Thứ Bảy, tháng 8 24, 2013

Khối Á Rập Thất Vọng Về Hoa Kỳ


Nguyễn-Xuân Nghĩa - Việt Báo 130823


Từ Cairo 2009 Về Cairo 2013, Tổng thống Obama quay đủ một vòng. Tựa con dế....

* Obama mà ủng hộ khủng bố? Oan ơi là oan!  *



Thế giới có những việc mà một đệ nhất siêu cường như Hoa Kỳ cũng làm không nổi. Vì vậy mà người lãnh đạo mới bị phê phán. Nhưng Tổng thống Barack Obama không bị oan....

Khi ra tranh cử năm 2008, Nghị sĩ Barack Obama là tay mơ gặp may. Ưu điểm của ông là có một ban tham mưu cực giỏi nên tiến hành một chiến dịch tranh cử hiệu nghiệm. Sau khi vượt qua Nghị sĩ Hillary Clinton nhờ phe cực tả trong đảng Dân Chủ, ông gặp đối thủ là chính khách lão thành John McCain, một Nghị sĩ Cộng Hoà có ban tranh cử quá tệ. 

Obama gặp may là vụ khủng hoảng tài chánh, manh nha từ Tháng Ba và bùng nổ vào ngày 15 Tháng Chín 2008. Vụ khủng hoảng phơi bày sự bất tài và lạng quạng của ứng cử viên McCain. Trong tâm lý quá chán chường của cử tri với Tổng thống George W. Bush, ông Obama thắng cử. 

Khẩu hiệu "Hy vọng và Thay đổi" của ông được báo thí thiên tả thổi lên như một chân lý, là niềm tin của người dân Mỹ.... Nhiều nhà bình luận của cánh tả còn sánh ông với đấng Cứu Thế. Hội chứng "Ô ma mê" hay Obamaniac là hiện tượng lạ của dân Mỹ hốt hoảng, còn vượt xa tiền lệ tôn sùng John Kennedy hay Bill Clinton.

Khi cầm quyền từ đầu năm 2009, Tổng thống Obama ý thức được hai mối quan tâm hàng đầu của dân Mỹ: tình hình kinh tế sa sút và sự mệt mỏi về những cố gắng bất tận trong cuộc chiến chống khủng bố Hồi giáo, kết tinh vào hai chiến trường nóng là Afghanistan và Iraq.

Ông giải quyết y như vị tiền nhiệm - nhưng với cường độ khác. Và "không lỡ dịp khủng hoảng", lý luận của một cố vấn kỳ tài là David Axelrod cũng xuất thân từ chính trường Chicago, Obama muốn cải tạo nước Mỹ theo cái nhìn của mình. Kế hoạch cải tổ chế độ bảo dưỡng y tế là kết quả duy nhất đáng kể của giấc mơ cải tạo này để trở lại thiên đường bao cấp.

Về hồ sơ kinh tế, Obama lại áp dụng biện pháp chuộc nợ và tăng chi để kích thích, nhưng với số lượng gấp bội so với Chính quyền Bush vào năm 2008. Kết quả là mức bội chi và gánh nợ kỷ lục khiến ngân hàng trung ương phải thử nghiệm giải pháp QE rất bất thường qua ba đợt liên tiếp.

Về hồ sơ đối ngoại, Obama cũng áp dụng chiến lược dồn quân đánh tới để sẽ triệt thoái khỏi Iraq rồi Afghanistan. Với Iran, cũng vẫn là cái đòn vừa dọa vừa dụ đã được Bush theo đuổi trước đó. Về mối nguy khủng bố, Obama không để bị mang tiếng là cho phép áp dụng kỹ thuật thẩm vấn "trấn nước" bị gọi là tra tấn, mà lại dùng thuật ám sát bằng máy bay tự động, ồ ạt và dữ dội. Cũng vì vậy, ông bị phe phản chiến cực tả phê phán là "làm như Bush".

Nhưng đóng góp có tính chất sáng tạo - và cải tạo - của Tổng thống Obama là cải thiện quan hệ của Hoa Kỳ với thế giới Hồi giáo, qua hai bài diễn văn năm 2009, vào Tháng Ba tại Ankara của xứ Thổ Nhĩ Kỳ và vào Tháng Sáu tại Cairo của xứ Ai Cập. Obama muốn mở ra "một kỷ nguyên mới", tên bài diễn văn Cairo, và cải thiện cái nhìn của dân Hồi giáo về nước Mỹ, một quốc gia ông cho là chẳng có gì ưu việt mà cứ đòi lãnh đạo thế giới.

Obama thành "người vái tứ phương" và có tinh thần khiêm cung nhũn nhặn hơn với thiên hạ....


***

Khi tranh cử năm 2000, Thống đốc Texas George W. Bush cũng từng có chủ trương khiêm cung đó và còn lên án chính quyền tiền nhiệm (Clinton-Gore) là cứ hay can thiệp vào thiên hạ sự (thí dụ là Kosovo) để xây dựng quốc gia hay phát huy dân chủ theo những giá trị tinh thần của nước Mỹ. Nhưng Bush lãnh di sản của vị tiền nhiệm là vụ khủng bố 9-11 nên làm ngược chủ trương ban đầu, trở thành người đánh tứ phương, rồi đi phát huy dân chủ!

Hoá ra lãnh đạo nào cũng thừa hưởng di sản xấu tốt của người đi trước. Ông Obama không là ngoại lệ.

Sau khi đòi cải thiện cái nhìn của khối Hồi giáo về nước Mỹ, Obama thừa hưởng "Mùa Xuân Á Rập" vào dịp Giáng Sinh 2010 và suốt năm 2011. Áp lực cải cách của Chính quyền Bush với các đồng minh Á Rập Hồi giáo để xây dựng dân chủ - như một giải pháp trường kỳ chống quân khủng bố - được tung ra từ năm 2005 khiến các nước này có thay đổi. Dù thay đổi chưa đủ để dẫn tới dân chủ thì cũng xả bớt ách độc tài. Nhiều yếu tố khác, như bầu cử tại Iran hay nạn thất nghiệp và suy trầm kinh tế, làm nốt phần vụ còn lại.

Hàng loạt quốc gia Á Rập bị chấn động. Bốn nước có đảo chánh, là Tunisia, Ai Cập, Libya và Yemen. Bảy nước gặp biểu tình lớn là Algérie, Maroc, Iraq, Jordan, Kuwait, Bahrain và Sudan. Lãnh đạo các nước còn lại cũng bị rung chuyển, như Saudi Arabia, Oman, Djibouti, Mauritania... Còn Syria lâm vào nội chiến, thường dân bị tàn sát trong mấy năm liền.

Tức là từ Bắc Phi xuống đến Tây Phi qua tới Trung Đông, và thậm chí Thổ Nhĩ Kỳ sau này, gần 20 nước Hồi giáo bị khủng hoảng xuất phát từ "Mùa Xuân Á Rập". Nhưng mầm dân chủ, như lý tưởng và lý luận của truyền thông Tây phương thường đề cao, vẫn chưa bén rễ.

Và kết quả ngược, trở thành vấn đề của Hoa Kỳ, là dân Á Rập thù ghét Obama, một Tổng thống có tên đệm và xuất xứ Hồi giáo. Ác cảm đó với Barack Hussein Obama đang kết tụ tại Cairo và toàn xứ Ai Cập, đồng minh chiến lược của Mỹ tại Trung Đông, hàng năm vẫn được viện trợ một tỷ 300 triệu Mỹ kim. Tại sao?


***

Do xuất xứ và người cha, từ thiếu thời, ông Obama đã có cái nhìn nhuốm màu "cách mạng" và chống Mỹ của nhiều nước Á Phi thuộc "Đệ tam Thế giới" - thuộc địa cũ của Âu Châu. Khi trở về Mỹ và đi học, ông còn bị ảnh hưởng của nhiều tay lý luận cực tả, cũng chống Mỹ, như mục sư Jeremiah Wright sau này, hoặc thân cộng, như nhà thơ Frank Davis trước đó. Đấy là nguyên nhân sâu xa của giấc mơ cải tạo Hoa Kỳ của Obama. Nó cũng giải thích lý luận đấu tranh giai cấp và thói tật khai thác kỳ thị chủng tộc đang gây phân hóa trong nội tình nước Mỹ.

Nhưng từ vị trí của một tay sách động và phát triển cộng đồng lên tư thế của một người lãnh đạo, Tổng thống Obama lại đụng vào thực tế của chính trị Hoa Kỳ trong khung cảnh quốc tế. Nước Mỹ có những đòi hỏi vượt quá khả năng của một tay hùng biện duy ý chí. Xin hãy xoi vào chuyện thời sự hiện nay là Ai Cập.

Nhiều người Ai Cập có thực tâm xây dựng dân chủ trong một chế độ thế quyền hơn thần quyền của đạo Hồi, hoặc theo hệ phái Coptic của Thiên chúa giáo, đã đả kích Tổng thống Mỹ là yểm trợ lực lượng Huynh đệ Hồi giáo MB (Muslim Brotherhood) và cho đến giờ chót vào cuối Tháng Sáu còn muốn bênh vực chính quyền dân cử của Tổng thống Mohamed Morsi, một lãnh tụ MB. Họ cho là Obama không nhìn ra thực chất khủng bố và toàn trị của lực lượng MB. Ngược lại, nhiều người Ai Cập khác thì oán Obama vì tội ủng hộ các tướng lãnh trong việc truất phế Morsi. Cả hai phe đều dùng thậm từ và hình ảnh độc ác để diễn tả sự thất vọng của họ về Tổng thống Mỹ.

Thật ra, họ chưa hiểu một điều mà Obama vừa mới nhìn ra: dù có là siêu cường vạn năng, Hoa Kỳ không là một nước toàn năng và Tổng thống Mỹ không là kẻ toàn quyền.


***

Do áp lực của các đồng minh Âu Châu và ban tham mưu có chủ trương can thiệp quốc tế vì mục đích nhân đạo, Hoa Kỳ lén nhảy vào Libya để kết thúc chế độ Muammar Ghaddafi và chạy ra thật nhanh. Rồi Chính quyền Obama lãnh cái họa Benghazi khiến bốn viên chức Mỹ bị tàn sát, kể cả viên Đại sứ. Từ sự thảm bại có che giấu và đang bị phanh phui, dù được ăn kẹo, Obama cũng không dám can thiệp vào Syria, nơi mà nhân quyền đã rách bươm và thường dân chết gấp bội. Huống hồ, đằng sau Syria còn có Iran và Liên bang Nga....

Vì vậy, chế độ độc tài của Bashar al-Assad có cán nát "lằn ranh đỏ" của Obama, dùng võ khí hóa học để tàn sát đối lập tại Syria, thì nước Mỹ cũng đành tri hô rồi làm ngơ. Nếu yểm trợ võ khí cho phe nổi dậy, như tại Libya, thì còn sợ mối họa nuôi ong tay áo, là võ khí lọt vào tay đủ loại khủng bố, từ al-Qaeda nội hóa kiểu AQIM tới Hezbollah hay Hamas.

Vì vậy, tại Ai Cập, Obama cố bắt cả hai tay và vỗ vào khoảng trống. Ông còn gặp sự phê phán - lẫn phá hoại - của nhiều đồng minh.

Không nói về Israel, các lãnh tụ Á Rập từ Bắc Phi qua Trung Đông đều chê là Obama đánh giá sai mối nguy của lực lượng Hồi giáo quá khích. Hoa Kỳ vừa dọa cúp viện trợ (một tỷ ba, trong đó có 200 triệu viện trợ kinh tế) cho Ai Cập dưới quyền chỉ huy của tướng lãnh vì tội đảo chánh Morsi thì Saudi Arabia, Kuweit và Tiểu vương quốc Á Rập Thống nhất UAE hứa ngay một ngân khoản 12 tỷ, và trong vài ngày chuyển ngân liền hai tỷ vào Cairo. Họ cần quân đội Ai Cập chặn đà bành trướng của lực lượng MB.

Nhưng nào chỉ có dư luận Ai Cập hay Á Rập Hồi giáo?

Ngay trong chính trường và truyền thông Hoa Kỳ, cả hai phe bốn phía đều ồn ào lên tiếng. Từ phe tả lý tưởng đến cánh hữu coi trọng kỷ cương đã xuất hiện những lập luận hợp lý. Rằng Hoa Kỳ có luật lệ hẳn hòi, nên không thể viện trợ cho một chính quyền can tội đảo chánh. Khi vẫn viện trợ, dù nhỏ giọt với lời hăm sẽ cúp hẳn, Tổng thống xúc phạm những giá trị đạo đức của nước Mỹ. Trong số này có cả John McCain!  

Từ phe tả có tinh thần can thiệp thực tiễn đến cánh hữu coi trọng an ninh của Hoa Kỳ lại có tiếng nói trái ngược: Tổng thống phải bảo vệ quyền lợi sâu xa của Hoa Kỳ mà bỏ qua vụ đảo chánh và giúp quân đội Ai Cập cùng Israel giữ gìn ổn định tại Trung Đông để ngăn cản phong trào Hồi giáo cực đoan.

Nghĩa là bên cạnh chọn lựa về Syria, một vụ tranh luận thứ hai đang gây nhiễu âm về đối sách của Hoa Kỳ với thế giới Hồi giáo. Ở giữa là Obama, cứ lượn qua lượn lại. Nhưng dù có tài bay lượn và hót như khướu tại Cairo, Tổng thống Mỹ đang bị cắt cánh.


***

Tổng thống Hoa Kỳ là người phải có tầm nhìn sâu xa hơn quần chúng. Ông ta hay bà ta có một ban tham mưu và cả bộ máy công quyền để thấy ra những chuyện ấy và cân nhắc sự lợi hại từ cục bộ đến toàn bộ, từ ngắn hạn đến trường kỳ. Còn lại là cách chọn lựa giải pháp theo một triết lý chính trị nào đó của mình và trình bày cho quốc dân cùng thấy. Người có tài là có khả năng thuyết phục quốc dân. Nhưng trước đó là phải có đởm lược để dám chọn một giải pháp và chịu trách nhiệm về sự chọn lựa đó.

Barack Obama có đởm lược về nội chính khi chọn lựa giải pháp cải tạo để làm xã hội thay đổi theo triết lý chính trị của mình. Về đối ngoại, ông chỉ là cánh diều dật dờ. Có thể là kinh nghiệm thê thảm của Bush khiến ông chỉ muốn là con chim tránh bão, nhưng làm cho đồng minh hết tin vào Hoa Kỳ, mà các đối thủ cũng chẳng sợ. Khủng bố Hồi giáo thì vẫn còn đó, dù có Osama bin Laden hay không. Kết quả là Obama sẽ để lại một di sản tai hại cho nước Mỹ - và những người kế nhiệm. 

2 nhận xét:

  1. What a compelling argument summarized in the last sentence! It makes me wonder if the US could still sit on its throne in the future! Thanks for an insightful analysis.

    Trả lờiXóa
  2. Chinh sach ngoai giao hoa hoan cua Obama trong gan 6 nam qua da khien Nga va Trung Cong dam "nan gan" My bang cach ngang nhien tu choi trao tra Ed Snowden cho Hoa Ky da khien nguoi dan My bi cham tu ai, va chac chan se co su thay doi trong nen chinh tri cua Hoa Ky trong nam 2016.

    Cho den ngay hom nay, dang Cong Hoa van chua co nguoi sang gia nhung Hillary Clinton la khuon mat duoc nhieu nguoi noi den trong cuoc chay dua vao toa Bach Oc nam 2016. Voi vai tro Tong Truong Ngoai Giao, ba da chung to ban lanh cua minh doi voi the gioi trong suot 4 nam qua. Nen kinh te cua Hoa Ky dang phuc hoi tro lai va luc do, nuoc My se chung to cho the gioi suc manh chinh tri cua minh. Chung ta hay cho xem.

    Trả lờiXóa