Thứ Ba, tháng 8 28, 2012

Viễn Kiến và Tự Thân


Nguyễn-Xuân Nghĩa - Ngày Nay Houston, Ngày 120825

Tranh Đua về Viễn Kiến Trong Kinh Tế

* Trí thức đây ư? *
 


Với Đại hội của đảng Cộng Hoà tại Tampa trong cơn bão tố theo nghĩa đen, tuần này cuộc tranh cử Tổng thống Hoa Kỳ mới đi vào cao điểm, trước khi đến Đại hội đảng Dân Chủ tại Charlotte của North Carolina vào mùng ba tới. Được yêu cầu phân tích về sự khác biệt giữa hai đảng, bỉnh bút Nguyễn Xuân Nghĩa lại viết qua... vai trò của trí thức và những viễn kiến về xã hội. Rất thấm thía.


Khi nghe hoặc đọc thấy câu "quốc gia hưng vong - thất phu hữu trách", nhiều phần ta chờ đợi một liên từ như cái mưỡu hậu: "huống hồ". Chuyện hưng vong của quốc gia thì đến kẻ thất phu còn phải gánh vác - huống hồ người trí thức. Thí thức thì mới sẵn thành ngữ Hán-Việt kiểu đó!

Mà hình như là sự khác biệt mặc nhiên giữa quần chúng thất phu và thiểu số trí thức ưu tú là điều đã được nhiều người chấp nhận, kể cả đám "thất phu". 

Thật ra, hiện tượng này không là đặc tính riêng của các xã hội bị ảnh hưởng văn hoá Trung Hoa. Xưa nay, nhiều xã hội Đông Tây cũng từng mong là được bậc "Triết Vương" cai trị. Đó là các Philosopher Kings, loại đại trí thức có viễn kiến và khả năng làm cho quốc thái dân an.

"Nghiêu Thuấn" là giấc mơ của nhân loại nói chung, Hoa Kỳ chẳng là ngoại lệ. Cuộc tranh cử Tổng thống đang dựng lên chân dung Nghiêu Thuấn với lời ám chỉ - quảng cáo bạc triệu - rằng bên kia gian ác gần bằng Kiệt Trụ.

Xin hãy tạm để các ứng cử viên trong trò tuyên truyền đó mà trở về chuyện "thí thức" vì họ mới ưa kẻ râu vẽ bùa cho các lãnh tụ.  

Trí thức đã đành là có kiến thức, nhưng còn vận dụng tư tưởng và suy luận để làm thay đổi xã hội hay quốc gia, hay cả thế giới. Một chuyên gia về khoa học vật lý hay nhân văn chưa chắc đã là trí thức nếu, ngoài nghề nghiệp riêng, họ không quảng bá tư tưởng để ảnh hưởng đến người khác. Các xã hội độc tài thường nghi ngờ và đàn áp trí thức. Xin miễn bàn về hiện tượng đó mà nói về xã hội tự do. Trong các xã hội tự do, ai cũng muốn thăng tiến cuộc sống. Trí thức là người khát khao ước vọng chính đáng ấy của xã hội, cho xã hội, và có quyền được lên tiếng.

Nhờ có kiến thức gọi là hơn người, họ hiểu ra sự bất toàn của xã hội con người và muốn thay đổi. Trong cách vận động sự thay đổi này, họ có thể đi vào hai ngả.

Có người cố tìm ra giải pháp ít tệ nhất để rồi tuần tự cải thiện sự bất toàn. Xã hội tự do và quyền dân chủ cho phép xuất hiện các giải pháp cải thiện. Đấy là loại trí thức bi quan về tình trạng thiếu hoàn hảo của xã hội mà lạc quan về khả năng cải tiến của con người. Họ tham gia vào việc đó, nhưng chỉ là loại "thường thường bậc trung". Vì bên kia đường lại có loại trí thức ưu việt.

Thành phần này lạc quan hơn về hoàn cảnh của xã hội mà trong đó họ có sứ mạng tự nhiên. Sở dĩ xã hội bất toàn là vì loại lý do thuộc về định chế, như nạn bất công hay bóc lột chẳng hạn. Họ sẽ làm cách mạng để cải tạo tất cả. Khác biệt ở đây là viễn kiến của hai thành phần.

Những người như Jean Jacques Rousseau hay Karl Marx có viễn kiến lạc quan rằng nghĩ là họ tìm ra nguyên nhân của sự bất toàn - "người coi người như thú" - và chủ trương tiến hành cách mạng để giải trừ nguyên nhân đó. Còn lại, nếu từ viễn kiến của Rousseau mà thiên hạ lại gặp Robespierre hoặc từ giấc mơ của Marx mà xuất hiện những tên đao phủ tập thể như Lenin, Stalin, Mao Trạch Đông hay Pol Pot thì đấy là chuyện khác.

Ngược lại người trí thức tầm thường kia thì đi tìm giải pháp cải lương. Có khi bị đả kích là bảo thủ hay phản động, họ có thể tự an ủi là không vì lý tưởng cao đẹp mà biện minh cho bọn sát nhân!

Thật ra, khác biệt không chỉ về xã hội quan mà về vai trò của trí thức. Thành phần trí thức chủ trương cách mạng theo viễn kiến lạc quan thì tin vào vị trí ưu việt tự nhiên của họ. Nhiều nghệ sĩ Hollywood cũng tự nghĩ là trí thức kiểu đó nhờ ảnh hưởng của họ với quần chúng.

Trở lại chuyện kinh tế và tranh cử của nước Mỹ, Hoa Kỳ đang gặp ba loại vấn đề.

Trước mắt là thất nghiệp quá cao; lâu dài hơn thì có nạn bội chi ngân sách quá nặng; và trong trường kỳ, mươi năm nữa là sự phá sản của hệ thống an sinh xã hội vì tỷ lệ người đi làm và góp tiền cho quỹ hưu bổng và y tế ngày càng ít hơn người thụ hưởng. Một lý do chìm sâu bên dưới là sự chuyển dịch chậm rãi mà hãi hùng của dân số.

Một thí dụ về sự bất toàn của xã hội Hoa Kỳ là tình hình nhân dụng hay lao động.

Khoảng triệu rưởi thanh niên dưới 25 tuổi đã tốt nghiệp cao đẳng (bốn năm sau trung học) mà vẫn thất nghiệp hoặc làm việc bán thời như học sinh trung học, một tỷ lệ "khiếm dụng" là 53,6%. Trong khi ấy, người ở tuổi 55 trở lên (55+, thành phần "Babyboomer" sinh sau Thế chiến II, từ 1946 đến 1964) cứ... bám lấy thị trường lao động. Từ vụ Tổng suy trầm cuối năm 2007 đến nay, số việc làm của mọi lứa tuổi đã có lúc sụt mất tám triệu và nay vẫn thiếu bốn triệu, trong khi thành phần 55+ và có việc làm thì tăng thêm bốn triệu người.

Theo quy luật "hơn bù kém" (zero sum game), hoặc mọi người cùng chia một cái bánh, người này ăn thì kẻ kia nhịn – là viễn kiến phổ biến của các thí thức có sứ mạng cứu đời – vì sao người già chẳng chịu về hưu để nhường chỗ cho con trẻ? Bọn cao niên này là có tội "cố đấm ăn xôi"?

Lý do tất nhiên không thể là một hình thái đấu tranh giai cấp hay tuổi tác mà là sự đổi thay chậm rãi của dân số khiến tuổi thọ kéo dài mà nhu cầu của thị trường lao động cũng thay đổi.

Từ vụ Tổng suy trầm 2007, sự thay đổi ấy còn dẫn đến nạn "lệch khớp cung cầu về tay nghề".

Đã đành rằng thành phần trẻ, có trình độ thấp hơn trung học và thiếu tay nghề, bị thất nghiệp nặng nhất (gần 18% năm 2011) và phải về sống với phụ huynh. Nhưng thành phần trung học lại bị lớp người cao đẳng giật mất việc làm; mà ngay trong những người đã qua bốn năm cử nhân hay kỹ sư vẫn phải tìm loại việc loại thấp hơn khả năng và kiến thức. Ví dụ nôm na là tốt nghiệp cử nhân mà phải đi làm thư ký văn phòng. Họ bị những người thuộc trình độ cao học sau cử nhân giành mất việc!

Nhiều công trình nghiên cứu độc lập, thí dụ gần nhất là của Ngân hàng Dự trữ Chicago vào Tháng Bảy, cho thấy Hoa Kỳ tốn tiền đào tạo quá nhiều người có bằng cấp mà không thích hợp với yêu cầu của một thị trường đã thay đổi.

Hiện tượng ấy không thể được giải thích bởi loại lý luận đấu tranh giai cấp hoặc được giải quyết bằng biện pháp nhà nước bơm tiền kích thích. Và nó sẽ còn kéo dài khiến nạn thất nghiệp khó giảm dưới mức trung bình là hơn 8% hiện nay.

Trở lại lớp cao niên 55+ với cái tội "cố đấm ăn xôi" không chịu nhường chỗ cho lớp trẻ. Họ đã đóng góp cho sự thịnh vượng của Hoa Kỳ, chưa muốn và chưa thể về hưu ngay. Nhưng họ cũng chờ đợi là đến ngày nghỉ thì phải có quyền lợi hưu bổng xứng đáng. Trong khi chờ đợi, nhu cầu y tế và thuốc men cho sức khoẻ của họ sẽ chỉ có tăng.

Khi ấy ta mới nhìn vào quỹ An sinh Xã hội Social Secority  và Bão dưỡng Y tế Medicare. Chuyện hưu bổng sẽ khiến quỹ SS bị hụt vì hiện nay rồi, cứ hai người đóng góp thì đã có một người hưởng. Mà tình hình y tế còn nguy ngập hơn nhiều vì chi phí bảo dưỡng sẽ còn tăng. Giới quản trị quỹ y tế này dự đoán một vụ vỡ nợ trong 12 năm tới nếu không có cải cách.

Trong cuộc tranh cử Tổng thống, mãi rồi đảng Cộng Hoà mới nhìn ra vấn đề. Không thể cứ phê phán thành tích quá kém cỏi của Chính quyền Barack Obama, họ phải trình bày một viễn kiến về tương lai của nước Mỹ, trước hết là về những giải pháp cải cách để vượt qua tình trạng nguy khốn hiện nay. 

Phía Dân Chủ thì đã minh chứng viễn kiến của họ. Dù có một lực lượng trí thức – và cả nghệ sĩ trình diễn – bênh vực cái nhìn này, nó vẫn chưa có sức thuyết phục. Mà chỉ gây thêm tranh giành và phân hoá trong xã hội Mỹ. Sở dĩ như vậy vì ai ai cũng đồng ý là phải tăng thuế để lấy tiền cứu nguy ngân sách. Miễn là tăng thuế của ai khác chứ không được sờ vào khoản phúc lợi của mình.

Vì vậy, người ta có thể theo dõi cuộc tranh cử tại Hoa Kỳ khi nhìn vào nội dung phát biểu của thành phần trí thức để biết rằng họ đứng ở đâu, nghĩ gì về chính họ. Buồn và cười!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét