"Kinh Tế Cũng Là Chính Trị"
Thu thập và khai thác thống kê kinh tế cũng là một vấn đề chính trị
* Cư dân trên đường tới các nhà máy điện tại Trương Gia Khẩu, tỉnh Hà Bắc - Hình AFP *
Kỳ này, chúng ta nói đến cái "cặp sốt" đo nhiệt độ kinh tế, trong tay mấy ông lang băm.
Từ nay đến ngày bầu cử tại Hoa Kỳ vào Thứ Ba mùng sáu Tháng 11, chúng ta còn sáu lần được Bộ Lao động thông báo mỗi Thứ Sáu đầu tiên trong tháng về tình hình lao động tháng trước. Lần tới là Thứ Sáu mùng một. Khi kinh tế trì trệ và thất nghiệp cao, đây là thống kê có ảnh hưởng nhất, làm thị trường chuyển động và chính trường xôn xao...
Lần trước, thống kê nhân dụng của Tháng Tư vừa được công bố Thứ Sáu mùng bốn Tháng Năm, thị trường bị động với kết luận bi quan: kinh tế chưa khả quan và có thể lại suy trầm nữa.
Một hậu quả nhãn tiền là dầu thô tụt giá và từ đó tuột hoài, nay chỉ còn mấp mé 90 đô la một thùng.
Giá dầu thô tăng vì hai lý do chính: quân bình cung cầu và an ninh tại nguồn cung cấp. Nếu kinh tế sa sút, số cầu có thể giảm thì giá dầu sẽ giảm, nhưng theo mức độ cao hơn. Thí dụ, số cầu dự đoán là giảm 5% thì giá lại sụt tới 15%, do quy luật gọi là "đàn hồi" co giãn của giá cả. Đấy chỉ là chuyện kinh tế.
Chuyện chính trị là khi thống kê lao động được công bố, các chính khách bèn diễn giải: tình hình đã khả quan chứ đáng lẽ còn bi đát hơn vì di sản quá tệ của quá khứ. Cũng thế, khi dầu thô lên giá thì đó là tội của các tổ hợp dầu hỏa, khi giá sụt thì đó là nhờ chính sách năng lượng của mình.
Dư luận thì đợi báo chí giải thích mà báo chí có khi... mù nếu không hiểu căn bản về kinh tế.
Từ mấy tháng nay mức thất nghiệp đã giảm từ 8,3 xuống 8,1%, nhưng đấy là tỷ lệ của số người khai là kiếm không ra việc từ sáu tuần nay so với "lực lượng tham gia thị trường lao động" là số người ở tuổi lao động, đã có việc làm hay đang tìm việc. Khi nhiều người nản chí mà khỏi tìm việc nữa thì họ vẫn thất nghiệp: con số thật cao hơn số biểu kiến là 8,1%. Các chính trị gia bám vào đó mà khoe thành tích.
Báo chí có khả năng thì nên giải thích thêm, rằng trong sáu con số khác nhau về thất nghiệp, chỉ số U6 có giá trị hơn vì cho biết về tình hình khiếm dụng, thất nghiệp trá hình, thất nghiệp bán thời, v.v... Nhưng hơi đâu mà họ đào sâu từ U1 đến U6 nếu chính độc giả hay cử tri lại chả quan tâm đến chuyện rắc rối ấy mà chỉ phản ứng theo cảm quan ấn tượng? Sự ơ thờ giải đãi của người dân lại tạo cơ hội cho chính trường và chính quyền lừa mị cả nước.
Vì vậy, ta mới nói đến cái nhiệt kế kinh tế, hay cách khai thác thống kê....
***
Nói chung, nền dân chủ đòi hỏi là hệ thống thu thập thống kê của nhà nước phải trung thực và khả tín chứ không để phục vụ chính quyền. Thế thì tại sao trong vụ khủng hoảng Âu Châu lại có tệ nạn khai gian thống kê của chính quyền Hy Lạp hay Tây Ban Nha? Chuyện ấy có xảy ra và cơ chế hành pháp của Liên hiệp Âu châu là Hội đồng Âu châu cũng biết vậy.
Nhưng dù biết thì các công chức hữu trách tại thủ đô Liên Âu ở Bruxelles vẫn lặng lờ bỏ qua khi ở trên không muốn gây thêm vấn đề vì 1) sợ làm thị trường hốt hoảng và vì 2) sẽ phải quyết định về những biện pháp chế tài mà 3) họ biết là vô hiệu!
Chính cơ chế chính trị Âu châu cũng là một nguyên nhân khủng hoảng vì Liên Âu chưa là tập thể thống nhất về ngân sách và thuế khóa với quyền chế tài và khả năng cưỡng hành. Quốc gia nào cũng tìm lợi riêng trong tiến trình hội nhập kinh tế giữa 27 thành viên và thống nhất tiền tệ giữa 17 nước trong khi vẫn đòi bảo vệ chủ quyền quốc gia về kinh tế tài chánh mà chả ai làm gì được. Vụ thống kê gian dối mới chỉ phản ảnh một phần cái mâu thuẫn xương tủy của Âu châu.
Xin tạm gác chuyện Âu châu mà quay về nền kinh tế đứng hạng nhì thế giới là Trung Quốc....
***
Mà cách xếp hạng và đánh giá sức nặng kinh tế của Trung Quốc cũng có vấn đề. Ý thức được vấn đề ấy chính là lãnh đạo của Bắc Kinh, nhưng vì kinh tế cũng là chính trị, họ đành chịu!
Mấy năm trước, họ đành chịu khi Cục Thống kê Quốc gia loan báo Tổng sản lượng Nội địa tăng bất ngờ, trong khi nếu cộng lại Tổng sản lượng của 31 tỉnh và thành phố trên toàn quốc thì còn cao hơn nữa! Cùng do một nhà nước lãnh đạo mà người ta có hai con số khác nhau.
Khi toàn cầu còn lao đao về nạn tổng suy trầm 2008-2009, Cục Thống kê cũng nói tới mức tăng trưởng sản xuất đáng kể, làm Cục Năng lượng Quốc tế của Liên hiệp quốc ngạc nhiên, vì số cầu về dầu khí của Trung Quốc lại giảm mạnh. Sản xuất nhiều hơn mà tiêu thụ ít dầu hơn? Khi sản lượng kỹ nghệ Trung Quốc tăng vọt thì quốc tế càng giật mình vì cùng lúc đó số điện tiêu thụ lại giảm.
Dùng ít điện ít dầu hơn mà vẫn sản xuất nhiều hơn thì chỉ có phép lạ của con trời!
So với cuộc tranh luận tại Hoa Kỳ rằng thất nghiệp có giảm thật hay chăng thì chuyện thực hư của Trung Quốc mới là vĩ đại: trong ba tuần đầu của Tháng Năm, bốn ngân hàng lớn nhất của xứ này đột ngột đạp thắng tín dụng: mức cho vay giảm đến 99%. Chỉ còn một số là thành số không.
Có không? Đúng sai thì làm sao biết? Làm sao quản lý được nền kinh tế khi giới hữu trách lại không nắm vững thực tế của kinh tế? Câu nên hỏi là vì sao ba chục năm sau khi cải cách kinh tế, lãnh đạo Trung Quốc vẫn không cải cách được hệ thống thu thập và khai thác thống kê kinh tế cho trung thực hơn?
Câu trả lời vẫn là Kinh tế cũng là Chính trị!
***
Hơn 50 năm trước, Trung Quốc thời Mao Trạch Đông có thành tích long trời lở đất của "Bước nhảy vọt vĩ đại". Sau đó mới biết là từ 1959 đến 1961 đã có 36 triệu người chết đói ngay trong thời bình. Chuyện lạ là lãnh đạo cũng không biết gì về thực trạng của xã hội nên dân mới chết đói mà họ vẫn bình chân như vại.
Chỉ vì từ công xã, quận huyện, lên tới cấp cao nhất của bộ máy cách mạng, người người thi đua báo cáo vượt chỉ tiêu. Lên mỗi cấp lại nống thêm một nấc để lập thành tích dâng đảng. Ở trên cùng, lãnh đạo ngồi uống nước đường trong khi dân chết như ruồi.
Hai chục năm sau trò man rợ này, Đặng Tiểu Bình tiến hành cải cách, và muốn hiện đại hoá hệ thống thu thập thống kê và tiêu chuẩn hóa cách đo đếm cho khoa học hơn. Kết quả?
Ngày nay về tổ chức, Trung Quốc có hai hệ thống thu thập thông tin song hành. Một là tổ chức hội nhập của Cục Thống kê Quốc gia tại Bắc Kinh, có nhân viên ở mọi cấp bên dưới đúc kết con số từ dưới nạp lên để báo cáo về trung ương. Hệ thống kia là của các phủ bộ hay cơ quan có nhiệm vụ thu thập thống kê trong phạm vi chức năng của mình, cũng do cấp dưới trình lên.
Rốt cuộc, hai hệ thống ấy gạn ra hai số khác biệt vì cùng một lý do: nhân sự công quyền được ở trên bổ nhiệm - trừ cấp xã ấp là do dân bầu lên - nên đa số "đầy tớ của nhân dân" đều chịu trách nhiệm với cấp trên, nơi quyết định về chức vụ và bổng lộc. Mỗi cấp lại châm thêm một "hệ số tâng công" nên ở trên cùng đều có báo cáo màu hồng, mà đầy mâu thuẫn.
Họ phải báo cáo để thượng cấp đẹp lòng, chứ không chịu trách nhiệm gì với những người ở dưới - dưới cùng là người dân. Thống kê Trung Quốc chỉ khả tín nếu có cải cách chính trị.
Mà có rồi thì vẫn còn khả năng rủi ro kiểu Âu Châu. Cao nhất thì như Mỹ, với khả năng diễn giải tào lao của chính trường. Vì vậy, thông tin hay phiên dịch của báo chí mới có tầm quan trọng. Xin đợi Thứ Sáu này xem!
Tuyệt quá bác ơi.
Trả lờiXóa