Thứ Ba, tháng 9 01, 2015

Thế Giới Là Một Trường Bát Nháo



Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người Việt Ngày 150831
"Hoa Kỳ Nhìn Từ Bên Ngoài"

Hoa Kỳ Phân Cực – Trung Quốc Phân Vân   

* Tuột dốc tại Jackson Hole *




Nhìn từ bên ngoài, có gì đó rất lạ đang xảy ra tại Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Nhìn từ bên ngoài thì hình như trong cuộc tranh cử Tổng thống vào năm tới, đảng Dân Chủ thiếu ứng cử viên và cần đảng Cộng Hòa xuất cảng cho vài người trong số 17 chuẩn ứng cử viên đang xôn xao ngoài ngõ. Trong ý nghĩa ấy, Con Donald Cộng Hòa có thể là sản phẩm xuất cảng được.

Cũng nhìn từ bên ngoài thì giữa những dao động liên tục của thị trường tài chánh thế giới, “đệ tứ quyền” của nước Mỹ sau Lập pháp, Hành pháp và Tư pháp – xin lỗi giới báo chí! - là Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ lại thiếu dữ kiện quyết định về việc có tăng lãi suất hay không sau kỳ họp ngày 16-17 của Tháng Chín.

Trong khi đó, cơ chế quyền lực số một, và duy nhất, của Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc là đảng ta, lại vừa diễn xong vở “Thiên Triều Giải Đế”, là Hoàng đế không mặc quần. Có gì đó còn lạ hơn đang xảy ra tại Trung Quốc.

***

Trong cuộc tranh cử Tổng thống vào năm 2016, đảng Dân Chủ đã có sẵn một ứng cử viên “tiên thiên”, tất yếu, bất khả tư nghị, chẳng thể bàn cãi, là cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton.

Với hành trang rất dày và tham vọng rất lớn, Hillay đã chuẩn bị cuộc tranh cử… từ 15 năm trước. Sau lần tuột tay vào năm 2008, Hillary càng chuẩn bị kỹ lưỡng hơn để không thể vuột ấn tín của đảng để cầm đầu liên danh Dân Chủ tiếp tục chánh sách của đảng ít ra là trong bốn năm nữa. Trước sự chuẩn bị của một người có ý chí, phương tiện và khả năng như vậy, đảng Dân Chủ cứ yên tâm.

Vì vậy, nhiều người có khả năng khác đã lặng lẽ đứng ngoài.

Ngoại lệ là Nghị sĩ Bernard “Bernie” Sanders của tiểu bang Vermont. Ông thấy Hillary chưa đủ cách mạng nên ra tranh cử để đưa nước Mỹ “tiến nhanh tiến mạnh tiến vững chắc lên xã hội chủ nghĩa”. Ít ai chú ý đến nhân vật rõ ràng là ngoài lệ này. Một ứng cử viên của ngoại ô tỉnh lẻ, cùng lắm thì trang hoàng cho đảng Dân Chủ cái vẻ đa nguyên.

Ngoại lệ kia là cựu Nghị sĩ Virginia, ông Jim Webb. Là người có tài, đức và viễn kiến về đối ngoại, ông Webb không hài lòng về vị trí và an ninh của Hoa Kỳ sau những năm cầm quyền của Tổng thống Barack Obama nên cũng bước ra tranh cử. Chủ trương trung tả về kinh tế - ưu lo cho giới trung lưu và triệt để giải trừ ảnh hưởng của tài phiệt Wall Street - không có sức kéo trong đảng Dân Chủ, vốn dĩ đã quen với loại khẩu hiệu đó. Con chương trình bảo vệ quyền lợi của nước Mỹ tại Đông Á lại có vẻ - có vẻ thôi – tương tự chiến lược “chuyển trục” của Hillary khi bà còn làm Ngoại trưởng. Vì vậy, bộ máy tranh cử của ông chưa gây được tiếng vang.

Nào ngờ, ứng cử viên tiên thiên là Hillary Clinton lại quá tiện thiện trong việc xử lý các văn kiện thuộc diện bí mật quốc gia khi bà làm Ngoại trưởng. Và những tai tiếng cùng các cuộc điều tra của nhà chức trách khiến dư luận ngày càng hoài nghi tinh thần khả tín của bà. Dù có tham vọng ngất trời thì cũng cần đạo đức tối thiểu thì mới có thể lãnh đạo quốc gia.

Tính chất “tất yếu” của Hillary bỗng dưng là vấn đề. Và “đạo đức cách mạng” của Bernie Sanders bỗng dưng thu hút cảm tình của nhiều người. Trong vài cuộc thăm dò ở các tiểu bang đầu tiên của vòng sơ bộ, Bernie có tỷ lệ hậu thuẫn cao hơn Hillary!

Đấy là lúc mà đảng Dân Chủ, và có thể cả Phủ tổng thống, phải nghĩ đến giải pháp khác.

Đem con ngựa già Joe Biden ra tắm rửa giữa sân. Với biệt tài phát biểu linh tinh, Joe Biden mới là người trung kiên có hy vọng bảo tồn được di sản cải tạo của Obama. Vài người đa nghi còn cho rằng chính Obama đã nhúng tay vào việc thay ngựa giữa dòng khi bổ nhiệm các thẩm phán đang mở cuộc điều tra về Hillary. Xưa nay, người viết không ưa “thuyết âm mưu” như vậy mà thật ra thì cũng chẳng biết thực hư, nên khỏi dám lạm bàn.

Chỉ kết luận rằng đảng Dân Chủ chủ quan nên thiếu chuẩn bị và hết người.

May là bên Cộng Hòa, tình hình còn nhốn nháo hơn với 17 chuẩn ứng cử viên.

Trên thị trường tư tưởng thì đấy là hiện tượng “mười phân vẹn mười”: ngần ấy nhân vật xuất hiện đã tung ra cả trăm ý hấp dẫn về việc… cải tạo nước Mỹ để ra khỏi tám năm cải tạo của Obama. Mỗi người một vẻ, một số nhân vật Cộng Hòa khai thác tinh thần giận dữ bất bình của quần chúng trong đảng để thu hút sự chú ý của dư luận. Thành phần hùng biện này đang chiếm đa số, được tỷ lệ hậu thuẫn cao hơn những người tự nghĩ là muốn lãnh đạo thì phải có cái gì khác hơn, thí dụ như sự điềm đạm, ngoài cái tài chửi bới và khiêu khích.

Vì vậy, vòng sơ bộ bên Cộng Hòa là cuộc tranh cãi triền miên, với một số nhân vật và đề nghị làm thiên hạ phân vân về tình trạng tâm thần của chính trường Hoa Kỳ. Dù sao, những người ăn nói cực đoan văng mạng nhất vẫn đang dẫn đầu và là niềm an ủi cho đảng Dân Chủ.

Người viết này không nói đến cuộc tranh cử Tổng thống khi chưa bóc tấm lịch qua năm 2016, nên chỉ quan sát một chính trường bát nháo và có cảm tưởng là hiện tượng “phân cực” – sự đối nghịch lập trường quá gay gắt – không xuất phát từ các chính khách ở trên. Nó là sự thật đáng ngại của xã hội Hoa Kỳ bên dưới, và các ứng cử viên cứ theo đó mà khai thác và diễn giải. Họ không lãnh đạo mà chạy theo những dư luận quá khích nhất để lấy điểm.

Bước sang những dao động của thị trường thì mình có thể quan sát được việc khác.

Không chỉ Hoa Kỳ mà cả thế giới đang chờ xem Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ quyết định thế nào về lãi suất liên ngân hàng đã được hạ tới gần số không từ Tháng 12 năm 2008. Sau vụ khủng hoảng tài chánh vào Tháng Chín năm 2008, ở giữa nạn suy trầm kinh tế, Hoa Kỳ đã hạ lãi suất tới sàn và tăng chi rồi đi vay tới mức kỷ lục mà không kích thích được nền kinh tế èo uột trong tình trạng Suy trầm Toàn cầu 2008-2009. Ngân hàng Trung ương Mỹ mới lấy quyết định táo bạo là ào ạt bơm tiền vào kinh tế qua ba đợt QE, “gia tăng mức lưu hoạt có định lượng”.

Kết quả là tình trạng tranh tối tranh sáng, tạm khá mà chưa khỏe, nhưng so với các nước khác thì vẫn sáng hơn cả. Và sau khi sụt giá vì tiền nhiều và rẻ làm thế giới lao đao, đồng Mỹ kim lại vọt lên giá làm thế giới lao đao thêm một lần nữa.

Bảy năm đã qua như vậy và đến hẹn lại lên, Hoa Kỳ có thể lại bị suy trầm nữa. Việc nâng lãi suất khỏi số không để trở lại trạng thái bình thường được nêu ra từ lâu nhưng là quyết định cực khó giữa tình trạng bấp bênh của kinh tế thế giới và bất trắc của kinh tế Hoa Kỳ. Hiệu ứng Trung Quốc, là sự sụp đổ của thị trường cổ phiếu vào Tháng Bảy nhồi theo việc phá giá đồng Nguyên vào Tháng Tám, càng làm thế giới hốt hoảng.

Định chế độc lập và có thẩm quyền sinh sát cho kinh tế Hoa Kỳ và thế giới là Ngân hàng Trung ương Mỹ mới được coi là cơ chế quyền lực thứ tư của chính trị Hoa Kỳ. Khốn nỗi cơ chế này lại phân vân như ta có thể thấy trong hội nghị hàng năm tại Jackson Hole của tiểu bang Wyoming vừa kết thúc hôm Thứ Bảy 29. Y như trên chính trường, từ hai cánh tả và hữu đã vang lên những yêu cầu trái ngược: hoãn tăng lãi suất khi kinh tế chưa hoàn toàn hồi phục; nên tăng lãi suất để chấm dứt việc phân bố tư bản quá lệch lạc chỉ có lợi cho thị trường chứng khoán và làm tiểu thương khó vay tiền.

Giữa tình trạng bất định ấy người ta mới thấy là Ngân hàng Trung ương Mỹ thiếu dữ kiện quyết định và mỗi lời phát biểu của giới chức hữu trách thuộc Hội đồng Tiền tệ FOMC lại làm cổ phiếu Hoa Kỳ và thế giới lên hay xuống giá.

Khi định chế này được gọi là Đệ tứ quyền, người ta mới thấy rằng đệ tứ quyền kia, là báo chí, lại chẳng biết gì hơn.

Không oan đâu.

***

Khi vụ khủng hoảng tài chánh rồi nạn Tổng suy trầm bùng nổ vào năm 2008, truyền thông Hoa Kỳ đã gây thêm hốt hoảng trong dư luận. Người ta phê phán tư bản chủ nghĩa, báo trước sự suy tàn của nước Mỹ và đề cao mô hình tư bản nhà nước của Trung Quốc với sự tỉnh táo can thiệp của nhà nước Bắc Kinh khiến xứ này vọt lên thành nền kinh tế đứng hạng nhì thế giới kể từ năm 2010. Nhiều người còn đoán thêm rằng Trung Quốc sắp vượt Hoa Kỳ.

Thế rồi cả cấu trúc kinh tế chính trị nguy nga đó sụp đổ trước sự bàng hoàng của nhiều người và làm thị trường chứng khoán Mỹ lẫn cả thế giới hoảng loạn.

Người ta đang chứng kiến một Cách mạng Tháng Tám bất ngờ khi đảng và nhà nước Trung Quốc vất vả như thày bói dọn cưới. Hàng loạt “nhân họa” như tai nạn tại Thiên Tân và nhiều nơi khác nhồi trong sự suy sụp liên tục của các thị trường chứng khoán và hối đoái của xứ này khiến người ta phát giác một sự thật bất ngờ. Vấn đề sắp tới của Trung Quốc không là hiện tượng hạ cánh nặng nề kéo theo khủng hoảng tài chánh, mà là hệ thống chính trị bất lực!

Truyền thông chê Mỹ và mê Tầu đang đổi đĩa phát thanh. Và gây nhiễu âm còn om xòm khó nghe hơn cuộc tranh cử Tổng thống!

Đúng là chuyện chỉ có tại nước Mỹ….

8 nhận xét:

  1. Cháu đồng ý với bác khi bác từng nói rằng truyền thông và dân chúng Mỹ bị "cận thị". Cháu cho rằng bệnh đó là do họ sống trong một môi trường quá lý tưởng là xã hội Mỹ, quen sướng nên nhìn sang TQ mới ca ngợi như vậy mà không nhận ra những bất cập của chế độ độc tài!
    Nếu so sánh 1 xã hội như là một quả lắc thì nước Mỹ giống như quả lắc có nhiều chiều tác động (do có dân chủ), còn TQ là quả lắc chỉ có 1 lực mà thôi (là ĐCS); quả lắc có sự phối hợp tác động qua lại sẽ dễ bề kiểm soát hơn quả lắc có lực 1 chiều. Và dù có sự cãi nhau trong nội bộ đến mấy thì cháu tin nước Mỹ vẫn là mô hình lý tưởng bậc nhất TG hiện nay.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Em ơi, "công chúa đứt tay bằng anh thuyền chài thủng ruột". Đó là Mỹ.

      Mọi sự chuyển động đều tạo ra mất thăng bằng, phát triển kinh tế cũng vậy. Nền dân chủ rất dễ mất thăng bằng vì kinh tế và xã hội thường xuyên chuyển động. Nếu ta không muốn mất thăng bằng để có "ổn định" thì không thể có chuyển động - và chẳng phát triển.

      Thà có quà lắc dân chủ gây chóng mặt còn hơn là có sự cân bằng giả tạo, và đang lệch, của Trung Quốc.

      Xóa
    2. Vâng, ngay cả Marx là bậc thầy của họ cũng nói có mâu thuẫn, đấu tranh mới có phát triển, vậy mà ĐCS lại không làm theo. Mà chỉ làm theo những điều sai lầm, thật ngớ ngẩn thưa bác.

      Xóa
  2. Bên Kia Màn Khói:

    https://www.youtube.com/watch?v=unDOcoy8zlo&index=1&list=PL9-JckZNh7rro8d9mGVJ1Ej6QeSs5qimq

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thưa bác Nghĩa !
      Bác có thể trả lời một số thắc mắc giúp cháu được không ạ :

      Bác cho cháu xin Link bài phỏng vấn của bác trong chương trình " Thời sự ngày mai " - Kim Nhung với ạ ? Cháu chỉ tìm được những bài phỏng vấn của bác vào năm 2013 , còn những bài vào năm 2014 và 2015 thì không tìm thấy.

      Bác cho cháu hỏi là hiện nay, lãi suất ngắn hạn ở Mỹ là bao nhiêu ạ ? 0 % hay là 0,25% ạ ? Trong bài viết bác có nói " Việc nâng lãi suất khỏi số không để trở lại trạng thái bình thường ....." nên cháu mới hỏi kỹ về vấn đề này ạ

      Thứ ba, bác từng nói ở những nước có thể chế chính trị dân chủ thì khi gặp khủng hoảng kinh tế thì dễ dàng chuyển biến, cải tổ thay đổi mô hình kinh tế cho phù hợp và sớm vượt qua khủng hoảng hơn là những nước có thể chế chính trị độc tài. Tuy nhiên có trường hợp là Nhật Bản thì từ năm 1990 đến nay thì kinh tế Nhật Bản liên tục gặp phải trạng thái suy trầm kinh tế, để rồi đến năm 2010 bị Trung Quốc vượt qua. Bác cho cháu hỏi những nguyên nhân gì mà Nhật Bản tuy là nước có thể chế chính trị dân chủ những vẫn không vượt qua được hoàn cảnh suy trầm kinh tế trong 25 năm ạ ?

      Cháu cảm ơn bác ạ !

      Xóa
    2. thoi su ngay mai la chuong trinh cua sbtn, dai tv hai ngoai. khong co tren youtube dau.

      Xóa
  3. Triết học MácLênin đã dạy "mâu thuẫn là động lực để phát triễn"(nghĩa là phải có phãn biện thì mới tiến được).
    Học thì học vậy,nhưng khi thực hành thì VN và TQ lại không có đối lập,không cho phãn biện. Mâu thuẫn thật.Tự mình vã lên má mình.Sao khá được ?.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Khi Mao còn đói thì coi 108 nhân vật Thủy Hử là anh hùng. Khi cầm quyền thì tôn sùng Thành Cát tư Hãn và Hán Vũ Đế, để duy trì quyền lực. Marx là triết gia ngớ ngẩn với học thuyết nông cạn, Lenin mới là kẻ dùng học thuyết đó để cướp và củng cố chính quyền. Sau đó là sự tan rã kéo dài. Trăm năm nữa, Hà Nội mới hiểu ra điều ấy! Trễ rồi....

      Xóa