Nguyễn-Xuân Nghĩa - Việt Tribune Ngày 120525
Bi kịch Hy Lạp, thảm kịch kinh tế và bài toán an ninh....
*Gánh cứu trợ của quốc tế cho Hy Lạp tính đến 2014, khoảng 380 tỷ Euro - Hình của Der Spiegel *
Tuần qua, các lãnh tụ Âu Châu đã vào thượng đỉnh và ra về sau sáu tiếng họp hành với tâm trạng của con tin: họ thúc thủ chờ đợi kết quả bầu cử tại Hy Lạp vào tháng tới. Ý dân tại một quốc gia mắc nợ và sẽ hết tiền trong sáu tuần nữa là yếu tố quyết định về tương lai đồng Euro của 17 nước và cả Liên hiệp Âu châu gồm 27 nước có hơn 500 triệu dân.
Người ta có thể thất vọng với nguyên tắc dân chủ - nội dung bài viết tuần trước "Hy Lạp, Đồng Euro và Ý Dân - Những mâu thuẫn không thể dung hòa" – vì một xứ có 11 triệu dân có thể làm tan vỡ những cơ chế hội nhập được xây dựng từ nửa thế kỷ tại Âu châu.
Nhưng đặt vấn đề như vậy là sai!
Nền dân chủ chỉ có giá trị ngang bằng trình độ dân trí. Mà dân trí ở đây cũng hàm nghĩa trình độ hiểu biết tối thiểu về kinh tế, hoặc những khái niệm thường thức về chi và thu: người ta chỉ có thể tiêu xài trong giới hạn nhất định và khi đi vay thì sẽ có ngày phải trả nợ.
Khủng hoảng tài chánh tại Âu Châu bùng nổ từ một nguyên nhân căn bản và phổ biến là các nước đã chi nhiều hơn thu và vay mượn quá sức trả nợ. Đấy cũng là trường hợp của Hoa Kỳ. Khi kinh tế bị suy trầm, định nghĩa nôm na là đà sản xuất sút giảm trong sáu tháng liền, thì gánh nợ ấy thu hẹp khả năng ứng phó của các chính quyền. Quốc gia nào mắc nợ nhiều nhất thì bị hoạn nạn lớn nhất, tại Âu Châu, đó là Hy Lạp, Ái Nhĩ Lan (Ireland), Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ý Đại Lợi và Pháp....
Ba năm sau những xoay trở và kế hoạch cấp cứu các nước mắc nạn, người ta đụng vào một vấn đề lưỡng nan, hai mặt đều khó: kinh tế phải tăng trưởng thì nguồn thu thuế khóa mới tăng và bội chi mới giảm, nhưng không thể có tăng trưởng nếu ngân sách tiếp tục bị bội chi.
Bài toán hai mặt ấy được giải thích cho người dân thành một sự chọn lựa.
Một là chính sách kinh tế khắc khổ để cắt giảm bội chi, như Cộng hoà Liên bang Đức đề nghị, được 25 quốc gia ủng hộ và Hội đồng Âu châu cùng Ngân hàng Trung ương Âu châu ECB và Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF thi hành từ đầu Tháng Ba với một ngàn tỷ Euro làm quỹ tài trợ. Đó là "hiệp ước về ngân sách".
Hai là chính sách kích thích tăng trưởng mà nhiều nước mắc nợ đã yêu cầu, đứng đầu là Pháp rồi Hy Lạp – sau khi ủng hộ hiệp ước ngân sách. Lý do ủng hộ giải pháp thứ hai này là lòng dân và lá phiếu: cử tri Hòa Lan, Pháp và Hy Lạp, v.v... không đồng ý với giải pháp khắc khổ và đánh bại các đảng đã ủng hộ hiệp ước ngân sách Âu châu.
Nếu không là một sự mù mờ của người dân – trình độ dân trí - thì đấy là tính gian manh của các chính khách đã trình bày sai sự thật, mà truyền thông lại chẳng có khả năng vạch trần hay phản biện. Cũng lại là trình độ dân trí nữa.
Trước hết, có ai trên cõi đời này lại chống việc tăng trưởng kinh tế không? Lý luận đề cao tăng trưởng chỉ là một sự mị dân mà mị dân cũng là khinh dân. Chuyện ấy không chỉ là một đặc sản Âu Châu mà cũng đã xuất hiện tại Hoa Kỳ.
Vấn đề kinh tế ở dưới là lấy phương tiện đâu ra mà kích thích tăng trưởng?
Trong ba năm liền, ngần ấy quốc gia lâm nạn đều đã được yêu cầu tiết giảm công chi để giành thêm phương tiện cho tăng trưởng mà hầu hết chẳng chấp hành. Họ vẫn tiếp tục tăng chi và mắc nợ thêm. Cùng lắm thì chỉ giảm đà tăng chi, là tăng chi ít hơn trước một chút đỉnh mà thôi. Đến kỳ hạn chấp hành thì kết quả bầu cử đã đẩy các đảng cầm quyền ra ngoài, xóa bỏ lời cam kết trước đó – có một tháng thôi – của quốc gia và đòi các nước phải thương thuyết lại.
Nếu không thì cả khối Euro có thể sụp đổ.
Sở dĩ các nước có thể viện dẫn nguyên tắc dân chủ, lá phiếu của người dân, để bắt bí thiên hạ là nhờ một sự nhập nhằng về lý luận kinh tế. Các chính quyền Âu châu nói chung đều muốn bành trướng vai trò can thiệp của nhà nước vì những mục tiêu lý tưởng như công bằng hay phát triển xã hội. Khi bộ máy công quyền đã phình nở nhờ những đạo luật dân chủ thì người ta rất khó thu hẹp. Đó là đặc tính bao cấp của Âu châu, với nhà nước thủ vai vú em có trách nhiệm lo toan cho mọi người, nhờ công quỹ do dân thọ thuế đóng góp cho.
Đặc tính ấy cũng là lý tưởng của cánh tả đảng Dân Chủ tại Hoa Kỳ.
Sự nhập nhằng về lý luận kinh tế ở đây là người ta không phân biệt hai vế "công" và "tư" của khái niệm khắc khổ: Khắc khổ là nhiệm vụ của nhà nước và tăng trưởng là vai trò của tư nhân.
Chính quyền phải tiết giảm công chi và thi hành khắc khổ để tư doanh có thêm phương tiện sản xuất hầu nâng mức tăng trưởng kinh tế. Khi nhập nhằng khỏa lấp thực tế công/tư, các chính quyền bao cấp này tiếp tục tăng chi và nếu có bị hỏi là "tiền đâu ra?" thì đã có câu trả lời rất phải đạo: "thuế đánh trên bọn nhà giàu!" Đấy là sự hợp lý của đảng Xã hội Pháp trong cuộc tranh cử tổng thống vừa qua khi đòi nâng thuế suất 75% đánh trên các khoản lợi tức từ một triệu Euro.
Hoa Kỳ thật ra cũng chẳng khá hơn. Người ta gác qua một bên sự kiện gánh nặng công trái của Mỹ - nợ của khu vực công quyền – đã mấp mé 100% Tổng sản lượng Nội địa GDP và cao hơn trung bình của các nước Âu châu (là khoảng 87%) sau khi nhà nước tăng chi ào ạt và gây bội chi đến hơn ngàn tỷ Mỹ kim một năm, mà gọi đó là đầu tư.
Thật ra, Hy Lạp là nước dẫn đường cho Hoa Kỳ: họ thi hành chính sách chống tăng trưởng vì trong mấy năm qua đã làm cho khu vực tư nhân bị thu hẹp trong khi vẫn bành trướng khu vực nhà nước và giải quyết số khiếm hụt bằng nâng thuế Trị giá Gia tăng lên 23%. Lồng trong biện pháp phản kinh tế này là những đặc quyền và phúc lợi trọn đời cho giới dân cử, lãnh tụ nghiệp đoàn và công chức.
Việc giải tư và tư nhân hóa một số tài sản của khu vực nhà nước để nâng cao khả năng sản xuất của tư nhân, một điều kiện do Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF đặt ra khi đồng ý cấp cứu, đã bị đình hoãn. Kết cuộc thì tư doanh đành chịu khắc khổ và không kéo nổi kinh tế ra khỏi suy trầm, mà khu vực công quyền tiếp tục tăng chi và cản trở đà tăng trưởng.
Các nước Âu châu và cả Hoa Kỳ đều cần giữ Hy Lạp trong khối Euro vì một nước mà đi ra thì nhiều nước khác sẽ lãnh họa và cũng phải ra đi, với hậu quả tai hại cho các ngân hàng, cả Âu châu lẫn Hoa Kỳ. Nhưng nếu vì nhu cầu đó mà để bị Hy Lạp bắt bí thì các nước đang tạo điều kiện cho một sự sụp đổ chung.
Chính quyền Hy Lạp sắp được bầu ra trong tháng tới có thể chấm dứt bi kịch Hy Lạp - và thảm kích kinh tế cho các nước khác - nếu dám chấp nhận những điều kiện sau đây: Hy Lạp vẫn ở trong khối Euro, nhưng thực tế giảm mức công chi ngân sách, yêu cầu và được các nước giúp cho phương tiện tài chánh để thực hiện việc giảm chi, và triệt để giải phóng môi trường sản xuất của tư nhân bằng thuế suất nhẹ hơn.
Người ta chỉ có thể đạt giải pháp đó nếu thoái ra khỏi tình trạng nhập nhằng về lý luận kinh tế.
Nếu không được như vậy, khối Euro sẽ chẳng có tương lai, Liên hiệp Âu châu bị khủng hoảng và nước Đức có thể tiến ra một mình. Và nhìn về hướng Đông, Liên bang Nga, như một nơi hợp tác có lợi hơn. Ở giữa sẽ là các nước Đông Âu bị chết kẹt.
Thảm kịch kinh tế Âu châu sẽ trở thành bài toán chiến lược cho Hoa Kỳ.
Ông Nghĩa thử vẻ ra một thế giới mà Châu Âu quay trở lại trước ngày lưu hành đồng Euro chung và không có các cơ quan vô tích sự như Hội Đồng và Nghị viện Châu Âu.
Trả lờiXóaCó lẻ lúc đó, dân Châu Âu chăm chỉ hơn, tiết kiệm hơn và giá công lao động sẽ bình đẳng hơn.
Chứ nhìn cái đám dân Hy lạp, Italie, BĐN, TBN... đang du lịch khắp thế giới bằng trợ cấp thất nghiệp là tôi lộn ruột rồi. Nói vậy có đụng chạm tới nhóm dân VN nào đang ở hải ngoài không nhỉ?
Xin góp ý cho câu hỏi số một của Hoa Binh (Châu Âu rồi sẽ ra sao?) bằng một lời mách lẻo:
Trả lờiXóaTuần báo Business Week tuần này của hệ thống Bloomberg có hình bìa dùng lối bố cục chữ đầy sáng tạo để giới thiệu chủ để. "Muốn Giảm Nhẹ Khủng Hoảng Âu Châu... (thì) Đập Đầu Vào Đây" và chỉ dẫn thêm: 1) đặt tờ báo trên nền cứng; 2) đập đầu xuống báo; 3) làm nữa nếu cần; 4) nếu vẫn còn đau, xin mở trang chín....
Nôm na là nhức đầu lắm và còn đau đầu nữa. Xin sẽ lần lượt tìm hiểu sau.
Còn về câu hỏi cuối, sự đụng chạm thì tất nhiên là có, nhưng rồi sao? Trình độ dân trí là một nan đề phổ biến, việc trông chờ vào ai khác sẽ giải quyết vấn đề cho mình cũng vậy!