơn nữa. Biện pháp tiền tệ của hệ thống ngân hàng trung ương chưa đạt kết quả trong khi biện pháp ngân sách lại nâng mức bội chi đến kỷ lục với hậu quả là Hoa Kỳ còn mắc nợ nhiều hơn trước. Nhiều nhất kể từ 43 đời tổng thống của xứ này.

Vấn đề bội chi hay khiếm hụt ngân sách đã gây tranh luận trong chính trường từ năm 2010 với kết quả là nạn ách tắc chính trị trong Quốc hội. Những thoả thuận tạm bợ ngày mùng năm Tháng Tám năm ngoái sẽ hết hạn vào cuối năm nay và nếu lãnh đạo chính trị không tìm ra giải pháp, thì từ đầu năm 2013, kinh tế Hoa Kỳ sẽ rơi vào vực thẳm ngân sách (fiscal clift) hay khủng hoảng thuế khóa (Tax Armageddon) vì công chi sẽ giảm và thuế sẽ tăng.

Tuần qua, cơ quan nghiên cứu độc lập của Quốc hội về ngân sách quốc gia gọi là Congressional Budget Office hay CBO đã công bố dự báo cho năm tới: sẽ bị suy trầm nữa nếu không có giải pháp thỏa đáng về giảm chi và tăng thuế. Nội dung của các giải pháp này trở thành đề mục tranh cử và gây sôi nổi trong dư luận mà không làm sáng tỏ được một vấn đề: Hoa Kỳ không thể tiếp tục tăng chi như xưa.

Cùng dự báo u ám của CBO, ngân hàng trung ương Hoa Kỳ cũng công bố biên bản phiên họp trước của ủy ban tiền tệ và tín dụng FOMC theo đó, một biện pháp QE thứ ba có thể được tiến hành trong thời gian tới, có khi vào Tháng Chín này, để đẩy lui nguy cơ suy trầm.

Chúng ta đang thấy kết tụ nhiều tầng mây đen trên nền trời u ám. Nhưng tình hình thực tế lại còn nguy ngập hơn vậy vì bên kia Đại Tây dương, kinh tế của 17 quốc gia trong khối Euro sẽ bị suy trầm nữa. Thực tế thì đầu máy kinh tế của khổi Euro và toàn thể 27 quốc gia của Liên hiệp Âu châu là nước Đức có thể đã suy trầm rồi. Sau kết quả èo uột của năm nước bị khủng hoảng trong khối Euro nếu Đức cũng bị suy trầm thì toàn cầu sẽ điêu đứng, kể cả Hoa Kỳ và Trung Quốc. Nghĩa là kinh tế thế giới sẽ lại bị suy trầm lần nữa, kể từ đầu năm tới.....

Nhưng viễn ảnh đó – có suy trầm hay không - vẫn chưa nguy ngập bằng những gì đang xảy ra ngoài Đông hải của Trung Quốc (vùng biển Đông Bắc Á) và Đông hải của Việt Nam (vùng biển Đông Nam Á). Bị chìm đắm trong các vấn đề nội bộ, Hoa Kỳ chưa chú ý đến nguy cơ này và thật ra chưa thể có đối sách thỏa đáng cho đến sau cuộc bầu cử và khi chính quyền mới sẽ thành hình với nội các và nhân sự khác. Khoảng trống này là cơ hội mà nhiều nước không để lỡ.

Tại khu vực Đông Bắc Á, tranh chấp bùng nổ từ vùng Biển Okhotsk đến Biển Nhật Bản xuống Eo biển Đài Loan và chuỗi quần đảo Lưu Cầu (Ryukyu). Chúng ta cần trở lại lịch sử thì mới hiểu ra chuyện ngày nay.

Khi Nhật Bản đầu hàng Hoa Kỳ ngày 14 tháng 8 năm 1945 sau mấy thập niên tung hoành ngoài Đông Á và gây đại chiến trên biển Thái bình dương, Liên bang Xô viết liền chiếm bốn đảo nhỏ trên dãy quần đảo ở mạn cực Bắc của nước Nhật. Đó là các đảo Kuril Island hay Chishima Retto nói theo tiếng Nhật (Thiên Đảo Liệt Đảo). Hôm 15 vừa qua, Nga tuyên bố sẽ đưa bốn chiến hạm vào khu vực tranh chấp đó, trước sự phản đối của Tokyo mà ít ai nghe.

Vì cùng lúc lại bùng nổ mâu thuẫn giữa Nam Hàn và Nhật Bản. Đánh dấu ngày Nhật đầu hàng, hôm mùng 10 vừa qua, Tổng thống Nam Hàn là Lý Minh Bác bất ngờ tới thăm các đảo Dokdo nhỏ xíu do Nam Hàn quản lý mà Nhật Bản nhận là của mình, gọi là Takeshima. Tổng thống Nam Hàn tuyên bố Dokdo (Đông Đảo) thuộc chủ quyền của Đại Hàn.

Biến cố thứ hai là mâu thuẫn về chủ quyền giữa Nhật Bản và Trung Quốc trên vài đảo nhỏ hiện do Nhật quản lý, là Daioyu (Điếu Ngư Đài theo tiếng Hoa) hay Senkaku theo tiếng Nhật (Tiêm Các Chư Đảo). Tranh chấp bùng nổ vì Nhật bán một đảo cạn ở nơi này cho tư nhân. Người Hoa bèn lẻn vào cắm cờ của Trung Quốc và Đài Loan (Trung Hoa Dân Quốc) nên bị Nhật bắt giữ và trục xuất. Dân chúng Trung Quốc biểu tình phản đối Nhật, đập phá nhiều cửa hàng Nhật tại và còn lật một xe hơi Nhật của lực lượng Cảnh Sát! Họ đả kích chính quyền là không bảo vệ quyền lợi của Trung Quốc khiến Bắc Kinh cho phép biểu tình mà vẫn sợ là dân biểu tình sẽ chửi Nhật mà phản đối chính quyền và đảng!

Khi ba trận bão cùng nổi lên giữa Nhật Bản với Nga, Nam Hàn và Trung Quốc, lãnh đạo Bắc Kinh bèn kêu gọi ba quốc gia này cùng liên hợp chống Nhật. Cùng một đối sách áp dụng tại khu vực Đông Nam Á, là gây ly gián giữa các nước để truy tìm lợi ích riêng. Dư luận Hoa Kỳ chẳng thèm chú ý đến chuyện đó.

Một số người thì quan tâm đến điểm nóng tại vùng biển Đông Nam Á, ngoài khơi Việt Nam.

Ngày 21 Tháng Sáu, Bắc Kinh quyết định nâng cấp đơn vị hành chánh tại thành phố Tam Sa trong quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc chiếm của Việt Nam từ năm 1974 sau trận hải chiến với Việt Nam Cộng Hoà. Việc Bắc Kinh ngang ngược bất chấp Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển (UNCLOS) đã được dư luận Việt Nam nói tới từ lâu, xin khỏi nhắc lại ở đây.

Vấn đề là vì sao những biến cố này lại bùng nổ cùng lúc? Một phần có thể là vì đệ nhất siêu cường hải dương là Hoa Kỳ đang mắc bận với nhiều vấn đề nội bộ, nhưng chỉ một phần thôi.

Lý do còn lại thì có nửa tá.

Người ta hy vọng tìm ra dầu khí dưới thềm lục địa của Đông Hải nên giành lấy chủ quyền trên biển đảo hầu có quyền khai thác năng lượng ở bên dưới. Thật ra, triển vọng ấy còn mơ hồ, càng gần lãnh thổ Trung Quốc thì càng ít, và bề nào cũng đòi hỏi nhiều kinh phí đầu tư rất tốn kém. Thứ hai là sau cả trăm năm đấu tranh giành độc lập và xây dựng quốc gia ở bên trong, đến cuối thế kỷ 20 các nước Châu Á mới bắt đầu để ý đến chủ quyền quốc gia ở ngoài biển. Lý do thứ ba là kinh tế thị trường khiến các nước chỉ hy vọng phát triển qua giao dịch liên lục địa bằng phương tiện hàng hải, nhờ sự bảo vệ của hải quân. Với nhiều quốc gia, nhu cầu phát triển hải quân chưa hề là ưu tiên, ngày nay họ ráo riết thi đua và càng dễ gây va chạm.

Nguy hiểm nhất là tại vùng Đông Nam Á.

Tại khu vực Đông Bắc Á, năm quốc gia liên hệ (Nga, Trung Quốc, Nam Hàn, Nhật Bản và Đài Loan) đều có thực lực quân sự đáng nể và cần buôn bán với nhau nên sẽ tránh xung đột. Trong số này, Nga, Tầu, Hàn, Nhật và Đài Loan còn cần đến luồng giao dịch hàng hải tại Đông Nam Á, và vùng biển nối liền Thái bình dương với Ấn Độ dương và các khu vực khác. Quan trọng nhất, bốn xứ Đông Bắc Á đều phải nhập cảng dầu qua biển Đông Nam Á nên dù có tranh chấp với nhau ở mạn Bắc, họ ưu tiên chú ý đến miền Nam, ngoài khơi của Việt Nam và các hải lộ chiến lược như Eo biển Malacca. Đó là lý do thứ tư.

Lý do thứ năm là khó khăn trong nội tình của từng nước khiến lãnh đạo phải khai thác chuyện bên ngoài để khích động lòng dân. Nhật Bản từng là thủ phạm xâm lược tại Đông Á và đã khuất phục cả Nga lẫn Đại Hàn và Trung Quốc, nên Nhật trở thành đối tượng đáng bị tấn công. Nói chung thì xứ nào cũng muốn biểu dương sức mạnh ra ngoài để khỏa lấp những nan đề bên trong, nhưng chẳng ai dám làm liều. Trừ Trung Quốc, nhất là tại khu vực Đông Nam Á có 10 quốc gia nhỏ và yếu hơn các cường quốc Đông Bắc Á.

Thiên triều đỏ có cả năm lý do đã nói ở trên để quậy sóng ngoài Đông hải vì sauhai thế kỷ suy bại, Trung Quốc đang công nghiệp hoá, cần buôn bán với bên ngoài và bảo vệ nguồn cung cấp cùng thị trường xuất cảng. Nhưng lại tiến hành theo kiểu bá quyền phát xít chứ không theo nguyên tắc văn minh của thế kỷ 21, là qua hợp tác và đàm phán. Vì vậy, Trung Quốc đang trở thành vấn đề cho thế giới. Nhưng cũng có những bài toán nội bộ cực kỳ nan giải.

Tổng kết lại, giông bão ngoài Đông hải có thể thổi lên nguy cơ xung đột lớn trong nhiều năm tới do hiện tượng "hậu quả bất lường" - vì lộng giả thành chân hoặc già néo đứt dây. Nhưng còn một kịch bản bất ngờ không kém là Trung Quốc tan rã vì nội loạn. Địa chấn bên trong khiến giông bão bên ngoài có thể tạm êm. Thật ra kịch bản ấy có xác suất ngày một cao hơn.

Gặp trường hợp đó, Việt Nam sẽ làm gì? Hãy tạm quên suy cơ suy trầm kinh tế trên toàn cầu mà nhìn ra nghịch lý của Việt Nam: xứ này cũng có loại vấn đề y hệt Trung Quốc mà lãnh đạo lại vì ý thức hệ lẫn tư lợi mà đứng về phía Bắc Kinh và đàn áp những ai phản đối Trung Quốc.

__________________

Tác giả mượn đề tựa cuốn trường thiên tiểu thuyết "Mùa Biển Động" rất hay của nhà văn Nguyễn Mộng Giác.


2 nhận xét:

  1. "Tranh chấp bùng nổ vì Nhật bán một đảo cạn ở nơi này cho tư nhân."

    Bốn đảo trong Senkaku đang là tài sản tư nhân, thuộc gia đìnhKurihara và chính phủ Nhật đang có ý định mua lại để quốc hữu hóa.
    Bác Nghĩa có thể kiểm tra lại được ko ạ/.
    http://www.japantimes.co.jp/text/nn20120827a9.html

    Cảm ơn bác nhiều vì những bài viết thâm hậu mà ko ở đâu có. Chúc bác luôn khỏe và mong chờ bài mới của bác.

    Trả lờiXóa
  2. Lời góp ý của Metal là rất đúng, mà tác giả lại viết ngược!

    Từ 1951, Nhật bản đã quản lý các đảo này, nôi có dân chúng sinh sống và làm chủ. Mâu thuẫn vẫn thường xảy ra, nhưng có cường độ hiện nay là khi một số giới chức Nhật, kể cả Đô trưởng Tokyo, muốn chính quyền mua lại. Xin cảm tạ độc giả Metal. NXN

    Trả lờiXóa