Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người Việt Ngày 121210
"Kinh Tế Cũng Là Chính
Trị"
Chuyện Nước Nôi Của Nước Mỹ
* Nước sông Mississippi bị cạn, phơi xác tầu vét mìn bị chìm từ trận lụt năm 1993 *
Nếu không có gì thay đổi – mà thay đổi không dễ - sau ngày 11 Tháng 12 Hoa
Kỳ sẽ có thêm một tranh chấp nữa. Lần này là giữa hai dòng sông Mississippi và
Misouri.... Hậu quả sẽ là miếng cơm manh áo và một bong bóng về giá lương thực.
Hãy nói về bối cảnh của một chuyện
bị lãng quên: thế giới cần lúa mì và ngô bắp. Cùng với gạo, ngô và mì là hai
nguồn lương thực quan trọng nhất cho cả người và vật và nhiều ngành kinh tế. Đa
số các quốc gia trồng trọt hai loại mể cốc này thì sản xuất bao nhiêu là ăn hết
bấy nhiêu. Chỉ có bảy nước dư mì và bốn nước dư bắp để xuất cảng. Trong số này,
Hoa Kỳ là đại gia đáng kể.
Mà chúng ta cũng hiểu rằng có gạo
là có dân. Hoặc lương thực mới là sản phẩm sinh tử, không có thì chết. Chứ xăng
dầu chỉ là sản phẩm chiến lược.
Ai theo dõi chuyện kinh tế đều thấy
rằng trên thị trường thương phẩm (commodities market, gồm các loại nguyên nhiên
vật liệu, lương thực và kim loại) thì giá ngũ cốc đã tăng, khoảng 20% kể từ tháng
này. Lý do chính yếu là thời tiết. Mùa Hè khô cạn tại nhiều quốc gia của Bắc bán
cầu (Âu Châu, Nga và Hoa Kỳ) đánh sụt sản lượng ngũ cốc, trong đó quan trọng nhất
là ngô và mì.
Bây giờ đến chuyện Hoa Kỳ.
Nước Mỹ là quốc gia được trời cho
một lãnh thổ vuông vức có diện tích thuận tiện cho canh nông giữa bốn hướng
Nam-Bắc và Đông-Tây. Ở giữa, vùng Trung-Tây Midwest là vựa ngũ cốc nhờ thời tiết
ôn hoà và độ ẩm đủ cao cho canh tác. Khu vực này cũng có sáu dòng sông lớn với
lưu vực đan kết thành mạng lưới tốt đẹp cho sự chuyển vận và thống nhất lãnh thổ
từ thời lập quốc.
Nhưng thiên tai chẳng tránh một
ai.
Vụ hạn hán vừa qua đã gieo vấn đề
cho nước Mỹ vì mức độ trầm trọng chưa từng thấy từ 50 năm nay. Vấn để quy tụ vào
hai con sông lớn với nỗi niềm riêng. Mississippi là huyết mạch cho sự chuyển vận
của nhiều ngành kỹ nghệ, kể cả kỹ nghệ canh nông, nhất là từ thành phố St.
Louis của Missouri đến Cairo của Illinois trên một khoảng cách hơn 300 cây số
(190 dậm).
Nhưng Mississippi cần nước từ một
phụ lưu là sông Missouri và nguồn nước này là nguồn sống cho nông nghiệp. Tình
trạng khô cạn chung khiến cả hai dòng sông đều cần nước cho những mục tiêu riêng.
Ở trong cùng một nước, hai dòng sông chiến lược lại không có chung một chế độ
quản trị và mâu thuẫn đã xảy ra.
Missouri cần nước cho canh tác,
khi độ ẩm giảm thấp và đe dọa sản lượng nông nghiệp lẫn các sinh hoạt nhu yếu
như nước uống, sản xuất kỹ nghệ và thủy điện thì cư dân trong lưu vực của dòng
sông muốn giữ nước cho mình. Tại hướng Đông, sông Mississippi cũng cần nước và
mực nước quá nông khiến nhiều con phà mắc cạn và gây họa cho kỹ nghệ chuyển vận,
tức là cho sinh hoạt kinh tế của một khu vực rộng lớn...
Sau nhiều cơ quan công quyền địa
phương, hôm 27 Tháng 11, các tổ hợp vận tải và công nhân chở phà trên sông
Mississippi đã yêu cầu Tổng thống Hoa Kỳ cùng cơ quan quản trị việc cứu hộ liên
bang (FEMA, Federal Emergency Management) cho ban bố tình trạng khẩn cấp trên sông
Mississippi. Ngoài lý do hạn hán khiến mực nước sút giảm, những người sống nhờ
dòng sông còn nêu ra một nguyên nhân khác. Đó là quy chế thủy lợi của sông
Missouri. Quốc hội cho Công binh của Lục quân Hoa Kỳ nhiệm vụ điều tiết mực nước
của dòng sông và việc giữ nước đó đã gây thiệt hại cho sông Mississippi.
Giới đại diện dân cử địa phương đã
nhập cuộc để bênh vực quyền lợi của cử tri. Trong trận đánh "vì nước"
và đứng ở hai chiến tuyến đối nghịch, họ đều có lý cả!
Nhìn từ giác độ kinh tế, người ta
thấy ra vài sự thật phũ phàng. Lương thực là nhu yếu phẩm có độ đàn hồi hay co
giãn rất thấp về giá cả, nôm na là giá có tăng thì số cầu vẫn không giảm cùng mức
độ vì đắt mấy thì cũng cần ăn. Chi phí vận chuyển thì khác, nếu cách này quá đắt
thì người ta phải tìm cách khác và đắn đo cân nhắc về những lợi hại của từng giải
pháp.
Kinh tế Mỹ lệ thuộc khá nhiều vào
sự chuyển vận trên sông Mississippi. Hàng năm, khoảng 180 tỷ đô la hàng hóa được
chuyên chở trên dòng sông, kể cả 20% lượng than và 22% xăng dầu cho thị trường
nội địa và 60% số ngũ cốc xuất cảng của Mỹ. Ngoài ra, còn chán vạn sản phẩm như
phân bón, hóa chất và sắt thép.... Khi lòng sông bị cạn vì thiếu nước sự thiệt
hại sẽ lên tới bạc tỷ. Tất nhiên là giới kinh doanh phải nghĩ ra giải pháp điền
thế dù đắt hơn phương tiện vận tải rẻ nhất hiện nay là đường thủy, thí dụ như
hoả xa và hàng không. Phí tổn phụ trội đó là một sắc thuế bất ngờ và là bài toán
của dòng sông Mississippi.
Dòng Missouri lại có định mệnh và
quy chế khác.
Công binh Hoa Kỳ có nhiệm vụ điều
tiết mực nước theo một kế hoạch do Quốc hội chấp thuận hàng năm để bảo đảm những
yêu cầu cũng rất chính đáng. Đó là thủy lợi, thủy điện, tiêu tưới, vệ sinh, nước
ngọt cho cư dân, công nghiệp khoáng sản hay bảo vệ môi sinh cho thú hoang và ba
loại lương thực trọng yếu cho các tiểu bang ở vùng lưu vực là mì, bắp và đậu nành.
Mùa gặt ngô đậu thì vừa xong, nhưng lúa mì thì mới chỉ bắt đầu. Missouri cũng
khát nước và được luật lệ bảo vệ để khỏi chia nước cho Mississippi.
Hoa Kỳ chỉ có thể khắc phục mâu
thuẫn giữ hai dòng sông qua những quyết định đặc biệt. Như Hành pháp Obama cho
ban bố tình trạng khẩn cấp trên sông Mississippi hay Lập pháp cho phép Công
binh điều chỉnh kế hoạch trị thủy trên sông Missouri và đưa nước vào cứu nguy
Mississippi. Trong khi chờ đợi thì cho đến ngày Chủ Nhật mùng chín, cơ quan khí
tượng quốc gia dự đoán rằng mực nước Mississippi sẽ còn hạ nữa!
Nước Mỹ này quá rộng lớn và phức
tạp nên loại tin tức thật ra động trời và khuấy nước ấy chỉ xuất hiện vài giây
trên truyền hình hay trăm chữ trên mặt báo.
Nhưng giới đầu tư thương phẩm trên
thị trường có hạn kỳ, gọi là commodity futures, dự đoán một vụ tăng giá lương
thực, tại cả Hoa Kỳ lẫn thế giới. Họ đầu cơ theo hướng đó và biết rõ quy luật hơn
bù kém, zero sum game, tức là có người được thì cũng có người thua. Vì vậy, họ theo
dõi lời phát biểu của từng viên chức hữu trách, từ Thống đốc trở xuống, và của
từng dân biểu tiểu bang cùng các cơ quan liên hệ....
Khi nghe nói đến chuyện vận chuyển
bị khóa trên dòng Mississippi vì tuyết lạnh ở mạn Bắc và hạn hán ở mạn Nam, ta
biết rằng thị trường sẽ có chuyển động lớn và bong bóng ngũ cốc sẽ bay lên trời.
Cho dù lãnh đạo Hoa Kỳ có tìm ra giải pháp cứu vãn, tình hình những tháng tới sẽ
khó đem lại sự lạc quan.
Nhưng vì sao lại nói đến chuyện này?
Hai dòng sông lớn có tâm sự riêng
thật ra đều nằm trong nước Mỹ và dù có quy chế quản trị riêng thì vẫn thuộc về
một quốc gia với hệ thống chính trị thống nhất. Cư dân của hai con sông sẽ không
vì những mâu thuẫn này mà đòi vạch đôi sơn hà và quyền lợi tối thượng của quốc
gia vẫn được đảm bảo.
Nhưng trường hợp cướp nước của Hoàng
Hà và Dương Tử thì sao? Và nhìn lên cõi đó, nhiều dòng sông Á châu trên cao
nguyên Thanh Tạng và Hy Mã Lạp Sơn cũng gặp vấn đề tương tự... Hay Mekong và sông
Hồng, nếu bị khống chế ở trên, thì bài toán an ninh và kinh tế sẽ ra sao?
Hạ hồi
phân giải hay Thất thủ Hạ Bì?
Cảm ơn chú về bài viết rất giá trị. Cháu rất chờ đợi những bài viết của chú về kinh tế.
Trả lờiXóaGửi đến chú lời chúc sức khỏe và an lành!