Thứ Hai, tháng 12 31, 2012

Mộng Mị Đầu Năm



Nguyễn-Xuân Nghĩa - Ngày 121231

Ước Mơ và Ác Mộng của Lãnh đạo Trung Quốc

 * Vượt mặt Hoa Kỳ thành siêu cường toàn cầu? *



Nếu có phải viết về những mơ ước đầu năm, có lẽ mình nên nói về chuyện mộng mị - của Trung Quốc – như sau:


Với các nước trên thế giới, không ai có thể nói về tương lai mà lại bỏ qua Trung Quốc, quốc gia có nền kinh tế đứng hạng nhì địa cầu nhờ có một phần tư dân số của nhân loại và đang mơ giấc siêu cường. Vì vậy, nhân buổi đầu năm mà nhìn vào tương lai, nhất là từ giác độ Việt Nam, thì xin hãy ngó vào Trung Quốc.... Mộng nhiều hơn mị.

Trung Quốc đã qua ba chục năm cải cách kinh tế với tốc độ được đánh giá là ngoạn mục mà vẫn không giải quyết được bài toán nằm trong gia phả là địa dư hình thể của lãnh thổ. Mà nay, tốc độ ngoạn mục đó đã thành dĩ vãng.

Bài toán địa dư hình thể là Trung Quốc chỉ là một ốc đảo trù phú gồm có một phần ba lãnh thổ nằm bên vùng duyên hải. Ốc đảo vì ngoài biển Đông, khu vực này bị sa mạc, núi rừng và thảo nguyên bao vây ở ba góc còn lại. Miền Bắc là sa mạc Tây Bá Lợi Á và thảo nguyên Mông Cổ. Hướng Tây Nam là rặng Hy Mã Lạp Sơn. Phía Nam là núi đèo rừng rú chia cách với Miến Điện, Lào và Việt Nam. Trung Quốc chỉ có hai hướng để thoát ra ngoài, hoặc tràn ra ngoài với binh đội, mà đều là những hướng vất vả: con đường tơ lụa qua ngả Tân Cương và biên giới với Bắc Việt.

Đa số người dân Trung Quốc sống trong ốc đảo miền Đông. Khu vực còn lại là một sự trống trải hoang vu của những vùng chưa khai phá. Sau 30 năm tập trung lãnh đạo theo kiểu Mao Trạch Đông và bị khủng hoảng, từ 1949 đến 1978, 30 năm còn lại là từ 1979 đến 2008 vẫn chưa thể hội nhập các khu vực quá khác biệt này.

Lý do chính khiến cho bốn kế hoạch phát triển các vùng nội địa được ban hành từ hơn 10 năm qua đều thất bại nằm trong hệ thống chính trị của Trung Quốc: nền độc tài đảng trị không chấp nhận dân chủ và cũng chẳng muốn áp dụng thể chế liên bang như các nước có lãnh thổ quá rộng với quá nhiều dị biệt phải dung hòa.

Bài toán của Trung Quốc nằm ở bên trong vì quá nhiều mâu thuẫn nội bộ. Nhưng ác mộng của lãnh đạo xứ này là xứ sở lại bị các nước sâu xé, hoặc bị dị tộc cai trị như đã xảy ra nhiều lần trong lịch sử. Vì vậy, họ mắc bệnh "tự kỷ" (autism) trong hệ thần kinh là chỉ suy luận về thiên hạ sự từ góc độ của mình và khó đối thoại hay hòa nhập với thế giới bên ngoài. Cụ thể là lối suy luận rằng nếu đảng độc tài có thể đem lại cơm áo cho người dân thì sẽ muôn năm trường trị và nhất thống giang hồ mà khỏi bị thiên hạ sâu xé.

Không quốc gia nào trên thế giới ngày nay lại có âm mưu sâu xé ấy, kể cả đệ nhất siêu cường mắc nợ hiện tại là Hoa Kỳ, hoặc ba cường quốc lân bang là Ấn Độ, Liên bang Nga hay Nhật Bản. Nhưng người tự kỷ lại chẳng nghĩ như vậy nên vẫn sợ bóng sợ gió. 


***


Ngày nay, kết quả xảy ra hoàn toàn trái ngược:

Trung Quốc không thể trở thành siêu cường toàn cầu vì có quá nhiều vấn đề kinh tế, xã hội và chính trị ở bên trong. Nhưng xứ này vẫn gây ra mối nguy, hoặc ấn tượng về một mối nguy, cho thế giới khiến các quốc gia khác phải dè chừng. Trong khi về thực chất, quân đội Trung Quốc còn mất cả chục năm mới bảo vệ được vùng biển cận duyên và nhiều thế hệ mới kiểm soát được vùng biển viễn duyên để khống chế thiên hạ.

Chưa có miếng mà đã sớm mang tiếng là một điều tai hại đã được nhắc đến trong... Binh thư Tôn Tử!

Rồi cũng vì sự dè chừng của các nước, lãnh đạo Trung Quốc càng nghĩ rằng mộng mị của họ về chuyện bị liệt cường sâu xé là có cơ sở, nên càng phải diễu võ dương oai. Chuyện lưỡi bò, Hạm đội Nam hải hay Hộ chiếu đặc biệt trên vùng chiếm đóng của nước khác là biểu hiện của tình trạng ám thị vì tự kỷ. "Thiểm quốc là cọp thật, chứ không phải cọp giấy đâu!"

Đâm ra sự hãi sợ của mình dẫn đến nỗi lo ngại của người và cứ thế nuôi nhau trong nghịch lý.


***

Trong khi ấy, nền kinh tế như cái xe đạp của Trung Quốc - không lăn bánh thì đổ - đã chậm lại mà những dị biệt giữa các địa phương và thành phần dân chúng thì tiếp tục mở rộng.

Mâu thuẫn giữa địa dư hình thể và hệ thống chính trị cùng chiến lược phát triển của ba chục năm qua đã dẫn tới một mâu thuẫn đặc thù Trung Quốc: càng tăng trưởng cao thì nội bộ càng phân hóa.

Khu vực duyên hải cùng các thành phố lớn do Trung ương trực tiếp quản lý đã phát triển rất nhanh theo hướng công nghiệp hoá, đô thị hoá và hiện đại hóa – với màu sắc Tây phương, tức là ngoại lai, nhìn từ quan điểm văn hoá Trung Quốc. Các khu vực khiếm khai còn lại thì lẹt đẹt theo sau và đòi trung ương tái phân lợi tức, theo lý tưởng đại đồng với màu sắc Trung Hoa.

Trung ương khó dung hòa những mâu thuẫn đó và tìm sự đồng thuận giữa các địa phương và phe phái bằng mẫu số chung nhỏ nhất cho nên không giải quyết được vấn đề, và phải trùm lên tất cả một tấm màn nhung của chủ nghĩa dân tộc. Đảng khôi phục lại danh dự và tự ái của Hán tộc đa số, và hội nhập toàn dân trong sự hài hòa, trước ý đồ đen tối của ngoại bang.

Vì vậy, mâu thuẫn bên trong được khoả lấp bằng khẩu hiệu bài ngoại, nghĩa là dẫn đến nghịch lý về đối sách của các nước. Dù chẳng muốn sâu xé Trung Quốc, các nước cũng không yên tâm về sức bành trướng kinh tế, ngoại giao và quân sự nên đều chuẩn bị cho kịch bản đen tối nhất, là có xung đột.

Không quốc gia nào trên địa cầu lại vĩnh viễn duy trì được tốc độ tăng trưởng 9-10% một năm. Sự tăng trưởng của Trung Quốc lại chỉ có lượng chứ không có phẩm, vì bất công, không cân đối, thiếu phối hợp nên chẳng bền. Khi cỗ xe đạp hết lăn bánh như xưa, là điều bắt đầu xảy ra, trung ương lâm thế kẹt.

Đà tăng trưởng thiếu phẩm chất đã tích lũy nhiều vấn đề, như bất công xã hội, ô nhiễm môi sinh, bong bóng đầu cơ và núi nợ của khu vực công quyền, kể cả các ngân hàng của nhà nước. Khi  lãnh đạo Trung Quốc muốn cải sửa thì kinh tế toàn cầu lại bị tổng suy trầm từ 2008 làm số cầu về nhập cảng giảm sút. Họ lại phải tống ga thúc đà tăng trưởng cho cỗ xe khỏi đổ. Mà càng bơm tiền thổi lên bong bóng và chất thêm nợ khó đòi và sẽ mất và càng khiến 15 tỉnh thành ở miền Đông chạy theo thế giới và bỏ mặc khu vực nội địa bên trong.


***


Thế hệ lãnh đạo vừa được đưa lên thay thế có thể làm những gì?

Một giải pháp cổ điển là lại bơm thuốc cường dương và, như con thiêu thân đi tìm ánh lửa, sẽ lao vào khủng hoảng. Vì vậy, Hội nghị Ban chấp hành Trung ương phải nói đến việc cải cách vì phẩm hơn lượng, và tương lai không còn thấy đà tăng trưởng của quá khứ, nên động loạn xã hội sẽ chỉ tăng chứ không giảm.

Giải pháp thứ hai là tập trung lại quyền lực vào tay trung ương để có những điều hợp một cách hợp lý hơn. Dù được thấy từ năm 2003, sau Đại hội 16, việc tập trung quyền lực cũng là điều bất khả vì ngày nay, chất keo sơn gắn bó mọi chuyện không phải là ý thức hệ hay lý tưởng cộng sản mà là tiền - và chỉ là tiền.

Sức mạnh của các phe phái đang tranh giành ảnh hưởng bên trong có thể được đếm bằng tiền, là từ các cơ sở hái ra tiền, được phân bố cho tay chân và thân nhân các lãnh tụ ở trên. Có nằm mơ, tư bản chủ nghĩa hoang dại của Tây phương cũng không thể ngờ đến một thiên đường như vậy! Vì thế, Trung ương ở trên cùng chỉ là một tập hợp của nhiều phe nhóm và vây cánh nên không thể lấy những quyết định xâm phạm quyền lợi phe nhóm mà chỉ có thể thỏa hiệp bằng sự bất động, nghĩa là duy trì nguyên trạng.

Mà nếu như có thành, thì tập trung để đi về đâu? Để cải cách kinh tế và chính trị theo kịp thế giới văn minh hay để xoay vào trong theo tinh thần ái quốc kiểu Mao Trạch Đông? Hai hướng này đều được thử nghiệm - như Quảng Đông dưới quyền Bí thư Uông Dương hoặc Trùng Khánh dưới sự lãnh đạo của Bí thư Bạc Hy Lai - mà không thành.

Giải pháp hay giả thuyết sau cùng thì nằm trong gia phả: hiện tượng hợp tan tụ tán trong mấy ngàn năm lịch sử của Trung Quốc sẽ lại tái diễn.

Những vết nứt tự nhiên của địa dư hình thể đã mở rộng vì các thế lực tiền tài ở bên trong và sẽ dẫn tới cảnh tam phân, lục quốc như trong quá khứ. Ở trên cùng, Trung ương như một Thiên tử vô quyền sẽ đành thúc thủ, và chỉ gào thét về tính ưu việt của Hán tộc và về các ý đồ mờ ám của thiên hạ. Trong khi các thế lực tài phiệt đỏ thì đã xây dựng quan hệ với bên ngoài, khi hữu sự thì có bãi đáp kinh doanh ở ngoại quốc. Nhìn xem "Thái tử đảng", đám con cháu của các đại công thần cách mạng, ngày nay giàu có đến mức nào, trải thảm an toàn ở nơi nao, thì ta đoán ra sự thể của năm bảy năm tới.... Vì vậy, lưỡi bò hay hộ chiếu có phải là chuyện mộng mị không nào?

Lời chúc đầu năm ở đây: "lãnh đạo Hà Nội sớm thấy ra sự mộng mị của Trung Quốc mà tìm ra hướng khác." Lời chúc ấy cũng lại là một chuyện mộng mị!

Thứ Tư, tháng 12 26, 2012

Việt Nam Đi Hết Chu Kỳ

Vũ Hoàng & Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA Ngày 121226


Vét Vàng Bỏ Chạy Là Thượng Sách Của Đại Gia




* AFP photo - Một người dân đạp xe ngang qua một bảng quảng cáo phát triển đô thị cao cấp
tại trung tâm thành phố Đà Nẵng vào ngày 25 tháng 8 năm 2010.*



Việt Nam đã đi hết chu kỳ tăng trưởng ngoạn mục sau khi đổi mới kinh tế 25 năm trước. Rồi sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO vào năm 2007 thì cũng hết một chu kỳ hồ hởi để bước vào nhiều sóng gió vì khả năng quản lý vĩ mô quá kém của lãnh đạo. Diễn đàn Kinh tế tìm hiểu chuyện ấy trong bài tổng kết 2012 của chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa do Vũ Hoàng thực hiện sau đây.


Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nguyễn-Xuân Nghĩa. Tiếp tục loạt bài tổng kết kinh tế năm 2012 và như đã hẹn, thưa ông, kỳ này chúng ta sẽ nói về tình hình kinh tế của Việt Nam. Theo thông lệ thì xin ông trình bày cho bối cảnh của cả hồ sơ này. 

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi xin được đặt câu chuyện kinh tế trong bối cảnh dài trước khi nói đến chuyện hiện tại bất trắc và tương lai u ám.

- Những người lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam đã mượn màu dân tộc để tiến hành việc gọi là "xây dựng xã hội chủ nghĩa trên cả nước" dù rằng về thực chất, họ không biết xã hội chủ nghĩa ấy là gì. Nhờ khai thác tinh thần dân tộc, họ chiến thắng năm 1975 và đòi tiến nhanh tiến mạnh tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội mà vì không biết là gì nên đã xoá giỏi hơn xây và gây ra khủng hoảng trong 10 năm liền.

- Từ đó, họ biết là sai mà chưa rõ thế nào là đúng, cho nên tiến hành đổi mới một cách cầm chừng và thật ra là thả nổi cho dân chúng làm ăn từ năm 1987. Rồi họ vừa làm vừa học, và chỉ đổi mới có chọn lọc từ trên đầu xuống là từ 20 năm trước, khi Liên bang Xô viết đã tan rã.

 

Vẫn còn lạc hậu


Vũ Hoàng: Tức là trong phần bối cảnh, ông đã phân định ra nhiều thời kỳ khác nhau vì trình độ nhận thức và chính sách?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thưa vâng, nếu so sánh với quá khứ trên cái trục thời gian thì tình hình kinh tế Việt Nam đã có thay đổi tương đối khá hơn 20-25 năm trước. Nhưng nếu so sánh trên cái trục không gian với các nước Đông Á khác thì Việt Nam vẫn còn lạc hậu - và thực tế thì tụt hậu từ năm năm qua và hết là một kinh nghiệm được quốc tế khen như rồng cọp để khuyến khích.

- Nhìn trong lâu dài, nếu cứ thả nổi cho người dân tự do làm ăn thì sau một giai đoạn hỗn loạn kinh tế chừng năm bảy năm, người dân Việt Nam đã có thể tìm ra con đường khác cho xứ sở, chẳng kém gì các dân tộc Á Châu khác ở chung quanh. Nhưng vì biến động trong khối Xô viết, đảng Cộng sản Việt Nam sợ bị mất quyền, họ nhân danh một ý thức hệ đã phá sản mà tiến hành cải cách có chọn lọc theo kinh nghiệm của Trung Quốc để vẫn duy trì quyền lực độc tôn của đảng và xây dựng một thứ tư bản chủ nghĩa nhà nước, cho tay chân và thân tộc của đảng viên. Vì vậy Việt Nam mới tụt hậu trong khi nền độc lập của đất nước lại bị đe dọa. Nghĩa là người ta đi tròn một chu kỳ oan nghiệt giữa hai mục tiêu đều không đạt được là độc lập quốc gia và canh tân xứ sở. Xong phần bối cảnh này ta mới đi vào cụ thể....

Vũ Hoàng: Thưa ông, đi vào phần cụ thể là như thế nào với số liệu gì làm cơ sở thẩm xét?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Việt Nam vẫn là một nước nghèo của thế giới, với lợi tức bình quân một đầu người là cỡ ngàn mốt ngàn hai đô la trong cả năm, đứng hạng 132 trong 185 nước hội viên của Ngân hàng Thế giới. Nói cụ thể thì hơn hai chục năm sau khi chính thức đổi mới, Việt Nam mới bước lên cái ngưỡng gọi là có lợi tức loại trung bình thấp.

- Nhờ đã có lợi tức loại trung bình, Việt Nam được nâng cấp cho nên hết được viện trợ ưu đãi và thực tế là đi vay không tiền lời trong khuôn khổ của Hiệp hội Phát triển Quốc tế IDA thuộc Ngân hàng Thế giới dành cho các nước nghèo. Từ năm 2007 thì phải vay Ngân hàng Thế giới theo khuôn khổ tín dụng IBRD của định chế này, dự án lần đầu tiên là vào năm 2009. Then chốt ở đây là đã lên tới mức trung bình, nhưng mà còn thấp! Cũng vì vậy, hai tuần trước, nhân hội nghị của các cơ quan và quốc gia cấp viện cho Việt Nam, lãnh đạo Hà Nội mới lại cào mặt ăn vạ rằng mức gia tăng lợi tức ấy chỉ là giả tạo vì lạm phát, chứ dân Việt Nam vẫn còn nghèo. Họ nói vậy để kèo nèo xin vay theo điều kiện ưu đãi dành cho các nước nghèo, dù rằng loại tín dụng IBRD vẫn là quá rẻ nếu so với điều kiện thông thường của thị trường.

- Chúng ta thấy ra bi hài kịch là lãnh đạo tự khoe thành tích làm cho dân giàu nước mạnh mà dân còn nghèo và nước thì yếu. Tuần qua, lãnh đạo xứ này còn tưng bừng kỷ niệm việc đánh thắng nước Mỹ vào năm 1972 với cái gọi là "Điện Biên Phủ trên không" trong khi các đại gia thì lái xe du lịch bạc triệu mà hơn 70% dân chúng vẫn chưa kiếm ra năm đô la lợi tức trong một ngày và nếu biểu tình để phản đối Trung Quốc xâm phạm lãnh thổ thì bị bỏ tù.

 

Nguyên nhân 



000_Hkg7888289-250.jpg
Một góc dự án bất động sản lớn ở Hà Nội chụp hôm 04/10/2012. AFP photo  


Vũ Hoàng: Bây giờ ta mới đi vào nguyên nhân của tình trạng ấy. Vì sao lại như vậy?

- Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Việt Nam đã đi hết chu kỳ dễ dãi của việc chuyển hướng kinh tế ra khỏi chế độ tập trung quản lý theo kế hoạch máy móc và duy ý chí của nhà nước. Nhưng sau đó lại theo cái gọi là "định hướng xã hội chủ nghĩa" do nhà nước đặt ra, mà bên trên thì chẳng ai biết định hướng ấy là gì. Vì không hiểu ra, nên bên trong hệ thống lãnh đạo, người có chức có quyền đã có thể tự tiện vạch ra những hướng có lợi cho cơ sở, gia đình hay vây cánh của họ.

- Đã vậy, Việt Nam lại bước vào chu kỳ hồ hởi khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới năm 2007 mà không thấy thời điểm ấy cũng là khởi đầu của cơn chấn động lớn trên toàn cầu với ảnh hưởng dội vào Việt Nam, làm bể bóng đầu tư và đánh sụt mức đầu tư của nước ngoài. Vẫn theo nếp cũ học được từ Trung Quốc, Hà Nội đã lại gia tăng đầu tư và bơm tín dụng như liều thuốc đổ bệnh nên kinh tế vừa bị suy trầm vừa lạm phát. Lý do cơ bản của hoạn nạn này là khả năng quản lý vĩ mô quá kém với nhiều biện pháp co giật thất thường của các cơ quan chức năng. Nhưng người dân còn thấy ra rằng đấy là cơ hội cho một số đại gia bành trướng ảnh hưởng và thu vét phương tiện cho họ. Nghĩa là vì tư lợi mà làm lệch chính sách công quyền.

Lý do cơ bản của hoạn nạn này là khả năng quản lý vĩ mô quá kém với nhiều biện pháp co giật thất thường của các cơ quan chức năng. Nguyễn-Xuân Nghĩa

Vũ Hoàng: Thưa ông, dường như là từ đầu năm ngoái, lãnh đạo của Việt Nam cũng có thấy ra điều ấy với Nghị quyết 11 và một gói chính sách để đẩy lui lạm phát.

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thưa rằng đấy là quyết định đạp thắng để ổn định vật giá với cái giá phải trả là lãi suất quá cao làm doanh nghiệp thiếu vốn và chết kẹt khiến các ngân hàng cũng bị rủi ro mất nợ.

- Sâu xa hơn thế, lãnh đạo Hà Nội cũng thấy ra những thất quân bình trong cơ cấu kinh tế, nên từ Tháng 10 năm ngoái, Hội nghị Ban chấp hành Trung ương mới đề ra ba yêu cầu tái cơ cấu, là thứ nhất đầu tư của khu vực công, thứ hai là hệ thống tài chính và ngân hàng và thứ ba là doanh nghiệp nhà nước, trong đó, nổi cộm hơn cả là phải tái cấu trúc lại các tập đoàn kinh tế nhà nước, những trung tâm có khả năng quản trị thấp mà quyền lợi cao. Một năm đã qua rồi mà yêu cầu tái cơ cấu ấy vẫn chưa tiến hành. Bàng bạc ở trên và lồng lên tất cả là nạn tham nhũng, một thuộc tính kinh tế của chế độ độc tài.

 

Hậu quả 



000_Hkg8039538-250.jpg
Chính quyền thành phố Hà Nội phá các chung cư cũ có niên đại từ năm 1960 để xây những tòa nhà hiện đại. Ảnh chụp hôm 21/11/2012. AFP

Vũ Hoàng: Thưa ông, hậu quả ngày nay là như thế nào?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Hậu quả là ngày nay, Việt Nam đã hết thời kỳ tăng trưởng trên 7% một năm, tức là cứ 10 năm lại nhân đôi lợi tức, mà sẽ quanh quẩn ở mức 5% một năm, là phải 14 năm nữa thì lợi tức bình quân mới vượt mức hai ngàn một năm và từ nay đến đó sẽ là nhiều bất trắc.  Các con số trừu tượng ấy thật ra vô nghĩa với mấy vạn doanh nghiệp của tư nhân bị vỡ nợ và hàng triệu người đang thất nghiệp. Nhiều cơ sở tư doanh không chỉ bị ngộp nợ và hàng hóa ế ẩm, tồn kho chất đống mà đã gặp cảnh ngộ gọi là "chết lâm sàng" và thị trường địa ốc bị đông lạnh.

- Nhìn lại thì Việt Nam có tăng trưởng mà thiếu phẩm chất, tương tự như Trung Quốc và thua xa các nước Đông Á khác. Đó là sự tăng trưởng bất công, không bền mà gây ô nhiễm, là làm hư hao tài nguyên quốc gia cho các thế hệ về sau. Ngay cho thế hệ này thì khoảng cách về lợi tức đã đào sâu và bị thiệt hại nhất chính là các sắc tộc thiểu số ở miền sơn cước. Đấy là vấn đề đạo lý và cũng là mối nguy khác về an ninh mà không xuất hiện từ biển Đông.

- Về viễn ảnh cho năm tới thì gánh nợ của nhà nước, kể cả các tập đoàn kinh tế nhà nước, đã thành vấn đề, nhưng nặng đến mức nào thì không ai rõ. Và hệ thống ngân hàng thì có thể sụp vì mất nợ, mà mất đến cỡ nào và ai sẽ trả thì chẳng ai hay. Mà đấy chỉ là một phần của rủi ro thôi.

Vũ Hoàng: Theo nhận định của các định chế quốc tế như Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế và Ngân Hàng Thế Giới, thì năm tới đây Việt Nam có thể bị ba loại rủi ro như kinh tế toàn cầu bị đình trệ, vẫn còn gặp bất ổn về quản lý vĩ mô, và nếu lãnh đạo Việt Nam có cải cách thì vẫn gặp trở ngại trong thi hành. Ông nghĩ sao về những nhận định ấy?

Về viễn ảnh cho năm tới thì gánh nợ của nhà nước đã thành vấn đề, nhưng nặng đến mức nào thì không ai rõ. Và hệ thống ngân hàng thì có thể sụp vì mất nợ, mà mất đến cỡ nào và ai sẽ trả thì chẳng ai hay.
Nguyễn-Xuân Nghĩa

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Các định chế quốc tế ấy vẫn phải có những khuyến cáo với ngôn ngữ ngoại giao, trên cơ sở của những đánh giá tương đối vẫn là lạc quan.

- Quả thật rằng Việt Nam đã lầm lẫn nặng khi tìm sức tăng trưởng cao bằng đầu tư của công quyền trút vào khu vực kinh tế nhà nước và bằng tín dụng được cấp phát theo diện chính sách nên cũng ưu tiên trút vào các doanh nghiệp nhà nước. Vì vậy xứ này mới gặp các rủi ro trong năm tới như ông vừa nhắc đến. Nhưng rủi ro lớn nhất lại không nằm ở ba lĩnh vực đó mà là tình trạng tê liệt về chính trị vì quyền lực phe phái ở bên trong.

- Cả ba cái đầu là đảng, chính phủ và quốc hội đều nói đến cải tổ kinh tế và thực sự có những phát biểu hay can thiệp vào lĩnh vực kinh tế, tài chính và ngân hàng mà không đưa ra được một chính sách rõ rệt và nhất quán. Trong khi ấy, tay chân của ngần ấy phe phái vẫn tranh giành ảnh hưởng với nhau để bòn rút tài sản và bỏ chạy ra ngoài trước khi cả hệ thống bị sụp đổ. Tôi thiển nghĩ rằng mối nguy lớn nhất trong năm tới nằm ở đó và một thước đo của mức độ nguy ngập này chính là giá vàng. Đâu biết chừng vét vàng bỏ chạy là chính sách mà nhiều người có chức có quyền đánh giá là khôn ngoan hơn cả?

Vũ Hoàng: Xin cảm tạ ông Nghĩa về cuộc phỏng vấn kỳ này.

Thứ Ba, tháng 12 25, 2012

Độc Thiện Kỳ Thân


Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người Việt Ngày 121224

"Kinh Tế Cũng Là Chính Trị"
 
Một Xã Hội Độc Thân.... Và Tàn Tạ?

 * Lấy chồng, đẻ con và còn cho bú sữa mẹ? Lạc hậu quá! *


"Các nền văn minh không biến mất trên mặt địa cầu vì bị tiêu diệt mà vì tự sát". Sử gia Arnold Toynbee người Anh đã phán như vậy. Nhân dịp Giáng Sinh, hãy thử nhìn vào một khía cạnh tự sát của các nước dân chủ Tây phương qua chuyện... sinh đẻ.


Ngày 29 Tháng 11 vừa qua, trung tâm Pew Research Center công bố một phúc trình trong loạt nghiên cứu về trào lưu xã hội và dân số, dưới một tiêu đề bắt mắt: "Tỷ Lệ Sinh Đẻ Tại Mỹ Sụt Tới Mức Kỷ Lục: Sút giảm mạnh nhất là trong thành phần di dân". Đại để là tỷ lệ sinh sản của phụ nữ Hoa Kỳ trong tuổi sinh con đã giảm trong những năm qua, nhất là từ năm 2007, và giảm đến mức kỷ lục, kể cả trong thành phần phụ nữ Mỹ sinh đẻ ở nước ngoài, một định nghĩa khác của di dân.

Nhìn trong ngắn hạn và tập trung vào khía cạnh kinh tế, người ta có thể giải thích rằng nạn Tổng suy trầm 2008-2009 và khó khăn kinh tế từ năm năm vừa qua đã khiến dân Mỹ ngần ngại đẻ con và thành phần di dân xưa nay vẫn sinh đẻ nhiều hơn cả cũng giảm mạnh nhất. Nhìn trong trường kỳ và ra khỏi khuôn khổ kinh tế thì Hoa Kỳ đang gặp xu hướng sút giảm dân số rất đáng ngại.

Trước cái tin hấp dẫn đó, nhiều nhà bình luận bèn nhập cuộc từ cả hai góc trái phải của võ đài.

Thí dụ như Ross Douthat, một chủ biên của tạp chí The Atlantic, đã rất đao thớt như tên gọi mà viết trên tờ New York Times rằng sự suy đồi văn hóa và nếp sống chỉ vì lạc thú riêng tư khiến người Mỹ chúng ta quên hẳn những hy sinh căn bản đã tạo dựng ra nền văn minh này. Một trong những hy sinh đó tất nhiên là lập gia đình, sinh đẻ và nuôi nấng con cái để còn duy trì sự sống cho cả xã hội và quốc gia. Từ góc trái của cuộc đấu khẩu, nàng Amanda Marcotte thấy ngứa và phản pháo trên báo điện tử Slate.com. Rằng "người Mỹ" đây ám chỉ phụ nữ.

Nổi tiếng là đấu tranh cho nữ quyền, nàng Amanda này quạt lại phe bảo thủ là chỉ muốn ghìm phụ nữ vào cái khung cổ hủ của quá khứ, là ở nhà và đẻ con, chứ không cho họ tranh đua với nam giới tại hãng sở.... Biên tập viên Jamelle Bouie của tạp chí thiên tả The American Prospect bèn nhảy vào phụ họa: đấy là thái độ kỳ thị phụ nữ và phản tiến hóa! Định nghĩa tuyệt vời của chữ tiến hóa.

Người viết này phải đọc ngần ấy lập luận và nhớ đến một lời thuyết giảng của... Đức Đạt Lai Lạt Ma.

Tháng Ba năm 2007, ngài nói với dân Tây Tạng, cho nước Tây Tạng: "Nếu ai ai cũng chỉ muốn đi tu thì dân số Tây Tạng sẽ giảm và nền văn hóa Tây Tạng bị đe dọa". Cách nhìn thực tế của bậc chân tu thánh thiện này khiến chúng ta suy ngẫm....

Và thấy rằng sau Nhật Bản, các nước Âu Châu và cả Liên bang Nga, Hoa Kỳ cũng lại trôi vào nạn lão hóa dân số vì thành phần cao niên chiếm một tỷ trọng lớn hơn. Đó là một vấn đề kinh tế trong trường kỳ, một thứ "định mệnh" y như địa dư hình thể.

Khác với nhiều nước công nghiệp hóa, Hoa Kỳ có dân số tương đối trẻ hơn là nhờ tiếp nhận di dân, thành phần vốn dĩ có sinh suất cao hơn nên phần nào bù đắp sự sút giảm dân số của xã hội.

Dân số một quốc gia sẽ giảm nếu không đạt một sinh suất (fertility rate) tối thiểu là 2,1. Diễn giải cho nôm na theo dân số học hay nhân khẩu học thì một phụ nữ trung bình phải có 2,1 đứa con để bù vào tử suất, là số người mãn phần. Sinh suất tại Mỹ hiện đã sụt tới 1,9 và còn đang sụt.

Trong quá khứ, khi kinh tế suy trầm (recession, là đà tăng trưởng sút giảm trong hai quý liền, khác với suy thoái, depression, là khi không có tăng trưởng mà còn sụt mạnh trong nhiều khu vực sản xuất khác nhau), đà sinh đẻ đều giảm. Nhưng sau đó sức đẻ lại phục hồi khi kinh tế bắt lại đà tăng trưởng. Lần này, tình hình lại khác và đáng ngại hơn cả, cái vựa người trong cộng đồng di dân cũng cạn dần.... Lý do thứ nhất là số di dân có giảm, nhất là trong thành phần chủ lực là di dân gốc Mễ. Lý do thứ hai là di dân đã được Mỹ hóa khá nhanh nhờ các dịch vụ ngừa thai hay giáo dục về sinh lý trong học đường.

Mà Mỹ hóa là cùng chia sẻ một nhân sinh quan: hạnh phúc không nhất thiết là qua hôn nhân, có gia đình một vợ một chồng, và có con gái....

Người ta lập gia đình trễ hơn, có con trễ và ít hơn, tỷ lệ vui đời độc thân cũng cao hơn: bằng phân nửa của xã hội.... Kinh hãi nhất là ba phần tư các bà mẹ độc thân là phụ nữ da trắng. Nhưng nói vậy là oan cho nước Mỹ, cho phụ nữ Hoa Kỳ, thuốc ngừa thai, phong trào phá thai, triệt sản hoặc hôn nhân giữa người đồng tính.

Đấy là hiện tượng chung của các xã hội chúng ta gọi là tiên tiến.

Tại Đức, 30% phụ nữ cho biết là họ không muốn có con. Tại Nhật, phụ nữ ở lớp tuổi 25-29 có 60% là những người chưa từng lập gia đình, cao gấp ba tỷ lệ 20% của năm 1960. Trong toàn cõi Đông Á đang trở thành "tân hưng", có 25% phụ nữ đã kiên trì độc thân cho đến tuổi 50. Nghĩa là khỏi phải hy sinh lấy chồng đẻ con để lo việc truyền chủng. Đấy là trào lưu chung của thế giới gọi là văn minh.

Trung Quốc thì còn văn minh hơn thiên hạ: chính quyền chủ động thi hành quốc sách triệt sản với kế hoạch "mỗi hộ một con". Nhờ vậy mà 40 năm sau là ngày nay, người dân chưa giàu thì đã già.... Dân số cũng lão hóa và kinh tế chưa qua mặt Hoa Kỳ như người ta dự báo thì đã bị Ấn Độ bắt kịp trong vài chục năm tới. Vì dân Ấn Độ vẫn ấn đại chứ chưa biết sùng chuộng nếp sống độc thân của người văn minh?

Bốn mươi năm trước, một tổ chức chuyên trị về hốt hoảng đã báo trước mối nguy nhân mãn của nhân loại. Phúc trình "Giới hạn Tăng trưởng" của Club of Rome dạy rằng thế giới sẽ hết vàng vào năm 1981, hết thủy ngân vào năm 1987, cạn dầu vào năm 1991. Nhân loại sẽ đói vì tay làm không đủ cho hàm nhai.

Trong đà hốt hoảng tập thể, phim khoa học giả tưởng "Soylent Green" còn báo động về nạn ăn thịt người vì hết lương thực! Chuyện hão huyền dớ dẩn vì ngày nay, sự thể xảy ra hoàn toàn trái ngược.

Một quốc gia giàu tài nguyên như Liên bang Nga đang lụn bại dần vì dân số sút giảm: người dân hết tin vào tương lai nên chẳng thiết có con nữa. Hạnh phúc nằm dưới đáy chai rượu đế. Các nước dân chủ Tây phương thì tìm thấy hạnh phúc ở điều khác - và có con là một cực hình. Ta nhớ đến nhận xét của Toynbee về sự tự sát của các nền văn minh.

Thật ra, chẳng có nền văn minh nào lại chủ động tự sát như vậy cả. Cái thiên đường âm u của các nước dân chủ có tấm bảng chỉ đường hấp dẫn là Thượng đế đã chết. Và nền giáo dục đại chúng lẫn văn hóa tiên tiến đều quảng bá các chân lý mới, như trì hoãn thành hôn và sinh đẻ, như quyền ly dị, phá thai, hoặc bọn nhà giàu phải tài trợ chế độ bao cấp, để người người đều sướng vô tội vạ.... "Sướng một mình" hay "độc thiện kỳ thân" không là một vấn đề sinh lý mà cũng là đạo lý. Với ảnh hưởng chậm rãi và sâu xa cho kinh tế.

Bội chi ngân sách, thâm hụt thuế khóa, vực thẳm tài chánh?... Biết đâu chừng là ngần ấy chuyện đều xuất phát từ phòng ngủ!

Thứ Sáu, tháng 12 21, 2012

Xấc Bấc Xang Bang Trong Tiếng Cười


Nguyễn-Xuân Nghĩa Việt Báo Ngày 121221

Tương lai của Thế hệ Y là đây chăng?


 * Tại người già cứ ôm lấy việc và cướp mất chỗ của lớp trẻ? *



Theo quy ước phổ thông của dân số học hay nhân khẩu học tại Hoa Kỳ và cả Âu Châu, người ta thường có tên gọi tắt từng thế hệ.

Lớp người sinh ra trong khoảng thời gian từ cuộc Tổng khủng hoảng 1929-1933 đến Thế chiến II thường được gọi là "Thế hệ Câm nín" hoặc "Thế hệ Anh hùng". Câm nín vì chịu đựng những lầm than kinh tế thời khủng hoảng rồi anh hùng vì tòng quân ra trận để bảo vệ tự do cho xã hội. Quy ước chung là những người sinh ra từ năm 1925 đến 1942.

Nối tiếp là "Thế hệ Hậu chiến" hay Baby Boomers, những người sinh sau Thế chiến II, theo quy ước thông thường là từ 1946 đến 1964. Họ là lớp người đông đảo nhất và đã góp phần phát triển các quốc gia bị chiến tranh tàn phá và ngày nay là thế hệ đang chuẩn bị về hưu.

Sau "Thế hệ Hậu chiến" là lớp người sinh từ 1965 đến 1982, được gọi là "Thế hệ X" với chữ X như một ẩn số toán học mà những người đặt tên khi ấy chưa rõ là gì. Đặc tính chung là lớp người này hồn nhiên an hưởng hoà bình và trưởng thành trong thế giới điện toán, toàn cầu hóa. Nhiều người còn gọi họ là "Thế hệ MTV" vì cùng theo dõi hệ thống nhạc truyền hình MTV xuất hiện từ năm 1981.

Nhưng ẩn số còn ít có giải đáp hơn nữa chính là "Thế hệ Y", lớp người ra đời từ năm 1982 đến 2004. Đấy là thế hệ thanh thiếu niên có thể đang bị hy sinh – mà không biết. Bài này được viết về thế hệ đó, cho những ai còn quan tâm đến tương lai....


***


Giới nghiên cứu kinh tế thường coi dân số một quốc gia là "định mệnh" trong ý nghĩa là yếu tố
chi phối cả xã hội một cách chậm rãi thầm lặng mà người ta không cưỡng nổi.

Một thí dụ dễ hiểu là khi cả một thế hệ sinh sau Thế chiến II, ở lớp tuổi từ 65 đến 48, mà lục tục về hưu thì sinh hoạt kinh tế của quốc gia sẽ bị ảnh hưởng. Lớp người cao niên này thu vén phương tiện, ở căn nhà nhỏ hơn, sản xuất ít đi, tiết kiệm nhiều hơn mà vẫn có nhu cầu về hưu liễm hay y tế kéo dài nhờ sống thọ hơn thế hệ đi trước...

Sau nhiều thập niên năng động và thậm chí tạo ra phép lạ kinh tế thời hậu chiến, lớp người này trở về già và sống nhờ những gì họ đã đóng góp và đầu tư khi còn sung mãn. Kinh tế học rất phũ phàng gọi đó là "thành phần lệ thuộc", cuộc sống về già của họ lệ thuộc vào sức sản xuất và đóng góp của các thế hệ sinh sau. "Sống nhờ con cháu" không là gia cảnh của lớp người cao niên đang đến tuổi vàng hoặc bước vào thời hoàng hôn, đấy là hoàn cảnh kinh tế của cả quốc gia xã hội.

Khi nói đến "định mệnh" kinh tế đó, người ta mới nhìn vào cơ cấu dân số xếp theo tuổi tác, xem là thành phần nào ở vào hoàn cảnh năng động nhất về sản xuất để đóng góp cho các thế hệ khác. Cho lớp người về già và cần tiền hưu liễm lẫn thế hệ trẻ đang còn đi học và chỉ biết chi tiêu....

Đấy là bối cảnh chung của yếu tố dân số trong kinh tế.


***


Bây giờ, bài toán chung của hầu hết các quốc gia trên thế giới là nạn "lão hóa dân số": lớp người già lão hoặc "thành phần lệ thuộc" chiếm tỷ trọng ngày một cao trong cơ cấu dân số.

Người ta đều thấy ra trào lưu lão hóa tại các nước hậu công nghiệp tiên tiến như Nhật Bản, Hoa Kỳ hay Âu Châu. Trong thế giới gọi là văn minh đó, người ta thích tự do, lập gia đình trể hơn và có con ít hơn. Trong khối tiên tiến, bị lão hóa nhẹ nhất là Hoa Kỳ vì xứ này còn tiếp nhận di dân, là thành phần vẫn chịu khó sinh con đẻ cái. Ôi, cái chữ "chịu khó" tuyệt vời....

Thật ra, trào lưu này chẳng chừa một ai vì nhiều nước tân hưng Đông Á cũng có chung đặc tính là có sinh suất thấp hơn và tuổi thọ dài hơn. Ngoại lệ là Trung Quốc.

Vì tinh thần duy ý chí - đồng nghĩa với nông cạn - lãnh đạo xứ này chủ động kiểm soát dân số qua kế hoạch "mỗi hộ một con", dư thừa là phải ráo riết phá thai triệt sản. Bốn chục năm sau, là ngày nay, Trung Quốc cũng bị nạn lão hóa dân số. Người dân chưa kịp giàu thì đã già và lãnh đạo chưa kịp đan mạng lưới phúc lợi về hưu liễm và bảo dưỡng sức khoẻ nên sẽ lãnh họa.

Những chuyển động chậm rãi và lâu dài ấy là định mệnh kinh tế của xã hội và là yếu tố giải thích sự thịnh suy mạnh yếu của các quốc gia trong năm mười năm tới.

Bây giờ, hãy trở lại thế hệ đang bị hy sinh....


***


Năm 2010, khi biến động chính trị bùng nổ tại Tunisia và lan ra toàn khu vực Bắc Phi và Trung Đông, người ta đã nói đến làn sóng dân chủ trong khối Hồi giáo, được gọi với mỹ danh là "Mùa Xuân Á Rập" hay "Cách mạng Hoa nhài".

Người viết này thành thật khai báo là rất hoài nghi kịch bản lý tưởng đó, và những gì đang xảy ra tại Egypt (Ai Cập) hay Lybia, Syria đang cho thấy rằng đấy là ảo tưởng. Nhưng chuyện đáng nói là đa số truyền thông Hoa Kỳ và Tây phương đều nhắc tới một thế hệ trẻ của các nước Á Rập này đã có học để biết khát khao và không chịu câm nín, nhưng vẫn thất nghiệp nặng vì cái học đó chỉ là kiến thức vô dụng. Lớp trẻ đó bất mãn, tuyệt vọng và xuống đường kêu đòi thay đổi....

Nhìn từ sự nông cạn của truyền thông phương Tây thì đấy là động lực cách mạng cho dân chủ. Nhưng sự nông cạn này vẫn chưa đáng kể. Điều kinh hãi là hệ thống truyền thông đó chỉ biết gáy mà không có gáy đề sờ. Một phần vì sự mù mờ phổ biến về kinh tế.

Từ cơn chấn động về nợ nần vào năm 2007 cho đến nạn Tổng suy trầm 2008-2009 cho đến nay, năm năm tròn đã qua và cả Hoa Kỳ lẫn Âu Châu đều bị chung một nạn là tình trạng thất nghiệp quá cao của lớp người dưới 25 tuổi, thanh niên đã tốt nghiệp, thành tài mà chưa thành người. Bị thất nghiệp cao nhất là tuổi trẻ tại Hy Lạp, Tây Ban Nha hay Bồ Đào Nha, các quốc gia lâm nạn trong khối Euro.

Nhưng Hoa Kỳ cũng chẳng khá hơn.

Phân nửa những người trẻ đã tốt nghiệp cao đẳng, là bốn năm sau trung học, hiện vẫn không có việc, hoặc phải làm công việc chẳng cần đến học vị cử nhân hay kỹ sư.... Nhiều người nản chí quay về sống với gia đình, với phụ huynh thuộc Thế hệ Hậu chiến, hoặc/và quay lại nhà trường để đi học tiếp.

Họ vay tiền chính phủ trong một cái quỹ sẽ vỡ nợ mà chẳng ai nói tới.

Lượng tín dụng cho sinh viên, student loans, hiện đang căng phồng như trái bóng vì lên đến ngàn tỷ đô la. Và bóng sẽ bể vì nhiều "sinh viên cụ" đi vay tiền để sống hơn là để học. Có tới 31% tìm không ra việc nên đành xù nợ.... Lần này bóng bể không vì nhà băng mà vì nhà nước.

Người lạc quan thì tin rằng giai đoạn hoạn nạn này rồi cũng sẽ qua sau khi kinh tế ra khỏi khoảng trũng của năm năm vừa qua. Có thể lắm. Hoặc nói theo kiểu bình luận bâng quơ vô vị, "mong lắm thay"! Nhưng chúng ta cũng có những câu hỏi không thể tránh được.

Thầy cô dạy dỗ ra sao mà học xong vẫn không có việc làm? Vì thế giới đổi thay quá nhanh, vì công việc của cấp cử nhân đã bị cấp cao học hay tiến sĩ lấy mất? Vì lớp người già vẫn chưa chịu lui để nhường việc cho lớp trẻ như tấm hình ở trên đã minh diễn? Nghĩa là lại đấu tranh giai cấp, giữa đám già và trẻ trên thị trường lao động? Ngần ấy lý do đều có thể đúng, nhưng sự thật vẫn là một tiến trình đầu tư kém hiệu năng, tốn tiền đi học những điều vô bổ.

Có cái gì đó không ổn trong hệ thống giáo dục và trong vai trò quá tẽ của các nghiệp đoàn giáo chức. Chuyện giáo dục ấy đã đáng lo mà chưa đáng sợ. Đáng sợ nhất là nếp văn hóa bất cần, hoặc tinh thần ỷ lại và nền chính trị bao cấp.

Trong một xã hội đang bị lão hóa với 40% các gia đình bị tan vỡ, cả một thế hệ lẫn nhiều bà mẹ độc thân đã hồn nhiên trông cậy vào một nhà nước mắc nợ, vào chế độ bao cấp. Và Thế hệ Y còn dệt mộng phù du là tiếp tục có phương tiện hiện đại để giải trí. Có gì thì ai đó sẽ lo cho mình - miễn phí. Không phải cha mẹ thì đã có nhà nước.

Kết quả bầu cử vừa qua tại cả Hoa Kỳ lẫn các nước Âu Châu đã cho thấy hiện tượng bất thường ấy.

Giới kinh tế thường lạnh lùng nhìn vào sự chuyển động chậm rãi của xã hội. Lâu lâu thì gióng lên hồi chuông báo động về cái giá phải trả – mà chẳng ai nghe. Nếu quan tâm đến xã hội và cả những yếu tố nằm ngoài kinh tế, người ta có thể hỏi vì sao? Một câu trả lời đáng ngẫm là vì lãnh đạo.

Tại Hoa Kỳ, thành phần đa số trong cả lưỡng viện Quốc hội là lớp người của Thế hệ Hậu chiến. Lớp người lãnh đạo này không thể không thấy ra sự phá sản tâm lý, văn hoá và giáo dục đang xảy ra cho Thế hệ Y. Vì sao họ không nói ra sự thật và tìm cách cải sửa?

Vì cử tri, vì chúng ta?