Thứ Tư, tháng 8 14, 2013

Tầu Hạ Cánh

Mai Vân & Nguyễn-Xuân Nghĩa - Ngày 130813
Tạp Chí Kinh Tế RFI 
 
Nhiều Nước Ôm Gánh Lo
 
Cảng container Doanh Khẩu, Liêu Ninh. Ảnh chụp  9/08/ 2013.
* Cảng container Doanh Khẩu, Liêu Ninh. Ảnh chụp 9/08/ 2013. REUTERS/Stringer *
 
 
Sau nhiều đợt báo động liên tiếp, gần đây nhất là của tập đoàn ngân hàng Pháp Société Générale, về khả năng suy trầm sắp tới của nền kinh tế Trung Quốc, ngày 08/08/2013 vừa qua, công ty thẩm định tài chánh quốc tế Standard & Poor's vừa loan tin: Nếu Trung Quốc "hạ cánh nặng nề" với tốc độ tăng trưởng chỉ còn là 5% một năm, thì sẽ khiến kinh tế Úc bị suy trầm và thất nghiệp tăng vọt lên mức 10%. Theo giới phân tích, trong kịch bản đó, không chỉ có Úc, mà nhiều quốc gia khác cũng chịu tác động.

Phải nói là sau nhiều thập niên tăng trưởng vượt bậc, kinh tế Trung Quốc đã bắt đầu có dấu hiệu co thắt, và lãnh đạo mới của nền kinh tế đứng hạng nhì thế giới đã phải điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng là 7,5% trong năm nay (2013) và 7% trong mấy năm tới. Thế nhưng giới quan sát kinh tế quốc tế cho rằng đà tăng trưởng ấy vẫn còn cao so với thực tế, và một kịch bản «hạ cánh nặng nề - hard landing» có thể xảy ra. Trong trường hợp đó, hiệu ứng suy trầm của Trung Quốc có thể lan rộng ra nhiều xứ khác, kể cả Úc hay Việt Nam.

Phân tích của Standard & Poor's chỉ tập trung vào trường hợp nước Úc vì lẽ Bắc Kinh là đối tác thương mại chủ chốt của Canberra, chuyên mua các loại khoáng sản, nguồn xuất khẩu chính của Úc. Trong nghiên cứu của mình, S&P đã dự trù ba kịch bản cho nền kinh tế Trung Quốc, và các tác động có thể có trên nền kinh tế Úc.

Kịch bản thứ nhất gọi là «trường hợp căn bản – base case», có nghĩa là kinh tế Trung Quốc tăng trưởng theo tỷ lệ 7,3% trong tài khóa 2013, gần đúng với ước tính của chính quyền Bắc Kinh. Trong trường hợp này, kinh tế Úc sẽ chỉ đạt tăng trưởng 2,5% trong năm 2013, và 2,9% năm 2014, còn tỷ lệ thất nghiệp lần lượt ở mức 5,7% và 6%.

Kịch bản thứ hai là «hạ cánh trung bình – medium landing», tức là tăng trưởng Trung Quốc giảm mạnh hơn, chỉ đạt 6,8%. Hệ quả đối với Úc sẽ là một tỷ lệ tăng trưởng 2,1% cho năm 2014 và một mức thất nghiệp 6,5%.

Kịch bản tệ hại nhất gọi là «hạ cánh nặng nề - hard landing», với GDP của Trung Quốc bất ngờ chỉ tăng trưởng 5%. Trong trường hợp này, kinh tế Úc sẽ bị co thắt với tỷ lệ âm 1% trong năm 2014, còn tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt lên thành 10%. Không những thế, Úc sẽ còn bị mất điểm cực tốt ba chữ A, dùng để đánh giá các nền kinh tế phát triển lành mạnh.

Standard & Poor's cũng công nhận là kịch bản «hạ cánh nặng nề» là một khả năng « khó xẩy ra ». Cho dù vậy, hãng thẩm định tài chánh này cho rằng nhiều mối lo ngại về kịch bản đó đang xuất hiện vào lúc kinh tế Trung Quốc bộc lộ một số điểm yếu kém.

Trả lời phỏng vấn hôm nay của RFI, chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa tại Hoa Kỳ sẽ giải thích thêm về tình trạng hạ cánh không an toàn của một nền kinh tế, cũng như tác động có thể có của hiện tượng này đối với các nền kinh tế khác trên thế giới.


RFI: Xin thân ái chào anh Nghĩa. Là người nhiều lần dự báo rằng kinh tế Trung Quốc sẽ sa sút vì những vấn đề chồng chất ở bên trong, hiển nhiên là anh không mấy ngạc nhiên với kịch bản "hạ cánh nặng nề" của Trung Quốc mà công ty Standard & Poor's vừa nhắc tới. Kỳ này, xin đề nghị anh phân tích hậu quả quốc tế từ nạn suy trầm kinh tế của một quốc gia đang có nền kinh tế hạng nhì thế giới sau Hoa Kỳ và Nhật Bản. Trước hết, thưa anh giới kinh tế cứ nói đến chuyện "hạ cánh nặng nề", thì đấy là cái gì?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Sau một giai đoạn tăng trưởng cao kéo dài khá lâu, nếu sản lượng kinh tế lại đột nhiên co cụm mạnh thì đấy là một vụ "hạ cánh nặng nề". Muốn tính ra một con số để định nghĩa về hạ cánh nhẹ nhàng, hạ cánh nặng nề, thậm chí hạ cánh tan tành thì còn tùy tốc độ tăng trưởng nguyên thủy, thí dụ như 9-10% của Trung Quốc trong 20 năm liền. Theo định nghĩa của S&P thì nếu kinh tế xứ này chỉ tăng 5% đã là hạ cánh nặng nề.

- Với Trung Quốc, ta khó xác định một con số chính xác vì nhiều lý do. Thứ nhất, số liệu kinh tế của họ thiếu sự chuẩn xác đáng tin mà chỉ phản ảnh một trào lưu. Thứ hai, xưa nay lãnh đạo xứ này vẫn coi 7% là đà gia tăng tối thiểu để tránh động loạn và nay đành chấp nhận một chỉ tiêu thấp hơn trong khi phải tiến hành cải cách để tìm lực đẩy khác hơn là đầu tư và xuất cảng. Thứ ba, dù phải chuyển hướng như vậy, họ vẫn sợ gây ra hốt hoảng nên có những lý luận hay dữ kiện tô hồng, và nhiều tổ hợp đầu tư quốc tế đang làm ăn tại Hoa lục cũng nói theo để trấn an thị trường, vì vậy định mức "hạ cánh nặng nề" trở thành cái gì đó khá co giãn.

- Tuy nhiên, sự thể khách quan là sau Nhật Bản năm 1991, Anh quốc năm 92, Nam Hàn năm 97 và Hoa Kỳ năm 2008, Trung Quốc khó tránh khỏi một vụ khủng hoảng tài chánh vì mắc nợ quá nhiều. Sau đó là giai đoạn co rút kéo dài. Nếu lãnh đạo xứ này thành công trong việc cải cách từ lượng sang phẩm và nâng sức tiêu thụ nội địa từ 35% hiện nay lên 50% thì kinh tế Trung Quốc chỉ có đà tăng trưởng khoảng 3-4% trong mươi năm tới. Sau giai đoạn tăng trưởng ngoạn mục và mua vào nguyên nhiên vật liệu để sản xuất đến dư thừa, khi kinh tế Trung Quốc bị thoái trào thì quả thật là thế giới có thể bị ảnh hưởng. Nhưng thật ra thế giới không chỉ có Trung Quốc.

RFI: Anh nói thế giới không chỉ có Trung Quốc vì nghĩ đến các khối kinh tế khác hay sao?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi nghĩ rằng nếu muốn nhìn ra bối cảnh rộng lớn của một vụ suy trầm, thậm chí suy thoái, là dépression tại Trung Quốc, chúng ta cũng nên nhìn ra nhiều chuyển động lớn của các nền kinh tế khác sau năm năm khá đặc biệt vừa qua.

RFI: Anh nói về những chuyển động lớn sau năm năm vừa qua, đấy là gì và có ảnh hưởng thế nào đến tình trạng co thắt tại Trung Quốc?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Sau vụ khủng hoảng và Tổng suy trầm 2008-2009, người ta vội chôn sống khối kinh tế đã phát triển Âu-Mỹ-Nhật và đặt kỳ vọng vào các nước đang phát triển, đứng đầu là nhóm B.R.I.C, gồm có Brazil, Liên bang Nga, Ấn Độ và Trung Quốc. Vì sự hồ hởi sảng đó, tiền đầu tư đã từ Tây phương trút về Đông và tìm lực đẩy của các nền kinh tế đang lên.

- Bây giờ tình hình lại đảo ngược. Khối công nghiệp hoá Tây phương là Âu, Mỹ, Nhật, đã chấn chỉnh lại thất quân bình và tạm hồi phục. Dù chưa mạnh thì cũng đóng góp đến 60% vào sản lượng phụ trội của kinh tế thế giới. Ngược lại, các nền kinh tế đang lên đều có triệu chứng hụt hơi và hết là đầu máy tăng trưởng toàn cầu, kể cả nhóm BRIC này.

- Vụ Trung Quốc hạ cánh cần đặt trong bối cảnh rộng hơn như vậy vì liên hệ đến chiều hướng tái cân bằng chung. Tất nhiên là một xứ chuyên bán quặng sắt cho tiến trình công nghiệp hoá và đô thị hóa của Trung Quốc như nước Úc phải hụt hẫng và sợ nạn suy trầm cùng thất nghiệp. Nhưng vấn đề không chỉ có vậy. Về không gian, các nước sống nhờ bán nguyên liệu hay thương phẩm đệ nhất đẳng đều bị thiệt hại. Về thời gian thì sự thoái lui của Trung Quốc không chỉ là một chu kỳ co cụm đột ngột và nhất thời mà có thể kéo dài cả chục năm.

RFI: Thưa anh, trong bối cảnh rộng lớn và lâu dài như anh vừa có ý nhấn mạnh thì người ta vẫn tự hỏi vì sao riêng Trung Quốc có thể bị suy sụp nặng như vậy?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Một cách ngắn gọn thì Trung Quốc có ưu thế số một là dân số rất đông và họ khai thác thành lợi thế lương rẻ để sản xuất các mặt hàng chế biến rẻ hơn thiên hạ, nhất là các nước công nghiệp hoá. Vì thế họ tổ chức hệ thống sản xuất quanh lợi thế này và vì cả nước còn nghèo nên chẳng mua nổi sản lượng quá lớn đó thì họ phải xuất cảng. Mặt kia, họ còn phải tiếp tục đầu tư và sản xuất cực rẻ với mức lời thật thấp để tạo ra việc làm và tránh động loạn. Hai yêu cầu trái ngược đó dẫn tới sự thể là họ dựng lên một hệ thống sản xuất kém hiệu năng, đầy lãng phí mà cứ tính vào số tăng trưởng làm thế giới khâm phục.

- Thế rồi, khi kinh tế toàn cầu bị suy trầm làm xuất cảng sa sút, Trung Quốc phải bơm tiền kích thích, mà lại kích thích nạn sản xuất thừa và trợ cấp cho sự bất tài rồi chất lên núi nợ thối. Vì vậy, khủng hoảng tài chánh dễ bùng nổ. Sau đó là nạn suy trầm, cho đến ngày nào đó mà họ có thể kích thích tiêu thụ thay vì kích thích sản xuất loại hàng kém phẩm chất và gây ô nhiễm và lỗ lã. Chuyện hạ cánh nặng nề là kịch bản có xác suất cao của tình trạng quái đản này.

RFI: Câu hỏi cuối, thưa anh, nếu sự thể xảy ra như vậy thì tình hình các nước sẽ ra sao?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Chúng ta có thể nhìn từ hai vế khác nhau.
 
- Trung Quốc bán ra hàng chế biến với giá rẻ nên cạnh tranh với các nước đang phát triển cùng trình độ kỹ thuật hay kém hơn khi thu hút đầu tư và tăng gia sản xuất. Nhưng khốn nỗi xứ này "chưa giàu đã già" và lợi thế nhân công rẻ của họ đã hết. Khi kinh tế suy trầm thì cả triệu doanh nghiệp phá sản, ngân hàng vỡ nợ và cả chục quốc gia sẽ có cơ hội trám vào khoảng trống của Trung Quốc nếu có nhân công tương đối rẻ và có tay nghề. Cơ hội đó cũng khiến các nước ấy có thể tiếp nhận thêm đầu tư của nước ngoài. Đó là trong trung hạn vài ba năm, chứ trước mắt thì vẫn là nhiều biến động đột ngột thất thường. Nhưng đột ngột hơn cả lại thuộc về vế kia.

- Để duy trì đà tăng trưởng ảo và sản xuất đến dư thừa, Trung Quốc ào ạt mua vào nguyên nhiên vật liệu, như năng lượng, nguyên liệu gốc kim loại cho công nghiệp, làm giá thương phẩm tăng vọt và đem lại mối lợi cho các nước xuất cảng. Khi kinh tế sa sút thì giá thương phẩm sụt mạnh, các nước xuất cảng đều vừa mất thị trường vừa mất mối lợi là bán ra loại hàng cao giá. Các nước như Brazil, Nga, Nam Phi hay Venezuela, chứ không chỉ có Úc Đại Lợi mới bị điêu đứng nặng vì bán nguyên liệu. Và mấy dự án bauxite tại Việt Nam lại càng sớm vỡ nợ! Giá dầu thô cũng có thể giảm vì Trung Quốc là nước ngốn dầu nhiều nhất nên gây họa cho các nước bán dầu từ Đông Nam Á qua Trung Đông.

- Song song, Trung Quốc lại mắc cái tật là "chưa hùng đã hung" nên mua vào rất nhiều võ khí và quân cụ. Khi kinh tế suy trầm thì khoản nhập cảng quân sự ấy cũng giảm. Liên bang Nga sẽ bị thiệt hai lần vì hết là nơi tiếp liệu võ khí và lại thất thế vì năng lượng sụt giá. Dầu thô mà rớt dưới 90 đô la một thùng là ngân sách của ông Putin bị lủng.

- Trong khi đó, nhà nước Trung Quốc vẫn có tiền. Khi có biến thì họ càng tẩu tán tài sản ra ngoài để khỏi sợ lỗ, nhưng không qua ngả đầu tư vào các nguồn tiếp vận thương phẩm hay năng lượng ở các nước Á Phi hay Nam Mỹ, mà chạy vào Mỹ và các nước công nghiệp hoá vì an toàn hơn.

- Nói chung, tôi nghĩ rằng người ta mới chỉ chớm thấy một sự xoay chuyển mấy chục năm mới có một lần nên sẽ còn thời giờ quan sát và điều chỉnh những dự đoán sau này.

RFI: Đài RFI xin cảm tạ chuyên gia Nguyễn-Xuân Nghĩa đã trả lời từ Hoa Kỳ.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét