Thứ Tư, tháng 3 27, 2013

Việt Nam Lại Hạ Lãi Suất - Để Làm Gì?

Vũ Hoàng & Nguyễn-Xuân Nghĩa, Ngày 130327
Diễn Đàn Kinh Tế RFA  

Kết quả việc cắt lãi suất của VN sẽ ra sao?  

Ngan-hang-Sacombank-inside-1-305.jpg
* Giao dịch tại một chi nhánh ngân hàng Sacombank ở Hà Nội hôm 26-11-2012.
RFA PHOTO*



Hôm Thứ Hai 25, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam lại quyết định sẽ cắt hàng loạt lãi suất chủ chốt sau khi có tin là chỉ số giá tiêu dùng đã giảm trong Tháng Ba. Đây là lần thứ bảy mà lãi suất được hạ từ khoảng một năm nay để kích thích sản xuất kinh tế. Kết quả sẽ ra sao, Diễn đàn Kinh tế nêu câu hỏi với nhà tư vấn kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa của đài Á châu Tự do, qua cuộc trao đổi do Vũ Hoàng thực hiện sau đây.


Điều không bất ngờ   


Vũ Hoàng: Xin kính chào tái ngộ ông Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, kể từ cuối năm 2011, lãi suất tại Việt Nam đã được Ngân hàng Nhà nước liên tục điều chỉnh và lần này là lần thứ bảy mà cả lãi suất huy động lẫn lãi suất cho vay đều giảm để các doanh nghiệp dễ tiếp cận được vốn. Ông nghĩ sao về quyết định này nếu nhìn vào hoàn cảnh kinh tế của Việt Nam từ một năm nay?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi thiển nghĩ rằng việc Ngân hàng Nhà nước tại Việt Nam có một Quyết định và hai Thông tư để đồng loạt hạ các loại lãi suất cơ bản từ ngày 26 là điều không bất ngờ. Tín hiệu về lãi suất được nhiều nơi đón bắt từ trước, khi mà nhiều ngân hàng tự ý hạ lãi suất ký thác vào tuần trước và thị trường cổ phiếu tăng giá ngoạn mục từ hai tuần qua. Tức là nhiều người biết rằng Ngân hàng Nhà nước đã chuẩn bị tống ga và việc chỉ số giá tiêu dùng có giảm trong Tháng Ba chỉ khiến người ta yên tâm lao tới mà thôi. Nhưng nhìn vào hoàn cảnh kinh tế Việt Nam, chúng ta chẳng nên lạc quan như nhiều người trong nước đã lầm từ cả năm nay.

Vũ Hoàng: Chúng ta sẽ bắt đầu từ đó, thưa ông. Hoàn cảnh kinh tế của Việt Nam là gì và vì sao ông nói rằng nhiều người đã lầm từ một năm nay?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Kể như từ cuối năm 2011 đến nay, kinh tế Việt Nam gặp trạng thái tôi xin gọi là "co giật liên hồi", tức là trôi ra khỏi biến động này lại chìm vào biến động khác. Đó là nạn ách tắc tín dụng vì doanh nghiệp vay tiền không được, rồi núi nợ xấu của ngân hàng bỗng tăng rồi hạ một cách khó tin, đến tình trạng tồn kho ế ẩm, bất động sản đóng băng, hàng chục vạn xí nghiệp đóng cửa, đại gia bị bắt, quan chức bị điều tra, v.v... Tất cả đều xảy ra trong bối cảnh vật giá leo thang, lạm phát chập chờn, và tuổi trẻ thất nghiệp sau khi tốt nghiệp.

Nhiều người biết rằng Ngân hàng Nhà nước đã chuẩn bị tống ga và việc chỉ số giá tiêu dùng có giảm trong Tháng Ba chỉ khiến người ta yên tâm lao tới mà thôi. Nguyễn-Xuân Nghĩa

- Khi ấy, nhớ lại nhận xét của giới chức kinh tế ở trong và ngoài chính quyền cách nay một năm, ta thấy họ có xác nhận khó khăn rồi đánh giá là kinh tế sắp đụng đáy nên sẽ bật dậy trong vài tháng hay vài quý. Ở trong chính quyền, họ trấn an hay ru ngủ thị trường, là điều chỉ hiểu được với sự độ lượng. Nhưng ở ngoài chính quyền mà lạc quan như vậy thì quả là điều đáng lo về khả năng thẩm định.

- Thực tế thì thị trường đang chuyển bại thành liệt, và ngần ấy bài toán về nợ xấu của ngân hàng, công trái của nhà nước, sự mất giá của khu vực địa ốc và nhất là sự hoài nghi của người dân về khả năng cải cách của chính quyền, đang là loại vấn đề có thật. Người ta thấy đảng bị mộng du, nhà nước dưới sự lãnh đạo của đảng thì bơi vào biển lạ mà không có hải đồ, còn kinh tế ở dưới thì tiếp tục ngụp lặn và người dân không có lối thoát.

Vũ Hoàng: Nhưng dường như Ngân hàng Nhà nước của Việt Nam cho là chính sách tiền tệ đã góp phần kiềm chế được lạm phát và biện pháp hạ lãi suất có thể kích thích kinh tế trong sự ổn định. Ông nghĩ sao về cách đánh giá này?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi nghĩ là chỉ có ở Việt Nam sau khi đã bị lạm phát năm 2008 tới mức 24% quy ra toàn năm rồi 18% vào năm 2011, người ta mới hài lòng với lạm phát trên 6% và nghĩ đến việc cắt lãi suất là giải pháp an toàn. Thực tế thì năm nay vật giá vẫn đe dọa và có thể vượt quá 7% mà đà tăng trưởng khó lên tới chỉ tiêu 5,5%. Trong khi đó, các doanh nghiệp loại nhỏ và vừa, là thành phần tạo ra nhiều việc làm nhất, lại chết như rạ, trong hai năm mà phá sản 10 vạn, bằng phân nửa của tổng số doanh nghiệp bị đóng cửa trong suốt 20 năm qua.   


imageNH250.jpg
Tiền cho vay và thế chấp (ảnh minh họa). RFA file.



- Trong chuyện giảm lãi suất chúng ta có thể thấy ra hai điều. Ở đầu ra là tín dụng cho doanh nghiệp, rất nhiều cơ sở kinh doanh vẫn không vay được tiền dù lãi suất giảm một điểm bách phân, tức là 1% hay 100 điểm cơ bản. Có nhiều lý do họ không vay được tiền, hay tiếp cận với nguồn vốn như cách nói tại Việt Nam. Một phần là vì ách tắc trong cơ chế, như ngân hàng sợ mất nợ, hụt vốn nên đòi hỏi nhiều điều kiện khó khăn hơn. Phần khác là niềm tin của thị trường chưa có, số tổng cầu không tăng và doanh nghiệp mà vay được tiền thì có khi lại chất hàng vào tồn kho. Tình trạng bấp bênh ấy không thể chỉ giải quyết bằng cách hạ lãi suất.

Vũ Hoàng: Ông nói đến hai điều trong chuyện hạ lãi suất này. Vừa rồi là đầu ra của ngân hàng hay tín dụng cho doanh nghiệp. Còn điều kia là gì thưa ông?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Điều kia là lãi suất huy động, là tiền lời trả cho các trương chủ ký thác từ một tháng đến một năm, đã giảm từ 8% xuống 7,5% và ký thác tiết kiệm theo hạn kỳ lâu hơn thì do sự thoả thuận giữa ngân hàng và thân chủ, tức là cũng phải trên 8%. Ta thử xét vấn đề này theo khía cạnh "phí tổn thời cơ của tư bản", là đầu tư đồng tiền dư dôi vào nơi nào thì lợi nhất?

- Thứ nhất, từ năm ngoái, người nào có tiền thì đã ồ ạt tháo chạy khỏi thị trường bất động sản vì biết là kẹt vốn và sẽ lỗ. Họ cũng dè dặt với việc đầu cơ qua thị trường chứng khoán, vì chưa có lời. Một số thì nghĩ đến đô la nhưng âu lo về trị giá của đồng bạc xanh trên thị trường ngoại hối vì chính sách hạ lãi suất tới số không và ào ạt bơm tiền của ngân hàng trung ương Hoa Kỳ. Nhiều người thì nhắm vào vàng nên giá vàng trong nước mới cao hơn giá quốc tế, nhưng lại sợ là vàng có thể sụt, hoặc nhà nước sẽ chiếu cố đến thị trường này và giành lấy độc quyền hoặc trưng thu bất ngờ. Vì thế, về cơ bản, các giải pháp đầu tư ấy vừa thiếu an toàn vừa kém lời.

 

Cái bẫy của thanh khoản    


Vũ Hoàng: Thưa ông, có phải là trong hoàn cảnh đó, những người có tiền chỉ còn một ngả bảo vệ trị giá tài sản của họ là ký thác vào ngân hàng hay chăng?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thưa đúng vậy và đấy mới là vấn đề khi ta xét về cả hai mặt là có lời và an toàn.

- Nói về phần lời thì khi ký thác, người ta có thể được 8% trở lên, là mức lời cực lớn mà cũng là một gánh nặng cho ngân hàng vì nói chung, khi kinh tế chỉ tăng trưởng ở khoảng 5% mà kiếm ra 8% thì ai cũng ham, nhưng làm gì mà lời hơn 8% để trả cho khách? Trong khung cảnh cắt giảm lãi suất đồng loạt của các nước mà lãi suất ký thác lại được tới 8% thì đấy là chuyện hãn hữu, gần như chỉ có ở Việt Nam! Ở xứ khác mà được một hai phân là mừng. Đã vậy, từ kinh nghiệm của Cộng hòa Síp, người ta còn e rằng khi cùng quẫn thì nhà nước lại đánh thuế trên tiền lời tiết kiệm để cứu lấy chuyện khác, như đã có người đề nghị tại Việt Nam.

- Nói về sự an toàn thì tất cả chỉ là tương đối. Hệ thống ngân hàng của Việt Nam rất bấp bênh và có quá nhiều rủi ro sụp đổ, nhưng dù sao thì các trương chủ còn có thể rút ký thác ra tiền mặt, ít ra là một phần, chứ không đến nỗi mất cả chì lẫn chài. Họ đành tin vào lợi thế của thanh khoản như vậy vì nhìn quanh chẳng còn giải pháp nào khác. Muốn tẩu tán tư bản và chuyển tiền ra ngoài thì phải là đại gia hoặc có quan hệ lớn với giới chức của đảng và nhà nước.

Vũ Hoàng: Khi kết hợp cả hai mặt an toàn và có lợi của giới có tiền thì người ta thấy thế nào?

Tôi nghĩ rằng nó cũng tựa như đẩy một sợi dây mà chẳng tác động theo sự chờ đợi, tức là rơi vào cái bẫy của thanh khoản như giới kinh tế thường nói. Nguyễn-Xuân Nghĩa

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi trộm nghĩ rằng người ta thấy ra một bi và hài kịch.

- Bi kịch là số phận của người có tiền bị kẹt giữa những kênh đầu tư đều bất trắc như nhau và giải pháp ít tệ nhất vẫn là gửi tiền vào ngân hàng mà nơm nớp lo rằng mình giao trứng cho ác. Hài kịch là cách tính toán trên thị trường công khố phiếu, tức là cho nhà nước Việt Nam vay tiền.

- Sau khi quyết định hạ lãi suất của Ngân hàng Nhà nước được công bố, trị giá trái phiếu tăng vọt và phân lời sụt. Tôi xin giải thích thêm là trị giá trái phiếu và phân lời, tức là tiền lời khi cho vay, chuyển dịch ngược chiều. Khi thấy lạm phát thoái lui và lãi suất ký thác hạ, giới đầu tư muốn cho vay nhiều hơn nên giá trái phiếu mới tăng và phân lời mới giảm. Hôm 25 thì phân lời trái phiếu loại 5 năm giảm tám điểm cơ bản hay 0,08% tới 8,92% là mức thấp nhất kể từ Tháng Hai năm 2009. Vì thấy nhiều người muốn cho nhà nước vay tiền, ta để ý đến gánh nợ của nhà nước, là gánh công trái hay "nợ công" theo cách gọi trong nước.

Vũ Hoàng: Nhưng thưa ông, hình như là gánh nợ của nhà nước cũng đang là vấn đề mà?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Hài kịch ở đây là người ta không biết rằng nhà nước Việt Nam trực tiếp hay gián tiếp đã mắc nợ đến mức nào. Lý do là chính quyền không công khai hóa các khoản nợ của mình, lẫn trách nhiệm hoàn trái khi bảo lãnh cho các tập đoàn kinh tế của nhà nước hay các địa phương. Nhiều nơi thì chỉ có thể ước tính rằng gánh công trái của Việt Nam lên tới phân nửa Tổng sản lượng, khoảng 72 tỷ đô la, trong đó 60% là vay ngoại quốc.


nha250.jpg
Tòa nhà căn hộ cao cấp ở Hà Nội, ảnh chụp hôm 14-08-2011. RFA photo.



- Chưa biết Việt Nam sẽ trang trải nợ nần thế nào nhưng vì bội chi ngân sách thường xuyên ở mức 5% của Tổng sản lượng nên ai cũng có thể suy ra rằng chính nhà nước Việt Nam đang đảo nợ, tức là vay khoản nợ mới để trả nợ cũ và cứ vậy mà tích lũy tiền lời.

- Bây giờ, khi lạc quan cho nhà nước vay tiền bằng cách mua vào công khố phiếu với kỳ vọng có lời tám chín phân sau này, nhiều nhà đầu tư hay chủ nợ đang chuốc lấy họa. Họ chẳng biết là nhà nước Việt Nam vay để làm gì, cho ai và làm sao kiếm ra lời để trả nợ sau này khi doanh nghiệp nhà nước thì lỗ lã, các dự án xây dựng hạ tầng thì rệu rã vì bị rút ruột và gây lãng phí triền miên.

- Các ngân hàng trung gian hay tổ chức tín dụng làm môi giới thì đã ăn hoa hồng và đứng sang một bên, còn chủ nợ thì gói kén nợ chuyền tay qua người khác mà chẳng biết là bên trong bị ung thối đến cỡ nào, cho tới ngày sẽ nhờ Câu lạc bộ Paris hay London dàn xếp để đòi nợ! Hài kịch là thế, như người ta đã chứng kiến quá nhiều lần tại nhiều xứ khác trên thế giới.

Vũ Hoàng: Tổng kết lại thì ông không mấy lạc quan về biện pháp cắt giảm lãi suất vừa qua?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi nghĩ rằng nó cũng tựa như đẩy một sợi dây mà chẳng tác động theo sự chờ đợi, tức là rơi vào cái bẫy của thanh khoản như giới kinh tế thường nói. Và sợi dây đó sẽ thắt cổ các chủ nợ vì khách nợ sau cùng là một nhà nước không đáng tin.

Vũ Hoàng: Xin cảm tạ ông Nghĩa về cuộc trao đổi và qua một kỳ khác có lẽ chúng ta sẽ tìm hiểu về Câu lạc bộ Paris và Câu lạc bộ London là nơi có thể dàn xếp chuyện đòi nợ sau này.

Email
Ý kiến của Bạn
Chia sẻ
In trang này

Thứ Ba, tháng 3 26, 2013

Ưu Tiên Là Cái Rốn



Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người Việt Ngày 130325

"Hoa Kỳ Nhìn Từ Bên Ngoài"


Vấn đề là tầm nhìn quá ngắn
 
* Hình và bóng trong lịch sử *

Sau khi đắc cử nhiệm kỳ hai, và với một nội các mới, Chính quyền Barack Obama vẫn loanh quanh trong vòng tròn như vành chén.


Nhiều người chờ đợi sự chuyển hướng đối ngoại về Châu Á để khai thông những gai góc trong quan hệ với Trung Quốc. Nhưng chuyến công du đầu tiên của tân Ngoại trưởng vẫn là Trung Đông, chuẩn bị cho chuyến công du của Tổng thống, nơi mà cuộc gặp gỡ Thủ tướng Israel và bài diễn văn ông Obama đọc trước công chúng Do Thái mang nhiêu ấn tượng hơn nội dung. Người ta có thể thông cảm: cả Tổng thống Mỹ lẫn Thủ tướng Binyamin Netanyahu đều ưu tiên tìm hậu thuẫn chính trị bên trong hơn là giải pháp lâu dài cho một khu vực đang có quá nhiều vấn đề, từ võ khí hạch tâm của Iran qua tình hình Syria và vai trò đáng ngại của chính quyền Iran tại Iraq.

Trong hoàn cảnh ấy, ít ai chú ý đến chuyến thăm viếng Bắc Kinh của tân Tổng trưởng Ngân khố Jacob Lew. Nhiều vấn đề có được nêu ra trong cuộc gặp gỡ đầu tiên của một giới chức cao cấp Hoa Kỳ với lãnh tụ mới của Trung Quốc là Chủ tịch kiêm Tổng bí thư Tập Cận Bình: quan hệ kinh tế Mỹ-Hoa, việc "hắc khách" (hackers) Trung Quốc xâm nhập các cơ sở điện toán công và tư của Mỹ hay an ninh Đông Bắc Á do sự hung hăng của Bắc Hàn, v.v.... Nhưng cũng vẫn chỉ là đề mục của nghị trình thảo luận, chưa thể hứa hẹn giải pháp khai thông.

Người ta có thể tự an ủi rằng hoàn cảnh của Chủ tịch Tập Cận Bình cũng chẳng khá hơn.

Trong chuyến công du đầu tiên với tư cách là lãnh tụ mới, họ Tập thực tế là đi chữa cháy: cải thiện quan hệ với Liên bang Nga và tạo ra hình ảnh hiếu hòa và lương thiện hơn của Bắc Kinh với các nước Phi Châu. Hội nghị của bốn nước "đang lên", gọi là nhóm BRIC (Brazil, Russia, India và China), để thành lực đối trọng mới với các nước công nghiệp hoá Tây phương và qua đó lãnh đạo các quốc gia đang phát triển chỉ là trò vui không kết quả: bốn nước ở bốn nơi đều có nhiều vấn đề riêng nên nhìn qua bốn hướng khác nhau. Mà từng nước đều muốn cải thiện chuyện làm ăn với Mỹ.

Nhưng Hoa Kỳ lại bận chuyện khác.

Trong năm năm qua, nước Mỹ chưa ra khỏi nỗi khó khăn bắt nguồn từ mấy chục năm chi nhiều hơn thu nên mắc nợ ngập đầu và đến hồi trả nợ. Nhưng kết quả của năm năm xoay trở đó là khả năng đấu tranh cao độ của giới chính trị thủ đô liên bang: cực giỏi về chiến thuật để tranh thủ thành phần cử tri của mình hầu tái đắc cử. Họ không thể - và tệ nhất, không muốn - nghĩ đến một chiến lược hồi phục và phát triển quốc gia trong trường kỳ.

Đảng Cộng Hòa thất cử thì nhìn vào quá khứ, tranh cãi và đổ lỗi về trách nhiệm của thất bại. Đảng Dân Chủ đang có ưu thế thì ưu tiên lo cho cái rốn. Tấm lịch của họ là 2014 và 2016.

Hoa Kỳ cần chiến lược trường kỳ có khả năng tận dụng tiềm lực của kinh tế, tự do của người dân, thịnh vượng và thăng tiến của xã hội, và an ninh cho quốc gia. Chiến lược lâu dài ấy mới chỉ đạo các chính sách ngắn hạn. Thực tế ngày nay là chính sách ngắn hạn làm lệch hướng chiến lược trường kỳ và gây ra bài toán cho tương lai.

Nơi kết tinh các tính toán về chính sách, hay thủ thuật chính trị, là ngân sách liên bang. Đấy là cơ sở xác định ưu tiên của đất nước qua tiến trình chuẩn chi. Từ bốn năm nay, việc thảo luận về ngân sách quốc gia lại phơi bày sự phá sản chính trị vả dẫn đến những phản ứng cấp cứu có tính chất chắp vá. Mối nguy về vực thẳm tài chánh "fiscal cliff" rồi cái họa ngang xương cắt giảm ngân sách gọi là "sequestration", hoặc nỗi lo về công quỹ hết tiền trả lương nên sẽ sa thải công chức, v.v... đều là hậu quả của sự dàn xếp phi lý về công chi thu từ năm 2011.


Nên vài tháng một lần lại gây ra khủng hoảng chính trị trên thượng tầng.

Một thí dụ là trong khi lãnh đạo ồn ào tranh luận về việc kiểm soát quyền mang súng, ngân sách quốc phòng bị cắt một cách máy móc - mục tiêu hù dọa của thủ thuật "sequestration" để giới hữu trách phải giải quyết vấn đề chi thu ngân sách. Ít ai ngờ là sự hăm dọa ấy cũng vô hiệu khiến cho, nhìn từ bên ngoài, đồng minh thì không dám tin mà đối thủ cũng chẳng cần sợ đệ nhất siêu cường dân chủ.

Then chốt ở đây là thủ tục chuẩn chi ngân sách theo nguyên tắc mà gia đình nào cũng phải biết: chỉ chi ra trong giới hạn của số thu vào để khỏi mắc nợ quá sức trả.

Trong nhiều năm liền, Hành pháp không thể đệ nạp một dự luật ngân sách cho Quốc hội phê chuẩn. Phê duyệt và theo đó mà chuẩn chi để thi hành các ưu tiên của quốc gia. Dự luật ngân sách của tài khóa năm nay cũng thế: chưa có. Vì vậy, việc chi thu hàng năm trở thành nơi mà các ủy ban chuẩn chi và thanh toán của Quốc hội mặc tình ráp nối.

Nghệ thuật chính trị của giới dân cử liên bang là đưa ra những chỉ tiêu mơ hồ và khó hiểu cho cả chục năm tới và lên đến nhiều ngàn tỷ đô la mà đa số người dân không hiểu được. Trong khi đó, họ lặng lẽ kiếm phiếu bằng cách tăng chi hàng năm để phân bố quyền lợi cho thành phần cử tri của mình, và tăng cường vai trò bao cấp của nhà nước với thành tích được nêu ra là mấy chục triệu người dân đã được trợ cấp. 

Không có chiến lược phát triển ra cái bánh to hơn, người ta tận dụng chiến thuật tranh thủ một phần lớn hơn của cái bánh. Và giải quyết việc chuẩn chi bằng khẩu hiệu đấu tranh giai cấp, chính quyền của dân nghèo sẽ tróc nã tiền thuế của bọn nhà giàu.

Về trường kỳ, ba mục chi cho An sinh Xã hội (Social Security) và Y tế (Mediare và Medicaid) không thể gia tăng và sẽ phá sản như người ta dự phóng từ lâu. Khi tiếp tục chi nhiều hơn thu và mắc nợ, khoản nợ của ba chương trình xã hội này đang vượt số công trái và sẽ gây ra cảnh núi lở trong vài thập niên tới. Có khi còn sớm hơn nếu lạm phát lại tái phát – ta sẽ tìm hiểu trong tuần tới, khi nói về kinh tế cũng là chính trị. 


Dù mọi người đều biết vậy, ít ai dám đề nghị điều chỉnh vì sợ mất phiếu của người thụ hưởng.

Lãnh đạo phải hiểu nguyện vọng của quần chúng nhưng cũng thấy ra chiều hướng lâu dài của quốc gia mà thuyết phục quần chúng đi theo hướng đó thay vì chạy theo cái nhìn ngắn hạn của quần chúng. Với biệt tài lấy ngắn nuôi dài và dùng chiến thuật chỉ đạo chiến lược, lãnh đạo chính quyền liên bang đang dẫn nước Mỹ vào bế tắc.

May là Hoa Kỳ có thể chế liên bang và nhiều tiểu bang đã tự động tìm ra hướng khác. May ra từ đó mà người ta có thể trắc nghiệm giá trị của giải pháp khác, từ ngân sách đến giáo dục, xã hội đến y tế. Riêng có chuyện an ninh và đối ngoại thì đấy là thẩm quyền của thủ đô. Vì vậy mới đáng lo.

_____________________________

"Chỉ Có Tại Nước Mỹ": Chúng ta dễ đồng ý với định nghĩa "ăn chay cũng là một tôn giáo", mà hơi giật mình về cách áp dụng tại Mỹ. Sakile Chenzira kiện một nhà thương ở Cincinnati vì bị mất việc khi từ chối tiêm chủng thuốc ngừa cảm nên có thể lây bệnh trong nhà thương. Lý do từ chối là vì thuốc có trứng gà, mà bà lại là người ăn chay. Một toà án liên bang cho bà thắng kiện vì "chủ nghĩa ăn chay của nguyên đơn có sự tâm thành của một đức tin tôn giáo."


Giới Thiệu: Xin trân trọng thông báo, kể từ Tháng Ba 2013, hệ thống truyền hình SBTN đã có một tiết mục mới trong chương trình "Kim Nhung Show", phát hình mỗi tối Thứ Ba giờ miền Tây của Hoa Kỳ (cũng được phát lại và được một số khán thính giả đưa lên You Tube). Đó là "Thời Sự Ngày Mai" với kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa. Nội dung là phân tách về nguyên nhân và dự báo về hậu quả của nhiều biến động kinh tế và chính trị trên thế giới, kể cả Việt Nam. Xin quý độc giả của Dainamax Tribune chịu khó tìm xem.

Một số khán thính giả đã cho biết về các You Tube sau đây:
http://www.youtube.com/watch?NR=1&feature=endscreen&v=iTGg4zZkGdI

Qua Tháng Tư, hàng tuần quý độc giả có thể theo dõi tiết mục "Giờ Giải Ảo" trên hệ thống truyền hình của nhật báo Người Việt tại California, với Nguyễn-Xuân Nghĩa và Đinh Quang Anh Thái. Nội dung cũng vẫn là nhìn lại một số hiện tượng với cách nhận định khác. Ngày giờ sẽ được thông báo sau. Xin quý độc giả đón xem.

NXN

Thứ Tư, tháng 3 20, 2013

Trung Quốc Trục Lợi Tại Venezuela

Thanh Quang & Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA Ngày 130320
Diễn Đàn Kinh Tế 

Xét lại những "món nợ đáng tởm" của Venezuela và Việt Nam với Trung Quốc  
 
000_Hkg2756132-305.jpg
* Tổng thống Hugo Chavez lấy mẫu dầu thô trong thời gian thăm một mỏ dầu 
hợp tác khai thác với TQ ở Orinoco, ảnh chụp trước đây. AFP* 


Sau khi Tổng thống Hugo Chávez tạ thế hôm mùng năm vừa qua, ngày 14 tháng tới, Venezuela sẽ bầu Tổng thống và lãnh đạo mới phải đối mặt với rất nhiều khó khăn kinh tế. Nhân dịp này người ta mới chú ý đến vai trò của Trung Quốc với khoảng 40 tỷ đô la tín dụng và rất nhiều dự án cho một quốc gia nổi tiếng về các vụ vỡ nợ lịch sử. Qua phần trao đổi với chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa do Thanh Quang thực hiện, Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu về những động lực và rủi ro đằng sau sự bành trướng kinh tế của Trung Quốc vào xứ Venezuela.



Venezuela bất ổn

Thanh Quang: Xin kính chào ông Nghĩa. Thưa ông, sau 14 năm cầm quyền của Tổng thống Hugo Chávez, xứ Venezuela có thể sẽ qua một bước ngoặt sau khi ông Chávez tạ thế. Sở dĩ quốc tế nói đến bước ngoặt vì xứ này đang gặp nhiều bài toán kinh tế xuất phát từ chính sách lãnh đạo của ông Chávez, như lạm phát, khan hiếm thực phẩm và tình trạng suy sụp của hạ tầng vận chuyển và tiện ích công cộng trong khi tham nhũng, buôn lậu và tội ác của xã hội đen vẫn lan rộng. Tuy nhiên, người ta còn để ý đến một khía cạnh khác là Venezuela được Trung Quốc cho vay nhiều nhất trong các nước đang phát triển. Tại sao như vậy và tương lai các khoản nợ này ra sao là đề tài mà nhiều người muốn biết. Vì vậy, xin đề nghị ông tóm tắt bối cảnh vấn đề và phân tích các động lực của Trung Quốc khi tung tiền vào một quốc gia bất ổn như vậy.

Venezuela có hai đặc sản là nạn độc tài và tài vỡ nợ, tính bình quân thì từ năm 1825 đến 1900, cứ 12 năm rưỡi lại vỡ nợ một lần, trong 30 năm qua thì bảy năm một lần. Nguyễn-Xuân Nghĩa

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Chúng ta sẽ nói về chuyện bất ổn trước. Sau khi giành được nền độc lập từ Đế quốc Tây Ban Nha vào đầu thế kỷ 19, Venezuela có hai đặc sản là nạn độc tài và tài vỡ nợ. Trong phạm vi của chương trình kinh tế, ta hãy nói đến nạn vỡ nợ. Tính bình quân thì từ năm 1825 đến 1900, cứ 12 năm rưỡi lại vỡ nợ một lần. Trong ba chục gần đây thò đã bốn lần vỡ nợ, bình quân là bảy năm một lần, mới nhất là vào năm 2004. Tìm hiểu kỹ thì ta thấy ra một yếu tố là nạn hồ hởi sảng vì tài nguyên phong phú khiến giới đầu tư vay tiền và thổi lên bong bóng chẳng khác gì hiện tượng bể bọt trên ngọ sóng tại vùng biển Nam Mỹ nổi tiếng của Đế quốc Anh vào thế kỷ 18 mà người ta gọi là "South Sea Bubble".

- Qua thế kỷ 20, người ta lại hồ hởi nữa khi tìm ra dầu mỏ tại Venezuela từ năm 1922. Xứ này có trữ lượng khoảng 300 tỷ thùng dầu thô, đứng hàng thứ nhì thế giới, và trở thành cột trụ của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa OPEC mà cũng hoạn nạn vì nguồn tài nguyên đó.

- Nói vắn tắt thì vì ỷ vào dầu khí là nguồn thu chính, chế độ Chávez quốc hữu hóa khu vực năng lượng mà không phát triển các khu vực sản xuất khác nên kinh tế bị mất cân đối, phải nhập khẩu lương thực, bị lạm phát cao nhất thế giới mà công nghiệp dầu khí lại tụt hậu, mắc nợ vì chế độ bao cấp và lệ thuộc hơn vào Trung Quốc. Nói chung, Venezuela khó duy trì tình trạng này vì đã cạn tiền và thành phần nghèo khổ bắt đầu thất vọng. Đấy là một vấn đề rất đáng chú ý.

 

Ba mũi bành trướng của TQ

Thanh Quang: Chúng ta đi vào đề mục chính là sự lệ thuộc của Venezuela vào Trung Quốc. Thưa ông, diễn tiến của chuyện này là thế nào? Chẳng lẽ lãnh đạo Trung Quốc không học được bài học về nạn bể bọt đầu tư đã từng xảy ra tại Venezuela và nhiều xứ Nam Mỹ khác hay sao?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thật ra họ đã tiếp thu kinh nghiệm quốc tế và có bản lĩnh chứ không mơ hồ đâu. Chuyện này có đầy khúc mắc nên tôi xin từng bước giải thích.   


001_AGP2006082329282-250.jpg
Biểu đồ nhu cầu dầu của Trung Quốc - đường màu xanh là số nhập khẩu. AFP Graphic.



- Về đại thể, Trung Quốc là một xứ đói ăn và khát dầu nên phải bảo đảm nguồn cung cấp nguyên nhiên vật liệu và lương thực cho lâu dài, nếu không thì gặp loạn. Ưu tiên thứ hai là khi tiến hành việc đó, lãnh đạo xứ này quan tâm đến yêu cầu phát triển thế lực ngoại giao với các nước trên toàn cầu, bất kể tới bản chất của chế độ sở tại. Sở dĩ họ thi hành được là nhờ hệ thống tư bản nhà nước với sức huy động và phối hợp phương tiện mà các nền kinh tế tự do khó cạnh tranh nổi. Ta đã thấy khả năng huy động ấy qua bài Cộng Hoà "Dân Công" Trung Quốc cách nay hai tuần.

- Từ đó, Trung Quốc bành trướng ảnh hưởng đến Á châu, Phi châu và Nam Mỹ qua hai mũi công là Ngân hàng Phát triển Quốc gia, được gọi tắt theo Anh ngữ là CDB, và doanh nghiệp nhà nước. Ngắn gọn thì ngân hàng CDB cho các nước có tài nguyên vay tiền để thực hiện các dự án do doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc tiến hành hầu bảo đảm nguồn tiếp vận tài nguyên và qua đó củng cố thế lực ngoại giao của Bắc Kinh với các nước đang phát triển, kể cả các nước độc tài, nhất là độc tài.  Vài con số sau đây có thể cho thấy thế lực đó.

- Tính đến năm 2011, Ngân hàng Phát triển CDB có tài sản trị giá gần ngàn tỷ đô la, hơn gấp tám lần Ngân hàng Phát triển Á châu và gần gấp đôi Ngân hàng Thế giới. Nhờ đó, CDB cho vay ra gần chín ngàn tỷ đô la, gấp ba số tài trợ của hệ thống Ngân hàng Thế giới. Mà các tổ chức quốc tế còn quan tâm đến việc bảo vệ môi sinh và tình trạng lao động hay nhân quyền của các nước, chứ ngân hàng CDB của Trung Quốc thì không. Họ có đồng chí là các chế độ độc tài ở tại chỗ.

 

Trung Quốc là chủ nợ của Venezuela  


Thanh Quang: Mấy con số này phải làm thính giả giật mình. Bây giờ ta mới nói đến cách tiếp cận của Bắc Kinh vào Venezuela. Thưa ông, các mũi nhọn của Trung Quốc đã vào đây như thế nào?

Một phần ba các khoản tín dụng của ngân hàng CDB ra hải ngoại là trút vào Venezuela, nay lên tới hơn 40 tỷ đô la.  Nguyễn-Xuân Nghĩa

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Bắc Kinh đã xây dựng quan hệ với chế độ Chávez tại Caracas từ lâu nhưng xâm nhập mạnh là từ năm 2008. Một phần ba các khoản tín dụng của ngân hàng CDB ra hải ngoại là trút vào Venezuela, nay lên tới hơn 40 tỷ đô la. Song song, doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc cũng được ngân hàng này cho vay để thực hiện các dự án gọi là "thuộc diện chính sách" của Bắc Kinh, trong đó nhiều dự án được hoàn thành tại xứ Venezuela. Nhờ tín dụng của ngân hàng CDB, Venezuela lại còn đầu tư ngược vào Trung Quốc làm người dân càng tin vào uy thế của ông Chávez trên con đường xây dựng xã hội chủ nghĩa của ông ta.

- Năm 2007, sau khi quốc hữu hóa khu vực năng lượng và đuổi doanh nghiệp Âu Mỹ ra ngoài, ông Chavez tuyên bố rằng "tài nguyên của Venezuela là tài sản của toàn dân". Nhưng thực chất thì tài nguyên này vẫn do nhà nước Trung Quốc thống nhất quản lý nhờ vai trò của ngân hàng và doanh nghiệp Trung Quốc. Đây là một điều mỉa mai mà truyền thông Venezuela hay quốc tế khó phanh phui vì ngần ấy nghiệp vụ là bí mật về an ninh của nhà nước Trung Quốc!

Thanh Quang: Ông nói đến chi tiết ly kỳ vì dường như ta đang thấy tái diễn chủ nghĩa thực dân kiểu mới, qua khẩu hiệu xây dựng xã hội chủ nghĩa với màu sắc Trung Quốc. Nhưng trong nỗ lực này thì doanh nghiệp Trung Quốc có kiếm ra lời không và liệu có thể lại bị hiện tượng bể bọt đầu tư mà ông nhắc tới hồi nãy?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thưa rằng Bắc Kinh vẫn có thể nắm dao đằng chuôi. Trong quan hệ với các nước giàu tài nguyên, Trung Quốc nhấn mạnh đến khẩu hiệu "song doanh" theo lối nói "win-win" của giới kinh tế, là đôi bên cùng có lợi. Thật ra, Bắc Kinh lời gấp đôi vì vừa nắm lấy nguồn cung cấp vừa tìm ra nhiều hợp đồng cho doanh nghiệp của mình.


chavez250.jpg
Tổng thống Venezuela Hugo Chavez trong một buổi lễ kỷ niệm cái chết của Liberator Venezuela Simon Bolivar ở Caracas vào ngày 17 Tháng 12 năm 2011.AFP PHOTO/JUAN Barreto

- Venezuela đi vay mà trả bằng dầu, mỗi ngày phải có 430 ngàn thùng thì mới đủ. Nguồn dầu ấy lại do các tập đoàn dầu khí Trung Quốc như Sinopec hay CNPC khai thác để xuất khẩu ra ngoài.  Một chi tiết ly kỳ là sự sai biệt giữa lượng dầu chở ra khỏi Venezuela để trả nợ với số dầu nhập khẩu vào Trung Quốc, vốn là số liệu được đôi bên giữ kín. Các chuyên gia quốc tế tìm mãi mới hiểu khúc mắc bên trong.

- Do đặc tính địa chất, dầu thô Venezuela thuộc loại "nặng" và "chua" chứ không "nhẹ" và "ngọt" như dầu của Ả Rập Saudi, nên khó lọc thành xăng vì cần kỹ thuật khác mà Trung Quốc chưa có. Thứ hai, dù mua với giá rẻ thì việc chuyển vận từ Venezuela về Trung Quốc cũng thành tốn kém. Vì vậy, doanh nghiệp Trung Quốc lặng lẽ đem dầu Venezuela bán cho các xưởng lọc dầu châu Mỹ để kiếm lời ở giữa. Điều ấy mới giải thích vì sao thống kê của Hải quan về số dầu nhập vào Trung Quốc lại thấp hơn số dầu xuất nhẩu từ Venezuela. Tức là nhờ Chávez, Trung Quốc trở thành một tay buôn dầu đáng kể trên các thị trường Bắc Mỹ!

 

Những món nợ đáng tởm


Thanh Quang: Nếu như vậy thì liệu Trung Quốc có thắng lớn với chiến lược này hay không?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi nghĩ rằng họ lại bị rủi ro loại khác. Các dự án vĩ đại mà vô dụng như những thành phố ma đã được thực hiện tại Trung Quốc cho thấy nạn bong bóng địa ốc và núi nợ chất đống vì sự hoang tưởng, đấy là một rủi ro từ cái gốc, ở bên trong. Thứ hai, Venezuela đã có truyền thống bốc đồng vì dầu và nhờ dầu mà xây dựng chế độ chia chác quyền lợi nên mới gặp bất ổn chính trị. Đấy là một rủi ro thứ hai cho Trung Quốc, ở bên ngoài. Trường hợp ấy từng xảy ra tại các nước được Bắc Kinh viện trợ mà bị động loạn và nội chiến nên càng dễ xảy ra tại Venezuela. Thứ ba, người dân bản xứ chưa hẳn là đã tin vào thiện chí của Bắc Kinh và lề lối giao tế của các doanh nghiệp Trung Quốc. Nếu Venezuela thay đổi thì sẽ có ngày dân chúng xứ này nêu vấn đề về các "món nợ đáng tởm", là một điều mà chúng ta nên biết.

Thanh Quang: Chuyện các món nợ đáng tởm ấy là gì, ông có thể giải thích cho thính giả của chúng ta được không?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Trên thế giới đã có nhiều trường hợp mà quần chúng, phe đối lập hay chế độ mới đòi điều tra và hủy bỏ các món nợ do chế độ cũ đã cam kết với xứ khác. Người ta gọi đó là "món nợ đáng tởm" hay "odious debts" vì chế độ cũ nhân danh quốc gia đi vay nước khác để trục lợi riêng cho tay chân hay thân tộc rồi bắt người dân phải trả. Việc kiện tụng và hủy bỏ như vậy đã trở thành án lệ quốc tế hay tiền lệ về pháp lý. Gần đây là việc chính quyền Iraq đòi hủy các khoản nợ lên tới cả trăm tỷ của chế độ Saddam Hussein ngày xưa khiến nhiều quốc gia đành phải xóa nợ, nghĩa là mất tiền.

- Tại Venezuela, chế độ do Hugo Chávez dựng lên đang phải thay đổi và dù có đắc cử tháng tới, Tổng thống xử lý hiện nay là ông Nicolás Maduro cũng không có thế mạnh như Chávez, mà các nhóm bên trong chẳng còn nhất trí như xưa. Trong khi ấy, phe đối lập cũng cố gắng xây dựng thành giải pháp thay thế và sẽ khai thác mọi kẽ hở trong các cam kết của Chávez với Trung Quốc để quần chúng thấy ra tính chất ghê tởm vì bất công của các món nợ cũ.

- Trường hợp ấy mà bùng nổ, ta sẽ thấy nhiều dự án với Trung Quốc được công khai hóa rồi người dân hiểu ra tính chất gọi là "song doanh", đôi bên cùng có lợi, là điều không hề có. Từ đó, nội tình bí mật bên trong càng bị phanh phui và Trung Quốc không chỉ mất tiền mà còn mất uy tín với thế giới và nhất là các nước đang phát triển đã từng được Bắc Kinh chiêu dụ.

- Về phần Việt Nam, hiển nhiên là người dân đã hoài nghi những cam kết của lãnh đạo ở Hà Nội với Bắc Kinh và đòi chính quyền giải trình các dự án với Trung Quốc. Nếu tìm cho kỹ thì người ta cũng có thể thấy ra nhiều "món nợ đáng tởm" đã được các luật gia quốc tế nói đến.

Thanh Quang: Xin cảm tạ ông Nguyễn-Xuân Nghĩa về cuộc trao đổi này và chắc rằng quý thính giả cũng nên suy ngẫm về ý kiến vừa được nêu ra.


 
Email
Ý kiến của Bạn
Chia sẻ
In trang này

Thứ Ba, tháng 3 19, 2013

Sắc Thuế Lựu Đạn


Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người Việt Ngày 130318
"Kinh Tế Cũng Là Chính Trị"

Đánh vào niềm tin để cứu ai?

 * Dân Cyprus biểu tình chống việc đánh thuế trên tiền ký thác *


Là đảo quốc nhỏ xíu chưa đến triệu dân trên một diện tích chưa đầy một vạn cây số vuông, cuối tuần qua Cyprus đã nổi danh hoàn vũ. Như một kíp lựu đạn chưa rút đã khiến thiên hạ túa chạy, chợ búa vắng tanh.

Chỉ vì một sắc thuế lựu đạn.

Là một trung tâm du lịch trên ngã ba Đông-Tây của biển Địa Trung Hải, Cyprus cũng là két bạc quốc tế. Nhưng két bạc bị lủng. Sau chín tháng vật vã thai ngén, đêm Thứ Sáu rạng Thứ Bảy 16, giới lãnh đạo kinh tế của khối Euro hoàn tất kế hoạch cấp cứu tài chánh cho một xứ có sản lượng kinh tế bằng nửa phần trăm của cả khối mà có hệ thống ngân hàng cực lớn. Trị giá tài sản của các ngân hàng tại Cyprus cao gấp tám lần sản lượng kinh tế, được ước lượng cỡ 18 tỷ Euro (24 tỷ Mỹ kim).

Trong vụ khủng hoảng của khối Euro, Cyprus bị nguy cơ vỡ nợ và hai ngân hàng lớn nhất sẽ phá sản. Muốn cấp cứu thì phải bơm vào một ngân khoản xấp xỉ sản lượng kinh tế để chuộc nợ. Các định chế quốc tế như Hội đồng Âu châu, Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF và Ngân hàng Trung ương Âu châu ECB không thể cho vay số tiền quá lớn như vậy mà chỉ có thể ứng ra chừng 55%, quãng 10 tỷ Euro. Phần còn lại, cỡ sáu tỷ Euro, Cyprus phải lo lấy.

Chính quyền Nicosia bèn lo lấy, làm thiên hạ đâm lo.

Bị đẩy vào đường cùng, Nicosia phát huy sáng tạo như... Hà Nội khi cần hồi sinh thị trường bất động sản. Là đòi đánh thuế trên tiền ký thác ngân hàng. Không đến nỗi mù quáng như đảng ta, họ biết phân biệt kẻ có tóc với anh trọc đầu: ký thác trên 10 vạn Euro thì bị thuế 9,9%, ít hơn thì bị 6,5%. Không là chế độ băng đảng ăn cướp – Hà Nội đừng động lòng – họ giao hẹn hai chuyện. Thứ nhất, biện pháp này sẽ đánh chỉ một lần. Thứ hai, đổi lại việc nộp thuế cứu nhà băng, các trương chủ ký thác sẽ có một phần vốn của ngân hàng, hoặc được bù bằng khí đốt.

Kế hoạch vừa được bàn tính ngày Thứ Bảy, dự trù đưa ra biểu quyết hôm Chủ Nhật thì các trương chủ ngân hàng xếp hàng trước máy rút tiền tự động.

Đêm Chủ Nhật là sáng Thứ Hai giờ Tokyo, thị trường Á châu vừa mở bát là lập lòe màu đỏ, đến lượt thị trường Âu châu cũng vậy. Đồng Euro tuột giá cùng dầu thô, vàng lên giá cùng Mỹ kim và thế giới bàng hoàng. Ở giữa mắt bão, Cyprus cho đóng cửa ngân hàng ngày Thứ Hai, dời việc biểu quyết đạo luật cấp cứu qua chiều Thứ Hai. Và đến Thứ Hai thì tìm cách xét lại khi thấy cả thế giới rúng động.

Nhưng đã quá trễ.

Bài kinh tế nhập môn ở mọi nơi mọi thời là muốn hạn chế một mặt hàng hay dịch vụ nào thì cứ nã thuế là công hiệu ngay. Các bà các cô hay người tử tế đều có thể đồng ý rằng thuế trên thuốc lá cứu cả môi sinh lẫn lá phổi vì khiến mặt hàng độc hại này trở thành đắt hơn. Chuyện moi thuế người nghèo nên mắc nghiện thì sao? Cho họ lấy cần sa làm thuốc là xong!

Nói cho nghiêm túc trên hai mặt âm dương của đồng bạc, đánh thuế trên tiền tiết kiệm là khuyến khích tiêu thụ. Còn đánh thuế tiêu thụ thì có thể khiến thiên hạ tiết kiệm nhiều hơn.

Nếu Nicosia cũng như Hà Nội mà bày ra sắc thuế trên trương mục ký thác tiết kiệm thì thế giới coi như pha. Không một tiếng vang về sự u tối. Thế thì tại sao thể giới lại giật mình về Cyprus? Vì kinh tế cũng là chính trị. 

Sau đây là mấy lý do gần xa:

Chính quyền Nicosia hứa đánh chỉ một lần mà ai tin nổi? Nếu kẹt quá, họ giáng thêm vài đòn trưng thu thì sao? Vẫn biết rằng nhà băng không ăn cướp và số tiền huy động được sẽ là phần hùn, trị giá hùn hạp này sẽ là bao nhiêu, đổi ra tiền được chăng và ai đảm bảo giá trị sau này? Mà nói về đảm bảo, nhà nước chỉ cam kết đến 93,5% số tiền ký thác thôi. Tức là đã ngầm áp dụng một sắc thuế là 6,5% trên tiền ký thác.... 

Bây giờ, ngoài khoản "ẩn thuế" đó, nhà nước còn đòi vét nhiều hơn nữa để cứu nhà băng! Đấy là mối lo của dân Cyprus, làm chủ khoảng 45% các trương mục ký thác. Nhưng vì sao mối lo ấy của họ lại làm thế giới hốt hoảng? 

Từ chuyện gần bàn đến chuyện xa.

Cyprus không là hải đảo hẻo lánh miệt dưới của biển Thái Bình lỡ có két bạc bồng bềnh ngoài khơi. Đấy là trung tâm rửa tiền giữa biển, nơi mà các tài phiệt của Liên bang Nga gửi gấm tài sản. Số ký thác của người Nga trong các ngân hàng Cyprus được ước lượng khoảng 31 tỷ đô la, còn hơn sản lượng kinh tế của cả nước. Vì thế, việc Cyprus đòi đánh thuế rất cao trên các trương mục lớn khiến Tổng thống Vladimir Putin la trời. Tay chân mà bị bóp thì cái đầu phải la. 

Quy luật khá ồn ào theo kiểu... Ba Đình!

Tuy nhiên, vì sao các thị trường ngoài Âu Châu cũng rúng động? Vì Cyprus không đơn phương nghĩ ra trò này. 

Kế hoạch quái đản của họ được lãnh đạo chính trị và kinh tế Âu châu bàn tính. Thiên hạ nghi rằng nếu Âu châu lâm nạn cũng áp dụng bài bản ấy thì nguyên tắc là bảo đảm tiền ký thác cho trương chủ sẽ thành vô giá trị. Thế rồi, sau khi cân nhắc trong ngày Thứ Ba, nếu Nicosia rút lại dự tính này thì chuyện gì có thể xảy ra? 

Cyprus hết được cấp cứu và có khi phải rút khỏi khối Euro, tức là đồng Euro sẽ lại thành đồng sứt. Nghĩa là khủng hoảng Euro vẫn có thể tái diễn trong những ngày tới. 

Sau bốn năm bò trên miệng chén, trận bão bọt trong tách trà Cyprus sẽ là động đất ngoài khơi cho cả khối Euro. Vì thế Âu Châu mới choáng váng....

Người viết phải kể lại chuyện xa xôi ấy để... phục vụ độc giả trong khoảng 1.500 chữ. Mà chuyện ấy chẳng có gì là xa vời vì đồng tiền nối liền khúc ruột.

Thường dân chúng ta nên lùi lại mà nhìn lên các ngân hàng nguy nga. Khi gửi tiền vào ngân hàng, chúng ta thực tế là chủ nợ. Nhờ tiền ký thác ấy, ngân hàng mới có thể là chủ nợ của người khác và của chính mình. Chẳng hề quen nhau, chúng ta vẫn sinh hoạt như vậy vì dựa trên niềm tin. Tín dụng là vận dụng niềm tin đó vào lãnh vực tài chánh. Bây giờ, khi cho vay mà chẳng biết tính rủi ro và bị vỡ nợ thì ngân hàng lại đòi chụp lấy tiền ký thác của trương chủ. Thuế đánh vào niềm tin!

Mà nhà băng chỉ làm được việc đó khi có nhà nước. Chính nhà nước mới cho phép nhà băng nắm dao đằng chuôi. Nhà nước này có nhiều cách cho phép lắm, theo kiểu một đồng một cốt.

Trong một chế độ dân chủ thì đấy là một đồng một phiếu, nếu nhà báo không nhìn ra mà tri hô cho cả nước cùng thấy. Nhà báo mà tối dạ thì ta có chuyện nước Mỹ và nỗi trầm luân về chi thu để... cứu dân nghèo và các ngân hàng. Trong một chế độ độc tài thì chẳng tối dạ nhà báo cũng phải ngậm miệng, đấy là chuyện nước Nam với cái mưu đánh thuế tiết kiệm để cứu các đại gia vỡ nợ vì đầu cơ vào bất động sản. Đó là chuyện kinh tế của nhà băng, nhà nước - và của đảng.

Độc giả tinh ý – không tinh ý thì ai thèm đọc mục này? – có thể đoán người viết luận về Cyprus để nói về Việt Nam. Thế thì vì sao không nói thẳng? Xin thành thật khai báo rằng vì thiếu chữ để nói chuyện băng đảng kinh tế nước ta. 

Thí dụ như chữ "băng đảng" thì nên dịch là gì cho thiên hạ hiểu? "Gangster" hay "bankster"?