Trong khối công nghiệp hóa Âu-Mỹ-Nhật, Hoa Kỳ sẽ thoát hiểm sớm nhất
Tiếp tục loạt tổng kết về tình hình kinh tế năm 2012, chúng ta
khởi đầu với nền kinh tế giữ vị trí số một của thế giới là Hoa Kỳ với
tổng sản lượng trị giá chừng 22% sức sản xuất của toàn cầu.
Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa
ông, cho đến mấy ngày cuối của năm 2012 đầy biến động này, lãnh đạo của
đảng Dân Chủ và Cộng Hoà trong cơ chế Hành pháp và Lập pháp Hoa Kỳ vẫn
chưa đạt thỏa thuận về giải pháp ngân sách hầu tránh rủi ro suy trầm
kinh tế vì trôi vào một vực thẳm tài chính là khi công chi sẽ giảm và
thuế suất sẽ tăng kể từ đầu năm tới. Trong bối cảnh đình trệ kinh tế của
toàn cầu mà nhiều người đã cảnh báo, sự kiện đó khiến dư luận phân vân
không ít về sự sáng suốt của giới lãnh đạo đệ nhất siêu cường kinh tế.
Khi tổng kết về tình hình kinh tế toàn cầu trong năm 2012, ông giải
thích thế nào về sự việc này?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Nếu nhìn trong bối cảnh dài của nhiều thập
niên thì ta không ngạc nhiên về sự thể đó. Hoa Kỳ đang trải qua giai
đoạn chuyển hướng với yêu cầu cải tổ toàn bộ cơ chế chi thu trong cả
chục năm nên sẽ còn gặp nhiều khó khăn làm dư luận bất bình, thất vọng.
- Trước hết, như các nền kinh tế công nghiệp hóa Âu-Mỹ-Nhật, Hoa Kỳ đã
vay mượn quá sức và đến hồi trả nợ. Thời điểm của việc trả nợ đó bắt đầu
từ cuối năm 2007. Khi xảy ra cách nay đúng năm năm thì người ta lầm hậu
quả là vụ bể bóng đầu tư địa ốc và khủng hoảng tài chính ngân hàng.
Nguyên nhân là đi vay và phải trả nợ vì thế mới bị khủng hoảng và suy
trầm kinh tế. Khi kinh tế bị suy trầm và phải trả nợ cả công lẫn tư,
giới lãnh đạo rơi vào thế kẹt là làm sao vừa trả nợ vừa kích cầu để ra
khỏi nạn suy trầm? Đó là bài toán nan giải của việc phải kích cầu mà
đồng thời thắt lưng buộc bụng, xảy ra cho toàn khối công nghiệp hoá đã
phát triển.
- Năm năm sau, là thời điểm hiện nay, Hoa Kỳ và các nước Âu Châu hay
Nhật Bản đang đứng trước sự thể vô cùng bất thường này. Nếu không ý thức
được vấn đề và dứt khoát cải cách, Mỹ sẽ giống như Nhật Bản, là mất toi
một thập niên, tức là phải sau năm năm nữa mới khá hơn. Vì thế, tổng
kết chuyện kinh tế năm nay thì ta vẫn chưa ra khỏi hố nợ như một hố đen
của thiên văn học là khi mà mọi quy luật vận hành bình thường đều ít
công hiệu. Và nếu năm tới kinh tế Mỹ có sụt vào vực thẳm ngân sách như
nhiều người e ngại thì đấy chỉ là liều thuốc đắng để cải thiện tình hình
công chi thu cho năm 2014 và tìm lại nền tảng lành mạnh hơn cho sau
này.
Vũ Hoàng: Trên diễn đàn này của chúng ta, ông nhiều
lần nhắc đến cái hố nợ và còn giải thích vì sao lãnh đạo các nước đều
gặp điều mà ông gọi là "khủng hoảng niềm tin" vì tìm không ra giải pháp
cho một vấn đề bất thường. Tuy nhiên, thính giả của chúng ta có thể ngạc
nhiên là vì sao mà các nước tiên tiến như Hoa Kỳ, Nhật Bản và Âu Châu,
chưa nói gì đến Trung Quốc hay Việt Nam, lại để bị trôi vào cảnh nợ nần
như vậy? Ông giải thích thế nào về hiện tượng này?
Có một quy luật gần như là bài kinh tế nhập môn. Đó là người ta thường chỉ thấy "cái được" trong kinh tế mà khó nhìn ra "cái mất", nhiều khi là mặt trái, mặt ẩn và chỉ xuất hiện về sau.Nguyễn-Xuân Nghĩa
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Có một quy luật gần như là bài kinh tế nhập
môn mà nhiều người ít nhìn ra nên chúng ta đã nói tới và còn phải nhắc
lại. Đó là người ta thường chỉ thấy "cái được" trong kinh tế mà khó nhìn
ra "cái mất", nhiều khi là mặt trái, mặt ẩn và chỉ xuất hiện về sau.
- Từ ba chục năm nay, chính người dân Mỹ, cả trăm triệu hộ gia đình và
doanh nghiệp, đã đi vay liên tục và qua nhiều cách khác nhau, từ thẻ tín
dụng đến tài trợ địa ốc hay đầu tư đủ loại. Từ 1.500 tỷ đô la vào năm
1980, gánh nợ tư nhân đó đã tăng gấp bốn trong 20 năm và vượt 6.000 tỷ
vào năm 2001, lại còn tăng gấp hai tới đỉnh cao là hơn 13.000 tỷ vào năm
2007. Đấy là phần "được" của giai đoạn lạc quan về sự sung mãn. Cái mất
là gánh nợ tích lũy ấy sẽ có ngày đổ.
- Sở dĩ như vậy và đây là một trong nhiều lý do giải thích tình trạng
lạc quan kéo dài là cả thế giới vui mừng với triển vọng toàn cầu hóa
trong một địa cầu thu hẹp. Khi Trung Quốc từ bỏ chế độ tập trung quản lý
và bế quan toả cảng để theo kinh tế thị trường từ năm 1979 và 10 năm
sau, khi Liên bang Xô viết tan rã rồi sụp đổ, cả khối kinh tế cộng sản
cũng cải tổ theo quy luật tự do và mở rộng thị trường hàng hóa, dịch vụ
và tài chính cho mọi quốc gia. Vì thế, người ta làm ăn vay mượn dễ dàng,
với tiền nhiều và rẻ hơn từ các nền kinh tế đang lên mà thổi lên bong
bóng và quên dần nhu cầu trả nợ. Cũng nhìn trong trường kỳ thì ta còn
thấy một lý do khác.
Vay mượn quá sức
Vũ Hoàng: Chúng tôi xin nhắc lại hai ý
kiến ông vừa trình bày về lý do hoạn nạn kinh tế của Mỹ, mà hình như
cũng là hoàn cảnh chung của nhiều nước khác, là vay mượn quá sức và lạc
quan về viễn ảnh toàn cầu hóa. Chi tiết về nguyên nhân và thời điểm là
năm 2007 khiến thính giả của chúng ta nhớ lại năm 2007 cũng là khi Việt
Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO. Khi ấy, diễn đàn này cũng
cảnh báo về nhiều rủi ro bất trắc của toàn cầu hóa và nhắc nhở một yêu
cầu là gia tăng sức nặng của thị trường nội địa và tránh nhiều dao động
của quốc tế. Bây giờ, ông còn nêu ra một lý do khác về những khó khăn
của Hoa Kỳ. Thưa ông, đó là gì vậy?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Ta còn nhớ là hơn chục năm về trước, cả thế
giới đã nói đến những hứa hẹn của nền kinh tế tri thức và cuộc cách
mạng về công nghệ tin học. Với lợi thế của thời gian là có dịp nhìn lại
chuyện cũ, mình thấy rằng khoa học kỹ thuật, hay "thuật lý" là chữ tôi
dùng để phiên dịch từ "technology" thay vì dùng chữ "thao tác" ngớ ngẩn
của Trung Quốc, có nâng cao năng suất kinh tế.
- Đấy là "cái được" mà ai cũng có thể thấy vì sản xuất ra cùng một
lượng hàng hóa dịch vụ mà tốn ít nhân công hơn và có thể đương đầu với
sự xuất hiện của các nền kinh tế tân hưng của Đông Á với nhân công rẻ
hơn. Cái mất của sự thay đổi là người dân trong các nước tiên tiến dễ bị
thất nghiệp nếu không theo kịp sự đổi thay của thuật lý và nền giáo dục
lẫn cả xã hội phải thi đua để cập nhật với những đổi thay này. Hậu quả
là xáo trộn kinh tế và bất mãn xã hội khi thất nghiệp sẽ nằm ở mức rất
cao trong một giai đoạn khá lâu. Hoa Kỳ đang bị tai họa đó. Mà chưa hết
vì chẳng khác gì khối công nghiệp hoá, nước Mỹ cũng có đổi thay về dân
số.
Vũ Hoàng: Trong những bài toán chồng chất của Hoa Kỳ
để khỏi mất cả một thập niên như ông vừa trình bày, chúng ta còn thấy
một đổi thay khác về dân số. Thưa ông, đó là gì vậy?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Các quốc gia công nghiệp hoá đều tiến qua
hình thái kinh tế và xã hội khác, điều ấy có ảnh hưởng đến yếu tố mà
giới kinh tế gọi là "định mệnh", đó là cơ cấu dân số.
- Nói chung, trong các xã hội tiên tiến đó, người dân lập gia đình trễ
hơn và có con ít hơn nên về dài thì thành phần ở tuổi lao động, xin hãy
tạm lấy tiêu chuẩn là từ 18 đến 55 tuổi, sẽ ít dần so với tổng số cư
dân. Song song, tiến bộ về thuật lý trong y học và dưỡng sinh cũng kéo
dài tuổi thọ trong các xã hội này. Hậu quả là họ bị hiện tượng gọi là
"lão hóa dân số", với người gia lão đông hơn và cần nhiều dịch vụ và
phúc lợi y tế xã hội lâu dài hơn trong khi tỷ trọng thành phần năng động
về sản xuất và đóng góp cho quỹ phúc lợi ấy sẽ giảm. Nhờ có chính sách
tiếp nhận di dân, là thành phần có sinh suất cao vì đẻ con nhiều hơn,
Hoa Kỳ có dân số tương đối trẻ hơn Nhật Bản và nhiều nước Âu Châu mà
cũng đã bị hiệu ứng của nạn lão hóa dân số. Trung Quốc đi sau mà cũng
gặp định mệnh này do chính sách "mỗi hộ một con" họ ban hành từ 40 năm
trước
Nạn lão hóa dân số
Vũ Hoàng: Thưa ông, hiệu ứng của nạn lão hóa dân số ấy là gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Chúng ta sẽ hơi mất công để nhìn ra cùng
lúc hai vế cung cầu của hai khía cạnh sản xuất và tiêu thụ và của hai
lớp dân số, những người năng động từ 25 đến 55 tuổi và giới cao niên
trên 55 tuổi mà có tuổi thọ dài hơn trước.
- Thành phần năng động bị thu
hẹp sẽ làm giảm năng suất trong địa hạt sản xuất và cũng giảm số cầu về
nhà cửa, xe cộ, v.v... cho cả nền kinh tế. Song song, thành phần cao
niên đông đảo hơn sẽ tiêu thụ ít hơn, ở nhà nhỏ hơn, tiết kiệm nhiều hơn
mà vẫn cần nhiều phí tổn về hưu liễm và sức khoẻ. Tổng hợp lại thì
trong trường kỳ sản lượng kinh tế sẽ giảm, đà tăng trưởng hàng năm không
thể ở mức 5-6% như xưa, với số thất nghiệp cao hơn. Nhật Bản và Âu Châu
có bị tai nạn chậm rãi mà chắc chắn đó, Hoa Kỳ cũng vậy nên sẽ mất
nhiều năm chuyển hướng để thoát xác và trước hết là chấn chỉnh lại việc
chi thu.
Vũ Hoàng: Câu hỏi cuối, thưa ông, chúng tôi được
biết rằng cuối tuần qua, ông được Phòng Thương Mại Việt Nam tại Oakland
và Vùng Phụ Cận ở miền Bắc California mời lên phát biểu về tình hình
kinh tế Hoa Kỳ. Trong bài phát biểu, ông có trình bày một kết luận tương
đối là khả quan và có thể nói là lạc quan. Ông giải thích chuyện ấy như
thế nào sau khi cho thấy một bức tranh khá u ám của kinh tế Mỹ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thưa rằng sau khi tóm lược về tình hình chung
của thế giới với cái nạn gom tiền trả nợ, tôi nhấn mạnh đến sự khác
biệt. Hoa Kỳ là một quốc gia thống nhất theo thể chế liên bang nên các
cơ chế có thể xoay chuyển chứ không bị phân hóa và tê liệt như Âu Châu.
Thứ hai, Hoa Kỳ năng động biến báo chứ không ù lỳ trì trệ và đình hoãn
cải cách như Nhật Bản trong 20 năm qua. Vì vậy trong khối kinh tế công
nghiệp hóa Âu-Mỹ-Nhật, Hoa Kỳ sẽ có hy vọng vượt thoát sớm nhất và thực
tế thì tư doanh Mỹ đã sớm bước qua hướng khác rồi.
Nhờ có chính sách tiếp nhận di dân, Hoa Kỳ có dân số tương đối trẻ hơn Nhật Bản và nhiều nước Âu Châu vậy mà cũng đã bị hiệu ứng của nạn lão hóa dân số.
Nguyễn-Xuân Nghĩa
- Một lý do cụ thể cho giả thuyết lạc quan này là sau năm năm hoạn nạn,
các doanh nghiệp Mỹ đã trả nợ và tích lũy được một khối hiện kim hay
bạc mặt tới cả ngàn tỷ đô la. Trong khi ấy, so với các thị trường khác
thì Mỹ vẫn là nơi đầu tư an toàn và có lời nên tiếp tục đón nhận được
đầu tư hay "tiết kiệm nhập khẩu" của nước ngoài. Khối tư bản dư dôi đó
của tư nhân trong nội địa và quốc tế đang vượt qua mức bội chi ngân sách
của khu vực công quyền, mà mức bội chi ấy sẽ giảm chứ không thể tăng
nữa.
- Vì vậy, sau một năm 2013 có nhiều khó khăn không tránh khỏi, tình
hình năm 2014 sẽ khả quan hơn những gì đã thấy từ năm năm qua. Về dài
thì lãnh đạo chính trị xứ này cũng phải ý thức được yêu cầu cải cách đó,
nếu không thì họ sẽ thất cử. Để kết luận, tôi thiển nghĩ là trong trung
hạn từ hai đến năm năm, Mỹ sẽ thoát xác và đấy là lúc ta nên so sánh
với khả năng xoay chuyển của các xứ khác, là điều mình sẽ tìm hiểu trong
mấy kỳ sau.
Vũ Hoàng: Xin cảm tạ chuyên gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về cuộc phỏng vấn này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét