Nguyễn-Xuân Nghĩa & Trọng Thành
Tạp Chí Kinh Tế RFI Ngày 121211
Bất đồng ngân
sách 2013 giữa hai phe Dân Chủ và Cộng Hòa có thể đưa kinh tế Mỹ vào suy
thoái
* Đừng lo, đấy là tội của tụi Cộng Hoà! *
Ngay sau cuộc bầu cử 06/11/2012 với việc Tổng thống Barack
Obama tái đắc cử và đảng Dân Chủ dành thắng lợi nhưng đảng Cộng Hoà vẫn kiểm
soát được Hạ viện, Hoa Kỳ đang đứng trước một thách thức tài chính kỳ lạ, có
tên thông tục là “fiscal cliff” hay còn gọi là
“vực thẳm ngân sách”. Theo nhiều kinh tế gia, đây là mối đe dọa rất lớn đối với
nền kinh tế Mỹ. Chuyên gia kinh tế
Nguyễn Xuân Nghĩa tại Hoa Kỳ sẽ đưa ra một số lý giải để soi tỏ các nguyên do
của tình trạng này và trách nhiệm của giới chính trị Mỹ đối với vấn đề tài
chính kể trên.
Hoa Kỳ - nền kinh tế số một thế giới - cũng như nhiều quốc
gia công nghiệp phát triển khác, đang ở trong tình trạng ngân sách quốc gia bị
thâm hụt trầm trọng. Tổng gánh nặng nợ công hiện nay của Hoa Kỳ là hơn 16.000
tỷ đô la, vượt quá tổng sản lượng nội địa một năm. Tỷ lệ bội chi năm 2012 của
Hoa Kỳ là khoảng 7% GDP. Chính sách giảm thuế và tăng chi, đặc biệt cho hai
cuộc chiến tại Irak và Afghanistan dưới thời tổng thống Bush, đã để lại gánh
nặng tài chính mỗi năm một nặng nề hơn cho quốc gia này.
Trong bối cảnh
đảng Dân Chủ và đảng Cộng Hòa, không đạt được thỏa hiệp về cân bằng ngân sách
mới, vào tháng 8/2011, Quốc hội Hoa Kỳ đã đưa ra một giải pháp tạm thời như
sau: nếu hai bên không tìm ra tiếng nói chung, thì kể từ đầu tháng 1/2013, ngân
sách sẽ tự động tăng 607 tỷ đô la, trong đó có gần 400 tỷ đô la lấy từ việc cắt
giảm 10% các chi phí công, và hơn 200 tỷ tiền thu từ tăng thuế. Theo nhiều kinh
tế gia, nếu khả năng này xảy ra, nền kinh tế Hoa Kỳ chắc chắn sẽ rơi vào suy
thoái, ảnh hưởng dây chuyền đến nhiều khu vực khác, đe dọa quá trình hồi phục
đang còn mong manh của kinh tế toàn cầu. Tổng giám đốc IMF Christine Lagarde
kêu gọi Hoa Kỳ tăng thuế, tạo các nguồn thu mới và tiết giảm công chi để đạt
được cân bằng ngân sách, và tránh khỏi điều mà bà gọi là “mối đe dọa lớn nhất”
đối với nền kinh tế Mỹ.
Vẫn theo bà
Christine Lagarde, vấn đề ngân sách của Hoa Kỳ “không chỉ đơn giản là một vấn
đề chính trị, hay ý thức hệ (…). (Thất bại trong) vấn đề này sẽ ảnh hưởng nhiều
đến vị trí của Hoa Kỳ trên thế giới về phương diện kinh tế và địa chính trị”.
Trong tuần vừa qua, các thương thuyết giữa hai đảng Cộng hòa
và Dân chủ chưa đi đến kết quả. Một trong những bất đồng lớn là chủ trương của
đảng Dân chủ tăng thuế đối với nhóm 2% những người giầu nhất nước Mỹ. Đây là
một điểm, được coi như là tín điều bất khả xâm phạm trong hàng ngũ đảng Cộng
hòa. Theo AFP, những động thái gần đây cho thấy, bất chấp sự phản đối của cánh
tả trong đảng, tổng thống Obama sẵn sàng tiến hành các cải cách đối với những
chương trình phúc lợi xã hội, như bảo hiểm y tế và hưu bổng, nếu phe Cộng hòa
chấp nhận tăng thuế đối với nhóm người giầu nhất kể trên. Theo
một số nhà quan sát, nhiều thành viên đảng Cộng hòa ủng hộ việc phe này chấp
thuận đòi hỏi đánh thuế nhóm người giàu nhất nước Mỹ để đổi lại các cải cách
trong lĩnh vực phúc lợi xã hội, được coi là mang lại những gánh nặng không chịu
đựng nổi đối với nền kinh tế.
Theo Reuters,
hôm qua chủ nhật 09/12, tổng thống Obama đã có cuộc gặp chủ tịch phe Cộng hòa
tại Hạ viện để tìm kiếm khả năng thỏa hiệp. Hiện tại, hai phía từ chối đưa ra
các chi tiết về cuộc đàm phán.
Cuộc thương thuyết giữa hai đảng chính trị chủ yếu của nước
Mỹ đang hồi cam go, vào lúc chỉ còn hơn ba tuần nữa là đến thời hạn luật cân
bằng ngân sách sẽ tự động triển khai. Nhiều người cho rằng hai đảng Dân chủ và
Cộng hòa sẽ khó đi đến được một thỏa hiệp. Theo thăm dò dư luận do viện Pew
tiến hành, nếu hai đảng không thỏa hiệp được, 53% người Mỹ cho rằng trách nhiệm
thuộc về đảng Cộng hòa, còn 27% thì buộc tội đảng Dân chủ.
Vì sao nước Mỹ rơi vào tình trạng này? Trách nhiệm của giới
chính trị lưỡng đảng ra sao? Sau đây mời quý vị theo dõi phỏng vấn kinh tế gia
Nguyễn Xuân Nghĩa.
RFI: Xin thân chào anh Nghĩa. Thưa anh, cả thế giới và các thị trường tài
chính quốc tế đều theo dõi trận đánh về ngân sách và thuế vụ tại Hoa Kỳ, khi nước
Mỹ vừa xong tổng tuyển cử. Đó là trận đánh giữa hai đảng Dân Chủ và Cộng Hoà nhằm
tránh cho Hoa Kỳ một bờ vực ngân sách, theo cách nói của Thống đốc Ngân hàng
Trung ương Mỹ là ông Ben Bernanke, hoặc ngày "Tận thế Thuế vụ" theo
cách ví von của báo chí Hoa Kỳ. Câu hỏi đầu tiên, thưa anh, cái bờ vực ngân
sách ấy là gì? Như mọi khi, xin anh trình bày cho bối cảnh của vấn đề.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Nền kinh tế Mỹ không chỉ bước vào giai đoạn
"hậu bầu cử" mà thực tế thì chưa ra khỏi giai đoạn "gẫy đòn bẩy
tài chính" vì phải trả nợ sau chu kỳ vay mượn kéo dài hơn 30 năm và kết
thúc từ năm 2007. Tình trạng vay mượn phổ biến của khu vực công quyền lẫn tư
nhân và doanh nghiệp không thể kéo dài mãi nên nước Mỹ đến hồi trả nợ. Đó là bối
cảnh dài của hồ sơ kinh tế này. Mà tôi cũng xin nói ngay rằng tình trạng vay mượn
quá sức là hiện tượng chung của cả khối kinh tế công nghiệp hoá, tức là Nhật Bản,
Âu Châu và Hoa Kỳ.
- Tại Hoa Kỳ, tinh thần lạc quan
và bất cẩn khi đi vay dễ dàng nhờ tiền nhiều và lãi suất rẻ mới dẫn đến bong
bóng đầu tư và khi bóng bể và mọi người đều bắt đầu phải trả nợ thì kinh tế Mỹ
bị suy trầm cuối năm 2007 lồng trong vụ khủng hoảng tài chính năm 2008 và toàn
cầu bị Tổng suy trầm năm 2008-2009. Vì phải tiết giảm chi tiêu để trả nợ và lại
lâm vào hai cuộc chiến tại Afghanistan và Iraq, chính quyền Hoa Kỳ đã giảm thuế
và tăng chi nên gây bội chi mỗi năm một nặng hơn, từ 160 đến 460 tỷ đô la vào
hai năm 2007-2008 đến hơn ngàn tỷ một năm trong suốt bốn năm qua. Khi bị bội
chi thì chính quyền liên bang phải đi vay cho nên số công trái là gánh nợ của
khu vực công đã lên tới mức kỷ lục là 16 ngàn tỷ, hiện đã vượt tổng sản lượng nội
địa PIB. Hai con số tóm lược bài toán chi thu của Hoa Kỳ là chính quyền liên bang
thu vào nguồn thuế trị giá 15,7% tổng sản lượng mà chi ra 22,7% tổng sản lượng.
Sai biệt ấy là 7% sản lượng PIB.
RFI: Thưa anh, đấy là bối cảnh kinh tế của chuyện chi thu vay mượn. Bối cảnh
chính trị thì sao?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Bước qua bối cảnh chính trị thì theo luật lệ Mỹ,
chính quyền liên bang chỉ được đi vay trong một mức nhất định do Quốc hội cho
phép một cách định kỳ. Được bầu lên năm 2010 với đảng Cộng Hòa trở lại kiểm
soát Hạ viện, Quốc hội khóa 112 đặt điều kiện là phải giảm chi thì mới cho nâng
định mức đi vay. Nhưng vẫn kiểm soát Hành pháp và Thượng viện, đảng Dân Chủ thì
đồng ý giảm chi trên nguyên tắc, và thu hồi các biện pháp giảm thuế được Chính
quyền Bush ban hành năm 2001 và 2003 và Chính quyền Obama ban hành năm 2010, tức
là tăng thuế, nhưng có chọn lọc về sắc thuế và tô suất theo tinh thần tăng thuế
nhà giàu.
- Tranh luận bùng nổ và gây ách tắc
từ đầu năm 2011 khi phải nâng định mức đi vay mà hai bên không đạt nổi đồng thuận
về nội dung giảm chi và tăng thuế. Một ủy ban độc lập do ông Obama bổ nhiệm đề
nghị là đến năm 2022, trong 10 năm tới, phải giảm số chi từ 22,7% xuống 22% và
tăng số thu từ 15,7% lên 21% tổng sản lượng. Đề nghị này bị ông Obama gác qua một
bên.
- Vì vậy, khi ngân sách liên bang
gần cạn tiền mà chính phủ chưa được phép vay thêm, Quốc hội mới bầu ra một siêu
ủy ban gồm 12 đại biểu của cả hai đảng tại cả hai viện trên dưới của Quốc hội để
tìm giải pháp. Siêu ủy ban này đưa ra một giải pháp tạm là đôi bên phải tìm ra
thỏa thuận, nếu không thì kể từ đầu năm 2013 sẽ tự động giảm chi 1200 tỷ trong
10 năm tới, phân nửa là mục chi dân sự, phân nửa là về quân sự, và thuế suất tự
động trở lại mức trước năm 2001, tức là sẽ tăng.
- Hai đảng Dân Chủ và Cộng Hoà tạm
đồng ý với đề nghị đó của siêu ủy ban nên hôm mùng hai Tháng Tám năm 2011, Tổng
thống Obama mới ban hành đạo luật ngân sách bên trong có điều kiện tự động này.
Nhưng suốt 15 tháng sau đó, hai đảng không đạt thỏa thuận nên biện pháp tự động
sẽ thành thực tế trong 20 ngày nữa. Đấy là "bờ vực ngân sách", khi mà
nhiều mục chi gọi là khấu lưu sẽ bị cắt và thuế sẽ tăng ở giữa thời trì trệ
kinh tế và thất nghiệp cao.
RFI: Thưa anh, kích thước của cái vực thẳm ngân sách hay thuế vụ đó nông sâu
cỡ nào?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Trên cơ sở tính toán từ năm ngoái thì nếu giới
lãnh đạo hai đảng không đạt thoả thuận, trong năm 2013 kinh tế Mỹ sẽ bị hụt mất
khoảng 650 tỷ vì giảm chi và tăng thuế, một ngân khoản tương đương với 4% của tổng
sản lượng khi mà đà tăng trưởng chỉ ở mức 2% một năm. Trong chi tiết, ngân khoản
650 tỷ gồm năm mục khác nhau về tăng thuế và giảm chi. Nếu đôi bên có thể thỏa
hiệp là bớt giảm chi những gì và sẽ tăng thuế cỡ nào, cho những ai, thì vực thẳm
ngân sách ấy có thể ở mức tạm chấp nhận được là từ 80 đến 100 tỷ cho năm tới.
- Nhưng qua cuộc tuyển cử vừa
qua, dân Mỹ lại bầu lên hệ thống chính trị hai đầu như trước, với Tổng thống
Obama tái đắc cử, đảng Dân Chủ giữ đa số còn lớn hơn tại Thượng viện mà đảng Cộng
Hoà vẫn kiểm soát được Hạ viện. Vì vậy, đôi bên trở lại trận đấu cũ, với đảng
Dân Chủ ở thế mạnh hơn và đưa ra nhiều đề nghị mới mà đảng Cộng Hoà khó chấp nhận,
nếu không muốn tự sát trong kỳ bầu cử tới, vào năm 2014. Đó là hoàn cảnh của trận
đánh rất gay go hiện nay.
RFI: Thưa anh, cho đến hôm nay thì lập trường của đôi bên ra sao, khác biệt
như thề nào mà họ chưa thể tìm ra điểm dung hoà?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Về bối cảnh, xin nói ngay rằng hệ thống tài
chính công của Hoa Kỳ, và bên trong có chế độ thuế vụ, thuộc vào loại phức tạp
nhất thế giới nên dân chúng khó hiểu ra. Quan trọng nhất là người ta tranh luận
về những chỉ tiêu chi thu cho tương lai trên cơ sở của các giả thuyết khó kiểm
chứng, kể cả giả thuyết gọi là căn bản của các dự phóng. Đã vậy, từ hai tuần
nay, vì mục tiêu chính trị đôi bên lại đưa ra phát biểu sai lạc cho nên càng
gây rối trí.
- Từ năm ngoái, bên Cộng Hoà chủ
trương là trong 10 năm tới phải giảm chi 600 tỷ và tăng thu 800 tỷ. Bên trong
khoản giảm chi có nhiều mục rắc rối và thậm chí thất nhân tâm nếu không trình
bày được cho rõ lý do, mà đảng này thì có sở trường là không biết giải thích. Về
tăng thu, đảng Cộng Hoà đề nghị không thay đổi thuế suất, tức là không tăng thuế
mà cải tổ chế độ thuế vụ để tránh quá nhiều lỗ hổng gây thất thu và là mối lợi
bất chính của các doanh nghiệp lớn.
- Năm ngoái, chuyện thoả thuận
tan vỡ vì bên Dân Chủ đồng ý giảm chi 600 tỷ mà lại muốn tăng thu 1.200 tỷ thay
vì 800 tỷ như bên Cộng Hoà đề nghị, và khác biệt chính là bên Dân Chủ đòi tăng
thuế nhà giàu là các hộ gia đình có lợi tức đồng niên từ 250 ngàn đô la trở
lên.
- Bây giờ, sau khi ông Obama tái
đắc cử, bên Dân Chủ không nói nhiều đến việc giảm chi mà còn đề nghị chi thêm
50 tỷ năm nay để kích thích kinh tế và tăng thu không phải là 1200 tỷ mà 1600 tỷ
trong 10 năm tới. Bên trong các mục dự chi, đảng Dân Chủ tính luôn ngân khoản
800 tỷ sẽ tiết kiệm được khi Hoa Kỳ ra khỏi hai chiến trường Afghanistan và
Iraq, là một điều không đúng thủ tục chuẩn chi ngân sách. Thuần về nghệ thuật
thương thuyết, đề nghị của ông Obama là một lối nói thách trước khi mặc cả. Đây
là một sự khôn ngoan chính trị vì đa số dân Mỹ đồng ý với việc tăng thuế nhà
giàu và vì đề nghị này ly gián đối phương về việc có tăng thuế hay không và đảng
Cộng Hoà sẽ lại mắc bẫy nữa khi phải thỏa hiệp. Mục tiêu sau cùng của cả hai
bên là đổ lỗi cho nhau về cái tội sẽ đưa kinh tế xuống vực thẳm ngân sách vào
năm tới.
RFI: Câu
hỏi cuối thưa anh, nếu đôi bên không đạt nổi thỏa thuận để giảm chi và tăng thu
từ 80 đến 100 tỷ cho năm tới như anh vừa trình bày ở trên thì tình hình sẽ ra
sao?
Nguyễn-Xuân
Nghĩa: -
Chúng ta trở lại bối cảnh kinh tế trong trường kỳ là nước Mỹ đã vay thì nay
phải trả và đấy là điều kém vui mà cần thiết để xây dựng lại nền tảng chi thu
quân bình hơn.
- Theo báo cáo hôm mùng tám Tháng 11 của CBO, một cơ quan
nghiên cứu độc lập về ngân sách quốc gia của Quốc hội Hoa Kỳ, thì nếu không có
thoả thuận và phải áp dụng các biện pháp tự động đã đề nghị cho 10 năm tới thì
kinh tế năm 2013 sẽ bị suy trầm, nhưng trong trung hạn thì tình hình sẽ khá
hơn. Đấy là cái nhìn thuần về kinh tế và khá u ám trong dăm ba năm.
- Chứ về chính trị thì ai cũng sợ nạn suy trầm kinh tế năm
tới sẽ gây bất lợi cho cuộc bầu cử năm 2014 nên cả hai đảng đều tránh giải
quyết vấn đề thật. Họ đi tìm giải pháp tạm bợ và thậm chí mị dân về chính trị
để tái đắc cử nên càng chất thêm vấn đề cho sau này.
- Dù sao, thực tế phũ phàng là qua năm tới, thuế sẽ tăng cho
mọi người, trung bình từ 2000 đô la tới 3500 đô la, và thật ra biện pháp tăng
thuế nhà giàu chỉ thu đủ tiền cho 10 ngày chi tiêu thôi. Vấn đề chính vẫn là
phải giảm chi.
- Đây là chưa nói đến một vực thẳm tài chính khác còn nguy
ngập hơn nhiều. Đó là sự sụp đổ của quỹ an sinh, hưu bổng và y tế của một xã
hội cũng bị nạn lão hóa vì thành phần cao niên ngày một đông hơn và đòi hỏi
nhiều khoản chi về hưu liễm và y tế mà thành phần ở tuổi lao động lại khó chu
cấp nổi vì tỷ trọng ngày một ít hơn trong cơ cấu dân số. Các chính trị gia đều
tránh nói đến cái hố thẳm này khi các quỹ trên bị vỡ nợ. Bên này tố cáo bên kia gọi là cắt giảm phúc
lợi cho người già, đặng để lấy phiếu mà không giải thích rằng chúng ta không
thể có được cái điều kiện phúc lợi như trong quá khứ. Và đảng Dân chủ khôn
ngoan hơn đảng Cộng hòa, vì khỏa lấp được chuyện đó, trong khi đảng Cộng hòa cứ
moi lên mà không giải thích được cho rõ. Năm 2014, toàn thể 435 dân biểu Hạ
viện sẽ được bầu lại, thành ra ai cũng lo rằng nếu như năm 2013 mà kinh tế sa
sút, người ta sẽ nói tại mình mà thất cử. Thành ra, bây giờ mọi người đều phủ
lấp vấn đề và cuối cùng nước Mỹ có thể sẽ rớt vào một vực thẳm tài chính thật.
- Chứ cái vực thẳm năm tới cũng
không đến nỗi nguy hại như người ta nghĩ là sẽ gây suy trầm. Thất nghiệp có thể
sẽ lên 9%, thay vì 7,7%. Nhưng mà thà như thế, mà từ đó cứ tự động mỗi năm cắt
ngần này, ngần này, cho đến khi ngân sách trở lại tương đối quân bình hơn một
chút.
RFI: Xin cảm tạ chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa đã trả lời từ Hoa Kỳ.
Theo nhung tin tuc tren TV sang nay, 12/18/12 thi da co mot giai phap dong thuan giua hanh phap va lap phap roi va se duoc thong bao trong tuan nay.
Trả lờiXóaTheo nguon tin tren thi muc loi tuc cua nguoi giau phai dong thue cao hon se nang len tu US$250K len US$400K - 1M, va Obama da dong y la se cat giam cong chi trong nhung nam toi.
Neu phai dong them khoang US$5K cho thue loi tuc hang nam ma co the giai quyet duoc vuc tham tai chanh thi YC se vui long ky check, nhung so rang van de khong don gian nhu vay.