Thứ Năm, tháng 7 11, 2013

Kích Thích Kinh Tế hay Khôi Phục Niềm Tin?

Vũ Hoàng & Nguyễn Xuân Nghĩa Ngày 130710
Diễn đàn Kinh tế RFA

Chưa định cỗ xe kinh tế cho đúng hướng lại đòi tống ga thì sẽ lao xuống vực  

songhan-dn-305.jpg
* Bên bờ sông Hàn, Đà Nẵng. RFA photo* 


Đúng một tháng sau những biến động về tín dụng ngân hàng tại Trung Quốc, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia tại Việt Nam lại đề nghị Chính phủ nới lỏng đầu tư của khu vực công để kích thích kinh tế khi lạm phát đã có dấu hiệu thuyên giảm. Diễn đàn Kinh tế tìm hiểu về lẽ đúng sai của đề nghị kích thích này qua phần trao đổi với chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa do Vũ Hoàng thực hiện.

Tương quan kinh tế-chính trị  


Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nghĩa. Thưa ông, sau nhiều chương trình liên tiếp về kích thích kinh tế bằng đầu tư và tín dụng, qua những liên hệ với trường hợp Trung Quốc và Việt Nam, ông nói đến biện pháp kích thích nhất thời khi kinh tế rơi vào suy trầm, nhưng đồng thời cảnh báo về loại hậu quả bất lường của việc kích thích mà ông gọi là "liều thuốc đổ bệnh". 

Tuần qua, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia tại Việt Nam lại vừa kiến nghị lên Chính phủ việc nới lỏng đầu tư của khu vực công nhằm thúc đẩy tăng trưởng. Nói cách khác, Việt Nam trù tính biện pháp kích thích mới, khi lạm phát có vẻ sút giảm. Đề nghị ấy lập tức gây tranh luận về lẽ đúng hay sai, nên hay không nên, giữa các chuyên gia kinh tế, và đài Á Châu Tự Do đã tham khảo ý kiến của nhiều vị ở trong nước về việc này. Bây giờ, xin yêu cầu ông trình bày cho khuôn khổ suy luận khi người ta gặp bài toán tương tự.

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi xin đi thẳng vào vấn đề khi chính quyền một quốc gia cần ban hành loại biện pháp gọi là phản chu kỳ, "anticyclic", để chặn đà suy giảm và kích thích kinh tế. Nói chung, ta có biện pháp ngân sách như tăng chi cho đầu tư hay giảm thuế cho hoạt động sản xuất, có biện pháp tiền tệ là hạ lãi suất hoặc bơm tín dụng, song song còn loại biện pháp hành chính để khai thông môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp. Biện pháp nào cũng có nét lợi hại riêng, có mức công hiệu nhanh chậm và nhất là hậu quả lâu dài sau khi kinh tế đã ra khỏi đình đọng. Thí dụ như việc tăng chi và giảm thuế để nâng mức đầu tư có thể gây bội chi ngân sách, và bội chi cũng như bơm tiền lại có thể dẫn tới lạm phát.

- Khi cân nhắc giá trị của từng giải pháp hay quyết định kinh tế, người ta cần nhìn trên toàn cảnh và cho lâu dài, cụ thể thì tự hỏi là bơm vào đâu, để kích thích cái gì và sẽ gặp những hậu quả gì, phí tổn nào? Lý do là thật ra, nhà nước không tạo ra của cải. Việc lấy tiền ở đây để bơm vào đó, hoặc vay bây giờ để sẽ trả sau này là những quyết định sẽ có hậu quả đến người dân. Đó là cái lẽ thông thường, bây giờ ta mới nói đến trường hợp khác biệt của Trung Quốc và Việt Nam.

Hệ thống chính trị tập quyền khiến người ta khó thảo luận và biểu quyết công khai về biện pháp thuế khóa hay ngân sách khi những quyết định quan trọng nhất lại xuất phát từ một cơ chế bí mật là lãnh đạo của đảng cầm quyền. Nguyễn-Xuân Nghĩa

Vũ Hoàng: Thưa ông, phải chăng trường hợp Trung Quốc và Việt Nam có thể khác do chiến lược phát triển và vì cơ chế kinh tế và hệ thống chính trị hay không?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thưa đúng như vậy. Hệ thống chính trị tập quyền khiến người ta khó thảo luận và biểu quyết công khai về biện pháp thuế khóa hay ngân sách khi những quyết định quan trọng nhất lại xuất phát từ một cơ chế bí mật là lãnh đạo của đảng cầm quyền. Khác biệt thứ hai là hệ thống ngân hàng trung ương và các ngân hàng thương mại hay doanh nghiệp lớn nhất lại nằm trong tay nhà nước, chứ không độc lập tính toán theo quy luật thị trường, mà nhà nước cũng là một bộ phận của đảng. Thứ ba là khu vực kinh tế nhà nước và hệ thống quốc doanh lại giữ vị trí chủ đạo trong sách lược phát triển nên được ưu tiên nâng đỡ, trong khi thực tế thì các doanh nghiệp của tư nhân mới tạo ra việc làm và thúc đẩy sinh hoạt kinh tế.

Vũ Hoàng: Thưa ông, hậu quả của những khác biệt đó là gì khi nhà nước ban hành loại quyết định kích thích?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Chúng ta thấy là biện pháp tăng chi cho đầu tư và bơm tín dụng cho sản xuất lại ưu tiên trút vào doanh nghiệp nhà nước, gây lãng phí qua các dự án xây dựng hạ tầng có ít giá trị kinh tế, thổi lên bong bóng đầu cơ về địa ốc và cổ phiếu khi tiền được bơm ra quá rẻ quá nhiều. Hậu quả chung là bơm nước vào chỗ trũng, gây ra nạn úng thủy hay lạm phát, và chất lên một núi nợ quá cao. Trong khi ấy, tiểu doanh nghiệp của tư nhân lại vay tiền không được và chết đuối trên cạn. Sau khi trình bày khung cảnh chung của quyết định kích cầu vào đâu, ta mới bàn vào đề nghị kích thích của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia tại Việt Nam. 

Trường hợp Việt Nam và Trung Quốc    


035_pau688187_01-250.jpg
Một phụ nữ Trung Quốc theo dõi tỷ giá chứng khóan. AFP photo   


Vũ Hoàng: Theo như chúng tôi hiểu thì ủy ban này đã luận rằng thị trường tài chính và tiền tệ của Việt Nam đã có chuyển biến tích cực và lạm phát có khả năng giảm thấp hơn mục tiêu 6,5% nên chính phủ cần tập trung chính sách vào ưu tiên là tăng trưởng kinh tế thì mới đạt mục tiêu tăng trưởng năm nay là 5,5%. Ông nghĩ sao về kiến nghị này?  

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi hơi buồn cười là chuyện mình xảy ra khi lãnh đạo Bắc Kinh giật mình vì đà lạm phát của họ trong Tháng Sáu đã tăng từ 2,1% lên 2,7% nên gây thêm khó khăn cho ý hướng nới lỏng tín dụng đang được bàn cãi tại Trung Quốc.

- Với mức lạm phát ấy – so với 6,7% của Việt Nam trong Tháng Sáu – khi các ngân hàng đang bị nghẽn mạch tín dụng mà lãnh đạo kinh tế tại Trung Quốc còn đắn đo cân nhắc! Trong khi đó, Việt Nam lại hồn nhiên đánh giá là khỏi sợ lạm phát và phải kích cầu nữa....

- Chi tiết này khiến ta nhìn lại nguy cơ lạm phát thật ra vẫn rất cao của Việt Nam vì từ đầu năm nay, chưa khi nào lạm phát lại sụt dưới 6,4%. Với biện pháp phá giá đồng bạc vừa ban hành, thị trường đầu tư dự đoán là Hà Nội còn phá giá nữa với hậu quả bất lợi cho lạm phát. Vì vậy mà trái phiếu Việt Nam mất giá, phân lời gia tăng và giới đầu tư nước ngoài dập dừng rút vốn.

- Điều ấy có nghĩa là thị trường không tin là lạm phát sẽ giảm, cho nên việc bơm tiền kích thích chưa hẳn là có lợi vì chỉ kích thích lạm phát như chuyện đã xảy ra sau hai lần kích cầu vào năm 2008 và 2010. Nôm na là Việt Nam chưa giải quyết xong những tai hại của liều thuốc đổ bệnh năm xưa thì lại đòi bơm thêm thuốc bổ. Mà chuyện không chỉ có vậy khi ta nhớ đến kinh nghiệm Trung Quốc.

Vũ Hoàng: Ông nói đến kinh nghiệm Trung Quốc, nó giúp ích gì cho quyết định của Việt Nam?

Nôm na là Việt Nam chưa giải quyết xong những tai hại của liều thuốc đổ bệnh năm xưa thì lại đòi bơm thêm thuốc bổ. Nguyễn-Xuân Nghĩa

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi xin được nhắc lại một chi tiết mà diễn đàn của chúng ta đã đề cập là khoản nợ quá lớn của Việt Nam và Trung Quốc. Lãnh đạo Bắc Kinh có ý thức được mối nguy chất ngất của núi nợ tín dụng do chính sách bơm tiền kích thích từ những năm 2008 trở lại đây. Trong núi nợ đã gấp đôi Tổng sản lượng GDP có những khoản nợ xấu và sẽ mất.

- Vì vậy, từ cuối Tháng Năm qua suốt Tháng Sáu, khi các ngân hàng của họ bị ách tắc tín dụng và xin nhà nước bơm tiền thì họ ngần ngại, do dự và từ chối. Họ thấy ra sai lầm tai hại của việc ngân hàng của nhà nước bơm tiền vào doanh nghiệp của nhà nước, hoặc các công ty đầu tư của địa phương, tức là cũng của nhà nước, để thực hiện nhiều dư án ít giá trị và còn thổi lên bong bóng đầu cơ và để lại những khoản nợ ung thối mà nhà nước sẽ phải thanh toán sau này.

- Kinh nghiệm của Trung Quốc, mà Hà Nội coi như mẫu mực, khiến ta phải nhìn vào núi nợ xấu tại Việt Nam. Nó xấu đến chừng nào thì các cơ quan chức năng chưa biết được, với con số trồi sụt bất ngờ và khó tin. Mà việc quản lý hoặc thanh toán khối nợ xấu này thật ra tiến hành quá chậm, với quá ít vốn.

 

Vấn đề nợ xấu  


Bat-dong-san_250.jpg
Bất động sản xây dựng dở dang ở Hà Nội. RFA photo   


Vũ Hoàng: Ông nói đến vụ quản lý khối nợ xấu là có ý nhắc đến sự ra đời của Công ty Quản lý Tài sản của các tổ chức tín dụng tại Việt Nam, thường được gọi dưới tên tắt là VAMC. Sau mấy năm bàn tính và chuẩn bị, công ty này chính thức hoạt động từ Thứ Ba mùng chín Tháng Bảy. Liệu cơ chế này có khắc phục được vấn đề ấy không?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi e là chính các quan chức hữu trách về quản lý công ty cũng chưa có được câu trả lời, ngoài cách phát biểu chung chung cho phải đạo mà chẳng trấn an được ai.

- Lý do thứ nhất là họ chưa tổ chức xong bộ máy cấp cứu và những quy định về cách đánh giá mức nợ chỉ được ban hành trong 12 tháng nữa. Lý do thứ hai còn quan trọng hơn vậy là chuyện "câu giờ" để ngân hàng có thể xóa giảm nợ xấu, làm sao xoá thì chưa biết. Lý do thứ ba là công ty này có lon nước quá ít để dập tắt một đám cháy quá lớn, tổng cộng khoảng 24 triệu đô la trước một núi nợ ngân hàng được ước lượng khoảng năm tỷ, chưa tới 0,50%. Lý do thứ tư là phạm vi giải cứu của công ty chỉ là một trong ba mạch nước, là các khoản nợ trên một tỷ đồng của khách nợ cá thể và hơn ba tỷ của khách nợ tập thể là các doanh nghiệp. Hai mạch kia là do ngân hàng thương mại tự giải quyết lấy và nặng nề nhất là việc Bộ Tài chính phải xử lý khoản nợ của doanh nghiệp nhà nước và của dự án xây dựng cũng do nhà nước thực hiện. Bây giờ Ủy ban Giám sát Tài chính lại nói đến việc các dự án đầu tư công để kích thích thì chẳng hiểu là họ sống ở đâu.

- Xin nói thêm rằng khi tin tức về công ty "Quản tài" VAMC được loan ra thì tập đoàn lượng giá quốc tế Fitch Ratings có nhận định bi quan đầy mai mỉa. Tháng trước, cũng chính Fitch Ratings đã phơi bày núi nợ Trung Quốc với nhiều dự đoán cực kỳ bi quan cho nhiều năm tới.

Việt Nam chưa quản lý được hệ thống bơm tiền cho chặt chẽ và có định lượng để kịp thời điều tiết khối tiền trên thị trường. Nguyễn-Xuân Nghĩa


Vũ Hoàng: Thưa ông, kết hợp ngần ấy chuyện thì hình như người ta mờ mờ thấy ra mối quan hệ giữa núi nợ xấu của các ngân hàng và trách nhiệm của hệ thống doanh nghiệp nhà nước. Vì chiến lược phát triển và tổ chức quản lý của Việt Nam và Trung Quốc, ngân hàng phải ưu tiên tài trợ doanh nghiệp nhà nước thực hiện các dự án ít giá trị kinh tế và nhiều rủi ro tài chính khiến ngân hàng ôm vào một khối nợ xấu và kẹt vốn. Trong khi ấy, các cơ sở tư doanh lại khó vay được tiền và rơi vào hoàn cảnh mà người dân trong nước gọi là "chết lâm sàng". Bây giờ, có người cho là tình hình tài chính và tiền tệ đã cải thiện để đề nghị nới lỏng đầu tư công nữa thì có phải là lại tái diễn hiện tượng "liều thuốc đổ bệnh" hay chăng?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi thiển nghĩ rằng những ai đề nghị chuyện đó hãy vào phòng tắm nhìn ống thuốc đánh răng! Lý do đơn giản là khi đã bơm thuốc ra thì sẽ khó hút lại và gây ra nạn vung vãi tốn kém. Vung vãi là lạm phát, tốn kém là nợ xấu.

- Sự thật là trước khi bơm ra thì phải nghĩ đến việc hút vào để khỏi thổi bùng lạm phát. Việt Nam chưa quản lý được hệ thống bơm tiền cho chặt chẽ và có định lượng để kịp thời điều tiết khối tiền trên thị trường. Thứ nữa, hệ thống còn bị lệch lạc là bơm không đúng đối tượng có ích cho sản xuất mà lại trút vào doanh nghiệp nhà nước kém hiệu năng nên gây ra đầu cơ và mất nợ. Vì thế, ưu tiên không là kích thích mà là khôi phục niềm tin của người dân rằng nhà nước đã sửa lại hướng nhìn và tầm nhìn. Nói vắn tắt thì cỗ xe kinh tế chưa định cho đúng hướng mà lại đòi tống ga thì sẽ lao xuống vực.

Vũ Hoàng: Xin cảm tạ ông Nghĩa về cuộc trao đổi với rất nhiều hình ảnh bắt mắt và nhức tim như vậy.


____________

Ý kiến của Bạn
Chia sẻ
In trang này

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét