Thứ Hai, tháng 3 11, 2013

Tả Hữu Loạn Đao


Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người Việt Ngày 130311
"Hoa Kỳ Nhìn Từ Bên Ngoài"

Hoa Kỳ và Thời "Hậu Chavez"

* Trong tang lễ của Hugo Chavez, Tổng thống Iran nức nở với bà mẹ của Chavez, khiến dân Iran thấy nhột! Truyền thông ngớ ngẩn của Mỹ thì không - hãy đọc báo chí thông ngôn bằng Việt ngữ thì biết! *



Sau khi lãnh tụ Hugo Chavez của Venezuela qua đời tuần qua, vài người Mỹ có quan tâm thì nhớ đến Otto Reich.

Sinh năm 1945 tại Cuba, từ người mẹ là dân Cuba và thân phụ là người Áo gốc Do Thái, Otto Reich qua Mỹ tỵ nạn ở tuổi 14. Tốt nghiệp đại học xong thì gia nhập binh chủng dù, được huân chương của quân đội. Đi học tiếp về Mỹ châu La tinh tại Đại học Georgetown, ông bắt đầu làm việc cho công quyền về ngoại giao và viện trợ, để trở thành viên chức ngoại giao chuyên về Nam Mỹ hay "Tây bán cầu" theo cách gọi của Hoa Kỳ.

Dư luận chỉ chú ý đến Otto Reich khi ông triệt để vận động cho quyền tự do và dân chủ tại các nước độc tài Trung Nam Mỹ và lãnh không ít búa rìu của cánh tả trong đảng Dân Chủ tại Hoa Kỳ vì lập trường cực đoan chống cộng. Từng phục vụ các Chính quyền Ronald Reagan, George H. W. Bush rồi George W. Bush trong lãnh vực ngoại giao, Otto Reich đã làm Đại sứ Hoa Kỳ tại Venezuela trước khi Hugo Chavez cầm quyền, rồi lên tới chức vụ Phụ tá Ngoại trưởng về Tây bán cầu thì bị chặn nên đã giải nghệ từ năm 2004.

Lập trường của ông bị cánh tả trong Thượng viện Mỹ đả kích là quá khích nên việc bổ nhiệm gặp trở ngại. Chẳng những vậy, ông còn bị Quốc hội điều tra khi Venezuela có vụ đảo chánh hụt năm 2002. Kết quả điều tra cho thấy Bộ Ngoại giao, bản thân ông và các viên chức ngoại giao dưới quyền không can dự vào vụ đảo chánh.... Chuyện ấy là thừa!

Nhìn từ bên ngoài, trận đánh giữa hai phe tả hữu trong chính trường Hoa Kỳ cho thấy những rắc rối bất ngờ khi người ta cứ nói đến sự can thiệp của Mỹ vào nội tình xứ khác. Với cánh tả rất đắc lực, nguy cơ Đế quốc của nước Mỹ là điều xa vời. Và hy vọng dân chủ cho xứ khác nhờ tác động của Mỹ là chuyện hão huyền!

Chúng ta trở lại Venezuela nhưng không luận về chuyện kinh tế mà bàn về ngoại giao.

Chế độ Chavez là một tai họa cho Venezuela mà truyền thông báo chí của cánh tả tại Hoa Kỳ lại không công nhận, lại còn biện hộ qua chiêu bài "chế độ của dân nghèo" và nhiều tờ báo tiếng Việt nhái theo như con vẹt.

Tương tự như cuộc thử nghiệm của Juan Perón tại Argentina hơn nửa thế kỷ trước, lý tưởng công bằng xã hội và chủ nghĩa độc lập dân tộc (chống Mỹ) có thể biến một quốc gia dân chủ giàu có thành một nước chậm tiến lụn bại. Chế độ độc tài và mị dân nghèo tại Venezuela còn gây khó cho các nước dân chủ và cản trở nỗ lực cải cách của khuynh hướng trung tả ôn hòa hơn tại các quốc gia Nam Mỹ khác.

Mối nguy lớn hơn vậy cho quyền lợi của Hoa Kỳ là sự xâm nhập và bành trướng ảnh hưởng của nhiều cường quốc chống Mỹ. Đứng đầu và tích cực nhất là Trung Quốc!

Trong 14 năm cầm quyền của Chavez dưới danh nghĩa cách mạng mang tên bậc anh hùng dân tộc là Simón Bolívar, và khẩu hiệu xã hội chủ nghĩa cho dân nghèo, Venezuela có cái thế bành trướng ảnh hưởng mạnh hơn cái lực. Cái thế đó là quy tụ và hợp tác với nhiều nước bằng chiêu bài chống Mỹ. Venezuela trở thành tay vô địch đứng đầu chiến tuyến chống Mỹ đế tại Tây bán cầu, hậu quả thực tế là chính dân nghèo mới khổ. Nhưng đấy là số phận của họ khi cả tin vào những hứa hẹn hoảng tiều.

Hậu quả ngoại giao mới là điều đáng để Hoa Kỳ quan tâm.

Một xứ dân chủ và đồng minh của Mỹ là Colombia đã bị Chavez khuynh đảo và phá hoại khi yểm trợ lực lượng võ trang ly khai RAFC và khi một số tướng lãnh bất lương hợp tác với các tổ chức tội ác để phân phối mua túy qua các nước khác - và vào tới Mỹ. Vậy mà hiệp định tự do thương mại giữa Hoa Kỳ và Colombia còn bị ngâm tôm mất nhiều năm. Xu hướng bảo hộ mậu dịch trong Quốc hội Mỹ gián tiếp gây họa cho Colombia, trước sự hoan hỉ của Chavez.

Ngược lại, một nước cộng sản chống Mỹ đang ở vào giai đoạn chuyển hướng và chuyển quyền khi Fidel Castro sẽ qua đời, là Cuba, lại tiếp tục là ngọn hải đăng của cách mạng. Nhờ được Chavez yểm trợ bằng dầu hỏa – 100 ngàn thùng một ngày, sáu tỷ đô la một năm.

Ít ai chú ý là y khoa của Brazil đã khá tiến bộ và chữa chạy thành công cho nhiều lãnh tụ Trung Nam Mỹ bị ung thư, nhưng Chavez lại qua Cuba chữa bệnh. Hệ thống an ninh và tình báo của Venezuela là do Cuba đảm nhiệm và Chavez chữa bệnh tại Havana thì mới bảo vệ được bí mật trước khi lại có bầu cử nữa!

Với một đồng chí như vậy, Cuba chưa cần cải cách!

Ở vòng ngoài, một chuỗi quốc gia theo đuổi chiến lược độc lập - chống Mỹ - được Chavez khuyến khích và viện trợ dầu khí, như trường hợp của Ecuador hay Nicaragua. Đang ngoi lên từ vực thẳm của Juan Perón và những sai lầm nối tiếp của hai vợ chồng theo nhau làm Tổng thống, xứ Argentina đang ưu tiên chấn chỉnh lại hệ thống kinh tế. Nhưng giải pháp trì hoãn khá hấp dẫn của Tổng thống Cristina Fernandez de Kirchner là hợp tác với Venezuela.

Nhờ chế độ Chavez, Venezuela phải nhập cảng 50% lượng ngô bắp và 100% số bột mì cho nhu cầu nội địa. Argentina lại là một nước sản xuất lương thực đáng kể!

Từ nhiều năm qua, người ta đã chứng kiến sự thắng thế của cánh tả bao cấp tại Tây bán cầu. Những lúng túng và uy tín suy sụp của Hoa Kỳ hay các nước dân chủ Tây phương và cả khuynh hướng kinh tế tự do cũng không thể giải thích hết hiện tượng này. Nhưng vai trò của Chavez và trữ lượng dầu thô rất lớn của Venezuela còn làm lệch vấn đề: nhiều chế độ bao cấp và bất lực vẫn tồn tại nhờ sức viện trợ của Caracas để dựng lên một "liên minh chống Mỹ".

Chavez gọi đó là vòng đai Alba (Bolivarian Alliance for the Americas).

Về thực chất, dự án hoảng tiều này đi ngược nỗ lực của Brazil qua kế hoạch Mercosur là xây dựng một cộng đồng kinh tế Nam Mỹ châu gồm Brazil và bốn nước Paraguay, Uruguay, Venezuela và  Bolivia. Nhưng hai lãnh tụ nối tiếp của Brazil là Luiz Inácio Lula da Silva và Dilma Rousseff đều khai thác sự ồn ào của Chavez để lấy lòng quần chúng ở nhà. Cùng thuộc cánh tả, họ đều biết nhược điểm của cách mạng xã hội chủ nghĩa kiểu Chavez, chavismo, nên không áp dụng.

Sự khéo léo là họ biết dùng cái loa Chavez trong việc thương thảo với Mỹ.

Khéo nhất chính là các chế độ độc tài chống Mỹ ở xa hơn. Iran, Lybia hay Syria là trường hợp Hồi giáo Trung Đông. Có tư thế hơn vậy là Liên bang Nga, một nguồn cung cấp võ khí cho Venezuela. Và khéo nhất chính là Trung Quốc, một quốc gia đã đầu tư rất mạnh vào Venezuela, cho Chavez vay tiền khá bộn, tới tám ngàn tỷ đô la trực tiếp và 40 tỷ của Ngân hàng Phát triển Trung Quốc CDB, sau này sẽ trả bằng dầu thô với giá rẻ.

Sau khi Hugo Chavez qua đời, cuộc cách mạng Chavismo hay Bolívar theo kiểu phường tuồng rồi cũng cáo chung. Nhưng trước sự phân hóa và yếu kém của các khuynh hướng đối lập và tình trạng ngơ ngác của người dân, Venezuela sẽ chưa thể cải cách để vãn hồi dân chủ và thịnh vượng trong một chế độ kinh tế công bằng hơn hiện tại.

Trong giai đoạn chuyển tiếp này, cục diện Tây bán cầu sẽ thay đổi. Khốn nỗi, Hoa Kỳ chưa thèm để ý vì tả hữu còn đang loạn đao với những chuyện linh tinh ở nhà. Vì vậy mới nhắc đến Otto Reich.

 
_________________________


Chỉ có tại nước Mỹ: Một dân biểu Cộng Hoà của tiểu bang Washingtom đề nghị đánh thêm một sắc thuế trên xe đạp hai bánh để... bảo vệ môi sinh. Lý luận của ông Ed Orcutt là vì người đạp xe thở mạnh hơn với tim đập nhanh hơn nên thải ra nhiều thán khí hơn. May là ông ta nghĩ lại và rút dự luật này về. Đáng ngạc nhiên là vì sao ông này lại đắc cử? Quả rằng Hoa Kỳ là quê hương của nhiều giấc mơ rất lạ.

1 nhận xét:

  1. Chỉ một đoản văn , tác giả NXN đã vẽ nên " bức tranh vân cẩu " thời kỳ hậu Chavez" . Tuyệt !

    Trả lờiXóa