Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người Việt Ngày 120514
"Kinh Tế Cũng Là Chính Trị"
Những mâu thuẫn của Âu Châu và lý do lo ngại
* Dân chúng Tây Ban Nha biểu tình xé cờ Âu Châu *
Tuần trước, chủ đề "Hoa Kỳ Nhìn Từ Bên Ngoài" của cột báo này viết về Âu Châu, như sân sau của Hoa Kỳ để nhấn mạnh về những rủi ro cho kinh tế Mỹ xuất phát từ Âu Châu (bài "Cháy Mất Sân Sau - Âu Châu, hậu phương của Mỹ, đến hồi đỏ lửa...") Tuần này, chủ đề "Kinh Tế Cũng Là Chính Trị" sẽ tìm hiểu vì sao cái sân sau đó bị cháy.
Trước đấy, người viết cũng dự đoán rằng nếu ứng cử viên François Hollande đắc cử Tổng thống Pháp – chuyện đã rồi – thì bất trắc kinh tế từ Âu Châu dội ngược về Mỹ có thể khiến Tổng thống Barack Obama thất cử. Có độc giả liền kết luận rằng tác giả... ủng hộ đảng Cộng Hoà! Sự thật nào đơn giản như vậy, xin đọc lại bài "Bầy Voi Donner" trên cột báo này hôm 31 Tháng Giêng thì rõ....
Nhưng.... "tôi không còn cô độc" – mượn thơ Thanh Tâm Tuyền. Số phát hành tuần qua của tạp chí The Economist cũng dự đoán như vậy trong chủ đề về "Tử huyệt của Âu Châu" (Europe's Achilles Heel).
Bây giờ, xin trở lại sân sau của nước Mỹ, về Âu Châu.
***
Kinh tế Âu Châu đã lụn bại từ... bốn chục năm rồi.
Tốc độ tăng trưởng trung bình của Âu Châu trong bốn thập niên từ 1970 đến nay đã giảm dần, từ 3,2% một năm xuống 2,5 rồi 2,2 rồi 1,2 khi nhân loại bước vào thập niên đầu của thế kỷ 21. Năm nay nếu có đạt 1% là mừng. Cùng sự suy sụp chậm rãi đó là một chiều hướng tâm lý: dân muốn hưởng nhàn. "Bảo vệ thành quả" là động lực phổ biến.
Và đa số các chính quyền sẵn sàng vay mượn để cử tri của họ sống cao hơn khả năng sản xuất.
Chế độ bao cấp về chính trị lồng trong nạn lão hóa dân số và tinh thần hưởng nhàn là một lý do sâu xa và lâu dài của tai họa ngày nay. Ngày nay, dân chúng Âu Châu ở nhiều nơi đang nổi loạn chống lại chánh sách kinh tế khắc khổ và đòi chấm dứt tình trạng suy đồi ấy qua những biện pháp thúc đẩy tăng trưởng. Báo chí tường thuật rằng Âu Châu đang có cuộc tranh luận giữa hai trường phái "tăng trưởng" chống "khắc khổ hoặc "kích cầu" chống "giảm chi". Cách đặt vấn đề như vậy khiến chúng ta hiểu lầm.
Chứ nếu không cải cách mà kích cầu để tăng trưởng chỉ có nghĩa là tiếp tục tăng chi và đi vay – như cũ.
Trong cả khối Liên hiệp Âu châu gồm 27 nước, có 17 quốc gia đã thống nhất tiền tệ và sử dụng chung một đồng bạc là đồng Euro (gọi là khối Euro). Chủ yếu thì có 15 quốc gia giàu mạnh nhất, từ Bắc xuống Nam là Finland, Sweden, Ireland, Austria, Belgique, Luxembourg, Hoà Lan, Đức, Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hy Lạp và hai nước ngoài khối Euro là Anh và Denmark. (Xin miễn cho chuyện phiên âm cái tên của từng nước).
Thời sự hàng ngày cứ nói đến các nước hoạn nạn, như Ireland và mấy quốc gia ven bờ Địa Trung Hải, được gọi tắt là PIIGS (Portugual, Italy, Ireland, Greece và Spain). Nhưng không chú ý đến ngoại lệ như Ba Lan và nhất là ba nước Cộng hoà Baltic (Estonia, Lithuania và Latvia ở quanh biển Baltic tại miền Bắc). Thoát khỏi chế độ ngoại thuộc của Liên Xô và bao cấp của cộng sản, các nước này đã áp dụng chính sách kinh tế khác và thực sự giảm chi khi khủng hoảng bùng nổ năm 2008. Một cuộc so sánh giữa PIIGS và Baltic có thể chỉ ra nhiều chuyện lạ về "kinh tế cũng là chính trị". Xin hẹn một kỳ khác.
Từ năm 2008 đến nay, các nước lâm nạn tiếp tục tăng chi và gây bội chi ngân sách. Nếu họ có khoe thành tích giảm chi thì nên hiểu là chỉ tăng chi chậm hơn thôi. Bài viết thiếu chỗ cho các bảng số rất hoành tráng về trò chơi này. Các quốc gia ấy chưa áp dụng biện pháp khắc khổ và giảm chi để tiến tới quân bình ngân sách như đã cam kết sau khi được các nước khác yêu cầu hoặc gây sức ép.
Gây áp lực nặng nhất là nước Đức, nền kinh tế giàu mạnh và kỷ luật nhất về chi thu và đã phải tung tiền xoá nợ, chuộc nợ hoặc đắp vốn cho các ngân hàng lỡ dại huy động tiền cho các chính quyền thoải mái đi vay. Lý do cũng... ích kỷ thôi: nếu Đức không cứu lấy hệ thống ngân hàng thì toàn bộ kiến trúc tài chánh Âu Châu sụp đổ, khối Euro tan tành và bạn hàng phá sản.
Cho vay là giới đầu tư vào thị trường trái phiếu - họ đổi tiền mặt lấy tờ giấy nợ với hy vọng sẽ được trả tiền lời (yield). Khi thấy hy vọng đó sa sút, họ đòi phân lời cao hơn. Phân lời đó chính là lãi suất dài hạn trên các thị trường tài chính. Theo dõi chỉ số tài chính này thì có thể suy ra tai họa chính trị ở đằng sau.
Vì nhìn sai vấn đề và muốn bảo vệ thành quả, người ta phản đối chánh sách khắc khổ và quy tội cho nước Đức là áp đặt mệnh lệnh theo kiểu... Hitler. Hoặc để bảo vệ quyền lợi của bọn nhà giàu, bọn tài phiệt có tiền đầu tư. Trong khi ấy, liên minh cầm quyền của Thủ tướng Đức liên tục mất phiếu trong các cuộc bầu cử địa phương - nặng nhất là hôm Chủ Nhật vừa qua tại một bang lớn nhất - vì đến lượt dân Đức mệt mỏi khi thấy chính quyền cứ phải cưu mang chuyện Âu Châu và đòi họ thắt lưng buộc bụng
Thật ra, từ nhiều tháng qua, nhiều người biểu tình và các chính khách khai thác sự bất mãn ấy đã đánh tráo vấn đề để khỏi giải quyết bài toán thật.
Khi cần được cứu thì các nước đồng ý với kế hoạch giảm chi mà 25 trong 27 nước đã thoả thuận (Anh và Cộng hòa Tiệp không tham gia chuyện này). Đó là "hiệp ước ngân sách" được bàn cãi từ tháng 12 và thông qua vào mùng hai Tháng Ba. Nhờ đó Ngân hàng Trung ương Âu châu ECB tung ra một ngàn tỷ Euro để cấp cứu. Bây giờ, người ta phủ nhận hoặc đòi thảo luận lại sự cam kết ấy, vì phải nhấn mạnh đến nhu cầu tăng trưởng. Tiền đâu ra để kích đà tăng trưởng?
Câu hỏi bị khỏa lấp đằng sau khẩu hiệu đánh thuế nhà giàu, trong khi thực tế ít ai dám nói tới là sau một ngàn tỷ, Âu Châu sẽ cần thêm một ngàn tỷ nữa, từ nay đến cuối năm.
Âu Châu nổi loạn để trái đất ngừng quay và họ cùng lao xuống vực.
***
Xin cột lại cho gọn: hệ thống kinh tế chính trị Âu châu dựa trên hai mâu thuẫn là 1) nhờ thống nhất kinh tế, mọi người đều thịnh vượng giàu có, và 2) nhờ thống nhất chính trị, biên vực các nước đều mở bung để mọi người lưu thông di trú tự do. Từ đó tiến tới United States of Europe, lực đối trọng của United States of America, mà vẫn bảo vệ được chủ quyền của từng nước...
Mâu thuẫn đầu tiên là sự thịnh vượng đó không có - hãy nhớ đến đà tăng trưởng giảm sút liên tục từ 40 năm nay - và không đều. Ngoài một thiểu số có tiền, những ai có việc làm thì tin chắc là sẽ sống đời với phúc lợi được bảo đảm mà khỏi bị sa thải. Những người không may còn lại, đa số là giới trẻ vừa đến tuổi lao động, thì đứng ngoài, và phản đối, nổi loạn khi thất nghiệp thường xuyên mấp mé 10%. Ngoài chuyện sưu cao thuế nặng khiến doanh nghiệp nản chí đầu tư, chế độ bảo hộ lao động ấy phải được cải cách. Mà chẳng ai dám làm.
Mâu thuẫn kia còn tai hại hơn.
Vì những bất công nhờ bao cấp, người ta quy tội cho nước khác hay di dân xứ lạ về tai ách kinh tế của mình ở nhà. Thí dụ như công ước Schengen về tự do lưu thông giữa 27 nước mà khỏi cần chiếu khán đã bị đặt thành vấn đề và nhiều nước đang trở lại chế độ kiểm soát ngoài biên giới để chặn di dân. Liên hiệp Âu châu đang hết thống nhất trong thực tế. Trong khi "bọn nhà giàu" kia lặng lẽ đem tiền ra ngoài, đầu tư vào xứ khác vì an toàn hơn!
Nguy hại hơn vậy chính là phản ứng quốc gia dân tộc khiến xu hướng cực hữu thắng thế, tại Hoà Lan, Pháp hay cả Hy Lạp. Các đảng phái tả hữu truyền thống đều bị hoài nghi và người ta đang nghe lời đường mật của thiểu số quá khích.
Sự tan rã của Âu châu đã bắt đầu, trước hết là của khối Euro, khi người ta ra khỏi thời mộng mị mà ít ai dám nói thật.
Mất phiếu thì sao?
Bác có thể kể lại cho lớp trẻ về kế thoát hiểm của Tổng Thống Ronald Reagan.Thời trước Mẽo cũng gần như châu Âu bây giờ.
Trả lờiXóaXem ra cái USE này còn dở hơn cái USSR. Ít ra USSR còn tồn tại được 67 năm tính từ 1924 là năm ra hiến chương Liên bang Xô Viết. Biết rắng cái gì trái quy luật thì không thể vững bền được, nên tôi chưa bao giờ tin tưởng ở cái EU hay EEC hay E-Zone. Cho dù cái hân hoan say men của Âu châu được thổi phồng quá mức khi so sánh sự sụp đổ, tan hoang của cái USSR và sự hợp nhất đắc thắng sặc mùi đồng của EU và E-Zone.
Trả lờiXóaVậy cũng phải khen ông Hồ Chí Minh là chưa bao giờ ổng muốn có cái Liên Bang Đông Dương mà các "thế lực phản động" gán ghép cho ổng hết. Vì ông dư biết đó là của giả.