Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người Việt Ngày 120507
"Hoa Kỳ Nhìn Từ Bên Ngoài"
Âu Châu, hậu phương của Mỹ, đến hồi đỏ lửa....
* Đồng Euro vừa lăn vừa cháy! *
Nhìn từ Hoa Kỳ, người ta có thể đánh giá sai tầm quan trọng của Âu Châu. Và không nhìn ra một mối nguy của nước Mỹ.
Cột báo này thường nói đến sự khác biệt giữa cách diễn giải để chi phối nhận thức - là "narrative" – với sự thật khách quan và phức tạp của các vấn đề cần giải quyết. Vì sự khác biệt ấy mà người ta có thể kê toa bốc thuốc lầm, và đưa ra liều thuốc đổ bệnh. Cơn địa chấn kéo dài tại Âu Châu là cơ hội cho chúng ta trở lại câu chuyện này.
Hãy nói về cơn địa chấn chính trị tại Âu Châu.
Từ năm 2008, cuộc khủng hoảng tài chánh tại Hoa Kỳ gây hiểu lầm về nguyên nhân khủng hoảng tất yếu của Âu Châu, do nhược điểm kinh tế và chính trị trong tập thể Liên hiệp Âu châu có 27 hội viên, bên trong có 17 quốc gia đã thống nhất dùng chung đồng Euro. Người ta hiểu lầm là Âu Châu bị vạ lây vì những gì xảy ra tại Mỹ. Hiểu lầm vì không thấy nhiều chứng bệnh nội tại của Âu Châu – bài viết này có hạn và nói về Hoa Kỳ nên xin khỏi kể thêm về căn bệnh Âu châu.
Những chứng bệnh đó đã phát tác thành khủng hoảng tài chánh, hối đoái, ngân sách, và chính trị, khiến 11 chính quyền tại chức đã đổ, mới nhất là tại Pháp. Nhìn về dài thì cả kiến trúc chính trị của Liên Âu, chứ chẳng riêng gì đồng Euro, có thể sụp đổ.
Do cách diễn giải của nhiều người, hiểu lầm thứ hai là phương cách kinh doanh của Mỹ.
Người ta tưởng nước Mỹ - bọn tư bản tham lam - bỏ tiền đầu tư vào xứ khác để kiếm lời nhờ nhân công rẻ ở các nền kinh tế "đang lên". Hoặc tương lai Hoa Kỳ là do thiểu số gian tham này quyết định. "Tài phiệt Mỹ nó tính cả rồi" là một loại "narrative". "Tài phiệt Do Thái mới thật làm chủ nước Mỹ " là một thứ "narrative" khác.
Sự thật thì trong một trăm bạc mà dân Mỹ kiếm ra một năm, đa số tới hai phần ba là lương lậu. Lợi nhuận của các doanh nghiệp chỉ chiếm 10%. Trong số đó, các cơ sở sản xuất loại trung bình và nhỏ, chừng trăm nhân viên trở xuống, mới tuyển dụng nhiều nhân công nhất, nên giữ vai trò kinh tế và xã hội lớn hơn các đại tổ hợp mà tên tuổi lừng lẫy nằm trong chỉ số Kỹ nghệ Dow Jones DJIA hay danh mục đại gia của tạp chí chuyên đề như Forbes hay Fortune....
Thứ ba, khi bỏ tiền đầu tư vào xứ khác, doanh nghiệp Mỹ chủ yếu nhắm vào việc sản xuất để bán hàng cho các thị trường có sức mua và có môi trường kinh doanh ổn định, khả tín, và luật lệ minh bạch. Sau đấy mới là loại thị trường có nhân công rẻ của các nước đang phát triển, thí dụ nổi bật là Trung Quốc. Vì quá nổi bật nên chi phối nhận thức sai lầm của nhiều người ở trong và ngoài truyền thông hay chính trường Mỹ.
Gồm 27 quốc gia và dân số hơn 500 triệu, Liên Âu là một khối kinh tế thống nhất, có sản lượng bằng 26% của thế giới, lớn nhất địa cầu, và trị giá hơn 17.000 tỷ Mỹ kim. Sau đó mới đến kinh tế Mỹ sản xuất ra hơn 15.000 tỷ, rồi Trung Quốc, hơn 7.000 tỷ trong tổng sản lượng toàn cầu là gần 70 ngàn tỷ. Đó là con số mới nhất vào Tháng Tư 2012 của Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF.
Kinh tế Âu châu tiêu thụ 30% sản lượng thế giới nên là thị trường số một của doanh nghiệp Mỹ. Hoa Kỳ đầu tư vào đó 56% tổng số đầu tư trực tiếp ra hải ngoại và có định mệnh kinh tế gắn liền với lục địa này.
Nhận thức sai của nhiều người là tương lai kinh tế thế giới nằm trong tay các nước "đang lên", mà điển hình là khối BRIC gồm có Brazil (Ba Tây), Nga, Ấn Độ và Trung Quốc. Sự thật nó rắc rối hơn vậy: trong 10 tháng đầu của năm ngoái, tổng số đầu tư của Mỹ vào bốn thị trường này chỉ bằng 6,1% số đầu tư của Mỹ vào Âu Châu. Một quốc gia heo hút như Ireland (Ái Nhĩ Lan) với dân số hơn sáu triệu đã tiếp nhận một lượng đầu tư trực tiếp của Mỹ lớn gấp bốn lần rưỡi (4,5) số đầu tư của Mỹ vào Hoa lục trong hơn 10 năm liền, từ năm 2000 đến 2011.
Khi đầu tư ra ngoài để kiếm lời, doanh nghiệp Mỹ có lời nhiều nhất là từ Âu Châu: doanh lợi của năm 2001 đã vượt 210 tỷ, gần gấp đôi số lợi nhuận của Mỹ thu về từ hai lục địa lớn nhất là Á Châu và Nam Mỹ.
Nói lại cho gọn, bọn tư bản gian tham của Mỹ ưu tiên đầu tư vào nơi có mãi lực với nhân công có tay nghề. Nơi đó là Âu Châu, chứ không phải là Trung Quốc, Ấn Độ hay Nam Phi, Nam Mỹ. Ngoài lý tưởng cao đẹp của các giá trị tinh thần như dân chủ hay nhân quyền, quyền lợi của Hoa Kỳ cũng gắn bó nhất với Âu Châu. Vì vậy, lục địa Âu Châu mới thực là sân sau của Hoa Kỳ.
Bây giờ, lục địa ấy đang ngùn ngụt cháy!
***
Sau mấy chục năm an hưởng hoà bình - chủ yếu thì vẫn do Hoa Kỳ đảm bảo và thực tế bảo vệ - Âu Châu sống cao hơn phương tiện, đã chi nhiều hơn thu và đụng vào bức vách của nợ nần. Chế độ bao cấp đầy chất liên đới xã hội là một đặc tính chính trị Âu Châu và có thời là lý tưởng của cánh tả bên đảng Dân Chủ tại Hoa Kỳ.
"Kinh doanh là làm giàu bằng tiền bạc của người khác" - định nghĩa của một danh nhân Pháp không nổi tiếng là doanh nhân, Alexandre Dumas. Chuyện vay mượn trong kinh doanh cũng tựa như dùng cái đòn bẩy để mượn sức chuyển động một vật nặng hơn sức của mình. Doanh giới gọi đó là "leverage". Nhưng cái đòn bẩy của Âu Châu vừa bị gẫy, tảng đá nợ nần đang lăn xuống – và dẫn tới hiện tượng núi lở.
Đặc tính chung trong vụ núi lở tuyết băng là các chính đảng truyền thống của Âu Châu, từ cả hai ngả tả hữu, đều mất uy tín và liên tục thất cử. Nhưng chuyện bất thường vì sáu bảy chục năm mới xảy ra một lần, là ảnh hưởng vang dội của các khuynh hướng cực đoan, xưa nay chỉ nằm trong vùng biên tế, ngoài rìa. Từ cả hai phía tả hữu, các lý luận quá khích nhất đã được "bình thường hóa", được cử tri coi là không nguy hiểm. Môi trường lý tưởng cho những thiên tài chính trị kiểu Josef Stalin hay Adolf Hitler - từ hai ngả tả hữu!
Điển hình là hiện tượng Marine Le Pen và đảng "Mặt trận Quốc gia" tại Pháp. Quy tụ thợ thuyền bất mãn bên phía cộng sản và những người có tư tưởng phát xít, phe cực hữu này lớn mạnh trên sự tan rã của cánh hữu bên Pháp. Nay họ có tham vọng - lẫn khả năng - vào Quốc hội, trở thành một chính đảng bình thường và giữ thế đối lập với cánh tả và chính quyền của Tổng thống François Hollande vừa thắng cử.
Loại lý luận mị dân đầy chất quốc gia dân tộc, kỳ thị di dân, bảo hộ mậu dịch và phân vùng quyền lợi đang chờ đợi sự lúng túng và thất bại dễ hiểu của cánh tả để đi vào dòng chính của chính trường Âu châu. Và sẽ đe dọa lý tưởng thống nhất của các nước Liên Âu lẫn vai trò bảo vệ của Minh ước NATO, lá chắn của Mỹ trên đại lục Âu-Á.
Nhưng thật ra, Âu Châu vẫn chỉ là sân sau của Hoa Kỳ. Và đi sau nước Mỹ.
***
Cuộc nổi loạn của cánh hữu tại Mỹ khởi sự sớm hơn, từ năm 2010, với sự xuất hiện của phong trào "Tea Party". Một năm sau, cánh tả có phản ứng rồi nổi lên thành phong trào "Chiếm đóng Wall Street" trong năm 2011. Kết quả là sự ách tắc trên thượng tầng chính trị, trong Quốc hội Hoa Kỳ, không ai dám nhích vào phía ôn hòa ở giữa.
Nạn tuyết băng mà vẫn đòi tăng chi tại Âu Châu đang đẩy nước Đức vào thế kẹt, thành đại gia gian ác đòi áp đặt kỷ luật chi thu trên các nước còn lại. Hiện tượng đó cũng đã xảy ra bên Mỹ. Người đầu tiên có phản ứng gay gắt nhất với Thủ tướng Angela Merkel của Đức, ngay từ năm 2009, chính là Tổng thống Barack Obama khi ông muốn tăng chi để cứu nguy kinh tế, y như Tổng thống Hollande sắp tới của Pháp.
Đấy là bối cảnh chung để ta theo dõi dư chấn từ Âu Châu đang dội vào cuộc bầu cử Mỹ như một nạn tuyết băng. Đỏ lòe.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét