Thứ Tư, tháng 9 30, 2015

Hàng Việt Nam – Chế Tạo Tại Nước Ngoài

Nguyên Lam & Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA Ngày 150930
"Diễn đàn Kinh tế"  


Vì sao chưa thể có "Hàng Việt Nam"?  
 
Những cửa hàng "Made in Vietnam"  trên đường phố.
* Những cửa hàng "Made in Vietnam" trên đường phố. Photo Ngoc Lan * 





Với viễn ảnh gia nhập Hiệp ước Xuyên Thái Bình Dương TPP trong vài năm tới, Việt Nam hy vọng buôn bán tự do với một khu vực rộng lớn của 12 quốc gia có sản lượng bằng 40% của toàn cầu. Khi ấy, quy chế về thương hiệu được đặt ra. Đó là điều kiện ưu đãi chỉ áp dụng cho các hàng hóa hay dịch vụ chế tạo tại một quốc gia thành viên của khu vực TPP. Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu về vấn đề xuất xứ chế tạo qua cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa.


Nguyên Lam: Xin kính chào ông Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, kinh tế Việt Nam có cơ hội phát triển mới xuất phát từ hai chuyển động quốc tế. Một là Trung Quốc ở vào giai đoạn chuyển hướng với đà tăng trưởng thấp hơn và hết chiếm lĩnh ưu thế chế biến hàng tiêu dùng nhờ nhân công rẻ. Hai là Việt Nam sẽ cùng 11 nước khác gia nhập khu vực tự do thương mại Xuyên Thái Bình Dương, gọi tắt là TPP. Trước viễn ảnh đó, Việt Nam hy vọng thu hút đầu tư của nước ngoài để thành một công xưởng ráp chế hàng hóa phần nào thay thế thị trường Trung Quốc và bán cho các nước trong khối TPP dưới nhãn hiệu là “Hàng Việt Nam”. Nhưng mà nhìn từ giác độ của các thành viên TPP thì thế nào là “Hàng Việt Nam”? Vì câu hỏi này đang gây tranh luận ở trong nước, xin hỏi là ông người ta nên nghĩ sao về một giải đáp thỏa đáng?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi trộm nghĩ rằng người ta sở dĩ tranh luận chỉ vì lầm lẫn về ngôn từ. Tôi xin được đi ngược lên khái niệm sản xuất để chúng ta cùng hiểu ra điều ấy.

- Khi thấy thị trường có một nhu cầu chưa được thỏa mãn mà mình muốn đáp ứng để kiếm lời thì trước hết phải có sáng kiến sản xuất ra loại hàng hóa giải quyết nhu cầu đó của thị trường. Yếu tố then chốt ở đây là “sáng kiến”, kế tiếp mới là bố trí sản xuất để từ đó có một sản phẩm hoàn tất. Việt Nam mà có sáng kiến và khả năng tổ chức để sản xuất thì sẽ có “Sản phẩm của Việt Nam” hoặc nói theo Anh ngữ là “Product of Vietnam”. Chỉ trong trường hợp đó ta mới gọi “Sản phẩm của Việt Nam” hay “Hàng Việt Nam”.

- Yếu tố quyết định là sáng kiến và khả năng tổ chức để tìm ra kỹ thuật, thiết bị và nguyên vật liệu hầu sản xuất ra một mặt hàng trước đấy chưa có. Việt Nam chưa đi tới trình độ ấy, về cả sáng kiến lẫn tổ chức sản xuất, nên chưa thể có “Sản phẩm của Việt Nam” hay “Hàng Việt Nam”. Đấy là chuyện có thể hiểu được, nhưng bị lãng quên vì cái bệnh tự ru ngủ và hài lòng với sự tầm thường.

- Vì chưa có khả năng, Việt Nam phải ăn theo thị trường. Hình thái nhỏ là khi thấy thiết bị đi động của nước ngoài ăn khách thì ta sản xuất các nhóm phụ kiện, như cho smart phone hay tablet của Mỹ và Đại Hàn, với giá rẻ mà phẩm chất và độ bền thì còn thua hàng phụ kiện của hãng chính hay của Trung Quốc. Khi mới bước vào loại hàng có kỹ thuật cao thì chỉ làm được như vậy mà thôi.

Yếu tố quyết định là sáng kiến và khả năng tổ chức để tìm ra kỹ thuật, thiết bị và nguyên vật liệu hầu sản xuất ra một mặt hàng trước đấy chưa có. Việt Nam chưa đi tới trình độ ấy, về cả sáng kiến lẫn tổ chức sản xuất, nên chưa thể có “Sản phẩm của Việt Nam” hay “Hàng Việt Nam” - Nguyễn-Xuân Nghĩa
- Lên một trình độ khác thì xem xứ khác đang kiếm tiền bằng cách nào ta cố bắt chước, là khai thác sáng kiến của người khác để tham gia vào tiến trình sản xuất. Đa số các quốc gia đang phát triển đều ở vào trường hợp đó là khai thác sáng kiến của các nước tiên tiến để góp phần thỏa mãn một nhu cầu của thị trường. Yếu tố then chốt ở đây là “góp phần”.

Nguyên Lam: Khi ông nói “góp phần” thì người ta phải tìm hiểu xem là đóng góp chừng nào và cái phần nào trong sản phẩm là của mình và phần nào là của người khác, của nước khác. Thưa ông có phải là như vậy không?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thưa rằng đúng như vậy và khi ấy ta cần nhìn qua lĩnh vực kế toán.

- Về mặt thương mại, ta biết giới tiêu thụ thường ưa mặt hàng xuất phát từ các quốc gia nổi tiếng. Thí dụ như trang phục xa xỉ đắt tiền mà có nhãn hiệu là “Hàng Pháp” hay “Sản phẩm của Pháp” hoặc “Chế tạo tại Pháp” thì được chiếu cố hơn hàng của Thái Lan chẳng hạn, nên có thể bán cao giá hơn. Thí dụ kia là hàng công nghệ cao của Mỹ, Nhật, Hàn. Khi ấy, vấn đề của quốc gia xuất xứ được đặt ra. Đó là quy chế về “quan thuế” mà Việt Nam cứ gọi sai là “hải quan” vì nhiều cửa quan như phi cảng Tân Sơn Nhất hay Nội Bài chẳng là hải cảng. Theo quy chế này, chỉ được phép gọi là Hàng của Pháp, của Mỹ hay của Nhật Bản, Đại Hàn nếu các nước đó góp phần sản xuất tới hơn 50% của giá thành khi xuất xưởng. “Giá xuất xưởng” là một khái niệm kế toán được các nước cùng chấp nhận và tín nhiệm dù đây đó tại Việt Nam thì vẫn có gian lận.


Nhãn hiệu Made in Vietnam
Nhãn hiệu Made in Vietnam


Nguyên Lam: Nguyên Lam bắt đầu hiểu diễn tiến suy luận của ông. Giả dụ như hãng Samsung của Đại Hàn có sáng kiến về loại điện thoại cao cấp và tổ chức việc sản xuất sao cho có lợi nhất, với giá rẻ mà phẩm chất cao, thì họ có thể thiết lập cơ xưởng ráp chế tại Việt Nam hay Malaysia. Với công nghệ và thiết bị Hàn quốc, phụ tùng hay phụ kiện của Nhật Bản dưới sự quản lý của kỹ sư Đại Hàn để điều khiển nhân công Việt Nam hoặc Mã Lai sản xuất ra điện thoại có nhãn hiệu là “Sản phẩm Đại Hàn”. Trong suốt tiến trình này, từ nguyên vật liệu lên hàng bán chế phẩm rồi sản phẩm hoàn tất được đóng hộp để bán ra ngoài thì nhiều quốc gia có thể tuần tự góp phần, nhưng phần chính, hơn phân nửa của giá xuất xưởng, là của Hàn quốc. Thưa ông, có phải là phương pháp kế toán mới lần lượt bút ghi tiến trình tích lũy giá trị của sản phẩm hay không?

Áo quần giày dép của Việt Nam với phần đóng góp chủ yếu là của Trung Quốc. Loại sản phẩm đó không thể nào lọt qua ải TPP dù có dán nhãn là “Hàng Việt Nam” vì các thành viên đều truy lên quốc gia xuất xứ không phải là Việt Nam - Nguyễn-Xuân Nghĩa


Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thưa vâng và khi ấy, khái niệm “góp phần” hay “trị giá gia tăng” mới được đặt ra. Trong thế giới gọi là “toàn cầu hóa” ngày nay, còn rất ít sản phẩm là do một xứ sản xuất nguyên vẹn 100% mà thường là kết quả của nhiều nước cùng tham gia. Vấn đề chính là nước nào quyết định, căn cứ trên cái gì? Nếu năng suất hoặc tay nghề của nhân công Việt Nam mà kém nhân công Mã Lai chẳng hạn thì Samsung có thể dời hãng xưởng mà vẫn có “Sản phẩm Đại Hàn” nhưng ráp chế tại Mã Lai thay vì ráp chế tại Việt Nam. Khi ấy ta mới cần phân biệt các mặt hàng gọi là “Product of Vietnam”, với “Made in Vietnam” hay “Manufactured in Vietnam”, tức là “Sản phẩm của Việt Nam” khác với “Chế tạo hay Ráp chế hoặc Chế biến tại Việt Nam”.

- Việt Nam mới ở vào trình độ góp phần ráp chế hay chế tạo thôi. Khi Bộ Công Thương của Hà Nội hãnh diện về Sản phẩm của Samsung dán nhãn “Hàng Việt Nam” thì họ bị hoang tưởng hoặc nhập nhằng về quy chế thương hiệu. Đấy chỉ là “Sản phẩm Đại Hàn” với phần đóng góp của Việt Nam chưa tới 50%. Trường hợp tương tự chính là áo quần giày dép của Việt Nam với phần đóng góp chủ yếu là của Trung Quốc. Loại sản phẩm đó không thể nào lọt qua ải TPP dù có dán nhãn là “Hàng Việt Nam” vì các thành viên đều truy lên quốc gia xuất xứ không phải là Việt Nam.


Áo sơ mi Made in Vietnam
Áo sơ mi Made in Vietnam


Nguyên Lam: Nói về viễn ảnh gia nhập khu vực Xuyên Thái Bình Dương TPP, giới đầu tư quốc tế đã nhìn vào thị trường Việt Nam như một cơ hội mới, thí dụ trong các ngành may mặc áo quần, để “Hàng Việt Nam” được ưu đãi về quan thuế khi bán cho 11 nước kia. Nhưng khốn nỗi trong cấu trúc Hàng Việt Nam ấy thì phần đóng góp của Trung Quốc lại chiếm đa số vì Việt Nam chưa có nguyên nhiên vật liệu và nhiều phụ tùng lắt nhắt, từ cái khóa trên áo hay sợi dây của đôi giày nên cứ phải nhập từ Trung Quốc. Thưa ông, làm sao mình có thể giải quyết vấn đề ấy?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi xin đi từ chuyện xa đến chuyện gần thì dễ thấy toàn cảnh. 

- Năm 1980 Bộ Công Thương Quốc Tế MITI của Nhật, nay là Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp METI, lập ra Viện Khoa học Công nghiệp và Thuật lý (Agency of Industrial  Science and Technology) AIST có nhiệm vụ phối hợp hoạt động của 16 trung tâm nghiên cứu trên toàn quốc với ngân sách rất cao để nghiên cứu và thực hiện 25 dự án ưu tiên nhằm giải quyết vấn đề tài nguyên và sản xuất và giữ vị trí khoa học tiên tiến cho Nhật. Cho đến nay, dù có sản lượng kinh tế đứng hạng ba, Nhật vẫn có ngân sách nghiên cứu và phát triển hạng nhất nên tiếp tục có những sáng kiến tiên tiến.

- Gần với chúng ta hơn thì năm 1966, khi kinh tế Nam Hàn còn thua kinh tế miền Nam Việt Nam, Hội đồng Kế hoạch của họ đã đề ra hướng phát triển công nghiệp cho 20 năm sau của ba lớp kỹ nghệ. Ba lớp đó là 1/ các ngành phôi thai non yếu như thép, đóng tầu, phân bón và ráp chế điện tử, 2/ các ngành có khả năng cạnh tranh là dệt sợi, áo quần hay giày dép – như Việt Nam ngày nay - và lớp 3/ là các ngành có thể tự túc. Cứ mỗi năm năm thì sự yểm trợ của nhà nước và các tập đoàn sản xuất của tư nhân phải nâng ngành ở lớp dưới lên lớp trên. Tiêu chí của họ là phải bắt kịp và vượt Nhật trên thị trường xuất khẩu. Kết quả là nửa thế kỷ sau, là ngày nay, sản phẩm Đại Hàn như xe hơi hay điện thoại đang chiếm thị phần rất cao trên trường quốc tế của Mỹ, Nhật, Âu.

Nhắc đến kỹ nghệ đóng tầu của Đại Hàn, 20 năm trước còn là phôi thai mà sau đó đã vượt Nhật Bản, còn VN thì 10 năm trước mới sinh ra hiện tượng Vinashin với kết quả tồi tệ ra sao thì ta đã rõ. Một tập đoàn kinh tế nhà nước có sự yểm trợ mọi mặt của nhà nước mà còn vậy thì làm sao tư doanh VN có thể cạnh tranh với nhà nước và với quốc tế sau này? Nguyễn-Xuân Nghĩa


- Trong suốt tiến trình đó, hai nước đang dẫn đầu Đông Á vốn có ít tài nguyên và nhân lực nội địa là Nhật Bản và Đại Hàn đã phát huy sáng kiến và tổ chức để tìm nguồn cung cấp nguyên vật liệu và lao động. Họ lập ra chu trình cung cấp và điều hướng việc đầu tư ra ngoài để dùng bắp thịt và vật liệu của xứ khác. Nếu nhớ lại thì ta tự hỏi rằng trong những năm đó, Việt Nam làm gì và nghĩ gì để ngày nay đi mua vật liệu của Trung Quốc và bán bắp thịt của mình nhờ lương rẻ hầu có phần đóng góp rất nhỏ?


Nguyên Lam: Như ông vừa trình bày kinh nghiệm của các nước đi trước thì việc có được “Sản phẩm Việt Nam” thay vì chỉ có “Sản phẩm Ráp chế tại Việt Nam”, người ta cần khởi sự từ cái đầu, từ khả năng phát huy sáng kiến và tổ chức. Mà có phải là khả năng đó đòi hỏi tầm nhìn dài hạn của giới lãnh đạo kinh tế và doanh nghiệp hay không?


Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Đúng như vậy và tôi nhắc đến kỹ nghệ đóng tầu của Đại Hàn, 20 năm trước còn là phôi thai mà sau đó đã vượt Nhật Bản, còn Việt Nam thì 10 năm trước mới sinh ra hiện tượng Vinashin với kết quả tồi tệ ra sao thì ta đã rõ. Một tập đoàn kinh tế nhà nước có sự yểm trợ mọi mặt của nhà nước mà còn vậy thì làm sao tư doanh Việt Nam có thể cạnh tranh với nhà nước và với quốc tế sau này? Nếu ta có thấy “Hàng Việt Nam” trong loại phụ kiện cho Samsung hay Apple mà chỉ có ưu thế rẻ tiền mà chóng hư thì mình hiểu ra nguyên do sâu xa của vấn đề.

- Sau cùng, ta chẳng nên quên rằng trong hai chục năm qua, công nghệ của thế giới cũng thay đổi nên phí tổn sản xuất của nguyên vật liệu như tơ sợi hay hàng dệt giảm mạnh, với phần đóng góp ít hơn của nhân công và nhiều hơn của thiết bị máy móc. Vì vậy, Việt Nam nên nhìn xa vào đó để tìm nguồn sản xuất và cung cấp khác ngoài Trung Quốc hầu khai thác được lợi thế về thuế khóa của hệ thống TPP. Chỉ với tinh thần đó thì mình mới có “Hàng Việt Nam” đích thực. Yếu tố then chốt ở đây là tinh thần, là tầm nhìn. Chưa khắc phục được bài toán ấy thì mình chỉ đi làm hàng nhái, hàng giả và “Made in Vietnam” vẫn đồng nghĩa với hàng rẻ mà chẳng bền!

Nguyên Lam: Xin cảm tạ ông Nghĩa về bài học thấm thía này.

Thứ Ba, tháng 9 29, 2015

Bây Giờ Chưa Đến Tháng Mười



Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người Việt Ngày 150929
"Hoa Kỳ Nhìn Từ Bên Ngoài"

 
Mà người Mỹ đã cười cười đi đốt nhà….

* Đếm không xuể *


Người viết không tính bình nghị gì về cuộc tranh cử tổng thống tại Hoa Kỳ. Bây giờ chưa đến Tháng Mười 2016, tức là còn cả năm nữa mới đến ngày dân chúng đi bỏ phiếu. Nhưng thời sự tuần qua khiến mình phải nhìn lại Hoa Kỳ, từ bên ngoài.

Tuần qua, nước Mỹ chào đón một anh tổ sư vô thần là Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc, người cầm đầu nền kinh tế thần kỳ đã làm thế giới kinh ngạc rồi kinh hãi về sức mạnh lẫn nhược điểm. Nhưng chuyến Mỹ du của họ Tập lại như trái bóng bay. Rất huê dạng đi tìm cái đinh lơ lửng.

Cái đinh của thời sự tuần qua là việc dân Mỹ chào đón bậc lãnh đạo Giáo hội Công giáo Hoàn vũ, đức Giáo hoàng Francis. Trái bóng của kẻ vô thần đã bể vì cái đinh của niềm tin tôn giáo. Chẳng ai nói đến Tập Cận Bình mà chỉ theo dõi từng sinh hoạt của đức Thánh Cha trong sáu ngày liền cho đến khi ngài lên máy bay vào tối Chủ Nhật 27 tại Philadelphia để trở về Roma.

Chi tiết rất bàng bạc ấy cho thấy cái hồn của nước Mỹ nằm ở đâu. Đức Giáo hoàng có thể  nói đến vài điều nhạy cảm trong hai cánh tả hữu của xã hội Mỹ, nhưng ngoài giới bình luận chính trị, chẳng mấy ai quan tâm đến chuyện ấy mà chỉ thấy toát ra tinh thần sùng tín của dân chúng ở mọi nơi Giáo hoàng Francis đi qua, hay dừng lại…

Tuy nhiên, giữa hai chuyến công du của đấng Chủ chăn và anh Chủ tịch thì nước Mỹ lại biểu diễn một màn ngoạn mục khác về sức mạnh của nền dân chủ. Xin nói ngay là sức mạnh tự sát. 


***


Biến cố bất ngờ khiến người ta chú ý đến sinh hoạt dân chủ tại Hoa Kỳ là việc đảng Cộng Hòa đã tiến hành “tiêu thổ kháng chiến” bằng cách… tự đốt nhà mình: Dân biểu John Boehner phải tự kết thúc sự nghiệp dân cử và Chủ tịch Hạ viện. Sai lầm của ông là tin vào tinh thần lưỡng đảng và giải pháp thỏa hiệp để thông qua những luật lệ ít tệ nhất. Và cái tội của ông là sau khi bị Hành pháp Obama lường gạt vài lần từ 2010 đến nay thì vẫn cố tin vào sự hợp tác ấy.

Nói theo kiểu Nhu đạo Judo, John Boehner bèn đánh một đòn sutemi, là tự hy sinh để cứu vãn nghị trình còn lại của đảng, hầu tránh được trận thư hùng về ngân sách với rủi ro sẽ làm một số cơ quan công quyền phải tạm đóng cửa vì ngân sách liên bang thiếu thanh khoản trả lương công chức. Phe bảo thủ cực đoan trong đảng – chủ yếu là thính giả các đài phát thanh địa phương và phong trào Tea Party - thì cố giật xập tất cả để mọi người chú ý đến việc ngân sách công quyền đã tài trợ tổ chức “Planned Parenthood”, một tổ chức cực đoan cổ võ quyền phá thai để giải phóng phụ nữ, nhân thể bán cơ thể thai nhi kiếm tiền. Dù không muốn chuyện thương tâm và ghê tởm như vậy xảy ra, người bình thường vẫn có thể cân nhắc chiến thuật đấu tranh thay vì đốt sạch nghị trường như vậy.

Có cái gì hơi quá quắt trong sinh hoạt dân chủ của nước Mỹ.  Khi ấy, ta mới nhìn lại cuộc tranh cử tổng thống. Nó còn vất vả và dài dòng hơn một cuộc chạy băng đồng việt dã. Một trận marathon với những phi lý ngút ngàn. 


***


Trước hết, xin nói về đảng Dân Chủ đang nắm Hành pháp kể từ cuộc bầu cử 2008 và kiểm soát cả lưỡng viện Quốc hội trong nhiều năm. Ca hai đảng không gây ra Tổng suy trầm 2008, nhưng đảng Dân Chủ lại cầm quyền trong gần bảy năm qua và tự tuyên dương thành tích phục hồi kinh tế.

Vậy mà ngần ấy chuẩn ứng cử viên Tổng thống đều than phiền về tình trạng bất công xã hội, lợi tức sa sút của thành phần trung lưu và nỗi lầm than của dân nghèo. Họ không nhìn ra tương quan nhân quả - chánh sách nào, của ai, đã gây ra tình trạng đó? - mà chỉ khai thác nỗi bất mãn của cử tri.

Nhân vật sáng tạo nhất trong số này là Nghị sĩ Bernie Sanders thì tìm lên Karl Marx lý do giải thích và đòi xây dựng xã hội chủ nghĩa. Ông ta chưa trưởng thành sau khi là sinh viên đập phá xã hội tư bản và đòi làm cách mạng vô sản từ những năm 60 của thế kỷ trước! Trong 25 năm tại Thượng viện, ông không để lại một sự nghiệp hay dự luật nào là đáng kể và nay lại vượt mặt các chính khách chuyên nghiệp.

Người như vậy cũng làm Nghị sĩ và nay ra tranh cử Tổng thống thì nước Mỹ quả là hết thời!

Nói vậy là quên Hillary Clinton, cho tới nay vẫn là ngôi sao sáng của đảng Dân Chủ. Đây là nhân vật có rất nhiều cái nhất, Đệ nhất Phu nhân và vân vân, nhưng đang bị cơ quan FBI điều tra và chỉ được 23% dân chúng tín nhiệm về sự lương thiện. Hụt mất 27 điểm mới lên tới mặt nước. Nhưng mặt mày vẫn tươi rói vì nhìn quanh thì chẳng ai bằng. Nước Mỹ hết thời vì hết người?

May là vẫn còn ông Phó Biden, bậc trưởng lão có khả năng chọc cười vô tận vì những phát biểu ngây ngô. Ít ra thì Phó Tổng thống chỉ ngây thơ chứ không gian trá như cựu Ngoại trưởng Clinton.


***


Nhưng bảo rằng nước Mỹ hết người là oan cho đảng Cộng Hòa. Đảng ta có cả chục ứng cử viên, xin đếm theo “chục Sa Đéc”, rơi vãi mãi vẫn còn hơn một tá. Sau khi hai ứng viên rút lui thì hàng ngũ vẫn nhấp nhô 15 mạng.

Người viết này rất thích chợ trời, là nơi mọi thứ đều bán rất rẻ, và xấu tốt lẫn lộn nên người tinh thì dễ kiếm được món hời. Nhưng vào “Chợ trời Cộng Hòa” thì chỉ thấy ù tai vì những lời đả kích nháng lửa.

Nổi bật với mái tóc rơm rác là lời rác rưởi của tỷ phú Donald Trump. Vừa nhập cuộc đua có vài phút, và trong nhiều tháng liền, Con Donald này chửi khắp bàn dân thiên hạ và tấn công cả thành phần cử tri cần thiết cho một đa số cầm quyền sau này là phụ nữ và dân thiểu số da màu. Nhưng hậu thuẫn của ông ta vẫn cứ lên như diều.

Cũng lại như một trái bóng đang tìm cái đinh.

Cái đinh ấy không là các ứng cử viên đã từng là chính khách chuyên nghiệp và có thành tích kinh bang tế thế như các Thống đốc Jeb Bush, Rich Perry, Chris Christie hay Scott Walker. Thành phần này ngậm hột thị và bị cướp diễn đàn nên chẳng thể bày tỏ cơ hội và khả năng cứu quốc. Mà truyền thông thì coi chuyện ấy như pha nên chỉ tìm nơi nháng lửa mà rọi đèn. Hấp dẫn hơn nhiều!

Cái đinh ấy là hai người chưa từng bước vào chính trường, bác sĩ Ben Carson và doanh gia Carly Fiorina. Từ hai góc, hai nhân vật ngoại hạng này, một người da đen và một phụ nữ, đều chứng minh sự bất lực của các chính khách và tính chất hàm hồ của một tay phi chính trị là Con Donald kia. Có cái gì đó rất bất ổn trong nền dân chủ Hoa Kỳ.

Giới chính trị và các xu hướng trung tả trung hữu truyền thống đều không còn được tín nhiệm, kể cả Chủ tịch Hạ viện John Boehner hay Trưởng khối đa số Mitch McConnell của đảng Cộng Hòa tại Thượng viện. Còn Quốc hội thì bị dìm dưới nước với tỷ lệ tín nhiệm cứ mấp mé 10%. Vì vậy, quần chúng của cả hai đảng đi tìm giải pháp ở vòng ngoài.

Ở ngoài cùng là vài kẻ thích đốt nhà, như Bernie Sanders hay Donald Trump. Dân Mỹ đang muốn nhờ họ đi dập đám cháy?

______

Chuyện chỉ có tại nước Mỹ

Nói về đám cháy, hôm Thứ Bảy 26 vừ qua, một người Mỹ mắc bệnh sợ nhện (tên khoa học gọi là arachnophobia) bỗng thấy con nhện khi đang bơm xăng trong một trạm ở Detroit. Rất nhanh trí, chàng bèn lấy bật lửa đốt con quái vật chưa bằng đốt tay, mà đốt ngay bên ống bơm xăng vào xe. Quy luật vật lý liền tác động. Chiếc xe bốc cháy. May là nhân viên bên trong lập tức khóa vòi xăng nên trạm bán xăng khỏi nổ. Người hùng chỉ bị phỏng nhẹ, nhưng con nhện thì đã thừa cơ biến mất! Bản tin có thật này là một nhắc nhở rằng nước Mỹ đang có bầu cử tổng thống, với hàng hàng lớp lớp những kẻ dám đốt nhà vì sợ nhện.

Thứ Năm, tháng 9 24, 2015

Volkswagen và Tai Họa Âu Châu



Hùng Tâm - Hồ Sơ Người Việt Ngày 150923

Con sâu làm rầu nồi canh… thiu?


 * Điêu tàn: cái xe lừng danh nhất của Volkswagen nằm ụ * 


Việc một doanh nghiệp gặp họa là chuyện thường tình. Nhưng doanh nghiệp ở đây là Volkswagen, hãng xe hơi đứng đầu thế giới, ngang ngửa với Toyota của Nhật. 


Volkswagen lại là doanh nghiệp của quốc gia dẫn đầu Âu Châu về sản lượng kinh tế. Mà Âu Châu đang gặp quá nhiều vấn đề, từ kinh tế tài chánh trong khối Euro đến di dân và người tỵ nạn. Mối họa của Volkswagen không chỉ làm cổ phiếu sụt giá hơn một phần ba, mất 24 tỷ Euro (hơn 26 tỷ Mỹ kim) từ đầu tuần và Tổng quản trị CEO là ông Martin Winterkorn phải từ chức sau khi nhận lỗi. Nó có thể gieo thêm tai họa cho kỹ nghệ xe hơi và cả kinh tế Âu Châu. Vì vậy, Hồ Sơ Người-Việt mới tìm hiểu chuyện này hầu quý độc giả.

Giải Thuật Ma Mãnh

Hãng Volkswagen bán khoảng 10 triệu xe một năm, trong đó có nhiều nhãn nổi tiếng toàn cầu và còn theo trào lưu bảo vệ môi sinh của thế giới để sản xuất loại xe chạy bằng dầu diesel có ưu điểm là ít gây ô nhiễm. Diesel là tên nhà khoa học người Đức đã phát minh ra máy diesel từ cuối Thế kỷ 19 có khả năng mồi lửa từ than và các loại dầu khác sau này.

Cái tội của Wolkswagen là từ năm 2009 đã cài một nhu liệu điện toán trong máy diesel, với chương trình “thuật toán” có thể biết khi nào chiếc xe được trắc nghiệm về lượng khí thải nitrous oxide thì tự động giảm độ thải theo một trình tự tinh vi (algorithm hay “giải thuật”) để đạt tiêu chuẩn về môi sinh của nhà chức trách. Nhờ ma thuật ấy, xe diesel của Wolkswagen được đánh giá là “sạch” mà thực tế lại thải ra một lượng khí độc cao gấp 40 lần mức pháp định. Tại Hoa Kỳ, một phần tư lượng xe của Volkswagen là dùng máy diesel.

Hai cơ quan Hoa Kỳ là EPA (Quản trị Môi sinh) và CARB (California Air Resources Board, do Thống đốc Ronald Reagan thành lập từ năm 1967 để kiểm soát khí thải) đã điều tra và phát giác sự gian lận này khiến 11 triệu xe diesel của Wolkswagen là loại xe “có vấn đề”. Hãng xe sẽ bị Chính quyền Hoa Kỳ trừng phạt 18 tỷ đô la, xe bị thu hồi trên toàn thế giới để ra soát và điều chỉnh. Wolkswagen có thể bị kiện trong một chuỗi hoạn nạn kéo dài.

Được thành lập từ năm 1937 với tên gọi là “xe của dân” (volk-s-wagen), Volkswagen trở thành biểu tượng của tính chất khả tín, đáng tin, của kỹ nghệ Đức, một quốc gia nổi tiếng là có kỷ luật và tôn trọng phép nước. Nhưng lần này thì chưa biết Volkswagen còn có thể tồn tại được không sau một trách nhiệm quá lớn là cố tình dùng siêu kỹ thuật để đánh lừa nhà chức trách và khách hàng.

Ngay lập tức, EPA của Hoa Kỳ đã mở cuộc điều tra đồng loạt xem các loại xe khác có tội gian trá này không. Bộ Tư Pháp Mỹ sẽ thụ lý hồ sơ gian lận vả đành rằng mọi xe hơi của Volkswagen dưới các hiệu khác nhau đều bị chiếu cố, nhưng lần lượt mọi chiếc xe của Đức, của Âu Châu và của các xứ khác đều có thể bị nghi ngờ. “Con sâu làm rầu nồi canh” là vậy.


Nồi Canh Đức


Kinh tế Đức dẫn đầu Âu Châu, là nền kinh tế có sản lượng thứ tư sau Mỹ, Tầu và Nhật, một năm sản xuất ra một lượng hàng hóa và dịch vụ trị giá hơn ba ngàn 400 tỷ đô la. Đức là đầu máy của kinh tế Âu Châu, nền kinh tế đang gặp quá nhiều hoạn nạn kể từ năm 2009, ngẫu nhiên cũng là từ khi Volkswagen dùng ma thuật để lường gạt khách hàng và nhà chức trách.

Kinh tế Đức lệ thuộc mạnh vào xuất cảng (tới 45% của Tổng sản lượng Nội địa GDP) và 17% lượng xuất cảng của Đức là xe hơi. Kỹ nghệ xe hơi chính là đầu máy của kinh tế Đức nên Chính quyền của bà Thủ tướng Angela Merkel lập tức bày tỏ mối quan tâm: người ta không chỉ kết án xe Volkswagen mà còn hoài nghi xe hơi Đức theo những tin đồn đang lan rộng. Làm sao khoanh vùng và cô lập loại xe có tội để cứu lấy các loại xe khác?

Kỹ nghệ xe hơi của Đức không chỉ có các đại tổ hợp nổi tiếng như Volkswagen (với các loại Audi, Bentley, Porsche, Lamborghini, v.v… trong tổ hợp), như Mercedes-Benz hay BMW, mà còn cả vạn doanh nghiệp loại trung bình và nhỏ nằm trong chu trình cung cấp cơ phận đang hoạt động tại lưu vực sông Rhine và nhiều nơi khác. Từ trên đầu xuống, tai nạn này sẽ gieo họa cho các cơ sở sản xuất khác của nước Đức. Nồi canh Đức sẽ bị khoắng đục ngầu vì con sâu Volkswagen.

Uy tín và danh dự của nước Đức cũng vậy.

Mà chuyện không chỉ có vậy. Nước Đức là trưởng tràng đang cố giải quyết vụ khủng hoảng về nợ nần của các nước ở miền Nam như Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và cả Ý Đại Lợi. Từ năm 2012, Đức vừa giải cứu vừa giáo dục các nước lâm nạn là sống quá lâu và quá cao so với thực lực kinh tế tài chánh và cứ trông cậy vào tín dụng của nước ngoài mà không tăng sức cạnh tranh nhờ các ngành có kỹ thuật cao hơn. Vụ Volkswagen gian lận lại làm khái niệm “cạnh tranh” trở thành điều mỉa mai và phương hại cho các giải pháp cứu vãn của nước Đức!

Tấm gương cần kiệm liêm chính và chi thu có chừng mực của nước Đức vừa bị nhiễm khói diesel và trở thành vấn đề chính trị cho cả Âu Châu.


Canh Bần Âu Châu


Các nước Âu Châu đã bị tê liệt vì vụ khủng hoảng trong khối Euro và đang bị thêm khủng hoảng vì di dân rồi nạn dân. Nhưng từ 12 tháng qua, tình hình đã chớm hy vọng nhờ dầu thô sụt giá và hối suất đồng Euro cũng giảm sau biện pháp bơm tiền (QE, quantitative easing) của Ngân hàng Trung ương Âu Châu ECB. Sức cạnh tranh của doanh nghiệp Âu Châu có cải thiện và xuất cảng đã tăng. Từ Tháng Bảy năm ngoái đến Tháng Bảy vừa qua, số xuất siêu của Âu Châu với các nước khác đã từ 21 tỷ Euro lên tới 31 tỷ (tương đương với 34 tỷ đô la).

Đấy là bức tranh màu hồng của Âu Châu.

Nhưng đấy là “tranh tối tranh sáng” vì tình hình khả quan ấy không xuất phát từ các nước miền Nam trong vùng Địa Trung Hải mà từ khả năng, và tấm gương, xuất cảng của nước Đức. Khi kỹ nghệ xe hơi của Đức bị xì bánh thì số “xuất siêu” của Âu Châu có thể là số ảo và nồi canh của Đức làm nồi canh Âu Châu là canh bần.

Nhưng sự thật Âu Châu lại còn bi đát hơn vậy.

Hệ thống chi thu ngân sách của Âu Châu thường xuyên có vấn đề là chi nhiều hơn thu và Đức là quốc gia kêu gọi táp lập kỷ cương và giảm chi để cân bàng ngân sách. Năm ngoái, hai nước Pháp-Ý lại viện dẫn ngoại lệ và vi phạm mà chẳng bị trách nhiệm gì. Nhu cầu khắc khổ và kiệm ước về kinh tế bị đả kích và dẫn tới trào lưu cực tả trên các chính trường Âu Châu. Là tiêu xài thả giàn.

Chẳng hạn như Chính quyền Ý của Thủ tướng Matteo Renzi vừa nói tới việc giảm thuế (tức là sẽ giảm thu) và du di mức bội chi ngân sách từ năm ngoái qua năm tới. Và Hội đồng Âu châu có vẻ như bất lực nên cũng đành chấp nhận giải pháp của Ý. Trong hoàn cảnh dở khóc dở cười như hiện nay, Chính quyền Đức rất khó nói về kỷ cương và trách nhiệm với nước Ý, nước Pháp, chưa kể chuyện hạn ngạch từng nước phải nhận khối nạn dân đang trông chờ ngoài ngõ….

Khi nhìn trên toàn cảnh, tức là phải lùi một chút, thì người ta mới thấy ra tai họa Volkswagen là một vấn đề “toàn Âu” mà có hiệu ứng toàn cầu.

Khối Euro được thành lập với kỳ vọng xuất cảng nhờ đầu máy của Đức. Sống nhờ xuất cảng thì cũng có nghĩa là sống nhờ sức nhập cảng hay số cầu của các nước khác. Các nước khác, như Hoa Kỳ, thì vẫn chưa khá và lại có bộ máy kiểm soát môi sinh quá nhạy! Nhật Bản cũng là một đại gia về xuất cảng và xe hơi Nhật làm các xe Âu Châu hay Đức phải dạt vào lề. Trung Quốc thì đang hạ cánh, v.v…. Thành thử số cầu cho các sản phẩm Âu Châu thật ra vẫn chưa mạnh và người ta đành trông chờ vào mũi nhọn là kỹ nghệ xe hơi của Đức.

Bây giờ, đầu máy diesel của Đức bị phất cờ và phải đậu trên lề. Giấc mơ xuất cảng của khối Euro vừa biến thành cơn ác mộng. Cho dù chuyện tai tiếng của Volkswagen có thể được khoanh vùng, là điều cực khó, có lẽ chúng ta đang chứng kiến một vụ khủng hoảng khác của nền văn minh Âu Châu.

___

Kết luận ở đây là gì?

Chẳng biết kỹ nghệ xe hơi Trung Quốc đã đánh cắp được bí kíp của Volkswagen hay chưa!  

_____

Xin theo dõi Chương trình Bên Kia Màn Khói mới post trên You Tube hôm 26:

https://www.youtube.com/watch?v=Lp04tRVMeko