Thứ Sáu, tháng 5 18, 2012

Hy Lạp, Đồng Euro và Ý Dân

Nguyễn-Xuân Nghĩa - Việt Tribune Ngày 120517 

Những mâu thuẫn không thể dung hòa 


* Một biển cờ xanh của Hy Lạp - Ảnh AFP *


Cuối Tháng Hai, trong phút cao hứng, người viết phân tách trên cột báo này trong số ra ngày hai Tháng Ba việc Hy Lạp có thể ra khỏi khối Euro và vãn hồi đồng Drachma cũ mà ra mới (xin đọc lại bài "Trái Bóng Hy Lạp Lăn Ra Ngoài Biên - Hy Lạp có thể ra khỏi khối Euro. Và cũng nên...."  Tuần qua, kịch bản ấy lại có vẻ - nói theo kiểu Hà Nội - "đi vào hiện thực", với xác suất khá cao. Quá cao theo quan điểm đầy âu lo của các quan chức Âu châu.

Trong khi chờ đợi ngày được thông báo là đồng Euro bị sứt một góc, xin hãy nhìn lại chuyện này từ giác độ... "dân chủ". Nói cho nôm na là ý dân.


***


Từ khi khủng hoảng bùng nổ vào năm 2008, các nước Âu Châu đã tung ra nhiều biện pháp chống đỡ để tránh cho Hy Lạp sẽ khỏi vỡ nợ, các ngân hàng lỡ cho vay mà mất vốn vì không đòi được nợ sẽ khỏi phá sản, hệ thống tiền tệ thống nhất của 17 nước trong khối Euro khỏi sụp đổ và, mục tiêu sau cùng, Liên hiệp Âu châu của 27 quốc gia khỏi bị khủng hoảng. Trong ba năm, các nước đã có ba bốn kế hoạch liên tiếp để cuối cùng thấy rằng sự thể lại nguy ngập hơn vậy: nhiều thành viên Euro đã tiêu xài và vay mượn quá khả năng từ quá lâu, đến khi kinh tế suy trầm thì lại cần thêm tiền, vừa để kích thích sản xuất vừa để trả nợ. Trong hoàn cảnh sản xuất sa sút và thất nghiệp cao thì việc thắt lưng buộc bụng để trả nợ khiến các chính quyền lâm nạn về kinh tế đều bị khủng hoảng về chính trị, bị thất cử hoặc phải từ nhiệm.

Từ nhiệm là trường hợp của Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou thuộc đảng PASOK của cánh trung tả (viết tắt của Phong trào Xã hội Liên Hy Lạp). Tháng 11 năm ngoái, ông bị các nước Âu châu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF đã tung tiền chuộc nợ gây áp lực vì không thể tuân thủ những điều kiện do Âu Châu đặt ra để được cấp thêm một ngân khoản chuộc nợ trị giá 165 tỷ Mỹ kim.

Việc thương thuyết kế hoạch này tiến hành trước đó và Chính quyền Papandreou đã thoả thuận với đòi hỏi của quốc tế là phải giảm chi ngân sách nếu muốn được cấp cứu.

Sau khi đồng ý với thiên hạ rồi, về nhà, ông đưa ra sáng kiến khác. Đó là trưng cầu ý kiến người dân về kế hoạch này. Sáng kiến đó lập tức gây hốt hoảng cho các thị trường tài chánh vì giới đầu tư tin là dân Hy Lạp sẽ phản đối những biện pháp khắc khổ và các nước không thể cứu vãn tình hình và Hy Lạp sẽ vỡ nợ. Các nước thì cho là họ đã thương thảo với một chính quyền dân cử hợp pháp mà sau cùng chính quyền đó lại đổi ý và viện ra ý dân để thoái thác, hoặc để đòi mặc cả lại.

Vì phản ứng đó của thị trường và chính trường Âu châu, Thủ tướng Papandreous phải rút lại đề nghị trưng cầu dân ý và từ chức để một chính quyền lâm thời lên thay, với một thủ tướng là chuyên gia có uy tín. Chính quyền có đặc tính liên minh để cứu nguy tổ quốc được hậu thuẫn của hai đảng lớn nhất là PASOK và Tân Dân Chủ.

Nhưng người dân Hy Lạp mất cơ hội bày tỏ ý kiến.

Thật ra, họ vẫn cho biết ý kiến sau khi liên tục bất tín nhiệm hai đảng lớn, và ủng hộ quan điểm của các nhóm cực tả và cực hữu là bác bỏ chính sách khắc khổ. Trong đó, mạnh nhất là Liên đoàn các Đảng Cấp tiến Cánh tả, gọi tắt theo tiếng Hy Lạp là Syriza, đã về hạng nhì với gần một phần ba số phiếu. Tuần qua, Hy Lạp lâm bế tắc rồi khủng hoảng chính trị vì không đảng nào hay một liên minh nào chiếm đủ đa số để thi hành một kế hoạch cứu nguy kinh tế và chấn chỉnh chi thu.

Trong tư thế quốc trưởng rất tượng trưng vì Hy Lạp theo chế độ "Đại nghị", quyền lực thuộc về Quốc hội, Tổng thống Karolos Papoulias quyết định tổ chức tổng tuyển cử vào tháng tới.

Những biến động ấy khiến các thị trường tài chánh từ Âu qua Á về tới Hoa Kỳ đều sụt giá nặng và ngày càng có nhiều dư luận cho là Hy Lạp sẽ ra khỏi khối Euro, dùng lại đồng Drachma để có thể giải quyết khó khăn qua biện pháp phá giá và lạm phát....

Đấy là bối cảnh của vấn đề.


***



Nhìn sâu xa hơn một vụ khủng hoảng tài chánh và chính trị của Hy Lạp, người ta có thể thấy ra một vụ khủng hoảng còn trầm trọng hơn bên trong cơ chế chính trị Âu Châu.

Lãnh đạo ở trên - về chính trị là các chính quyền dân cử Âu châu và về kinh tế tài chánh là hệ thống Ngân hàng Trung ương Âu châu (ECB) cùng các ngân hàng trung ương của từng nước và hệ thống ngân hàng thương mại hay đầu tư của toàn khối - có thể thoả thuận với nhau về một số quy ước chung để qua việc sử dụng một đồng tiền thống nhất, các nước đều cùng có lợi. Đấy là một sự giả định, một điều kiện, quá lạc quan của toàn bộ kiến trúc Âu Châu.

Chìm sâu bên dưới là những mâu thuẫn kỳ lạ.

Các quốc gia đều theo nguyên tắc dân chủ: quyền dân là tối thượng, được thể hiện qua bầu cử để một chính quyền sẽ đại diện mình mà quyết định chuyện an ninh hay quốc kế dân sinh. Khi bước vào hội nhập kinh tế và thống nhất đồng bạc trong một hệ thống chính trị liên hiệp với các quốc gia khác, từng nước đều trao một phần chủ quyền của mình cho một cơ chế quốc tế là Liên hiệp Âu châu, gồm có Hành pháp, Quốc hội, Toà án và một Ngân hàng Trung ương chung.

Các nước chấp nhận nhường lại một phần chủ quyền quốc gia để có hòa bình và thịnh vượng trong một khu vực mở mà các công dân được đi lại tự do để kiếm tiền ở những nơi có lợi nhất, và còn có thể thanh toán bằng một đồng bạc chung.

Mâu thuẫn ở đây là việc cơ chế thống nhất này không có khả năng cưỡng hành trong nhiều lãnh vực, trước tiên là kinh tế tài chánh. Nhiều quốc gia đã tăng chi quá khả năng, bị bội chi nhiều hơn mức quy định hay cam kết ban đầu và như Hy Lạp, còn ngụy tạo thống kê kinh tế để hưởng lợi. Và ngân hàng trung ương ECB cũng không thể có những biện pháp tiền tệ hay tín dụng cho toàn khối nếu không có sự đồng ý của 17 nước thành viên.

Nói nôm na dễ hiểu, các nước xài chung những lợi ích mà khỏi chịu chung những kỷ luật về ngân sách hay thuế khoá. Chưa tiến tới thể chế liên bang như Hoa Kỳ, Âu châu không có cơ chế siêu quốc với thanh tra thuế vụ hay quân đội có thẩm quyền thực thi kỷ luật chung.

Nhưng sự thoả thuận trên ngọn như vậy khiến hệ thống quản lý chính trị và kinh tế của Liên Âu tại thủ đô Bruxelles hay Stratbourg - trụ sở Quốc hội - hoặc Frankfurt của Ngân hàng Trung ương lại có ảo tưởng là họ quyết định về chánh sách chung của toàn khối. Và họ quyết định thật, mà không đạt kết quả.

Sau hai chục năm thành lập Liên Âu và 10 năm dựng lên khối Euro, mâu thuẫn căn bản đã bùng nổ vì tình hình kinh tế hết sáng sủa và sự lạc quan ban đầu lạt phai dần. Những biện pháp cấp cứu kinh tế tài chánh đòi hỏi sự hy sinh mà chẳng ai muốn. Những cam kết của các chính quyền dân cử với thủ đô Bruxelles bị dân chúng ở nhà phản đối và 11 chính quyền đã sụp đổ.

Người dân từng nước thì cho là các công chức quốc tế tại Bruxelles, Stratbourg hay Frankfurt đã mù quáng lấy những quyết định tai hại cho cuộc sống của họ. Hoặc chế độ tự do lưu thông do các nước Âu châu cùng thỏa thuận với Hiệp ước di trú Schengen khiến "kẻ lạ" từ xứ khác có thể vào cướp mất việc làm của họ. Và cường quốc kinh tế số một là nước Đức đòi áp đặt những chính sách khắc khổ để bảo vệ quyền lợi của mình. Thất vọng với cách giải quyết của chính quyền, họ bỏ phiếu, biểu tình và phản đối mọi đề nghị chấn chỉnh.

Lý luận của dân Âu châu có thể là đúng một phần hoặc sai nhiều phần, nhưng... họ có quyền sai lầm vì nguyên tắc dân chủ. Mà bảo rằng chế độ dân chủ không có khả năng giải quyết vấn đề thì cũng là đúng một phần nhưng sai nhiều phần nếu người ta so sánh với một thể chế độc tài khác.

Khi vụ khủng hoảng Hy Lạp xảy ra, người ta mới thấy sự lật lọng của nguyên Thủ tướng Papandreous là... chí lý. Ông đã cam kết để xứ sở được cấp cứu, rồi lại phủ nhận lời cam kết này khi chạy về núp sau ý dân. Ông bị mất ghế Thủ tướng, nhưng các chính quyền nối tiếp cũng thế vì làn sóng phản đối của người dân.

Chính đảng mạnh nhất Hy Lạp hiện nay là Syriza theo xu hướng cực tả, rất nghi ngờ khái niệm Âu châu thống nhất, không chấp nhận biện pháp kinh tế khắc khổ mà Âu châu đòi hỏi, nhưng vẫn muốn duy trì hệ thống Euro, tức là muốn được cấp cứu về tài chánh mà không chịu trả giá.

Các thị trường Âu châu theo nhau tuột giá vì không nhìn thấy tương lai và đang chuẩn bị kịch bản Hy Lạp ra khỏi khối Euro, tự nguyện hay không. Vài ngày qua, dân Hy Lạp liền sống với kịch bản đó khi ráo riết rút tiền ra khỏi ngân hàng, khiến các ngân hàng Hy Lạp càng dễ sụp đổ và khủng hoảng càng thêm trầm trọng. Từ chuyện Euro không còn Hy Lạp, người ta suy rộng ra ngoài là nhiều xứ khác ở miền Nam, như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha hay cả Ý Đại Lợi cũng rúng động làm khối Euro có thể tan vỡ vì Âu châu hết tiền cứu vãn....

Ngay trước mắt, dân chúng Hy Lạp, hay đảng Syriza đang có hy vọng cầm quyền sau cuộc bầu cử tháng tới, thì mong là nhờ đó mà họ sẽ thương thuyết lại điều kiện cứu trợ để vẫn hưởng lợi nhờ quy chế tiền tệ thống nhất mà đỡ phải hy sinh. Chưa chắc là Liên Âu hay nước Đức đã chấp nhận trò chơi này vì sẽ mở cửa cho nhiều nước khác cùng tháo chạy qua kẽ hở đó khi Ngân hàng Trung ương ECB đã tung ra một ngàn tỷ Euro và e là còn cần thêm một ngàn tỷ nữa mới đủ.

Về lâu dài, không chỉ khối Euro mới bị nguy cơ tan rã mà cả giấc mơ thống nhất của Liên Âu cũng vậy. Đặc tính của nền dân chủ chính là khả năng thỏa hiệp, người dân và các nước có thể thỏa hiệp đến mức độ nào để tiếp tục duy trì mâu thuẫn kỳ lạ của Âu châu? Câu trả lời cho vấn nạn đó sẽ quyết định về tương lai Âu châu. Trước sự lớn mạnh của cánh cực tả vô trách nhiệm về công chi thu và cánh hữu đầy tính dân tộc hẹp hòi đến độ bài ngoại, người ta không mấy lạc quan về tương lai...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét