Thứ Tư, tháng 6 19, 2013

Nợ Nần Tại Việt Nam, Trung Quốc

Vũ Hoàng & Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA Ngày 130619
Diễn đàn Kinh tế RFA  

Tầm Tô Học Đạo Ăn Cắp  
 
000_Hkg8686356-305.jpg
* Sản phẩm công nghiệp sản xuất tại Trung Quốc được triển lãm tại Hà Nội hôm 12/6/2013
AFP photo*

Bản phúc trình về "Viễn ảnh Kinh tế Toàn cầu" vừa được Ngân hàng Thế giới công bố hôm 13 Tháng Sáu có chi tiết gây chú ý là khoản nợ quá cao của tư nhân tại Việt Nam và cao nhất là tại Trung Quốc. Chỉ vài ngày sau, hàng loạt tin tức quốc tế lại nói đến rủi ro của một vụ sụp đổ ngân hàng tại Trung Quốc chưa từng thấy trong lịch sử. Chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa giải thích rằng đấy là một hậu quả của hiện tượng ông gọi là "tầm tô". 


Trái bóng Tín dụng


Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nghĩa. Thưa ông, báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới về Viễn ảnh Kinh tế Toàn cầu có gây chú ý đến một hiện tượng đáng ngại là mức nợ quá cao của tư nhân tại một số quốc gia đang phát triển. Thuộc loại cao nhất thì có Việt Nam nay đã mắc nợ đến 110% Tổng sản lượng, còn Trung Quốc thì lên tới 160%. Ngay sau đó, nguồn tin tài chính quốc tế nói đến trái bóng tín dụng của Trung Quốc có thể vỡ và gây ra một vụ khủng hoảng ngân hàng lớn lao chưa từng thấy trong lịch sử thế giới. Ông nghĩ sao về tin này?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Chúng ta vừa chứng kiến một vụ khủng hoảng tài chính bùng nổ năm năm trước tại các nước công nghiệp hóa Âu-Mỹ vì nạn vay tiền quá nhiều nên đến hồi trả nợ và hậu quả là nạn suy trầm kinh tế toàn cầu. Trong giai đoạn suy trầm, nhiều quốc gia cố gắng kích thích kinh tế qua biện pháp tăng chi và bơm tín dụng với lãi suất rẻ và lại gây ra nạn bong bóng đầu cơ khi người ta vay tiền quá dễ mà bất kể đến rủi ro về sau.

- Riêng tại Việt Nam và Trung Quốc là hai nước ngụy danh xã hội chủ nghĩa mà thực chất là có nền chính trị độc tài và chính sách kinh tế lý tài thì người ta còn gặp một hiện tượng kinh tế chính trị học gọi là "tầm tô", nôm na là đi tìm lợi nhuận bất chính nhờ thế lực chính trị. Hiện tượng ấy gây thêm rủi ro tài chính và kinh tế vì những kẻ tầm tô có thế lực đã trở thành nhóm lợi ích có thể cản trở mọi giải pháp ứng phó. Rốt cục thì ta có "thảm kịch Hamlet" là mọi người cùng chết!

Vũ Hoàng: Cuối tháng trước, trên một nhật báo Việt ngữ tại California ông viết về hai hình thái kinh doanh của hai nhân vật vào đầu và cuối thời Chiến Quốc bên Tầu, để giải thích hiện tượng "tầm tô". Bây giờ ông nhắc đến bi kịch Hamlet của Shakespeare để bảo là ai cũng chết! Ông hay trình bày đề tài kinh tế khô khan theo lối ví von, nhưng thưa ông, tầm tô là gì?

Trong giai đoạn suy trầm, nhiều quốc gia cố gắng kích thích kinh tế qua biện pháp tăng chi và bơm tín dụng với lãi suất rẻ và lại gây ra nạn bong bóng đầu cơ khi người ta vay tiền quá dễ mà bất kể đến rủi ro về sau. Nguyễn-Xuân Nghĩa

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Người ta gọi kinh tế học là khoa học u ám và nói về chuyện u ám với thuật ngữ chuyên môn khó hiểu thì thính giả của chúng ta càng dễ nản chí nên tôi cố trình bày chuyện khô khan bằng hình tượng phổ biến, may ra kích thích được sự theo dõi của mọi người.

- Đầu thời Chiến Quốc, Phạm Lãi là nhân vật ai cũng có thể biết. Sau khi giúp Việt Vương Câu Tiễn diệt xong nước Ngô thì ông từ giã chính trị đi kinh doanh rất thành công ở xứ khác để thành nhà tư tưởng của phái "kế hoạch gia" trong "bách gia chư tử", tức là kinh tế học như ta hiểu đời nay. Vào cuối thời Chiến Quốc thì Lã Bất Vi nổi tiếng về kinh doanh chính trị, nôm na là nghề buôn vua, và có thể là bố đẻ của Tần Thủy Hoàng Đế nhưng rồi bị bạo Tần giết chết vì tội chuyên quyền.

- Tôi lấy hai hình tượng khá quen thuộc đó để nói về hai hình thái kinh doanh. Thứ nhất là tạo ra của cải và nhờ đó làm giàu, theo kiểu Phạm Lãi hay Đào Chu Công, là một tên khác của ông ta. Thứ hai là kiếm lời mà chẳng tạo ra của cải là kiểu của Lã Bất Vi, chỉ vì nhờ tạo cái thế chính trị.

- Kinh tế học gọi lối kinh doanh nhờ gây dựng thế lực là "đi tìm tô" hay "tầm tô". "Tô" chỉ có nghĩa là tiền thuê, mà được hiểu rộng là lợi nhuận nhờ làm chủ một phương tiện sản xuất. Trong trường hợp ở đây, phương tiện sản xuất đó cũng chẳng là của mình, mà có thể sang đoạt nhờ cái quyền độc tài chính trị để trở thành độc quyền kinh doanh!

 

Kinh doanh tầm tô    


035_pau822622_10-250.jpg
Trụ sở chính của Ngân hàng nhân dân Trung Quốc (PBOC) tại Bắc Kinh hôm 12/5/2013. AFP photo


Vũ Hoàng: Chúng tôi hiểu ra ẩn dụ của ông khi nhớ đến một phương tiện sản xuất là đất đai và chuyện cướp đất như Ô Khảm tại Trung Quốc, Văn Giang hay Tiên Lãng ở Việt Nam. Trở lại thói "tầm tô" như ông nói thì trên lý thuyết, kinh tế học định nghĩa thế nào về việc kinh doanh như vậy?  

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Lề lối kinh doanh thông thường và phổ biến là tạo ra của cải trước đó chưa có nhờ một sáng kiến khai thác tài nguyên, sản phẩm hay một cơ hội sản xuất mới, rồi chia của cải đó cho mình và cho người theo một tỷ lệ có giá trị lâu dài. Hình thái kinh doanh đó góp phần cho phát triển xã hội và quốc gia. Ngược lại, tìm cách tác động vào môi trường chính trị, luật lệ hay xã hội để kiếm lời mà chẳng đóng góp gì cho sản xuất là loại kinh doanh tầm tô.

- Hiện tượng đó thật ra xuất hiện ở mọi nơi nhưng dễ phát triển trong xã hội chuyên chính là nơi mà quyền lực chính trị không bị giới hạn nên dễ bị lũng đoạn từ bên trong. Tại các nước dân chủ với luật lệ rõ ràng bình đẳng trước sự phán xét của công luận, những ai muốn mua chuộc chính trường để kiếm lời thường khó làm ăn và dễ vào tù. Chỉ trong các nước độc tài, chuyện tầm tô mới dễ phát đạt. Một xứ độc tài như Việt Nam hay Trung Quốc mà theo kinh tế thị trưởng hay kinh tế tư bản giả hiệu thì đấy là chủ nghĩa tư bản thân tộc ăn bám vào hệ thống tư bản nhà nước và các tập đoàn quốc doanh và mở ra cơ hội tầm tô.

Vũ Hoàng: Thưa ông, ngày xưa khi hai xứ này còn theo đường lối tập trung quản lý bằng kế hoạch của nhà nước thì hiện tượng tầm tô có xảy ra không?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thưa rằng cái thói cậy thể để kiếm tiền thì nơi nào cũng có cả. Nhưng trong các nước cộng sản u mê thì tài sản chẳng có là bao và còn bị hủy hoại nên khi cả nước còn ở vào hoàn cảnh mà các cụ ta gọi là "ăn mắm mút giòi" thì chỉ có một thiểu số ra vào cửa hàng mậu dịch kiểu Tôn Đản của lãnh đạo còn có thể chấm mút chút đỉnh chứ chưa có thể phát triển ra lề lối kinh doanh phổ biến. Đặc lợi của lãnh tụ hay tay chân thật ra chẳng thầm vào đâu nếu so với mức sống của giới trung lưu tại các nước tự do, nhờ vậy mà họ càng dễ tuyên truyền về nếp sống an bần lạc đạo, về đạo đức cách mạng linh tinh. Riêng tại Việt Nam, sự thể nó còn éo le hơn.

Một xứ độc tài như Việt Nam hay Trung Quốc mà theo kinh tế thị trưởng hay kinh tế tư bản giả hiệu thì đấy là chủ nghĩa tư bản thân tộc ăn bám vào hệ thống tư bản nhà nước và các tập đoàn quốc doanh và mở ra cơ hội tầm tô. Nguyễn-Xuân Nghĩa


Vũ Hoàng: Nó éo le ở chỗ nào thưa ông?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tầng lớp lãnh đạo thời trước kêu gọi cả nước cùng hy sinh vì lý tưởng ái quốc là tinh thần độc lập. Nhờ vậy họ lừa được quần chúng u mê và họ còn coi sự lầm than khắc khổ là một đức tính, so với sự thịnh vượng của miền Nam mà họ gọi là "phồn vinh giả tạo".

- Sau khi chiến thắng và có toàn quyền áp dụng lý luận cộng sản về xây dựng xã hội chủ nghĩa thì họ làm quốc gia phá sản và kinh tế khủng hoảng nên mới phải đổi mới, tức là du nhập lý luận tư bản và áp dụng kinh tế thị trường. Nhưng gian ý của chế độ là chỉ chấp nhận tự do kinh tế có chọn lọc mà vẫn giữ độc quyền chính trị nên nay mới rơi vào cái bẫy tầm tô một cách phổ biến. Chuyện éo le là họ không thể vận dụng tinh thần độc lập và ái quốc như xưa. Vì nói đến ái quốc hay độc lập là cả nước nghĩ đến mối nguy Trung Quốc tức là điều đang bị tuyệt đối cấm kỵ.

- Lãnh đạo Hà Nội thời nay từ bỏ tinh thần đạo đức cách mạng của thế hệ trước mà vẫn nắm chặt ách độc tài đi cùng quyền quản lý đất đai, kiểm soát thông tin, với hệ thống đàn áp toả rộng. Họ tạo ra môi trường bất thường là nơi mà các phần tử gọi là khôn ngoan của xã hội đều tránh nói đến chính trị mà làm giàu nhờ tác động vào một hệ thống chính trị không ai có quyền phán xét. Đó là những kẻ tầm tô, hợp tác với chế độ để kiếm ăn và là thành phần hữu cơ của bộ máy quyền lực từ Thủ tướng trở xuống. Và họ đang làm chính sách kinh tế quốc dân cho quyền lợi riêng.

 

Việt Nam học được gì? 


000_Hkg8635618-250.jpg
Một tàu vận tải Việt Nam tại cảng Hải Phòng hôm 27/5/2013. AFP photo


Vũ Hoàng: Thưa ông, hình như trường hợp của Trung Quốc cũng như vậy, có phải không?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Trung Quốc là nơi xuất phát khá nhiều gương xấu cho Việt Nam!

- Lãnh đạo của họ cũng khoác áo đạo đức mà con cháu đều nắm giữ vị trí then chốt về kinh tế và kinh doanh và dùng vị trí ấy lũng đoạn thượng tầng. Hậu quả là tình trạng mà kinh tế học gọi là "ỷ thế làm liều", nôm na là bất kể đến rủi ro vì tin là có thể làm lệch phép nước cho tư lợi.

- Nhờ cái thế chính trị quá lớn như vậy, những kẻ tầm tô tại Việt Nam và Trung Quốc đều làm giàu rất nhanh, được dư luận quốc tế ngơi ca là đại gia, là tỷ phú. Nhưng thảm kịch ở đây khiến mọi người cùng chết là quảng đại quần chúng ở dưới khó kinh doanh hay cạnh tranh trong cảnh bất cân xứng như vậy. Cho nên, muốn thoát nghèo khốn thì phải chạy theo ảo vọng một vốn bốn lời và cũng lại cầm cố tài sản đi vay tiền đánh bạc bên các đại gia. Họ đi vay và trả lãi rất cao vì tin rằng kiếm lời còn cao hơn nữa nên đang bị rủi ro rất nặng khi cả kiến trúc bất thường này sụp đô. Vì vậy, các trung tâm thông tin và thẩm định của quốc tế mới nói đến nguy cơ khủng hoảng tài chính tại Trung Quốc.

Vũ Hoàng: Một cách ngắn gọn vì thời lượng có hạn của chương trình, xin đề nghị ông trình bày cho thính giả của chúng ta biết rằng quốc tế nói ra những gì về những nguy cơ đó.  

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tập đoàn Fitch chuyên về thẩm định rủi ro tài chính vừa báo động là từ năm năm qua, khối tín dụng tại Trung Quốc đã tăng từ chín ngàn lên 23 ngàn tỷ đô la, là mức cực lớn nếu so với con số lạc quan nhất về sản lượng kinh tế của xứ này là khoảng tám ngàn tỷ.

Nhờ cái thế chính trị quá lớn, những kẻ tầm tô tại Việt Nam và Trung Quốc đều làm giàu rất nhanh, được dư luận quốc tế ngơi ca là đại gia, là tỷ phú. Nguyễn-Xuân Nghĩa

- Nói đến tín dụng là nói đến vay tiền mà có vay thì phải có trả. Mối nguy là do hệ thống tài chính và ngân hàng mờ ảo của họ, nhiều khoản tài trợ lại nằm ngoài lĩnh vực ngân hàng gọi là "shadow banking", thiếu sổ sách rõ ràng và trút vào hình thái kinh doanh đầy rủi ro của nào là tư nhân, nào là công ty đầu tư của các địa phương hay các quỹ quản lý tài sản, nôm na là quỹ đầu cơ. Vì ỷ thế làm liều, người ta đã vay tiền đầu cơ và chất lên một núi nợ cao gấp đôi sản lượng kinh tế quốc dân. Khi núi nợ sụp đổ mà chắc chắn là phải sụp, chúng ta sẽ thấy sự phá sản dây chuyền còn kinh hoàng hơn những gì đã xảy ra tại Hoa Kỳ năm năm về trước. Một chỉ dấu tiên báo là hôm Thứ Sáu 14 vừa qua, Bộ Tài chính Trung Quốc thất bại khi bán công khố phiếu dưới chỉ tiêu về số lượng và với phân lời cao hơn. Nghĩa là các thị trường tài chính đã bắt đầy hoài nghi về Trung Quốc.

- Tại Việt Nam thì đã đành là tình hình kinh tế cũng chẳng sáng sủa hơn mà tranh chấp chính trị giữa các thế lực "tầm tô" đang làm chính quyền bị tê liệt. Ngày xưa, người ta cứ nói đến tinh thần "tầm sư học đạo", ngày nay, chính quyền mới nêu gương về cái đạo ăn cắp bằng lối tầm tô và nay mới bó tay chờ cơn khủng hoảng.

Vũ Hoàng: Xin cảm tạ ông Nghĩa về cuộc trao đổi này.


Chia sẻ
In trang này

1 nhận xét:

  1. bài này của bác hay ; Cũng vận đúng vào những doanh nghiệp tư nhân như bọn cháu ; kinh doanh trong một môi trường mà đồng tiền luôn được in ra để mất giá, trong khi mình thì không thể vay được do còn trẻ chưa có nhiều đất, lại không có quan hệ để vay tiền đầu tư . Đành phải tích từng đồng, nhìn thời cơ qua đi mà thở dài : https://www.o.facebook.com/photo.php?fbid=606446962712999&set=pcb.606448842712811&type=1&theater

    Trả lờiXóa