Thứ Ba, tháng 8 20, 2013

Hoa Kỳ - Trăm Tuổi Còn Xuân


Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người Việt 130819
"Kinh Tế Cũng Là Chính Trị"
 
Năm năm sau khủng hoảng, Hoa Kỳ vẫn là siêu cường kinh tế....

 * Xanh lè con mắt... * 


Chúng ta có nhiều cách nhìn về sự chuyển động kinh tế. Trong ngắn hạn thì có thời sự với tầm khuếch đại của kính hiển vi để hiểu tại sao. Kết quả có thể là bài bình luận. Trong dài hạn, như qua một viễn vọng kính để thấy tương quan nhân quả của từng biến động của một bối cảnh rộng lớn, thì có thể dự đoán được hậu quả về dài. Kết quả kiểm nghiệm có thể là pho sách - khó nhá hơn một bài bình luận.


Trong khung cảnh của một xã hội đầy thông tin dồn dập, người Mỹ dễ ngả theo lời bình luận, như múc vào tô mì ăn liền. Chứ đọc nguyên cuốn sách, nhiều cuốn sách, thì mất thời giờ. Lại khó giải thích trên truyền hình bằng vài câu dễ hiểu.... Vì vậy, chúng ta có thể bị ảnh hưởng bởi cách diễn giải, tường thuật, gọi là "narrative", mà cứ tưởng rằng đấy là sự thật.

Bây giờ, xin mở kính hiển vi nhìn vào những chuyển động của năm năm qua.


***

Kinh tế Hoa Kỳ tích lũy nợ nần từ ba chục năm, muốn hiểu vì sao thì ta cần viễn vọng kính. Nhưng hãy để một bên.

Thị trường địa ốc tăng giá vùn vụt trong năm năm, 2002-2006, khi trái bóng bắt đầu xì, hiệu ứng thịnh vượng nhờ giá nhà tăng vọt, bị suy giảm. Người ta bèn bơm tiền và hạ lãi suất để kích thích kinh tế và gây hậu quả là khủng hoảng tài chánh từ đầu năm 2008. Vì tin vào cách tường thuật ngắn hạn khi thấy màn ảnh đỏ lòe, dư luận hốt hoảng và chính trường tranh luận về việc cấp cứu các tổ hợp lâm nạn. Khi các đại gia như Lehman Brothers, Fannie Mae, Freddie Mac và AIG đều sụp, mọi người đều có thể tin là tư bản chủ nghĩa Hoa Kỳ tới kỳ lụn bại, nguy kịch nhất kể từ Tổng khủng hoảng 1929-1933.

Đấy là thời của các chính khách khoác áo cứu tinh, Barack Obama là một điển hình mà không duy nhất, để kéo Hoa Kỳ ra khỏi bờ vực, cũng lại bằng tăng chi....

Xin nhớ lại các cuộc đấu võ về ngân sách năm 2010, về "bờ vực thuế khóa" fiscal cliff năm 2011 hay biện pháp giảm chi gọi là sequestration sẽ tự động áp dụng khiến kinh tế bị suy trầm.... Thế rồi như có phép lạ, mọi chuyện đều tan biến. Thị trường cổ phiếu lấy lại đỉnh cao, giá nhà hết sụt mà tăng, thất nghiệp giảm dần. Trong khối kinh tế hậu công nghiệp, Hoa Kỳ vẫn mạnh nhất với sáng kiến mới lạ cho một hình thái kinh tế khác!

Trong khi đó, nếu liếc ra ngoài, kinh tế thế giới lại chẳng được như vậy. Trung Quốc đã vượt Nhật Bản mà chưa thể chôn sống chủ nghĩa tư bản Mỹ và lại đến hồi co cụm, y như các nước đang lên trong nhóm B.R.I.C. (Brazil, Nga, Ấn, Tầu)....

Chúng ta hãy quên kính hiển vi ở đó mà dùng khí cụ khác để nhìn xa hơn và rộng hơn.... Đấy là lúc nhìn lại Hoa Kỳ trăm năm, trong bối cảnh quốc tế.


***


Trăm năm trước, Hoa Kỳ vừa kết thúc 150 năm cường thịnh của Đế quốc Anh để thành cường quốc kinh tế số một, trước khi thế giới trôi vào Thế chiến I năm 1914. Sau đó chưa đầy một thế hệ, nước Mỹ bị chấn động vì vụ Tổng khủng hoảng 1929-1933 với hậu quả gián tiếp là Thế chiến II và trực tiếp là sự hoài nghi về tương lai của chủ nghĩa tư bản đi cùng niềm tin về chánh sách kinh tế bao cấp.... Hình như là Karl Marx có lý!

Nhưng sau Thế chiến II, Hoa Kỳ vẫn nguyên vẹn, còn giàu mạnh hơn trước.

Đệ nhất siêu cường kinh tế và quân sự đã hỗ trợ các nước cùng áp dụng quy luật thị trường để tái thiết Âu Châu và phát triển Châu Á. Gần nửa thế kỷ Chiến tranh lạnh - nghẹt thở với võ khí tuyệt đối là bom nguyên tử - và tin tức hay diễn giải dồn dập về chiến tranh và xung đột khiến người ta có thể quên rằng Hoa Kỳ đã nâng cao lằn ranh của sự thịnh vượng.

Và đứng trên tuyến đầu của lằn ranh đó.

Khi ấy, từ sau 1945, nhiều quốc gia bị tàn phá hay còn chậm tiến lần lượt vận dụng tự do kinh tế và kinh nghiệm Âu-Mỹ để chinh phục sự thịnh vượng. Họ khỏi tốn tiền phát minh ra lề lối tổ chức sản xuất và kinh doanh đã có sẵn: các hãng xưởng sản xuất dây chuyền, loại công ty nặc danh hay trách nhiệm hữu hạn, trong cơ chế bảo vệ quyền tư hữu và mậu dịch tự do, v.v... là những gì được Hoa Kỳ bày ra và cải tiến sau mỗi đợt "khủng hoảng".

Nhờ vậy mà khi nước Mỹ chỉ đạt tốc độ tăng trưởng trung bình là 3% một năm, các nước đi sau đã có bước nhảy vọt vĩ đại gấp ba.

Nhật Bản rồi Nam Hàn, Đài Loan, các nước Đông Nam Á, tới Trung Quốc và Ấn Độ hay các nước Nam Mỹ đều có đà tăng trưởng 8-9%, từ các thập niên 1950, 1960, 1970, 1980, 1990, v.v.... Không mất tiền tìm ra bánh xe, các nước đi sau có thể tống ga vượt Mỹ mà khỏi chớp đèn.

Nếu có lấy lại kính hiển vi thì người ta thấy ra một sự thật bán phần, một phần sự thật.

Thí dụ như 30 năm trước, Samsung của Đại Hàn đã mua về lò vi ba (microwave) của GE để banh ra học hỏi và chế tạo đến độ qua mặt và đánh bại phân cục microwave của sư phụ. Ngày nay Samsung còn làm Apple lúng túng với những smart phone mới!...

Sông Trường giang, sóng sau dồn sóng trước? Sự thật lại chẳng đơn giản như vậy.

Cầm lại viễn vọng kính để nhìn xa và rộng hơn, người ta thấy ra một sự thể khác. Kinh tế từng nước có thể đạt mức tăng trưởng 8-9% một năm trong vài chục năm liền, so với quá khứ của họ thì quả là có giàu hơn. Nhưng sự giàu có này cần được gia trọng bởi nhiều yếu tố khác. Thí dụ như dân số đông có thể nâng Tổng sản lượng GDP một cách tương đối. Nếu tính bằng sức mua của đồng bạc ở từng nước thì ta có con số khác. Nếu lại tính theo dân trí hay năng suất từng người, ta có lợi tức trung bình của một người dân. Là GDP theo cách tính bằng tỷ giá mãi lực PPP chia cho dân số.

Và nếu so sánh loại dữ kiện đó của Hoa Kỳ với các nước đi sau, chúng ta thấy ra sự thể là từ sáu chục năm qua, Hoa Kỳ vẫn dẫn đầu. Các nước Âu Châu rồi Nhật đã tăng vọt và lên tới mức tiếp cận với - mà không thể vượt - Hoa Kỳ. Trong nhóm "tân hưng" mới nổi về sau, chỉ có Nam Hàn là tiếp giáp nổi và gần bằng Nhật Bản, chứ chưa qua mặt nước Mỹ. Lẹt đẹt ở dưới là trường hợp của Trung Quốc, hay Ấn Độ.

Ghi lại cho dễ nhớ, sau sáu thập niên, một năm một người Mỹ sản xuất ra khoảng 45 ngàn đô la, của dân Âu Châu tiên tiến và Nhật Bản thì từ 30 đến 35 ngàn, dân Nam Hàn thì được gần 30. Dân Trung Quốc được cỡ một phần ba của dân Đại Hàn, lạc quan xính xái thì cho là kiếm được 10 ngàn đồng....

Tài năng có vậy mà thôi, và nay lại ôi thôi nước lã ra sông!


***


Nhưng kinh tế cũng là chính trị. Cái siêu hạng của Hoa Kỳ nằm ở nơi khác.

Ở khả năng đáng trống la làng. Dân Mỹ xanh xao thời Tổng khủng hoảng nên chạy theo F.D. Roosevelt, rồi mở lòng lân tuất với chế độ cưu mang xã hội thời L.B. Johnson, và vật vã với Jimmy Carter về tương lai u ám vì nạn lạm phát và hết dầu. Vài chục năm sau lại có Obama và hội chứng Obamê, với "đổi thay và hy vọng" khi cả thế giới nói đến sự suy tàn của nước Mỹ....

Nhưng trong khi các thầy bàn luận giải về sự thoái trào, cãi nhau chí choé và bỏ phiếu lung tung, nước Mỹ thâm sâu vẫn tìm ra giải pháp khác và cái trớn khác. Khi phép lạ cứ thường xuyên xảy ra như vậy, chẳng ai coi là điều kỳ diệu nữa! Vì vậy, nếu trong vài tháng tới, nếu có thấy bùng nổ cuộc tranh luận về lãi suất tăng vọt, xin cứ điềm điềm.

Cậu thanh niên trăm tuổi này vẫn còn xuân. Còn dân Tầu thì chưa giàu đã già.

Lời cuối cho vui: Tuần này họ còn theo dõi vụ xử án lãnh tụ Bạc Hy Lai, kẻ đề xướng "mẫu mực Trùng Khánh" để cứu nguy Trung Quốc. Họ Bạc sẽ gặp một nhân chứng tai ác là bà vợ. Từ trong tù, nàng Cốc Khai Lai có thể phản thùng và cho chồng vào tù để cứu lấy đứa con trai, là cậu ấm Bạc Qua Qua.

May quá, cậu ra đang hồn nhiên sống bên Mỹ.... Nếu thấy Tiểu Bạc lại giao du với các cậu ấm cô chiêu của Hà Nội trong nền tư bản tàn tạ của Hoa Kỳ thì ta đừng ngạc nhiên.

Nước Mỹ quái đản!

10 nhận xét:

  1. Trong nền kinh tế toàn cầu hóa, thì đồng $ là huyết mạch chảy trong toàn bộ nền kinh tế. Nên nước Mỹ sẽ còn phát triển lâu dài. Tất cả các tài sản trên TG đều có thể quy ra $ và do đó sẽ tìm cách quay về Mỹ. VD: TQ xuất k hẩu sang VN lấy $ về thì VN cũng phải xuất khẩu sang Mỹ để lấy $ về. Tức là mọi hàng hóa đều gián tiếp chảy về Mỹ để lấy $ về nước sản xuất. Mà $ thì có thể in ra được, phát hành dưới dạng bank note, giấy tờ.... Có thể nói, các nền kinh tế đều phát triển dựa trên nợ, tuy nhiên nợ của Mỹ là =$, nên họ có thể giải quyết = cách in ra $ để trả nợ - tức là các gói cứu trợ của Obama.
    Bác Nghĩa nói đến việc học mót của Samsung - Hàn quốc, nhưng kỳ thực, cái smart phone của Samsung có được người ta chào đón nồng nhiệt như Apple k? có dẫn đầu về công nghệ như Apple k? Apple k được Chính Phủ đứng sau hậu thuẫn về vốn nên họ k mở rộng đa ngành như Samsung. Nhưng các sản phẩm của Apple ra mắt đều có rất đông người hâm mộ tìm mua. Còn sản phẩm của Samsung thì phải quảng cáo rầm rộ khắp nơi... GE đâu chỉ làm cái lò vi sóng, họ còn làm cả động cơ turbine giá trị hàng triệu USD - dùng cho phát điện, cho hàng không. Họ làm ra nhiều sản phẩm đóng góp vào văn minh nhân loại. Còn Samsung thì làm ra những sản phẩm gia dụng có giá thành thấp, dựa trên chi phí nhân công thấp - được làm ở những nước bóc lột lao động như TQ, VN... Tài năng chi có vậy.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Dear hanoi! Mình có vài ý trao đổi và nhờ bác Nghĩa chỉnh giúp cho đúng.
      1. "...Có thể nói, các nền kinh tế đều phát triển dựa trên nợ...". Nói về tăng trưởng và phát triển kinh tế của một quốc gia, các nhà kinh tế học cho rằng, nó dựa trên bốn nguồn lực là:(1) tài nguyên thiên nhiên (2) khoa học kỹ thuật (3) tư bản (4) con người và theo quan điểm của mình thì phải thêm nguồn thứ 5 là địa lý kinh tế chính trị. Còn ý bạn nói là vấn đề đầu tư tài chính chứ không phải là các nước phải triển dựa vào nợ

      2. "...tuy nhiên nợ của Mỹ là =$, nên họ có thể giải quyết = cách in ra $ để trả nợ - tức là các gói cứu trợ của Obama...". Theo mình, điều hành kinh tế vĩ mô hiện đại nói chung và chính sách tiền tệ nói riêng, trừ trường hợp cuối cùng khi không còn công cụ nào khác, các chính phủ mới in tiền để bù đắp thâm hụt ngân sách. Vì như hanoi biết, in tiền sẽ gây lạm phát.



      Về xuất nhập khẩu như bạn nói

      Xóa
    2. Về xuất nhập khẩu như bạn nói, mình cũng đoán là Samsung mua sản phẩm của Apple về rôi banh ra nghiên cứu để sản xuất ra sản phẩm cạnh tranh với Apple. Công bằng mà nói, tuy họ sản xuất phẩm Smart phone là dựa vào và học từ phẩm của Apple, nhưng không thể phủ nhận họ không sáng tạo riêng của minh và phải đề cập đến khả năng tổ chức sản xuất và quản trị tốt nên giá thành sản phẩm Samsung cũng tương đối cạnh tranh.

      Còn về vấn đề bạn nói Samsung quảng cáo rầm rộ thì đó chỉ là một khâu quảng cáo tiếp thị bán hàng bình thường (sales and marketing).

      Xóa
    3. Như bạn biết GDP = G+I+S+(Ex-Im), G là chi tiêu của CP, hiện nay nợ công của Mỹ lên đến hơn 14 ngàn tỷ $ . Chi tiêu của Chính phủ sẽ góp phần tạo thêm công ăn việc làm, giúp GDP tăng trưởng thêm được khoảng vài % (theo 1 số nghiên cứu) 1 phần của G đến từ tiền vay dưới dạng: trái phiếu. I đầu tư & S là chi tiêu của tư & công 1 phần của I +S cũng đến từ tiền vay.Nợ tư: bao gồm hộ gia đình & DN, thì tổng nợ tư cũng nhiều hơn GDP. Nếu CP k vay nợ thì họ lấy đâu tiền để phục vụ cho bội chi ngân sách, hộ gia đình k vay nợ thì làm sao mua được nhà, oto, hàng tiêu dùng xa xỉ nếu chỉ trông vào lương. Các DN k vay nợ thì làm sao mở rộng được nhà máy nếu chỉ dựa vào lợi nhuận của họ. Các chi tiêu dựa trên vay nợ này giúp cho hàng hóa mới được lưu thông. Nhờ đó, được bút ghi vào GDP, nên GDP tăng trưởng. Hơn nữa, Mỹ lại có rất nhiều nước sẵn sàng cho vay nợ dựa trên các chỉ số tín nhiệm của họ & nguồn thu thuế của chính phủ. TQ là chủ nợ lớn nhất của Mỹ hiện nay. Nền kinh tế nào cũng đều có tổng mức nợ công vài chục % GDP, và họ đang tranh cãi là vay nợ quá nhiều sẽ làm giảm tăng trưởng trong tương lai do phải trả nợ. Đây là quy luật tất yếu. Như bạn nói là tăng trưởng dựa trên Tài nguyên, con người, địa chính trị, khoa học kỹ thuật, vốn - những yếu tố này rất khó định lượng trog nghiên cứu, học thuật. Vì 1 sản phẩm làm ra, sẽ cần phải sử dụng tài nguyên TN, phải có kỹ thuật để khai thác & sử dụng, phải có vốn, phải có người lao động, người tiêu thụ.... liệu có định lượng được k?
      2. Mỹ là nền kinh tế -tài chính phát triển cao, nên họ k cần in tiền mặt, mà họ in (tức phát hành) tiền điện tử. ấn nút 1 cái là sẽ có số tiền ngày trong tài khoản. số lượng tiền cần phát hành bao nhiêu là do FED quyết định, chi tiêu ra sao là do chính trường Mỹ họ quyết. vẫn biết in tiền sẽ gây lạm phát tuy nhiên CP các nước vẫn theo đuổi việc này vì nó góp phần làm tăng GDP. Nhưng họ cũng muốn hạn chế lạm phát = điều chỉnh lãi suất - tốc độ thu tiền từ nền kinh tế về ngân hàng. Nếu hiệu quả- có lợi cho người dân thì % tăng trưởng GDP sẽ cao hơn lạm phát, hoặc ngược lại như VN là % lạm phát >lãi suất> % tăng trưởng GDP
      3. còn về Smart phone của Samsung & apple thì Samsung làm rất nhiều quảng cáo rầm rộ còn Apple thì k có hoặc rất ít. Tuy nhiên, ý mình muốn nói là KH phải xếp hàng để được quyền mua sản phẩm Apple còn Samsung thì ngược lại

      Xóa
    4. Dear Hanoi!

      Không biết bạn có nhầm lẫn hay không khi công thức bạn viết là: GDP = G+I+S+(Ex-Im), nhưng công thức đúng phải là GDP = C + G + I + NX. Kinh tế vĩ mô và kinh tế vi mô là cái bình thông nhau. Nhưng qui mô và đối tượng nghiên cứu là hoàn toàn khác nhau. Về qui mô, Kinh tế vĩ mô nghiên cứu toàn thể nền kinh tế, đối tượng nghiên cứu là chính phủ, toàn bộ doanh nghiệp, hộ gia đình, tăng trưởng GDP, CPI, tỷ lệ thất nghiệp, lạm phát, chính sách tài khóa và tiền tệ,…... Trong khí đó, qui mô của kinh tế vi mô là nhỏ lẻ, tập trung vào cá nhân đơn lẻ. Đối tượng là người tiêu dùng, doanh nghiệp, cung, cầu, giá cả, thị trường, sản lượng, doanh thu, chi phí, lợi nhuận...

      Bình luận của mình ở trên để một quốc gia có thể cất cánh là có 5 nguồn lực, đó là kinh tế vĩ mô chứ bạn đừng hiểm lầm là kinh tế vi mô, là doanh nghiệp.

      "...Vì 1 sản phẩm làm ra, sẽ cần phải sử dụng tài nguyên TN, phải có kỹ thuật để khai thác & sử dụng, phải có vốn, phải có người lao động, người tiêu thụ.... liệu có định lượng được k?". Một công ty kinh doanh trong lĩnh vực quảng cáo, tiếp thị, thương mại điển tử, tổ chức sự kiện... thì không cần sử dụng đến tài nguyên thiên nhiên. Trong phần bình luận của bạn mà mình trích dẫn trên là kinh tế vi mô và đây chính là phần phải định lượng được và không những phải định lượng được mà còn phải định lượng chính xác từng xu từng hào để xác định giá vốn. Sau khi xác định giá vốn thì mới xem cộng bao nhiêu lãi vào chứ?

      Rất vui được trao đổi với bạn!

      Xóa
  2. Hi Hanoi,
    I agree that the economy of many nations has to depend on dollar, but deep down I can’t agree with your point in the first paragraph because your reasoning seems like a loose interpretation of global economics and currency as well. Can the US freely print dollars at will to pay its debt without any risk? I don’t think so. Have you ever heard about a critique of Porter Stansberry (“The End of Barack Obama”)? He has convicted as a fraudster, but his explanation is so convincing. In addition, completely absorbing Prof. Nghia's ideas might not be easy. Thanks.
    PS-Sorry I can't write my post in Vietnamese because I don't know how to do.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. To my readers/commentators (hanoi and Izumi Taro):

      1/ It's not so simple and easy for the US to have the US$ as reserve currency so the government or Fed can print money to pay the debt. The burden of having the greenback as reserve currency is not clearly seen. And the issue is too complex to explain in this trivial blog.

      2/ And talking about Samsung, the example about the microwave from GE is just an illustration of the easy part for newcomers to catch up with advanced economies/companies. But not irresistibly to outpace. Hanoi is making my point!

      Anyway, economics and geopolitics are so complex, if we only understand a few fallacies, we're lucky.

      Thank you for your attention and comments.

      Nghia

      Xóa
  3. Nhiều bạn đọc hiểu lầm về thí dụ của Samsung.

    1/ Là một doanh nghiệp "đi sau", như các nước đang lên đã đi sau, nên có thể học (lóm hay không, chưa là chuyện chính) doanh nghiệp đi trước để vượt lên rất nhanh.

    2/ Thậm chí cạnh tranh và đe doạ các "sư phụ" của mình.

    3/ Nhưng chẳng vì vậy mà đương nhiên qua mặt hay chiếm hạng nhất.

    Cũng thế, 60 năm trước, hàng "Made in Japan" là loại rẻ tiền kém phẩm chất, ngày nay là hàng siêu hạng và đắt giá. Mấy chục năm trước, Huyndai hay KIA của Nam Hàn là xe tồi và rẻ, nhưng sau này làm các đại gia xe hơi của Nhật như Toyota, Honda hay Nissan điêu đứng vì có phẩm chất cao không kém.... Trường hợp Trung Quốc chưa được như vậy vì xứ này có thể học lóm hay ăn cắp, nhưng vẫn thiếu sáng tạo. Vì thiếu tự do.

    Hoa Kỳ thường xuyên bị cạnh tranh, nhiều doanh nghiệp bị đào thải và xã hội xáo trộn, nhưng rồi vẫn tìm ra hướng phát triển khác. Vì có tự do tự phê phán và sáng tạo....

    Xin ghi lại cho rõ ý....

    NXN

    Trả lờiXóa
  4. Dear professor,
    I am so surprised when you say that 60 years ago products of Japan were ‘cheap and poor quality’. As far as I know, Japan stood up again after the WWII by thoroughly applying its policy: high quality but affordable. I do not know how products of Japan in 1950s (60 years ago) were; but since 1960s they have defeated most of famous brand names over the world. The evidence (I am sure you still remember) is that at that time bikes of Honda and Suzuki beat Motobecane (Mobilette), Gobel Sachs, and Vespa; Morigana with Babilac knocked out Guigoz and SMA; Appliances of National or Sanyo overwhelmed over the world; Pilot vs Parker; and more and more with Seiko, Citizen etc. Why were they so successful if not because of their good design, long lasting, and economy?Besides, what I respect Japanese is that they do not accept so-called specialization. They attack into all industries, from automobiles (US, France, Germany) to optical devices (Germany) or foods. I dare not correct your words, but I am afraid that if we say Japan started with ‘cheap and poor quality’ is unfair to it.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. My dear friend,

      You should have remembered that in the 50s, Western nations still considered Japanese comsumer products, toys and others, as cheap or copycats, until they discovered the Sony Walkman and cried out that the Japan Inc. is conquering or buying American assetts and trophies. A new era of "Japan bashing" began exactly when Japan was slipping to the lost decade(s). The tragedy went on with the alarm of atomic radiation/contamination after the Fukushima disaster in 2011....

      I may say that in Vietnam (the South I mean) we have discovered that sooner. Indeed, in the 70s, Japanese motorbikes surpassed all the Mobilettes, Velo Solex, Lambrettas and Vespas...

      Sometimes, we have short memory.

      All the best,

      NXN

      Xóa