Nguyễn-Xuân
Nghĩa - Việt Báo141115
Hoa
Kỳ phải quan niệm lại đối sách với Trung Quốc - từ nay đến 2016
* Tập Cận Bình và Barack Obama tại Bắc Kinh *
Tại
Thượng đỉnh APEC vừa qua ở Bắc Kinh, lãnh đạo Hoa Kỳ và Trung Quốc đạt một thỏa
thuận được các con vẹt Dân Chủ và bọn "ôm cây", các nhóm bảo vệ môi
sinh, đánh giá là mang ý nghĩa thời đại: hai bên đồng ý về nhu cầu tiết giảm khí
thải để bảo vệ địa cầu khỏi nạn nhiệt hoá trong thế kỷ này. Giới bình luận đểu
cáng thì nói rằng "vào chi tiết mới ra chuyện độc", nhưng ít ra Tổng
thống Barack Obama và Chủ tịch Tập Cận Bình đã có dịp cười toe trước ống kính về
một thành quả biểu kiến. Còn lại là sự trống vắng.
Bài
này bàn về chuyện lấp đầy khoảng trống đó.
Ngay
từ nhiệm kỳ đầu, vào đầu Tháng Giêng 2009, Chính quyền Obama đã đánh giá sai
quan hệ Mỹ-Hoa, khi Ngoại trưởng tân nhậm Hillary Clinton tới Bắc Kinh khẳng định
rằng không để chuyện nhân quyền chi phối việc làm ăn giữa hai nước. Nhân đó bà kêu
gọi các đấng con trời tiếp tục mua trái phiếu Mỹ, tức là tiếp tục cho Mỹ vay tiền.
Clinton chẳng hiểu rằng Bắc Kinh có tiền mà không gửi qua Mỹ thì làm gì cho đồng
tiền khỏi mất giá?
Hai
năm sau, cũng qua ngòi bút Clinton và ý kiến của ban tham mưu trong Bộ Ngoại
giao, Chính quyền Obama nói đến việc "chuyển trục" về Đông Á, làm các
nước Á Châu nức lòng tin tưởng. Nhưng Chú Cuội chỉ múa với Chị Hằng được một
con trăng, màn chuyển trục hay "pivot" được sửa thành "tái quân
bình". Rồi để đó từ năm 2012.
Không,
trước đà bành trướng của Bắc Kinh khiến các nước Á Châu lo ngại, năm 2012, Chính
quyền Obama còn mời Trung Quốc tham dự cuộc thao dượt quân sự RIMPAC với 22 quốc
gia trong vành cung Á châu Thái bình dương, lần đầu tiên kể từ năm 1971. Cũng hợp
lý thôi: không mời em vào chơi để phơi của quý thì làm sao biết của quý của em nó
quý đến cỡ nào!
Hãy
nói về chuyện sinh tử hơn vậy.
Từ
hai chục năm nay, qua bốn nhiệm kỳ của hai Tổng thống cả Dân Chủ lẫn Cộng Hoà,
lãnh đạo Hoa Kỳ đều theo đuổi một chánh sách có tính chất lưỡng đảng - và hai mặt.
Mặt tích cực là nên kết ước với Trung Quốc, cứ hợp tác làm ăn để cường quốc mới
nổi này trở thành đối tác biết điều và cùng Hoa Kỳ gánh vác thiên hạ sự từ hai
bờ biển Thái bình. Nhưng đồng thời cũng phải có ý phòng thủ nếu Bắc Kinh lại chẳng
biết điều mà chơi bạo. Đó là mặt kia.
Chánh
sách đó từ thời Bill Clinton mới cho Trung Quốc quy chế "tối huệ quốc"
rồi được Quốc hội Cộng Hoà nâng cấp thành "quan hệ mậu dịch bình thường và
thường trực" để mở đường cho Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới
WTO từ cuối năm 2001 và vươn lên thành một thế lực kinh tế trong vùng. Nhưng cũng
Chính quyền Clinton vào Tháng Ba năm 1996 đã gửi hai hàng không mẫu hạm vào Eo
biển Đài Loan khi Bắc Kinh bắn hỏa tiễn qua đầu đảo quốc này trong lúc dân chúng
lần đầu tiên đi bầu Tổng thống theo thể thức phổ thông đầu phiếu.
Xin
nhắc lại: lần đầu tiên trong lịch sử mấy ngàn năm mà dân Tầu trực tiếp đi bầu lãnh
tụ nhưng Bắc Kinh lại không ưa một tiền lệ nguy hiểm như vậy và tìm cách phá bĩnh
nên mới phóng hỏa tiễn qua không phận Đài Loan để hăm dọa. Cho tới khi Mỹ gửi
chiến hạm vào làm nguội cái hỏa khí trên đầu Thiên tử đỏ!
Ngay
từ đây rồi, một viên tướng của Bắc Kinh đã giở giọng hỗn khi hỏi một nhà ngoại
giao Mỹ: quý quốc có thể hy sinh Los Angeles hay San Francisco để bảo vệ Đài
Loan không? Lối suy nghĩ ấy cho thấy rằng hai chục năm sau là ngày nay, Hoa Kỳ
cần duyệt lại chánh sách hai mặt kết ước và phòng thủ với Trung Quốc. Vì phần kết
ước thì có lợi cho Trung Quốc, khía cạnh phòng thủ có tính chất dương cương thì
chưa có tác dụng thuyết phục.
Hai
chục năm sau, lãnh đạo Bắc Kinh không biết điều hơn. Bên trong còn tập trung
quyền lực và gia tăng chà đạp nhân quyền. Với bên ngoài thì uy hiếp lân bang,
trong khi không che giấu tham vọng quân sự là kiểm soát vùng Tây Thái bình dương
được gọi là "quyền lợi cốt lõi" Lý luận ngoại giao thì đầy chất mị dân:
"Á châu là của người Á" - không phải của Mỹ. Mà người Á ở đây là
"thiên hạ" ngàn đời dưới sự lãnh đạo của Thiên triều. Về mặt quân sự đang
tiến hành thì đó là chiến lược ngăn cản chiến hạm Hoa Kỳ đi vào vùng biển mà Trung Quốc gọi là
của mình.
Sự
thật này đã càng tỏ lộ trong nhiệm kỳ hai của Tổng thống George W. Bush, khi Mỹ
lún sâu vào trận chiến chống khủng bố toàn cầu và bận rộn với hai chiến trường
nóng là Afghanistan và Iraq. Vì vậy, người ta chờ đợi là qua triều đại Obama, từ
đầu năm 2009, lãnh đạo Hoa Kỳ phải có chánh sách mới.
Quả
nhiên là mới - và lạ. Hoa Kỳ tiếp tục kết ước và còn ra sức hòa dịu với Bắc
Kinh để Tổng thống rộng tay cải tạo nước Mỹ ở bên trong. Khi Trung Quốc tỏ vẻ
hung hăng thì Obama nói đến việc chuyển trục cho bảnh, rồi cho cái trục xoay
trong chân không. Khi Ngoại trưởng Cliton tới Bắc Kinh mời chào trái phiếu của
Mỹ thì cũng là lúc ngân sách Hoa Kỳ bị bội chi tới đáy. Vài năm sau, khi Hoa Kỳ
hăm dọa sẽ đưa 60% phương tiện hải quân vào biển Thái bình thì cũng là lúc ngân
sách quốc phòng bị cắt.
Chẳng
ai ngạc nhiên là Bắc Kinh nhân dịp mở rộng khu vực kiểm soát phòng không ADIZ,
thè cái lưỡi bò đòi liếm lung tung và tung phương tiện vào không gian điện toán
để xục xạo bí mật an ninh và kinh tế của Hoa Kỳ. Sáu năm vừa qua đã thấy quan hệ
Mỹ-Hoa trở nên tồi tệ hơn và nước Mỹ mất dần sự khả tín. Đồng minh không tin mà
đối thủ cũng chẳng sợ.
Nhưng
may là Hoa Kỳ có nền dân chủ và sau khi mua hớ những lời hứa nhảm thì dân Mỹ cũng
có thể sửa sai bằng lá phiếu. Trong cuộc bầu cử tuần qua, họ mạnh tay trao lại
quyền kiểm soát cho đảng Cộng Hoà tại Quốc hội. Và trong hai năm tới, Hành pháp
Obama rơi vào cảnh "vịt què"....
Hiến
pháp Hoa Kỳ giới hạn quyền Tổng thống bằng các định chế bên trong như Quốc hội
hay Tối cao Pháp viện. Khi lâm vào thế yếu và muốn để lại danh tiếng cho đời thì
một Tổng thống Mỹ vịt què chỉ có thể tìm kiếm thành quả về đối ngoại - qua một
bản hiệp định về khí hậu chẳng hạn! Nhưng với đảng Cộng Hoà đa số tại Thượng viện,
quyền phê chuẩn hay nhượng bộ cũng lọt khỏi tay đảng Dân Chủ. Và sau cuộc bầu cử
2014, dân Mỹ còn có tổng tuyển cử vào năm 2016.
Trong
hai năm tới, phe Cộng Hoà sẽ rà soát và xiết lại những nhượng bộ đã qua và vì
viễn ảnh bầu cử Tổng thống năm 2016, phải vạch ra một đối sách khác với Trung
Quốc. Hai năm đó cũng là giai đoạn khó khăn cho lãnh tụ Tập Cận Bình khi phải cải
cách kinh tế ở nhà, với đà tăng trưởng giảm sút chưa từng thấy từ mấy chục năm
nay, trong khi đồng Mỹ kim cứ vùn vụt lên giá.
Bối
cảnh đó khiến chúng ta lần lượt xét lại việc Trung Quốc và Hoa Kỳ tái lập cái
thế quân bình trên vùng biển Thái bình dương trước sự thẩm xét của các nước Á
châu. Và chỉ nên coi dự án cải thiện khí hậu như một điệu vũ cho vui.
Một
cảnh múa đôi huê dạng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét