Nguyễn-Xuân Nghĩa Việt Báo Ngày 121221
Tương lai của Thế hệ Y là đây chăng?
* Tại người già cứ ôm lấy việc và cướp mất chỗ của lớp trẻ? *
Theo quy ước phổ thông của dân số
học hay nhân khẩu học tại Hoa Kỳ và cả Âu Châu, người ta thường có tên gọi tắt
từng thế hệ.
Lớp người sinh ra trong khoảng thời
gian từ cuộc Tổng khủng hoảng 1929-1933 đến Thế chiến II thường được gọi là
"Thế hệ Câm nín" hoặc "Thế hệ Anh hùng". Câm nín vì chịu đựng
những lầm than kinh tế thời khủng hoảng rồi anh hùng vì tòng quân ra trận để bảo
vệ tự do cho xã hội. Quy ước chung là những người sinh ra từ năm 1925 đến 1942.
Nối tiếp là "Thế hệ Hậu chiến"
hay Baby Boomers, những người sinh sau Thế chiến II, theo quy ước thông thường
là từ 1946 đến 1964. Họ là lớp người đông đảo nhất và đã góp phần phát triển các
quốc gia bị chiến tranh tàn phá và ngày nay là thế hệ đang chuẩn bị về hưu.
Sau "Thế hệ Hậu chiến"
là lớp người sinh từ 1965 đến 1982, được gọi là "Thế hệ X" với chữ X
như một ẩn số toán học mà những người đặt tên khi ấy chưa rõ là gì. Đặc tính
chung là lớp người này hồn nhiên an hưởng hoà bình và trưởng thành trong thế giới
điện toán, toàn cầu hóa. Nhiều người còn gọi họ là "Thế hệ MTV" vì cùng
theo dõi hệ thống nhạc truyền hình MTV xuất hiện từ năm 1981.
Nhưng ẩn số còn ít có giải đáp hơn
nữa chính là "Thế hệ Y", lớp người ra đời từ năm 1982 đến 2004. Đấy là
thế hệ thanh thiếu niên có thể đang bị hy sinh – mà không biết. Bài này được viết
về thế hệ đó, cho những ai còn quan tâm đến tương lai....
***
Giới nghiên cứu kinh tế thường coi dân số một quốc gia là "định mệnh" trong ý nghĩa là yếu tố
chi phối cả xã hội một cách chậm rãi thầm lặng mà người ta không cưỡng nổi.
Một thí dụ dễ hiểu là khi cả một
thế hệ sinh sau Thế chiến II, ở lớp tuổi từ 65 đến 48, mà lục tục về hưu thì
sinh hoạt kinh tế của quốc gia sẽ bị ảnh hưởng. Lớp người cao niên này thu vén
phương tiện, ở căn nhà nhỏ hơn, sản xuất ít đi, tiết kiệm nhiều hơn mà vẫn có
nhu cầu về hưu liễm hay y tế kéo dài nhờ sống thọ hơn thế hệ đi trước...
Sau nhiều thập niên năng động và
thậm chí tạo ra phép lạ kinh tế thời hậu chiến, lớp người này trở về già và sống
nhờ những gì họ đã đóng góp và đầu tư khi còn sung mãn. Kinh tế học rất phũ phàng
gọi đó là "thành phần lệ thuộc", cuộc sống về già của họ lệ thuộc vào
sức sản xuất và đóng góp của các thế hệ sinh sau. "Sống nhờ con cháu"
không là gia cảnh của lớp người cao niên đang đến tuổi vàng hoặc bước vào thời
hoàng hôn, đấy là hoàn cảnh kinh tế của cả quốc gia xã hội.
Khi nói đến "định mệnh"
kinh tế đó, người ta mới nhìn vào cơ cấu dân số xếp theo tuổi tác, xem là thành
phần nào ở vào hoàn cảnh năng động nhất về sản xuất để đóng góp cho các thế hệ
khác. Cho lớp người về già và cần tiền hưu liễm lẫn thế hệ trẻ đang còn đi học
và chỉ biết chi tiêu....
Đấy là bối cảnh chung của yếu tố
dân số trong kinh tế.
***
Bây giờ, bài toán chung của hầu hết các quốc gia trên thế giới là nạn "lão hóa dân số": lớp người già lão hoặc "thành phần lệ thuộc" chiếm tỷ trọng ngày một cao trong cơ cấu dân số.
Người ta đều thấy ra trào lưu lão
hóa tại các nước hậu công nghiệp tiên tiến như Nhật Bản, Hoa Kỳ hay Âu Châu.
Trong thế giới gọi là văn minh đó, người ta thích tự do, lập gia đình trể hơn và
có con ít hơn. Trong khối tiên tiến, bị lão hóa nhẹ nhất là Hoa Kỳ vì xứ này còn
tiếp nhận di dân, là thành phần vẫn chịu khó sinh con đẻ cái. Ôi, cái chữ
"chịu khó" tuyệt vời....
Thật ra, trào lưu này chẳng chừa
một ai vì nhiều nước tân hưng Đông Á cũng có chung đặc tính là có sinh suất thấp
hơn và tuổi thọ dài hơn. Ngoại lệ là Trung Quốc.
Vì tinh thần duy ý chí - đồng nghĩa
với nông cạn - lãnh đạo xứ này chủ động kiểm soát dân số qua kế hoạch "mỗi
hộ một con", dư thừa là phải ráo riết phá thai triệt sản. Bốn chục năm
sau, là ngày nay, Trung Quốc cũng bị nạn lão hóa dân số. Người dân chưa kịp giàu
thì đã già và lãnh đạo chưa kịp đan mạng lưới phúc lợi về hưu liễm và bảo dưỡng
sức khoẻ nên sẽ lãnh họa.
Những chuyển động chậm rãi và lâu
dài ấy là định mệnh kinh tế của xã hội và là yếu tố giải thích sự thịnh suy mạnh
yếu của các quốc gia trong năm mười năm tới.
Bây giờ, hãy trở lại thế hệ đang
bị hy sinh....
***
Năm 2010, khi biến động chính trị
bùng nổ tại Tunisia và lan ra toàn khu vực Bắc Phi và Trung Đông, người ta đã nói
đến làn sóng dân chủ trong khối Hồi giáo, được gọi với mỹ danh là "Mùa Xuân
Á Rập" hay "Cách mạng Hoa nhài".
Người viết này thành thật khai báo
là rất hoài nghi kịch bản lý tưởng đó, và những gì đang xảy ra tại Egypt (Ai Cập)
hay Lybia, Syria đang cho thấy rằng đấy là ảo tưởng. Nhưng chuyện đáng nói là đa
số truyền thông Hoa Kỳ và Tây phương đều nhắc tới một thế hệ trẻ của các nước Á
Rập này đã có học để biết khát khao và không chịu câm nín, nhưng vẫn thất nghiệp
nặng vì cái học đó chỉ là kiến thức vô dụng. Lớp trẻ đó bất mãn, tuyệt vọng và
xuống đường kêu đòi thay đổi....
Nhìn từ sự nông cạn của truyền thông
phương Tây thì đấy là động lực cách mạng cho dân chủ. Nhưng sự nông cạn này vẫn
chưa đáng kể. Điều kinh hãi là hệ thống truyền thông đó chỉ biết gáy mà không có
gáy đề sờ. Một phần vì sự mù mờ phổ biến về kinh tế.
Từ cơn chấn động về nợ nần vào năm
2007 cho đến nạn Tổng suy trầm 2008-2009 cho đến nay, năm năm tròn đã qua và cả
Hoa Kỳ lẫn Âu Châu đều bị chung một nạn là tình trạng thất nghiệp quá cao của lớp
người dưới 25 tuổi, thanh niên đã tốt nghiệp, thành tài mà chưa thành người. Bị
thất nghiệp cao nhất là tuổi trẻ tại Hy Lạp, Tây Ban Nha hay Bồ Đào Nha, các quốc
gia lâm nạn trong khối Euro.
Nhưng Hoa Kỳ cũng chẳng khá hơn.
Phân nửa những người trẻ đã tốt
nghiệp cao đẳng, là bốn năm sau trung học, hiện vẫn không có việc, hoặc phải làm
công việc chẳng cần đến học vị cử nhân hay kỹ sư.... Nhiều người nản chí quay về
sống với gia đình, với phụ huynh thuộc Thế hệ Hậu chiến, hoặc/và quay lại nhà
trường để đi học tiếp.
Họ vay tiền chính phủ trong một cái
quỹ sẽ vỡ nợ mà chẳng ai nói tới.
Lượng tín dụng cho sinh viên,
student loans, hiện đang căng phồng như trái bóng vì lên đến ngàn tỷ đô la. Và
bóng sẽ bể vì nhiều "sinh viên cụ" đi vay tiền để sống hơn là để học.
Có tới 31% tìm không ra việc nên đành xù nợ.... Lần này bóng bể không vì nhà băng
mà vì nhà nước.
Người lạc quan thì tin rằng giai đoạn
hoạn nạn này rồi cũng sẽ qua sau khi kinh tế ra khỏi khoảng trũng của năm năm vừa
qua. Có thể lắm. Hoặc nói theo kiểu bình luận bâng quơ vô vị, "mong lắm
thay"! Nhưng chúng ta cũng có những câu hỏi không thể tránh được.
Thầy cô dạy dỗ ra sao mà học xong
vẫn không có việc làm? Vì thế giới đổi thay quá nhanh, vì công việc của cấp cử
nhân đã bị cấp cao học hay tiến sĩ lấy mất? Vì lớp người già vẫn chưa chịu lui
để nhường việc cho lớp trẻ như tấm hình ở trên đã minh diễn? Nghĩa là lại đấu tranh giai cấp, giữa đám già và trẻ trên thị
trường lao động? Ngần ấy lý do đều có thể đúng, nhưng sự thật vẫn là một tiến
trình đầu tư kém hiệu năng, tốn tiền đi học những điều vô bổ.
Có cái gì đó không ổn trong hệ thống
giáo dục và trong vai trò quá tẽ của các nghiệp đoàn giáo chức. Chuyện giáo dục
ấy đã đáng lo mà chưa đáng sợ. Đáng sợ nhất là nếp văn hóa bất cần, hoặc tinh
thần ỷ lại và nền chính trị bao cấp.
Trong một xã hội đang bị lão hóa
với 40% các gia đình bị tan vỡ, cả một thế hệ lẫn nhiều bà mẹ độc thân đã hồn
nhiên trông cậy vào một nhà nước mắc nợ, vào chế độ bao cấp. Và Thế hệ Y còn dệt
mộng phù du là tiếp tục có phương tiện hiện đại để giải trí. Có gì thì ai đó sẽ
lo cho mình - miễn phí. Không phải cha mẹ thì đã có nhà nước.
Kết quả bầu cử vừa qua tại cả Hoa
Kỳ lẫn các nước Âu Châu đã cho thấy hiện tượng bất thường ấy.
Giới kinh tế thường lạnh lùng nhìn
vào sự chuyển động chậm rãi của xã hội. Lâu lâu thì gióng lên hồi chuông báo động
về cái giá phải trả – mà chẳng ai nghe. Nếu quan tâm đến xã hội và cả những yếu
tố nằm ngoài kinh tế, người ta có thể hỏi vì sao? Một câu trả lời đáng ngẫm là
vì lãnh đạo.
Tại Hoa Kỳ, thành phần đa số
trong cả lưỡng viện Quốc hội là lớp người của Thế hệ Hậu chiến. Lớp người lãnh đạo
này không thể không thấy ra sự phá sản tâm lý, văn hoá và giáo dục đang xảy ra
cho Thế hệ Y. Vì sao họ không nói ra sự thật và tìm cách cải sửa?
Vì cử tri, vì chúng ta?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét