Ống thép Việt Nam tránh được một đòn trừng phạt của Mỹ
* Sản phẩm thép ống sản xuất tại Công ty thép SeAH Steel - Nguồn: vietstock *
Ngày 14/11/2012, Hội đồng Thương Mại Quốc Tế ITC của Hoa Kỳ đã ra một phán quyết mà Bộ Thương Mại Mỹ sẽ phải chấp hành. Đó là không được áp dụng biện pháp trừng phạt trên các ống thép từ bốn quốc gia xuất khẩu vào Mỹ, trong đó có Việt Nam, như yêu cầu của một số doanh nghiệp sản xuất của Mỹ.
Vì sao một cơ quan độc lập của Mỹ có một quyết định đi ngược với yêu cầu của các doanh nghiệp Mỹ mà Bộ Thương Mại Hoa Kỳ sẽ phải tuân thủ? Từ Hoa Kỳ, chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa phân tích thêm về câu chuyện lý thú và hy hữu này.
RFI: Xin chào anh Nguyễn Xuân Nghĩa. Thưa anh, International Trade Commission ITC của Hoa Kỳ có một phán quyết mà Bộ Thương Mại Mỹ phải chấp hành : Không được phép có biện pháp trừng phạt trên ống thép của bốn quốc gia nhập vào Mỹ, trong đó có Việt Nam. Phán quyết của Hội đồng ITC có nghĩa là Bộ Thương Mại Hoa Kỳ sẽ không có biện pháp áp giá và trừng phạt ống thép của Việt Nam trên thị trường Mỹ. Đầu đuôi câu chuyện này là như thế nào, xin anh cho biết về bối cảnh vụ việc.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thưa rằng thị trường Hoa Kỳ cần nhiều loại ống thép hàn, với chiều dày mỏng và to nhỏ khác nhau. Loại sản phẩm liên hệ đến vụ kiện có đường kính dưới 40 phân và số tiêu thụ toàn quốc trị giá chừng một tỷ 600 triệu Mỹ kim. Hoa Kỳ có 19 doanh nghiệp hoạt động trên 17 tiểu bang, sản xuất được một tỷ đô la ống thép với chừng 1.500 nhân công. Phần còn lại thì phải nhập cảng, trị giá 600 triệu đô la. Theo thứ tự về trị giá, sáu nơi bán nhiều nhất vào Mỹ là Mexico, Các Tiểu Vương Quốc Á Rập Thống Nhất, Nam Hàn, Ấn Độ, Việt Nam.
- Tháng 10 năm ngoái, bốn doanh nghiệp Mỹ tại hai tiểu bang Illinois và Pennsylvania và có sản lượng gọi là đủ tiêu biểu cho cả kỹ nghệ ống thép Mỹ, nộp đơn lên Bộ Thương Mại để kiện bốn quốc gia đã phá giá hoặc trợ giá khi xuất khẩu ống thép vào Hoa Kỳ với giá thấp hơn thực giá nên đe dọa hoặc có thể đe dọa gây thiệt hại cho kỹ nghệ sản xuất của Mỹ. Họ yêu cầu Bộ Thương Mại có biện pháp ngăn ngừa nạn cạnh tranh bất chính và áp dụng thuế biểu trừng phạt tình trạng phá giá này. Bốn quốc gia đó là Ấn Độ, Các Tiểu Vương Quốc Á Rập Thống Nhất, tiểu vương quốc Oman và Việt Nam, với số bán tổng cộng vào Mỹ ở khoảng 190 triệu đô la.
- Chi tiết đáng chú ý ở đây là kích thước nhỏ của thị trường và lực lượng lao động liên hệ. Và Mỹ phải nhập khoảng 600 triệu đô la mà vụ kiện liên quan đến nguồn cung ứng của 190 triệu, là một phần ba của số nhập khẩu, phần còn lại là trên 330 triệu đô la thì coi như không có vấn đề.
RFI: Thưa anh, thế rồi Bộ Thương Mại Mỹ đã thụ lý hồ sơ khiếu nại này ra sao?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Bộ Thương Mại Hoa Kỳ lập tức mở cuộc điều tra từ Tháng 11 năm ngoài khi yêu cầu bên khiếu nại lẫn các nước bị khiếu nại cùng trình bày hồ sơ của vụ này. Rồi họ thẩm định sơ khởi rằng quả là kỹ nghệ Mỹ bị thiệt hại do ống thép mua từ ba nước là Ấn Độ, Oman, Tiểu Vương Quốc Á Rập và rằng thép ống từ bốn nước nói trên, tức là kể thêm Việt Nam, đã bán vào Mỹ với giá thấp hơn thực giá. Nhưng cũng theo luật lệ thương mại rất phức tạp của Hoa Kỳ, Bộ Thương Mại phải thỉnh ý của Hội đồng Thương Mại Quốc Tế ITC.
RFI: Anh có nêu lên việc doanh nghiệp Hoa Kỳ yêu cầu Chính phủ phải bảo vệ quyền lợi của họ. Đại diện cho Chính phủ Hoa Kỳ là Bộ Thương Mại đã điều tra, nghiên cứu và xác định là đã có sự cạnh tranh bất chính. Vậy mà tại sao Bộ Thương Mại Mỹ vẫn phải tham khảo ý kiến của một cơ quan khác là cái Hội đồng ITC này. Cơ quan ấy là gì vậy?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Được thành lập từ năm 1916 và được cải tiến nhiều lần, Hội đồng hay Ủy ban ITC này gồm có sáu ủy viên thuộc cả hai đảng Dân Chủ và Cộng Hoà, được Tổng thống bổ nhiệm và Quốc hội phê chuẩn cho từng nhiệm kỳ chín năm, có quy chế tự trị về ngân sách và độc lập về thẩm quyền để khuyến cáo cả Hành pháp lẫn Quốc hội về các vấn đề liên hệ đến ngoại thương hay mậu dịch quốc tế. Với chừng 600 nhân viên mà đa số là luật gia và chuyên gia về ngoại thương, Hội đồng phải khách quan nghiên cứu và điều tra vô tư để đưa ra những kết luận có giá trị tương tự như phán quyết của tòa án. Theo đúng luật của Mỹ, Bộ Thương Mại phải chấp nhận phán quyết của Hội đồng ITC này.
- Trong hồ sơ chúng ta đang nói đến ở đây, Hội đồng ITC đã nghiên cứu và tham khảo ý kiến của đôi bên, xin tạm gọi là nguyên cáo và bị cáo, rồi mới quyết định. Kết quả là có bốn trong sáu Ủy viên đã đề nghị bác bỏ sự cáo buộc của doang nghiệp Mỹ và kết luận sơ khởi của Bộ Thương Mại. Hai Ủy viên kia, trong đó có Chủ tịch luân phiên hiện nay của Hội đồng, thì lại đồng ý. Kết quả là Hội đồng theo ý kiến của đa số và ra phán quyết hôm 14 vừa qua. Thứ Tư mùng năm tháng 12 tới đây, họ sẽ chính thức thông báo cho Bộ Thương Mại về phán quyết này và hồ sơ kiện cáo coi như kết thúc. Hai doanh nghiệp xuất khẩu ống thép của Việt Nam vào Mỹ vừa thoát được một tai nạn. Đến ngày 26 tháng tới thì Hội đồng công bố toàn bộ hồ sơ, khi đó chúng ta mới có thêm những chi tiết phức tạp về một đề tài rắc rối này.
RFI: Thưa anh, chúng ta biết rằng từ trước đến nay ở Mỹ cũng đã có những vụ kiện tụng đối với hàng nhập khẩu từ Việt Nam, chẳng hạn như tôm hay cá da trơn. Kết luận của anh về vụ ống thép hàn lần này là gì, tại vì thông thường thì ITC, trong rất nhiều trường hợp, đã đi theo đề nghị của bộ Thương mại, nhưng lần này thì lại không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thứ nhất, Hoa Kỳ thường công khai hóa mọi chuyện nên luật chơi của họ dù có rắc rối thì cũng rất minh bạch. Nếu mình biết thì vẫn có thể tranh đấu thắng lợi, dù là hơi tốn kém tiền bạc cho các luật sư! Thứ hai, Việt Nam lại thiếu loại thông tin cần thiết này nên các doanh nghiệp có thể gặp bất ngờ và bất lợi. Thứ ba, Việt Nam cứ tưởng rằng khôn khi đòi quy chế đặc biệt của một quốc gia chưa có kinh tế thị trường đích thực. Nhưng chính là quy chế ấy mới càng khiến doanh nghiệp và hàng hóa Việt Nam dễ bị kiện là được trợ giá hoặc bán phá giá và gây thiệt hại cho doanh nghiệp ngoại quốc.
RFI: Xin cám ơn chuyên gia Nguyễn-Xuân Nghĩa từ Hoa Kỳ về cuộc trao đổi này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét