Sau cơn địa chấn, nhiều đợt sóng
đáy đang nổi lên....
* Lá cờ Catalonia trên lá cờ Liên Âu *
Thời sự quốc tế cho thấy một trào lưu mới, xuất phát từ những khủng hoảng
liên tục vừa qua. Đó là sự tái sinh của chủ nghĩa quốc gia dân tộc, theo lối
suy diễn đáng ngại nhất...
Khi theo dõi thời sự ấy, chúng ta
ít thấy ra mẫu số chung của Osaka, Catalonia hay Gaza....
Tại Nhật Bản, ngày 17 Tháng 11, Đảng
Thái Dương (Tachiagare Nippon) do
ông Shintaro Ishihara thành lập
từ năm 2010 đã sát nhập với đảng Duy Tân (Nippon Ishin no Kai) do Thị
trưởng Osaka là Toru Hashimoto sáng lập từ Hội Duy Tân Thành phố Osaka để trở
thành một đảng ở cấp quốc gia. Họ chuẩn bị tranh cử với hai chính đảng lớn của
Nhật là Đảng Dân Chủ (DPJ) và đảng Tự Do Dân Chủ (LDP). Ngày tranh cử sẽ là 17
tháng này.
Ishihara nguyên là Đô trưởng Tokyo, nổi tiếng từ năm 1989 ở chủ trương quốc
gia triệt để và gần đây là người châm ngòi cho vụ khủng hoảng với Bắc Kinh khi
đề nghị thủ đô Tokyo mua lại ba đảo nhỏ của tư nhân trong cụm đảo Senkaku mà
Trung Quốc nhận là của mình và gọi là Điếu Ngư Đài. Toru Hashimoto là lãnh tụ sáng
giá và mới nổi từ Osaka, thành phố đứng hạng ba về dân số, và hiện là người được
gần hai phần ba cử tri Nhật tin tưởng. Trong khi hai đảng lớn chỉ được khoảng
20%.
Một tuần sau, ngày 24 Tháng 11, đảng Giảm Thuế (Genzei Nippon) của
Thị trưởng Nagoya là Takashi Kawamura thảo luận việc thống hợp với đảng Tương
Lai (Nippon Mirai no Tō) của Tổng trấn Shiba là bà Yukiko Kada thành một
lực lượng thứ ba, cũng ra tranh cử với
hai đảng LDP và DPJ.
Theo chủ trương chống tăng thuế, chống năng lượng nguyên tử, bảo vệ môi
sinh và bảo hộ mậu dịch nên chống Hiệp định Xuyên Thái bình dương TPP, cái đảng
có tên rất dài là Genzei Nippon - Han TTP - Datsu-Genpatsu o Jitsugen suru
Tō chỉ là một chính đảng địa phương, thành lập từ năm 2010. Nhưng Genzei
Nippon có ảnh hưởng mạnh từ vụ thiên tai Tohoku vào Tháng Ba năm 2011 khiến động
đất và sóng thần gieo họa cho các lò nguyên tử Nhật.
Đảng Tương Lai thì mới thành hình hôm 28 Tháng 11 sau khi kết hợp với 49
đại diện dân cử ly khai từ đảng Dân Chủ, đứng đầu là chính trị gia Ishiro Osawa
nổi tiếng đầy tham vọng. Là Tổng thư ký đảng Tự Do Dân Chủ LDP, Osawa tách riêng
và trở thành lãnh tụ đảng Dân Chủ DPJ và thất bại vì tai tiếng tham nhũng nên lại
đứng thế đối lập nhờ đảng Dân Sinh (Sinh Hoạt của Quốc Dân là Đệ Nhất!) với chủ
trương chống tăng thuế và năng lượng nguyên tử. Osawa khai thác tinh thần mị dân
để chống đảng Dân Chủ đang cầm quyền và sắp lung lay của Thủ tướng Yoshihiko
Noda.
Việc các đảng nhỏ, có tinh thần địa phương, đại chúng và mị dân đang kết
hợp nỗ lực để thách đố hệ thống chính quyền trung ương và hai chính đảng truyền
thống phản ảnh một sự chuyển động lớn trong xã hội Nhật.
Chính quyền trung ương và các đảng lớn bị bất lực và không thể cải cách
cơ chế thư lại già lão sau hai chục năm suy sụp nên gây thất vọng cho dân Nhật.
Sự bất mãn kết tụ vào một số đảng địa phương hay các lãnh tụ đầy tham vọng, nhưng
cũng chậm rãi đưa Nhật Bản trở lại bài toán cổ điển của lịch sử là sự đối nghịch
giữa khuynh hướng trung ương tập quyền và địa phương cát cứ. Chính là nỗ lực thống
hợp để xây dựng sức mạnh quốc gia mới dẫn đến chủ nghĩa đế quốc và chế độ quân
phiệt trong nửa đầu của Thế kỷ 20, cho tới khi Nhật bị đánh bại trong Thế chiến
II.
Ngày nay, bên cạnh sự bành trướng đáng ngại của Trung Quốc, sự kiện nhiều
lãnh tụ Nhật còn khơi dậy tinh thần quốc gia dân tộc, và được quần chúng ủng hộ,
cho thấy nhiều bất ổn cho cả khu vực Đông Á. Điều này, cử tri Hoa Kỳ không biết
mà cũng chẳng cần biết. Nhưng chúng ta thì nên quan tâm.
***
Nếu có chú ý đến thời sự quốc tế, dân Mỹ có vài giây thắc mắc về việc
Liên hiệp quốc vừa chính thức công nhận Chính quyền Quốc gia Palestine PNA của
lực lượng Fatah do Tổng thống Mahmoud Abbas lãnh đạo trong khu vực gọi là Tây
ngạn sông Jordan (West Bank). Họ thắc mắc vì Hoa Kỳ đã chống lại quyết định này
mà không cản được.
Thật ra, họ nên quan ngại một chuyện khác.
Lực lượng Fatah chỉ có hư danh trên vùng Tây ngạn vì không lãnh đạo được
toàn thể cộng đồng Palestine. Đang giành quyền lãnh đạo sau khi tấn công lực lượng
Fatah và tổ chức PNA vào năm 2006 là lực lượng Hamas, hiện kiểm soát Dải Gaza và
vừa xung đột với Israel nhờ hỏa tiễn Fajr-5 do Iran cung cấp. Nếu Fatah có chủ
trương tương đối ôn hòa thì Hamas là lực lượng quá khích, đã có hành vi khủng bố
trong thực tế, và tồn tại nhờ sự yểm trợ của Syria, Iran và lực lượng Hezbollah
tại Lebanon.
Nói cách khác, chính quyền Palestine hiện có hai đầu ở hai nơi và dù rằng
cả hai đều nhân danh dân tộc Palestine (người Á Rập sống tại Palestine), sự phân
hóa ấy gây trở ngại cho việc hình thành một quốc gia Palestine độc lập có thể sống
chung – hay không - với quốc gia Israel của người Do Thái.
Khi nhìn về Âu Châu, người ta cũng chú ý đến một tin lạ từ xứ Tây Ban
Nha là cuộc bầu cử hôm Chủ Nhật 25 Tháng 11 tại Catalonia.
Khu vực tự trị Catalonia gồm có bốn tỉnh là Barcelona, Girona, Lleida,
Taragona với thủ phủ Barcelona, là thành phố lớn thứ nhì của Tây Ban Nha và là một
trung tâm thương mại và kinh tế của Âu Châu. Cuộc khủng hoảng tài chánh của khối
Euro đã đào sâu mâu thuẫn – và tranh chấp quyền lợi - giữa chính quyền
Catalonia với chính quyền trung ương tại thủ đô Madrid. Mâu thuẫn ấy dẫn tới cuộc
vận động ly khai để thành hình một nước Calatonia độc lập của dân Catalan, nói
tiếng Catalan.
Lãnh đạo Catalonia là ông Artur Mas mới cho tổ chức bầu cử để tăng cường
ảnh hưởng của đảng cầm quyền hầu tiến tới một cuộc trưng cầu dân ý về việc ly
khai hay không. Cuộc bầu cử không đem lại kết quả như ông mong muốn, và ngay
trong nội bộ khuynh hướng ly khai cũng có nhiều mâu thuẫn. Nhưng đa số dân
Catalan hiện đang muốn là công dân một nước độc lập.
Sự kiện ấy khiến người ta để ý đến trường hợp nước Bỉ, một quốc gia tập
hợp hai sắc dân có chung một lãnh thổ mà nhìn về hai hướng. Dân Flemish (60%) ở
phía Bắc thì gần với Hoà Lan về văn hóa và ngôn ngữ; còn dân Walloons (40%) thì
gần với Pháp. Từ nhiều năm nay, mâu thuẫn sắc tộc đã gia tăng tại Bỉ khiến chính
quyền gần như bị tê liệt tại thủ đô Bruxelles và gây tê liệt cho cả chính quyền
Liên hiệp Âu châu tại thủ phủ Bruxelles.
Liên Âu vốn dĩ đã bị khủng hoảng vì khối Euro. Câu chuyện Tây Ban Nha và
Bỉ mới khiến người ta quay trở lại vụ Euro.
Vụ khủng hoảng Euro đào sâu mâu thuẫn giữa 17 thành viên đã thống nhất
tiền tệ mà không thống nhất về chính trị để có một chính sách kinh tế và ngân sách
chung. Trong nội bộ khối Euro đã có mâu thuẫn giữa các nước lâm nạn, đa số ở miền
Nam, với các nước giàu mạnh hơn ở miền Bắc. Vụ khủng hoảng còn phơi bày những dị
biệt giữa 17 nước thuộc khối Euro và 10 nước còn lại của Liên hiệp Âu châu.
Khi bất mãn về những dàn xếp tất nhiên là bất toàn, người ta thường có
phản ứng lui về quá khứ, với giấc mơ lãng mạn của thời rau cháo có nhau trong một
cộng đồng dân tộc, trước khi các thế lực khác bước vào làm đảo lộn cuộc sống.
Nghĩa là chủ nghĩa dân tộc trở thành một cám dỗ lớn.
Nó cũng giải thích sự lớn mạnh của xu hướng cực hữu và bài ngoại ngay tại
các nước Pháp, Đức hay Hung Gia Lợi. Chủ nghĩa dân tộc ấy cho phép người ta giải
thích và quy tội cho ai khác về những khó khăn của mình: chúng ta mất dần quyền
lợi, bản sắc và việc làm vì người khác, đến từ Bắc Phi, Trung Đông hay Đông Âu...
Vụ khủng hoảng Euro đào sâu những khác biệt sắc tộc và địa phương trong
cộng đồng Âu Châu. Sự khác biệt ấy có thể dẫn đến mâu thuẫn và xung đột nếu
khuynh hướng cực hữu thắng thế. Tức là có khi Âu Châu lại rơi vào nghiệp cũ, chẳng
khác gì những xung đột giữa các nước Châu Á.
Vì giới hạn của trang báo, bài viết này chưa thể đề cập tới những vấn đề
tương tự mà còn trầm trọng hơn về địa dư và sắc tộc của Liên bang Nga và Trung
Quốc. Xin để kỳ khác....
***
Tuy nhiên, trong sự chuyển động đáng ngại ấy, chúng ta cũng nên liếc về
Việt Nam.
Nếu có ai đó chủ trương xây dựng các khu vực tự trị - thí dụ như tại
Ninh Thuận cho người Chàm, tại Cao nguyên Trung phần (Tây Nguyên) cho người Thượng,
tại An Giang Châu Đốc cho người Khmer Krom (người Việt gốc Miên), hoặc nên giành
vùng Thượng du Bắc Việt tiếp giáp với Trung Quốc cho các sắc dân thiểu số – thì
chúng ta có thấy rợn mình về an ninh của Việt Nam không? Đây chẳng là gỉả thuyết
mà đang lặng lẽ xảy ra.
Nếu tìm hiểu thì mình có thể thấy bàn tay Bắc Kinh đằng sau trò chơi xé
xác này.
Các chế độ độc tài thường chủ quan duy ý chí cải tạo xã hội và tiêu diệt
bản sắc thiểu số để mọi cộng đồng đều sống đồng dạng dưới sự cai trị của một đảng.
Chế độ cai trị này gây ra khủng hoảng và khi vòng đai nhất thống bị đánh bung
thì phản ứng dội ngược là tinh thần quốc gia hay dân tộc có thể dẫn đến phân hóa
và nội chiến. Chúng ta đã thấy chuyện ấy từ khi Liên Xô sụp đổ hoặc Nam Tư tan
rã. Đấy là chuyện cũ, của 20 năm trước.
Chuyện mới là ngay trong các nước dân chủ, như Nhật Bản, Tây Ban Nha và
nhiều xứ Âu Châu, phản ứng quốc gia và tinh thần dân tộc cũng đang mở ra nhiều
cuộc phiêu lưu đáng sợ trong màu hồng của những mơ tưởng lãng mạn. Ở cuối chân
mây có thể là chủ nghĩa phát xít, quân phiệt.
Đấy mới là chuyện đáng lo. Nhưng đang vượt ra khỏi sự quan tâm của nước
Mỹ và nhiều người Việt.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét