Thứ Ba, tháng 3 19, 2013

Sắc Thuế Lựu Đạn


Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người Việt Ngày 130318
"Kinh Tế Cũng Là Chính Trị"

Đánh vào niềm tin để cứu ai?

 * Dân Cyprus biểu tình chống việc đánh thuế trên tiền ký thác *


Là đảo quốc nhỏ xíu chưa đến triệu dân trên một diện tích chưa đầy một vạn cây số vuông, cuối tuần qua Cyprus đã nổi danh hoàn vũ. Như một kíp lựu đạn chưa rút đã khiến thiên hạ túa chạy, chợ búa vắng tanh.

Chỉ vì một sắc thuế lựu đạn.

Là một trung tâm du lịch trên ngã ba Đông-Tây của biển Địa Trung Hải, Cyprus cũng là két bạc quốc tế. Nhưng két bạc bị lủng. Sau chín tháng vật vã thai ngén, đêm Thứ Sáu rạng Thứ Bảy 16, giới lãnh đạo kinh tế của khối Euro hoàn tất kế hoạch cấp cứu tài chánh cho một xứ có sản lượng kinh tế bằng nửa phần trăm của cả khối mà có hệ thống ngân hàng cực lớn. Trị giá tài sản của các ngân hàng tại Cyprus cao gấp tám lần sản lượng kinh tế, được ước lượng cỡ 18 tỷ Euro (24 tỷ Mỹ kim).

Trong vụ khủng hoảng của khối Euro, Cyprus bị nguy cơ vỡ nợ và hai ngân hàng lớn nhất sẽ phá sản. Muốn cấp cứu thì phải bơm vào một ngân khoản xấp xỉ sản lượng kinh tế để chuộc nợ. Các định chế quốc tế như Hội đồng Âu châu, Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF và Ngân hàng Trung ương Âu châu ECB không thể cho vay số tiền quá lớn như vậy mà chỉ có thể ứng ra chừng 55%, quãng 10 tỷ Euro. Phần còn lại, cỡ sáu tỷ Euro, Cyprus phải lo lấy.

Chính quyền Nicosia bèn lo lấy, làm thiên hạ đâm lo.

Bị đẩy vào đường cùng, Nicosia phát huy sáng tạo như... Hà Nội khi cần hồi sinh thị trường bất động sản. Là đòi đánh thuế trên tiền ký thác ngân hàng. Không đến nỗi mù quáng như đảng ta, họ biết phân biệt kẻ có tóc với anh trọc đầu: ký thác trên 10 vạn Euro thì bị thuế 9,9%, ít hơn thì bị 6,5%. Không là chế độ băng đảng ăn cướp – Hà Nội đừng động lòng – họ giao hẹn hai chuyện. Thứ nhất, biện pháp này sẽ đánh chỉ một lần. Thứ hai, đổi lại việc nộp thuế cứu nhà băng, các trương chủ ký thác sẽ có một phần vốn của ngân hàng, hoặc được bù bằng khí đốt.

Kế hoạch vừa được bàn tính ngày Thứ Bảy, dự trù đưa ra biểu quyết hôm Chủ Nhật thì các trương chủ ngân hàng xếp hàng trước máy rút tiền tự động.

Đêm Chủ Nhật là sáng Thứ Hai giờ Tokyo, thị trường Á châu vừa mở bát là lập lòe màu đỏ, đến lượt thị trường Âu châu cũng vậy. Đồng Euro tuột giá cùng dầu thô, vàng lên giá cùng Mỹ kim và thế giới bàng hoàng. Ở giữa mắt bão, Cyprus cho đóng cửa ngân hàng ngày Thứ Hai, dời việc biểu quyết đạo luật cấp cứu qua chiều Thứ Hai. Và đến Thứ Hai thì tìm cách xét lại khi thấy cả thế giới rúng động.

Nhưng đã quá trễ.

Bài kinh tế nhập môn ở mọi nơi mọi thời là muốn hạn chế một mặt hàng hay dịch vụ nào thì cứ nã thuế là công hiệu ngay. Các bà các cô hay người tử tế đều có thể đồng ý rằng thuế trên thuốc lá cứu cả môi sinh lẫn lá phổi vì khiến mặt hàng độc hại này trở thành đắt hơn. Chuyện moi thuế người nghèo nên mắc nghiện thì sao? Cho họ lấy cần sa làm thuốc là xong!

Nói cho nghiêm túc trên hai mặt âm dương của đồng bạc, đánh thuế trên tiền tiết kiệm là khuyến khích tiêu thụ. Còn đánh thuế tiêu thụ thì có thể khiến thiên hạ tiết kiệm nhiều hơn.

Nếu Nicosia cũng như Hà Nội mà bày ra sắc thuế trên trương mục ký thác tiết kiệm thì thế giới coi như pha. Không một tiếng vang về sự u tối. Thế thì tại sao thể giới lại giật mình về Cyprus? Vì kinh tế cũng là chính trị. 

Sau đây là mấy lý do gần xa:

Chính quyền Nicosia hứa đánh chỉ một lần mà ai tin nổi? Nếu kẹt quá, họ giáng thêm vài đòn trưng thu thì sao? Vẫn biết rằng nhà băng không ăn cướp và số tiền huy động được sẽ là phần hùn, trị giá hùn hạp này sẽ là bao nhiêu, đổi ra tiền được chăng và ai đảm bảo giá trị sau này? Mà nói về đảm bảo, nhà nước chỉ cam kết đến 93,5% số tiền ký thác thôi. Tức là đã ngầm áp dụng một sắc thuế là 6,5% trên tiền ký thác.... 

Bây giờ, ngoài khoản "ẩn thuế" đó, nhà nước còn đòi vét nhiều hơn nữa để cứu nhà băng! Đấy là mối lo của dân Cyprus, làm chủ khoảng 45% các trương mục ký thác. Nhưng vì sao mối lo ấy của họ lại làm thế giới hốt hoảng? 

Từ chuyện gần bàn đến chuyện xa.

Cyprus không là hải đảo hẻo lánh miệt dưới của biển Thái Bình lỡ có két bạc bồng bềnh ngoài khơi. Đấy là trung tâm rửa tiền giữa biển, nơi mà các tài phiệt của Liên bang Nga gửi gấm tài sản. Số ký thác của người Nga trong các ngân hàng Cyprus được ước lượng khoảng 31 tỷ đô la, còn hơn sản lượng kinh tế của cả nước. Vì thế, việc Cyprus đòi đánh thuế rất cao trên các trương mục lớn khiến Tổng thống Vladimir Putin la trời. Tay chân mà bị bóp thì cái đầu phải la. 

Quy luật khá ồn ào theo kiểu... Ba Đình!

Tuy nhiên, vì sao các thị trường ngoài Âu Châu cũng rúng động? Vì Cyprus không đơn phương nghĩ ra trò này. 

Kế hoạch quái đản của họ được lãnh đạo chính trị và kinh tế Âu châu bàn tính. Thiên hạ nghi rằng nếu Âu châu lâm nạn cũng áp dụng bài bản ấy thì nguyên tắc là bảo đảm tiền ký thác cho trương chủ sẽ thành vô giá trị. Thế rồi, sau khi cân nhắc trong ngày Thứ Ba, nếu Nicosia rút lại dự tính này thì chuyện gì có thể xảy ra? 

Cyprus hết được cấp cứu và có khi phải rút khỏi khối Euro, tức là đồng Euro sẽ lại thành đồng sứt. Nghĩa là khủng hoảng Euro vẫn có thể tái diễn trong những ngày tới. 

Sau bốn năm bò trên miệng chén, trận bão bọt trong tách trà Cyprus sẽ là động đất ngoài khơi cho cả khối Euro. Vì thế Âu Châu mới choáng váng....

Người viết phải kể lại chuyện xa xôi ấy để... phục vụ độc giả trong khoảng 1.500 chữ. Mà chuyện ấy chẳng có gì là xa vời vì đồng tiền nối liền khúc ruột.

Thường dân chúng ta nên lùi lại mà nhìn lên các ngân hàng nguy nga. Khi gửi tiền vào ngân hàng, chúng ta thực tế là chủ nợ. Nhờ tiền ký thác ấy, ngân hàng mới có thể là chủ nợ của người khác và của chính mình. Chẳng hề quen nhau, chúng ta vẫn sinh hoạt như vậy vì dựa trên niềm tin. Tín dụng là vận dụng niềm tin đó vào lãnh vực tài chánh. Bây giờ, khi cho vay mà chẳng biết tính rủi ro và bị vỡ nợ thì ngân hàng lại đòi chụp lấy tiền ký thác của trương chủ. Thuế đánh vào niềm tin!

Mà nhà băng chỉ làm được việc đó khi có nhà nước. Chính nhà nước mới cho phép nhà băng nắm dao đằng chuôi. Nhà nước này có nhiều cách cho phép lắm, theo kiểu một đồng một cốt.

Trong một chế độ dân chủ thì đấy là một đồng một phiếu, nếu nhà báo không nhìn ra mà tri hô cho cả nước cùng thấy. Nhà báo mà tối dạ thì ta có chuyện nước Mỹ và nỗi trầm luân về chi thu để... cứu dân nghèo và các ngân hàng. Trong một chế độ độc tài thì chẳng tối dạ nhà báo cũng phải ngậm miệng, đấy là chuyện nước Nam với cái mưu đánh thuế tiết kiệm để cứu các đại gia vỡ nợ vì đầu cơ vào bất động sản. Đó là chuyện kinh tế của nhà băng, nhà nước - và của đảng.

Độc giả tinh ý – không tinh ý thì ai thèm đọc mục này? – có thể đoán người viết luận về Cyprus để nói về Việt Nam. Thế thì vì sao không nói thẳng? Xin thành thật khai báo rằng vì thiếu chữ để nói chuyện băng đảng kinh tế nước ta. 

Thí dụ như chữ "băng đảng" thì nên dịch là gì cho thiên hạ hiểu? "Gangster" hay "bankster"?

6 nhận xét:

  1. Bác Nghĩa cho Mèo hỏi chút:
    trong bài bác có dùng 'trương mục ký thác ngân hàng' và 'trương mục ký thác tiết kiệm', có nghĩa là 'current account' và 'time deposit account' hả bác. Nếu như vậy thì có sự khác biệt.
    Bởi vì, nếu theo dự định của NN VN,đánh trên lãi tiết kiệm, thực ra cũng là việc thường vì đó được coi là nguồn thu nhập phải chịu thuế thu nhập. Nhưng đối với VN là một cú sốc.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Mèo ơi,

      Tại các nước bình thường thì mọi nguời có lợi tức đều phải khai và có thể bị đánh thuế trên các khoản lợi tức này (lương bổng, doanh lợi, v.v...)

      Khi có tiền gửi ngân hàng, người ta có nhiều chọn lựa căn cứ trên thủ tục lấy ra (thành tiền mặt) dễ dãi và nhanh chậm thế nào. Càng gửi lâu mà không dùng tới thì càng giúp ngân hàng có tiền cho người khác vay và ngân hàng trả tiền lời trên các khoản ký thác lâu dài đó. Tiền lời ấy cũng là lợi tức của người gửi tiền và phải kể vào căn bản tính thuế khi nào nhận được.

      Như vậy, quả là ký thác ngân hàng có nhiều loại, từ demand deposit vào current account (hay checking account) mà ta gọi là trương mực vãng lai, qua time deposit vào saving account, gọi là trương mục tiết kiệm.

      Bây giờ, Cyprus (Cộng hòa Síp) cùng quẫn và bị các nước Âu Châu khác (chủ yếu là Đức) đòi chia sẻ lỗ lã bằng cách đánh thuế trên mọi loại ký thác, tức là đổi luật chơi với những người gửi tiền thì thiên hạ sẽ rút tiền và đẩy mạnh khủng hoảng ngân hàng.

      Còn tại Việt Nam, khi người ta đòi đánh thuế trên các trương mục ký thác tiết kiệm nhiều hơn 500 triệu thì đấy đã là chuyện lạ: trừng phạt người gửi tiền tiết kiệm. Lý do thu thuế này là để cứu thị trường bất động sản lại càng lạ hơn vì khuyến khích đầu cơ địa ốc vì nếu có gì thì đã có nhà nước cứu mình, nhờ tiền tiết kiệm của người nào khác.

      Chuyện Cyrpus đã quái đản, chuyện Việt Nam còn đáng nản hơn nữa!

      Chúc vui nha.

      Xóa
    2. Cám ơn bác Nghĩa.
      Lâu nay Mèo cũng không đọc báo mấy, nên lơ mơ về vấn đề đánh thuế tại VN, Mèo cứ nghĩ là chỉ đánh thuế trên lãi tiền gửi tiết kiệm tại ngân hàng, vì hiện nay, lãi tiền gửi này được miễn thuế thu nhập cá nhân.

      Xóa
  2. Bai binh luan hay qua, mot sac thue quai dan lam the gioi giat minh. Cam on bac Nghia.

    Trả lờiXóa
  3. Như vậy, 1 đạo luật chính trị tại Síp - 1 quốc gia nhỏ bé nhưng gây ảnh hương đến kinh tế tại nhiều quốc gia khác và cả TG thông qua Thị trường chứng khoán, giá vàng, USD_EUR, giá thương phẩm dầu thô... làm tiêu hao bao nhiêu tiền của của TG. Như người ta vẫn nói, Thế giới bây giờ là 1 hệ thống liên lập toàn cầu, bất kỳ những thay đổi nhỏ nào cũng ảnh hưởng dây chuyền đến nhiều quốc gia khác nhưng thể hiện thông qua nhiều yếu tố khác mà k dễ nhận thấy. tác động qua lại này có thể thấy rõ qua bài báo này: QĐ đánh thuế tiết kiệm ở síp làm thiệt hại hàng tỷ USD cho nhiều nhà đầu tư trên TG, gây ra bất ổn kinh tế.

    Trả lờiXóa
  4. Chào bác Nghĩa,
    Cháu cũng xem bài của bác thường xuyên và học thêm được rất nhiều điều mà truyền thông trong nước đã không (hoặc không dám) đề cập tới. Theo cháu biết thì thế hệ trẻ cũng xem bài của bác rất nhiều. Cảm ơn bác đã "giải ảo" cho lớp thế hệ trẻ, để họ có thể thấy sự thật được giấu đằng sau những mỹ từ hào nhoáng. Và cũng cảm ơn bác đã dạy cho lớp thế hệ trẻ về ngôn ngữ tiếng Việt qua những bài viết rất mẫu mực và tinh tế về cách sử dụng từ ngữ, văn phong rõ ràng, mạch lạc!

    Trả lờiXóa