Thứ Ba, tháng 7 09, 2013

Ai Cập: Còn Đó Nỗi Buồn... Kinh Tế



Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người Việt 130708
"Kinh Tế Cũng Là Chính Trị"

Hồ sơ kinh tế trên chặng đường dân chủ


 * Một tấm ảnh, ba vấn đề: năng lượng, vận tải và giáo dục tuổi thơ *



Mùa Xuân Á Rập thổi lên một làn gió dân chủ tại Ai Cập, nhưng bão tố kinh tế mới là thực tại.

Sau 18 ngày biểu tình liên tục ở khắp nơi vào đầu năm 2011, chế độ Hosni Mubarak bị lật đổ là nhờ quân đội. Ai Cập bước vào tiến trình dân chủ hóa cũng dưới sự canh chừng của quân đội.

Trong thời chuyển tiếp, đảng phái nào lên cầm quyền cũng phải dung hòa được nhiều yêu cầu trái ngược. Một đằng là tổ chức có thế lực ổn định – và sự tín nhiệm của người dân – là quân đội. Đằng kia là đòi hỏi cục bộ mà chính đáng của các phe nhóm có ảnh hưởng với quần chúng. Vì vậy, sau nhiều thập niên dưới cách độc tài, dân chủ hóa tại Ai Cập là một tiến trình gian nan.

Nó phải khởi đầu với việc xây dựng các định chế độc lập chưa từng có hoặc còn yếu, như hệ thống tư pháp, bộ máy hành chánh công quyền, truyền thông và báo chí, quy ước sinh hoạt của xã hội dân sự, v.v... Việc dân chủ hóa cũng chẳng thể tiến hành trong hư vô mà phải xuất phát từ thực tế kinh tế vốn dĩ nhiều khó khăn và cũng là một động lực sơ khởi của bất mãn và nổi dậy.

Chính quyền của lực lượng Huynh đệ Hồi giáo (Muslim Brotherhood - MB) và Tổng thống Mohammed Morsi không thỏa mãn được những yêu cầu căn bản này.

Dựa trên kết quả bầu cử ban đầu, một điều kiện cần thiết mà chưa đủ của dân chủ, họ phá vỡ các định chế độc lập vì tham vọng thâu tóm quyền lực và xây dựng một chế độ cai trị bằng giáo luật của đạo Hồi. Và họ quay lưng với bài toán thế tục của kinh tế. Vì vậy, nạn đình công, biểu tình, và cả tình trạng bạo hành với đối lập về chính trị và tôn giáo đã trở thành chuyện hàng ngày. Đổi thay dồn dập trong chính sách kinh tế còn gây thêm bất ổn cho môi trường kinh doanh và đưa xứ sở vào khủng hoảng.

Đấy là di sản kinh tế cho chế độ mới.


***

Trước hết, với dân số hơn 80 triệu, Ai Cập là nước lớn trong khối Á Rập Hồi giáo, nhưng hết tiền.

Dự trữ ngoại tệ hao hụt và sự sút giảm của đầu tư ngoại quốc khiến ngân hàng trung ương không thể xoay trở với hai yêu cầu cấp thiết của quần chúng là năng lượng và lương thực.
Về năng lượng, Ai Cập phải nhập cảng dầu và chưa thể xuất cảng khí đốt như dự trù từ hai năm trước, với kết quả là nạn khan hiếm và lên giá. Để xoa dịu sự bất mãn, hoặc lấy lòng quần chúng, chính quyền áp dụng biện pháp trợ cấp giá cả thì lại gây bội chi ngân sách. Gánh nặng trợ giá năng lượng chiếm hơn 70% kim ngạch trợ cấp và 20% ngân sách quốc gia nên khó kéo dài. Mà giá quá rẻ so với thực giá của thị trường khiến tiêu thụ vẫn tăng. Nhưng nếu chấm dứt trợ cấp giá cả thì chính quyền lập tức gây ra lạm phát trong mọi khu vực khác. Vì cảnh lượng nan đó, những đổi thay liên tục về mức trợ giá cho thấy sự lúng túng của chính quyền cách mạng!

Bài toán lương thực còn ngặt nghèo hơn vậy.

Với dân số tương tự, Ai Cập có lãnh thổ rộng gấp ba Việt Nam, nhưng hai phần ba là sa mạc khô cằn nằm ngoài lưu vực sông Nile. Vì khả năng canh tác giới hạn nên xứ này phải nhập cảng phân nửa số bột mì cần thiết cho thị trường nội địa. Từ chiến lược phát triển bông gòn cho nhu cầu xuất cảng, chính quyền Mubarak đã đổi qua chiến lược canh tác lúa mì, nhưng Ai Cập vẫn trồng lúa không kịp. Đã vậy, dân số gia tăng quá nhanh dẫn tới sự hình thành của một lớp người trẻ khát khao đổi mới nhưng khó kiếm ra việc làm, trong khi gia đình vẫn chạy ăn từng bữa.

Động loạn triền miên khiến tỷ lệ thất nghiệp của giới trẻ dưới 24 tuổi đã tăng từ 25% vào thời Mubarak lên 40% vào thời Morsi. Và biện pháp trợ giá bánh mì để xoa dịu bất mãn càng làm công quỹ hao hụt.

Vì vậy, tiến trình dân chủ hóa tại Ai Cập đụng vào thực tế của áo cơm và đẩy mọi chính quyền tất nhiên là non yếu vào ba chọn lựa. Một là kêu gọi khắc khổ: dân chúng thắt lưng buộc bụng và lãnh giá cao hơn cho các dịch vụ công cộng và nhu yếu phẩm. Hai là "tái phân phối tài nguyên quốc gia", là mỹ từ cho việc trưng thu tài sản đầu tư của thị trường, kể cả hệ thống quân doanh là doanh nghiệp do quân đội quản lý. Và ba là tìm ngoại viện từ các quốc gia thân hữu hay từ giới đầu tư của thị trường quốc tế.

Vì kinh tế cũng là chính trị, ta sẽ xét đến sự lợi hại của các chọn lựa này.


***

Các chuyên gia quốc tế có thể rạch ròi nói đến chuyện chi thu của Ai Cập như sau:

Thu vào 27 tỷ đô la nhờ xuất cảng, 18 tỷ nhờ tiếp vận của gần ba triệu thân nhân ở hải ngoại, 21 tỷ nhờ dịch vụ, trong đó có chín tỷ nhờ du lịch và năm tỷ là lệ phí từ kênh đào Suez. Vị chi là 66 tỷ Mỹ kim cho một Tổng sản lượng khoảng 265 tỷ (gấp đôi Việt Nam). Về phần chi thì hóa đơn nhập cảng lên tới 60 tỷ và tình trạng bất ổn kéo dài khiến du lịch sa sút, đầu tư rút chạy và cán cân chi phó (trương mục vãng lai) bị khiếm hụt năm tỷ rưỡi từ 2011 đến nay.

Dự trữ ngoại tệ do Ngân hàng Trung ương quản lý đã từ 36 tỷ hai vào cuối năm 2010 sụt đến 13 tỷ sáu vào đầu năm nay. Với tình trạng hiện hành, dự trữ chỉ đủ cho ba tháng nhập cảng. Nếu đầu tư tháo chạy hơn một tỷ mỗi tháng như đã thấy từ đầu năm, thì trước cuối năm Ai Cập sẽ cạn vốn. Một nền dân chủ non yếu bị vỡ nợ về kinh tế!

Chính quyền Ai Cập đã xin Quỹ Tiền tệ Quốc tế một chương trình cấp cứu trị giá bốn tỷ tám, nhưng thương thuyết chưa xong và sẽ thêm khó nếu không chấn chỉnh được chi thu ngân sách, kể cả rà soát lại chế độ trợ giá quá tốn kém hiện nay.

Từ thực tế khách quan và khắc nghiệt ấy, người ta có thể thấy ra nỗi khó của chọn lựa khắc khổ, là giảm dần trợ cấp. Đấy là giải pháp kinh tế có hậu quả tự sát về chính trị vì kích động biểu tình. Giải pháp tái phân lợi tức - kêu gọi sự hy sinh của thiểu số ưu đãi ở trên - có thể hấp dẫn hơn về chính trị, nhưng khó thi hành trong hoàn cảnh hiện tại: làm sao tư nhân hóa các cơ sở quốc doanh và quân doanh hay quốc hữu hóa các trương mục ký thác bằng ngoại tệ khi chưa có luật lệ và lại cần chiêu dụ đầu tư của dân Ai Cập ở hải ngoại lẫn của quốc tế?

Còn lại giải pháp thứ ba là ngoại viện.

Nhờ vị trí địa dư chiến lược tại Trung Đông, với ảnh hưởng lan rộng vào hồ sơ Palestine, hoặc tranh chấp giữa Iraq và Iran, hay chuyện khủng bố Hồi giáo, từ hai chục năm qua Ai Cập có thể trông cậy vào ngoại viện của Hoa Kỳ, Âu Châu hay các vương quốc Hồi giáo có dầu hỏa. Ưu thế này không còn khi Hoa Kỳ quyết định triệt thoái khỏi lò lửa Hồi giáo, các nước Âu Châu đều lâm nạn, Libya đã đổi chủ, Syria lẫn Turkey đều hỗn loạn. Ngày nay lực lượng MB còn gây mầm nội chiến bên trong với hậu quả dội ngược vào hai hệ phái Sunni và Shia ở các nước lân bang.

Không ai muốn Ai Cập tan rã, nhưng chẳng cường quốc nào thích kê vai cấp cứu một xứ vừa mang tiếng là "quân đội đảo chánh một chính quyền dân cử". Hãy xem chính trường Mỹ tranh luận về viện trợ cho Ai Cập thì mình rõ!

Một bài học khác về mùa xuân dân chủ.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét