Những
biến động trên sàn chứng khoán Thượng Hải không gây nên một trận sóng
thần làm chao đảo tài chính thế giới. Nhưng lo ngại dồn dập từ bản thân
mô hình kinh tế của Trung Quốc mới là nguyên nhân khiến nhiều quốc gia
lo âu. Các nước xuất khẩu dầu hỏa và nguyên liệu chờ đợi đơn đặt hàng
của Trung Quốc sẽ thưa thớt dần. Các nền kinh tế lấy xuất khẩu làm kim
chỉ nam lấn cấn trước quyết định phá giá đồng nhân dân tệ hồi trung tuần
tháng 8/2015.
Bắc Kinh không còn che giấu: mục tiêu
đạt 7 % tăng trưởng cho năm 2015 sẽ khó đạt được. Ngân hàng New Zealand
ANZ dự báo tăng trưởng cho hai quý 3 và 4/2015 của Trung Quốc chỉ đạt
6,4 và 6,8%. GDP của nền kinh tế thứ nhì toàn cầu trong hai quý đầu năm
chỉ ở mức khiêm tốn với tỷ lệ là 7 %. Tại cuộc họp G20 cấp bộ trưởng
Tài chính ở Ankara trong hai ngày 4 và 05/09/2015 phái đoàn Trung Quốc
khẳng định khủng hoảng tài chính trên quê hương ông Đặng Tiều Bình sắp
bước vào hồi kết. Bắc Kinh một lần nữa nhắc lại là không phá giá đồng
tiền để tìm lợi thế xuất khẩu.
Những tuyên bố lạc quan và đầy
thiện chí đó của Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Lâu Kế Vỹ cũng như của
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Chu Tiểu Xuyên không đủ trấn an các
nhà đầu tư Trung Quốc. Chỉ số chứng khoán ở Thượng Hải và Thẩm Quyến
tiếp tục giảm trong phiên giao dịch ngày 07/09/2015. Luận điểm của Bắc
Kinh cũng không mấy thuyết phục. Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso
không hề tin tưởng vào sự thành thật của đồng nhiệm Trung Quốc. Tokyo và
Washington lo ngại nổ ra một cuộc «chiến tranh tiền tệ» tai hại cho các quốc gia xuất khẩu.
Theo
phân tích của chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa, khi phá giá đồng
nhân dân tệ gọi là dập tắt cơn bão tài chính, Bắc Kinh mở ra một mặt
trận mới và có nguy cơ đẩy thế giới vào một cuộc khủng hoảng hối đoái.
Từ cổ phiếu đến tỷ giá
RFI:
Chứng khoán thế giới - đứng đầu là Mỹ - bị dao động nặng vì bão táp
khủng hoảng tài chính Trung Quốc qua các “kênh lây nhiễm” từ thị trường
Thượng Hải và Thẩm Quyến hay không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: -
Tôi không nghĩ vậy vì sự thể còn phức tạp hơn mà dần dần người ta mới
thấy ra.
- Nói về bối cảnh thì từ vụ khủng hoảng tài chính tại Mỹ và nạn
tổng suy trầm năm 2008-2009, Hoa Kỳ đã cắt lãi suất tới sàn và ào ạt bơm
tiền kích thích kinh tế từ cuối năm 2008. Hậu quả là tiền nhiều và rẻ
trút vào thị trường chứng khoán khiến cổ phiếu Mỹ lên giá liền từ sáu
năm nay. Sau một giai đoạn như vậy, thị trường Mỹ phải qua một giai đoạn
gọi là “điều chỉnh”, có thể giảm chừng 10%, là điều tự nhiên. Huống hồ,
trong khối tiên tiến Âu-Mỹ-Nhật, tình hình kinh tế Mỹ có vẻ tương đối
khả quan nhất nên Ngân hàng Trung ương Mỹ sẽ tăng lãi suất để trở về
trạng thái bình thường.
- Vì vậy, bất cứ một tin tức tốt đẹp gì đều
khiến thị trường chứng khoán Mỹ kết luận là lãi suất sẽ tăng, sớm nhất
là vào tháng 9/2015. Khi dự đoán lãi suất tăng là giá cổ phiếu sụt. Đúng
vào lúc bấp bênh đó của thị trường Mỹ thì xảy ra các biến động về cổ
phiếu rồi hối đoái tại Trung Quốc làm thị trường Hoa Kỳ càng hốt hoảng.
RFI:
Mỹ đã dao động vì lý do nội tại của chính mình rồi mới vì hiệu ứng từ
Trung Quốc. Liệu mình có thể ước lượng được bao nhiêu là hậu quả từ
Trung Quốc không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Vì đây là tác động của tâm lý thị trường, chúng ta khó đếm được
bao nhiêu phần trăm là vì Mỹ và bao nhiêu phần trăm là do Trung Quốc gây
ra. Bản thân tôi thì nhận định như thế này:
- Thị trường cổ
phiếu Trung Quốc còn khép kín và chỉ có 2% là có tiền của giới đầu tư
quốc tế. Thị trường ngân hàng xứ này cũng vậy, mà đa số các khoản nợ vĩ
đại của Trung Quốc là nợ nhau ở bên trong chứ không tỏa rộng và đan kết
như các ngân hàng Âu-Mỹ với nhau. Vì vậy, hậu quả trực tiếp của sự suy
sụp trên thị trường tài chánh Trung Quốc thật ra không đáng kể. Hậu quả
gián tiếp thì có.
- Biến động tài chánh tại Trung Quốc cho thấy
kinh tế đang trôi vào giai đoạn suy trầm kéo dài với nhiều biện pháp can
thiệp lúng túng tuyệt vọng của Bắc Kinh. Khi kinh tế Trung Quốc suy sụp
thì các nền kinh tế Nhật, Đông Á và cả nhóm quốc gia “đang phát triển”
sẽ bị hại nhất vì buôn bán với Hoa lục, sau đó mới đến kinh tế Mỹ vốn dĩ
ít lệ thuộc vào xuất cảng như các nền kinh tế kia. Vì khó khăn tài
chánh, các doanh nghiệp nhà nước của Bắc Kinh còn có thể rút vốn đầu tư ở
ngoài để cấp cứu hội sở ở nhà.
- Hậu quả chung cuộc là kinh tế toàn
cầu có thể bị suy trầm vào năm tới và điều ấy càng làm thị trường Mỹ lo
ngại. Trong hoàn cảnh tâm lý đó, tin xấu tại Trung Quốc làm Á Châu bị
động rồi lan qua Âu Châu, dội sang Mỹ rồi làm Á Châu tuột giá vào hôm
sau trong một vòng xoáy đi xuống. Yếu tố chính vẫn chỉ là sự hốt hoảng.
- Tôi
đơn cử một ví dụ: vì tuần qua Bắc Kinh tổ chức lễ Chiến thắng Nhật
Bản, các thị trường của họ đều được nống giá rồi đóng cửa bốn ngày cho
tới hôm mồng 07/09/2015. Vậy mà hôm Thứ Sáu mùng 04/09/2015 thị trường
Mỹ vẫn sụt giá mạnh chẳng vì có tin gì xấu từ Trung Quốc mà vì có tin
tốt về tình hình lao động và kinh tế tại Hoa Kỳ. Lý do sụt giá là vì
giới đầu tư cổ phiếu Hoa Kỳ lại sợ Ngân hàng Trung ương có thể tăng lãi
suất vào ngày 17/09/2015. Mỹ hốt hoảng bậy rồi đổ lỗi cho Trung Quốc làm
thiên hạ đánh giá sai ảnh hưởng kinh tế của một gã khổng lồ đang ngã.
RFI:
Nếu tập trung vào trường hợp của Trung Quốc thì đâu là sự vận hành kinh
tế thực tế bên dưới và đâu là bức màn tài chính mà Bắc Kinh phủ ở trên
qua cái mà họ gọi là “kinh tế thị trường với màu sắc Trung Quốc”?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Sau 30 năm tăng trưởng cao thì kinh tế Trung Quốc phải qua giai
đoạn tăng trưởng chậm hơn, với hình ảnh một phi cơ cất cánh rất cao ban
đầu thì đi tới lúc “bằng phi” chứ không thể bay khỏi quỹ đạo trái đất.
Vì tăng trưởng thiếu phẩm chất và lệ thuộc vào đầu tư và xuất cảng,
Trung Quốc phải đổi chiến lược, cải cách cơ chế và tìm lực đẩy từ tiêu
thụ nội địa.
- Lãnh đạo xứ này thấy ra yêu cầu cải cách và chuyển
hướng ấy từ lâu nhưng vì nạn tổng suy trầm 2008-2009 thì làm ngược. Họ
ào ạt bơm tín dụng để kích thích kinh tế với hậu quả là kinh tế mắc nợ
nhiều và mạnh hơn, nay tổng số nợ đã lên tới 280% của Tổng sản lượng. Từ
sau Đại hội 18 vào cuối năm 2012 họ mới đề ra việc cải cách. Nếu họ
thành công thì kinh tế thế giới sẽ đổi khác và mọi xứ cùng có lợi vì
Trung Quốc sẽ tiêu thụ và nhập cảng nhiều hơn xuất cảng và mở ra cơ hội
cho xứ khác.
- Theo hướng đó, Bắc Kinh giải tỏa dần chế độ được giới kinh tế gọi là “bóc lột tài chính”
là trả lãi suất ký thác quá thấp cho một lượng tiết kiệm rất lớn của
người dân. Họ khuyến khích dân dồn tiền vào thị trường địa ốc để kiếm
lời nhưng thật ra lại giúp các địa phương đầu cơ về đất đai và thổi lên
bong bóng tới khi bóng bể nhà ế thì khuyên dân dồn tiền vào thị trường
chứng khoán với các biện pháp khích lệ đầy rủi ro như cho dân vay tiền
đi đánh bạc, để đầu kia là các doanh nghiệp, đa số của nhà nước, có thêm
tiền trả nợ. Thế rồi trái bóng chứng khoán ấy cũng vừa bể.
RFI:
Về danh nghĩa, việc điều phối tài nguyên đó có vẻ góp phần chuyển hướng
từ đầu tư qua tiêu thụ vì nhằm gia tăng lợi tức của người dân. Về thực
tế thì dường như Bắc Kinh lại lập ra một mô hình quái lạ của thị trường
tài chính.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: -
Khi thị trường địa ốc sa sút, lãnh đạo Trung Quốc muốn mở vòi tiền của
các công ty môi giới và của các ngân hàng cho giới đầu tư đưa qua thị
trường chứng khoán. Trên thị trường này, các doanh nghiệp cần huy động
vốn và phát hành cổ phiếu cho giới đầu tư mua về để kiếm lời. Khi nhà
đầu tư dễ vay tiền đưa vào thị trường thì các doanh nghiệp dễ có thêm
vốn để thanh toán các khoản nợ quá lớn của họ. Chúng ta không quên rằng
doanh nghiệp Trung Quốc đang có mức nợ rất cao, có thể lên tới 17 ngàn
tỷ đô la, nên có nhu cầu trả nợ rất lớn.
- Khi giải tỏa điều kiện
tài trợ cho giới đầu tư như vậy, Bắc Kinh thổi lên một trái bóng cổ
phiếu nhờ phản ứng ham lời của người dân, là nhà đầu tư, và trái bóng đó
mới giải thích việc cổ phiếu tăng vọt 150% trong 12 tháng. Nếu mọi sự
tốt đẹp, nhà đầu tư mà có lời thì có thêm tiền nâng mức tiêu thụ và kích
thích kinh tế, đấy là điều mà giới kinh tế gọi là “hiệu ứng thịnh vượng”
– wealth effect. Nó phù hợp với chủ trương chuyển hướng kinh tế qua
tiêu thụ và tạo ra một thành phần trung lưu khá giả sẽ ủng hộ chế độ.
Còn các doanh nghiệp mắc nợ thì có thêm tiền trả nợ lại cho ngân hàng và
các ngân hàng đỡ mất nợ và mọi việc đều tốt đẹp!
- Đấy là màu sắc
Trung Quốc của hiện tượng nhà nước vẫn thao túng thị trường, nào ngờ là
lại bị thị trường quật ngược. Cũng phải nói thêm rằng vì màu đỏ là màu
cách mạng thiêng liêng cho nên riêng tại thị trường Trung Quốc, khi cổ
phiếu sụt giá thì họ lại niêm yết trên bảng bằng màu xanh!
RFI:
Nhưng khi trái bóng ấy lại vỡ nên Bắc Kinh phải can thiệp khá thô bạo
để giữ giá cổ phiếu khiến thế giới nhìn ra sự lúng túng. Trung Quốc cố
gắng giải thích là họ đang làm chủ tình hình và không phá giá đồng tiền
để cạnh tranh xuất khẩu. Anh nghĩ sao về lời giải thích này?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Dù Bắc Kinh muốn hướng kinh tế qua tiêu thụ, họ vẫn sợ một đà tăng
trưởng thấp sẽ dẫn tới động loạn. Vì nhiều chỉ dấu cho thấy kinh tế sa
sút nên họ lại phải bơm tiền kích thích qua việc cắt lãi suất lần thứ
năm kể từ tháng 11/2014 và hạ mức dự trữ pháp định của ngân hàng. Việc
phá giá đồng bạc cũng nằm trong hướng ấy nên mới khiến các nước lo sợ
một trận chiến ngoại tệ nữa và đấy là lý do mà tuần qua giới chức Bắc
Kinh phải trấn an các nước trong nhóm G-20.
- Nhưng như với thị
trường cổ phiếu, trong vụ hạ giá đồng Nguyên, Bắc Kinh nhắm vào hai mục
tiêu mâu thuẫn. Họ vẫn kiểm soát và can thiệp vào thị trường ngoại hối
để tìm lợi thế xuất cảng mà cũng mong là đồng Nguyên sẽ được Quỹ Tiền tệ
Quốc tế công nhận vào năm tới là ngoại tệ phổ biến ngang hàng Mỹ kim,
đồng Euro, đồng Bảng Anh và đồng Yen Nhật. Vì vậy sau hai ngày hạ giá cỡ
4% họ lại tìm cách nhích giá để chối là không phá giá. Chính là sự can
thiệp trắng trợn và những phát biểu nhằm phủ nhận động thái đó mới khiến
các nước càng hoài nghi. Đó cũng là lời cảnh báo khá mạnh của Tổng
trường Ngân khố Mỹ là ông Jack Lew.
RFI: Có phải Bắc Kinh muốn quá nhiều thứ mà lực bất tòng tâm nên mới phơi bày ra tình trạng lúng túng này không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi nghĩ đó là cách giải thích đúng đắn nhất và đấy mới là đáng
ngại cho kinh tế thế giới.
- Bắc Kinh muốn chuyển hướng mà không xong,
muốn thổi giá cổ phiếu để doanh nghiệp có tiền trả nợ mà lại làm thị
trường mất năm ngàn tỷ đô la trong vài tuần và nay phải đặt cầu chì để
thị trường khỏi nổ tan tành. Bắc Kinh muốn đồng Nguyên đứng ngang tầm
thế giới mà vẫn cần phá giá để dễ xuất cảng rồi bị kẹt vì đồng bạc sụt
giá thì gặp nạn tẩu tán tài sản ra ngoài, mà tung tiền nâng giá đồng bạc
thì khó xuất cảng và dự trữ ngoại tệ đang bị bào mỏng tới mức nguy
ngập.
- Kinh tế Trung Quốc sẽ bị suy trầm, điều này thế giới có ít
nhiều chờ đợi. Thật ra, thị trường cổ phiếu của họ không gây ra nạn suy
trầm ấy vì có ảnh hưởng giới hạn thôi, nhưng cách ứng phó của lãnh đạo
xứ này mới gây lo ngại là nạn suy trầm có thể nặng hơn, trở thành suy
thoái, hay hạ cánh nặng nề. Sau đó là khủng hoảng tài chánh vì núi nợ
quá lớn sẽ sụp lên các doanh nghiệp và ngân hàng khi kinh tế sa sút. Đấy
mới là kịch bản cần theo dõi trong những năm tháng tới.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét