Thanh Hà & Nguyễn-Xuân Nghĩa Ngày 141111
Các nước Á Châu trước sự mời chào của Hoa Kỳ và Trung Quốc
Hiệp định tự do mậu dịch, «vũ khí» để Mỹ và Trung Quốc
tranh giành ảnh hưởng với khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Tại thượng
đỉnh Diễn Đàn Hợp Tác Kinh Tế Châu Á Thái Bình Dương APEC tổ chức ở Bắc
Kinh, Hoa Kỳ và Trung Quốc chạy đua tranh giành ảnh hưởng với khu vực
qua hai dự án thành lập khu vực tự do mậu dịch rộng lớn.
Tham gia Hiệp định Đối tác Chiến lược Xuyên Thái bình dương, gọi tắt
là TPP, do Hoa Kỳ vận động với 11 quốc gia trong đó có Nhật Bản mà không
có Trung Quốc hay ngả vào vòng tay Bắc Kinh với Khu Vực Thương Mại Tự
Do Châu Á Thái Bình Dương FTAAP ?
Dự án thành lập khu vực tự do mậu dịch FTAAP của Trung Quốc bao gồm 10 quốc gia Đông Nam Á trong hiệp hội ASEAN, cộng thêm 6 quốc gia khác ở Châu Á là Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Úc, New Zealand và đương nhiên là Trung Quốc. Bắc Kinh đương nhiên mời Hoa Kỳ đứng ngoài vòng của dự án FTAAP.
Cụ thể hơn Trung Quốc đề nghị những gì với các đối tác Châu Á qua dự
án này? Đâu là những ý đồ của lãnh đạo Bắc Kinh? Dự án nào có
lợi nhiều hơn đối với các nước Á châu? Đó là những câu hỏi chuyên gia
kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa lần lượt trả lời.
TPP hay FTAAP ?
TPP thoạt đầu là sáng kiến do Brunei, Chi Lê, New Zealand và Singapore đề xướng vào năm 2005 để cưỡng lại áp lực của các quốc gia lớn trong khu vực. Cả bốn đều là những chú lùn về chính trị lẫn thương mại trong vùng Châu Á Thái Bình Dương. Thế rồi bốn năm sau đó, Hoa Kỳ nhập cuộc, lôi kéo theo nhiều quốc gia khác như Úc, Malaysia, Peru, Việt Nam, rồi Canada, Mêhicô và sau chót hết là Nhật Bản. Tuy không nói ra nhưng Washington muốn biến TPP thành một công cụ để kềm tỏa ảnh hưởng của Trung Quốc vào lúc Bắc Kinh đang tiến lại gần các quốc gia Đông Nam Á và cuốn hút khối ASEAN vào quỹ đạo của mình qua một loạt các thỏa thuận tự do mậu dịch.
Một khi hoàn tất, TPP trở thành khu vực kinh tế hơn 790 triệu dân,
đóng góp 40% GDP và chiếm 1/3 thương mại toàn cầu. Các chuyên gia Mỹ
xem TPP là "hiệp định thương mại của thế kỷ XXI" và sẽ là vế kinh tế
trong chính sách "xoay trục về châu Á" của tổng thống Obama bên cạnh vế
quân sự qua hàng loạt các thỏa thuận giữa Washington với các đối tác như
Philippines, Úc và kể cả với Việt Nam hay Ấn Độ.
Trước mắt, tham vọng đóng một vai trò then chốt toàn diện – từ kinh tế
đến ngoại giao, chiến lược –tại Châu Á Thái Bình Dương của Hoa Kỳ qua
hiệp định Thương mại Xuyên Thái Bình Dương còn vấp phải nhiều trở ngại.
Bên cạnh những bất đồng về quyền lợi kinh tế, thương mại, Washington chủ
yếu chưa thuyết phục được các đối tác Á châu nghiêng hẳn về phía mình.
Bởi các đối tác của Mỹ vẫn bị giằng co giữa hai siêu cường kinh tế của
thế giới là Hoa Kỳ và Trung Quốc. Cụ thể nhất là trường hợp của Nhật
Bản. Tokyo đã đợi đến tháng 11/2011 mới gia tham gia đàm phán TPP cho dù
Tokyo từ trước tới nay vẫn khẳng định Nhật Bản là "cánh tay phải của Mỹ
tại châu Á".
Trung tâm hội nghị APEC tại Bắc Kinh
REUTERS/Jason Lee
Nhìn sang góc bên kia của đấu trường thì Bắc Kinh từ tháng 11/2012 tại thượng đỉnh Đông Á ở Cam Bốt đã đề xuất sáng kiến thành lập Hiệp Đinh Đối Tác Kinh Tế Toàn Diện Khu Vực – RCEP bao gồm 10 thành viên của ASEAN với 6 quốc gia mà Hiệp Hội Đông Nam Á đã ký kết hiệp định tự do mậu dịch. Sáu nước đó là Úc, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand.
Hàn Quốc và New Zealand hiện không tham gia hiệp ước Xuyên Thái Bình
Dương của Mỹ. Bắc Kinh đặc biệt chiếu cố Hàn Quốc do Seoul là một đồng
minh truyền thống của Washington, và đang có tranh chấp chủ quyền biển
đảo với Nhật Bản. Lôi kéo được Hàn Quốc vào vòng ảnh hưởng của mình là
một thắng lợi lớn của Trung Quốc không chỉ trong lĩnh vực kinh tế,
thương mại mà cả về phương diện ngoại giao và địa chính trị. Không phải
tình cờ mà trước khi thượng đỉnh Diễn Đàn Hợp Tác Kinh Tế Châu Á Thái
Bình Dương khai mạc, Trung Quốc và Hàn Quốc đã chính thức ký kết hiệp
định tự do mậu dịch song phương.
Dù sao đi chăng nữa hiệp định RCEP liên quan tới một nửa dân số trên
hành tinh và 1/3 tổng trao đổi mậu dịch toàn cầu. Nhưng chiến lược chiêu
dụ các quốc gia trong vùng Châu Á Thái Bình Dương của Bắc Kinh không
dừng lại ở đó. Trung Quốc đưa ra một kế hoạch rộng lớn hơn, bao gồm cả
Mêhicô, Peru, và nhất là Nga trong khuôn khổ hiệp định FTAAP Khu Vực
Thương Mại Tự Do Châu Á Thái Bình Dương.
Dự án TPP do Hoa Kỳ đề xướng càng gặp trở ngại thì kế hoạch FTAAP của Trung Quốc càng có cơ may thu hút các đối tác châu Á.
Khác biệt giữa TPP và FTAAP
Nguyễn Xuân Nghĩa: Trước hết cả hai sáng kiến của Hoa Kỳ
và Trung Quốc đều xuất phát từ châu Á, sau đó được hai cường quốc đối
nghịch trong khu vực này khai thác để vừa mở rộng ảnh hưởng của mình vừa
ngăn ngừa ảnh hương của đối phương (…)
Phía Bắc Kinh khởi đi từ Hiệp hội 10 quốc gia Đông Nam Á - ASEAN - để
cùng với mình lập ra một khu vực tự do mậu dịch chung. Khu vực đó từng
bước mời thêm Nhật, Hàn Ấn Độ, Úc và New Zealand tham gia. Dĩ nhiên là
với vai trò trọng yếu của Trung Quốc. Bắc Kinh có dự kiến lớn là mở ra kỷ nguyên phát triển Đông Á với
Trung Quốc là trung tâm để thiết lập mạng lưới an ninh và kinh tế dưới
cái dạng của "Con Đường Tơ Lụa" ngày xưa trải rộng trên biển và trong
đất liền, từ Indonesia của Đông Nam Á qua đến Trung Á. Để thực hiện dự
kiến, Bắc Kinh tung tiền mua chuộc các nước Á châu qua đầu tư và mậu
dịch. Giờ đây, Bắc Kinh đề nghị Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện của
Khu vực trải rộng từ Úc châu về tới Trung Quốc. Tham gia dự án này, các
nước Á châu sẽ có lợi thế là buôn bán với thị trường đông dân nhất.
Phía Mỹ thì khai triển sáng kiến Xuyên Thái bình dương TPP nhưng bất nhất vì mâu thuẫn bên trong khi đảng Dân Chủ và các nghiệp đoàn muốn duy trì chế độ bảo hộ mậu dịch và chưa khắc phục được các dị biệt quá lớn với một đối tác quan trọng là Nhật Bản. Việc đảng Cộng Hoà vừa thắng lớn tại Quốc hội có thể khai thông được bế tắc này về mậu dịch và chú ý hơn đến an ninh.
Dụng ý của Trung Quốc?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Trung Quốc công khai thừa nhận muốn Bắc
Kinh trở lại vị trí trung ương của khu vực Châu Á Thái Bình Dương kể cả
về mặt kinh tế lẫn quân sự. Điều đó có nghĩa là Bắc Kinh muốn gạt Mỹ ra
khỏi khu vực này. Ngoài ra, những quốc gia nào đi theo Trung Quốc thì sẽ
có lợi về kinh tế và sẽ được Bắc Kinh che chở, bảo đảm về an ninh.
Tuy nhiên các nước Đông Nam Á và Đông Á, đứng đầu là Nhật Bản thì đã
không tin vào những hứa hẹn của Trung Quốc, nhất là với những động thái
của Trung Quốc ở Biển Đông.
Vấn đề thứ nhì là tuy Bắc Kinh có tham vọng lớn lao như vậy nhưng
Trung Quốc có thế mà không có lực. Bản thân Trung Quốc trong nội bộ cũng
còn rất nhiều vấn đề cấp bách phải giải quyết. Ngoài một số khó khăn
kinh tế, Trung Quốc còn phải đối mặt với vấn đề hội nhập với những sắc
tộc …
Thế rồi vừa qua, vấn đề dấy lên ở Hồng Kông cũng đã làm nhiều nước
trong vùng phải suy nghĩ. Ở phía bên kia, cho dù Hoa Kỳ là một ông khổng
lồ còn đang ngủ quên, nhưng không ai lo ngại, Mỹ tuyên bố chủ quyền
lãnh thổ ở nơi này hay nơi kia. Đồng thời thì Hoa Kỳ vẫn có một sức mạnh
quân sự với khả năng đảm bảo an ninh cả khu vực Đông Á trước đà bành
trướng của Trung Quốc.
Lợi và hại khi đi theo Mỹ hay theo Trung Quốc
Nguyễn Xuân Nghĩa: Đương nhiên các nước Đông Á không thể
quyết định trong hai ngày thượng đỉnh APEC là họ sẽ tham gia vào khu vực
tự do mậu dịch TPP hay FTAAP. Vấn đề không thể có giải đáp trong ngắn
hạn mà là bài toán của năm, mười năm tới.
Vả lại Trung Quốc muốn trở lại với quy trình trong quá khứ của Liên
bang Xô Viết : phân công lao động. Bắc Kinh muốn mở rộng giao thương với
các quốc gia trong vùng để bổ sung cho những yếu kém của bản thân kinh
tế Trung Quốc. Thí dụ như Trung Quốc chủ trương mua rấ nhiều nguyên,
nhiên vật liệu để phát triển kinh tế của chính mình. Thế rồi bán lại cho
các đối tác thương mại do Trung Quốc sản xuất, tạo la một sự lệ thuộc
vào hàng hóa của Trung Quốc. Vì thế các nền kinh tế trong vùng sẽ bị Bắc
Kinh khuynh đảo, kiểm soát.
Tương tự như Liên Xô trước kia có mối liên hệ với các nước trong khối
COMECON ở Trung và Đông Âu theo kiểu phân công lao động có lợi cho Moscow. Ngược lại phía Hoa Kỳ có chủ trương
tự do kinh tế và làm gì có lợi cho nước Mỹ thì họ làm. Kết luận là tham
gia dự án với Mỹ thì có lợi và an toàn hơn. Muốn vậy, các nước Á châu,
từ Nhật Bản đến Nam Hàn, Úc, và cả Ấn Độ, cần gây sức ép với Mỹ về mối
nguy của Trung Quốc cho quyền lợi của Hoa Kỳ. Việc hăm dọa Mỹ là mình sẽ
đi với Trung Quốc có thể nằm trong toan tính đó.
Ai muốn làm ăn với Tầu thì cứ nhìn vào nền kinh tế Việt Nam đang bị lệ thuộc ra sao trước sức ép bành trướng, lấy thịt đè người của Tầu thì sẽ rõ!.. Dự án chiến lược bành trướng bá đạo dài hạn của Tầu, xem thế mà vẫn có thể chiêu dụ được nhiều con nai vàng ngơ ngác từ xa chưa từng có kinh nghiệm chống hiểm họa xâm lăng của Hán tộc như Việt Nam phải chống trả sự đồng hóa của Tầu trong suốt nhiều ngàn năm lịch sử. Chính sách "viễn giao cận công" của Tầu từ thuở Tần, Hán, Đường... dù xưa như trái đất, nhưng đến nay vẫn ru ngủ được nhiều nước phương xa; có dại thì cứ tìm đến xin thần phục, đến khi vỡ mộng thì đã lỡ làng trước nền chính trị nhân ái đạo đức giả hiệu cúa các con cháu Khổng Mạnh không thể giải quyết được mọi tự do, công bằng trước những đòi hỏi nhân quyền theo xu hướng dân chủ pháp trị thế giới ngày nay.
Trả lờiXóa