Thứ Ba, tháng 11 25, 2014

Di Dân, Nhu Cầu và Thách Đố



Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người Việt ngày 141124
"Hoa Kỳ Nhìn Từ Bên Ngoài"

Tổng thống Barack Obama đang hoàn tất việc "cải tạo" nước Mỹ


* Cậu bé quàng khăn đỏ Barach Obama và việc phá hoại nước Mỹ *


Cùng lúc với quả bom pháp lý và chính trị của Tổng thống Hoa Kỳ, khi ông Obama đòi đơn phương giải quyết vấn đề di dân nhập lậu bằng Sắc lệnh Hành pháp, nhiều nước Âu Châu cũng nhứ đầu với chuyện di dân. Xin hãy tìm hiểu về vấn đề chung này, trước khi trở về Hoa Kỳ, nhìn từ bên ngoài....



Hôm 23 Tháng 11, Tổng trưởng Nội vụ Vương quốc Anh là Theresa May cho biết Chính quyền của Thủ tướng David Cameron sẽ phải điều chỉnh lại chỉ tiêu hạn chế di dân như đã trù tính trong Dự luật về An ninh và Chống khủng bố sẽ đệ nạp Quốc hội. Số là trước sức ép của đảng Độc lập Anh (United Kingdom Independence Party – UKIP) thuộc xu hướng cực hữu, chống Âu Châu và đề cao tinh thần dân tộc lẫn chủ trương tự do tuyệt đối, Chính phủ liên minh giữa đảng Bảo Thủ của ông Cameron với đảng Tự Do Dân Chủ đề nghị thu hẹp số di dân được nhập cư mỗi năm vào khoảng vài chụ ngàn thay vì 10 vạn. Sau cùng họ đành phải bỏ dự tính này vì khó thành.

Nhưng đồng thời, bà May cho biết là Chính phủ đã và sẽ có thêm biện pháp kiểm soát và ngăn ngừa nạn khủng bố Hồi giáo đang xâm nhập cộng đồng người Anh gốc di dân từ Nam Á và Phi Châu. Dĩ nhiên là đảng Lao Động thuộc khuynh hướng thiên tả thì đả kích quyết định có vẻ bất nhất đó của chính quyền đương nhiệm, từ bốn năm nay đã phải giải quyết hồ sơ nhức đầu này.

Đồng thời, một vương quốc hiền hòa tại Bắc Âu là xứ Thụy Điển đang phải xử lý hồ sơ di dân trước đòi hỏi của đảng Dân Chủ Thụy Điển, một chính đảng tương tự với UKIP của Anh, và phần nào giống phong trào Tea Party có tinh thần tự do tuyệt đối Libertarian của Mỹ. Tính theo dân số, năm 2013, Thụy Điển là quốc gia tiếp nhận nhiều dân tỵ nạn nhất thế giới và xưa nay vẫn có chánh sách trợ cấp hào phóng nhất. Nhưng, mối nguy khủng bố Hồi giáo cùng khó khăn kinh tế khiến đảng cầm quyền có thể mất đa số vì sức mạnh của đảng Dân Chủ - và dân Thụy Điển nay đang xét lại tinh thần rộng lượng của họ, như nhiều quốc gia khác tại Âu Châu.

Nói chung, trong ba bốn thế kỷ liền, nhiều Đế quốc Âu Châu theo nhau khai thác thuộc địa. Đến giữa thế kỷ 20, khi Âu Châu lụn bại dần thì các quốc gia này nhận vào rất nhiều di dân từ các thuộc địa Á, Phi hay vùng quần đảo của biển Caribbe tại Trung Mỹ. Hiện tượng dân số co cụm và nạn lão hóa dân số khiến các nước Âu châu cần đón nhận di dân, thành phần nghèo đói hơn và có sinh suất cao hơn, để giải quyết nhu cầu lao động của họ. Nhưng ngày nay khi kinh tế khó khăn và khủng bố Hồi giáo tung hoành trong gan ruột của nhiều nước, việc hạn chế di dân được đặt ra. Trong lâu dài, cùng bài toán di dân còn có nhu cầu bảo tồn bản sắc văn hóa của từng nước Âu Châu khi nhiều thành phần di dân Á Phi chối từ hội nhập. Hoặc thậm chí đòi hưởng trợ cấp trong tinh thần "ăn của địch để đánh địch" – cho bõ ghét.

Riêng khu vực Bắc Âu lại có đặc tính khác. Chủ trương kinh tế bao cấp và tinh thần đề cao nhân quyền khiến khu vực này là nơi thu hút di dân tứ xứ, nhất là từ các nước bị chiến tranh tàn phá. Cho đến khi tỷ trọng "di dân và bản xứ" cùng nạn khủng bố và phong trào Hồi giáo cuồng tín đã khiến các quốc gia nhân hậu này phải xét lại hồ sơ di dân.

Trường hợp Hoa Kỳ lại khác hẳn.

Đấy là vùng đất hứa của di dân Âu Châu bị bách hại về tôn giáo và khát khao tự do. Bốn thế kỷ sau, Hoa Kỳ là quê hương của mọi loại di dân. Họ đến xứ này để theo đuổi giấc mơ tự do thịnh vượng – hai khái niệm ấy bổ túc cho nhau – rồi là công dân của một quốc gia hình thành từ một quy ước thay vì là một nhóm sắc tộc chính. Quy ước đó là sự trung thành với khái niệm "Hiệp Chủng" – United States – và lời nguyện hy sinh để bảo vệ Hiến pháp. Người ta gọi dân Anh là English của xứ England, dân Pháp là Français của xứ France chứ khó gọi dân Mỹ là "United Statiens" hay "United Statish". Ngay chữ "America" từ nguyên thủy cũng không là định đề Mỹ, hay Bắc Mỹ, nếu ta nhớ tới South America....

Yêu nước Mỹ là bảo vệ các giá trị tinh thần đã làm nên sức mạnh của Hoa Kỳ ngày nay và sau này, chứ không vì nghĩa vụ với các bậc quốc phụ thời lập quốc hay vì niềm kiêu hãnh với các sắc tộc đã xây dựng ra nước Mỹ từ nhiều thế kỷ trước.

Một điểm khác nữa là dân số Hoa Kỳ ngày nay tương đối còn trẻ nếu so với Âu Châu nên không phải cấp bách tiếp nhận di dân để bù vào sự thiếu hụt của lực lượng lao động đến độ gặp bài toán văn hóa chính trị đang dội ngược vào tinh thần hội nhập của Liên hiệp Âu châu và có sự nghi ngờ hay kỳ thị di dân đến từ miền Nam hay các xứ lạ. Ung nhọt của Hoa Kỳ là từng đón nhận và kỳ thị di dân bị cưỡng bách là người nô lệ từ Phi châu vào, người Mỹ da đen. Ngày nay, nước Mỹ vẫn chưa hết trả giá cho chuyện đáng tiếc ấy.

Chúng ta trở lại với một Tổng thống lai da đen, mà không là con cháu của người Mỹ da đen.

Obama chủ trương cải tạo xã hội Mỹ theo tư tưởng nhuốm mùi cực tả từ thành phần trí thức thân cộng ông tiếp nhận khi còn trẻ - thậm chí thuộc Đệ tam Thế giới Á Phi là thù ghét các nước Âu Mỹ - như ta có thể đọc thấy trong cuốn hồi ký viết để chuẩn bị tranh cử về "Những Giấc mơ từ Thân phụ".

Ngay sau khi đắc cử, ông có hai năm 2009 và 2010 với đa số Dân Chủ tại cả lưỡng viện để giải quyết vấn đề di dân và cứu giúp gần 12 triệu người nhập lậu. Đấy là việc chính đáng về đạo lý, tương tự số phận của 30 triệu người không có bảo hiểm y tế. Về chuyện y tế, Obama giải quyết với sự gian trá của đạo luật ObamaCare - một sự gian trá đang bị phanh phui và sẽ còn gây khủng hoảng trong nhiều năm tới.

Trong bốn năm sau đó, Obama đưa ra mọi lý do thoái thác hồ sơ di dân, như không có thẩm quyền pháp lý. Lần cuối là hôm 16 vừa rồi trong một cuộc họp báo bên lề Thượng đỉnh G-20 tại Brisbane của Úc. Sau đó, ngày 20 thì Tổng thống Mỹ đảo ngược mọi lý luận, kể cả viện dẫn các tiền lệ Cộng Hoà thời Ronald Reagan và George W. Bush để đơn phương giải quyết hồ sơ này bằng Sắc lệnh của Hành pháp, bất chấp quan điểm và quyền hạn của Lập pháp sắp vào tay đối lập Cộng Hoà.

Mâu thuẫn đó, nhiều người nói tới, viết ra, kể cả tổ chức kiểm chứng sự trung thực chính trị (FactCheck.org) của trung tâm Annenberg thuộc Đại học Pennsylvania. Quý độc giả có thể vào đó tham khảo để phần nào biết ra sự thật.

Điều đáng tiếc - và đáng ngại - là nhiều lãnh tụ Dân Chủ lại ủng hộ thái độ nhập nhằng ấy của Obama, có khi nhằm giăng bẫy đảng Cộng Hoà cho kỳ bầu cử 2016. Người ta đã vì lý do chính trị ngắn hạn lấy những quyết định có hậu quả lâu dài và bất ngờ cho nước Mỹ, như Âu Châu tàn tạ đang gặp ngày nay....

______________________


Chuyện chỉ xảy ra tại nước Mỹ

Hôm Thứ Năm 20, một tòa kháng án liên bang của Michigan đã truất quyền dùng nệm hơi của một tù nhân. Richard Boone II bị vào tù Pugsley của thị trấn Traverse City về tội ăn cướp nhưng đòi nệm ngủ bằng hơi cho mềm vì có thương tật ở đùi và chân. Nhà Trừng Giới địa phương từ chối đòi hỏi vì 1) tù nhân nên tập thể dục để bớt đau và vì 2) tiền lệ ấy khiến họ phải trang bị 40 ngàn tấm nệm cho các tù nhân khác. Một tòa dưới đã ra phán quyết ủng hộ quan điểm của tù nhân, cho tới khi bị ba thẩm phán toà phá án phủ nhận với đa số tuyệt đối. Chi tiết rất Mỹ là chàng Boone viện lý do: "không có nệm bơm hơi, tớ sẽ ghiền ma túy vì phải dùng thuốc giảm đau". Tuyệt vời thay, giấc mơ Hoa Kỳ!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét