Thứ Ba, tháng 3 12, 2013

Lên Đồng: Sùng Bái Tử Thi


Nguyễn-Xuân Nghĩa - Việt Báo Ngày 130311

Và Chia Nhau Di Sản Tan Hoang Của Chavez

* Hý họa tuyệt vời của Michael Ramirez trên tờ IBD:  Bên kia chết rồi, bên này có hy vọng hồi phục *


Sau khi Hugo Chavez qua đời, lãnh đạo Venezuela quyết định ướp xác để bàn dân chiêm ngưỡng. Cùng năm lãnh tụ cộng sản là Lenin của Nga, Mao Trạch Đông của Tầu, Hồ Chí Minh của Việt Nam, hai cha con Kim Nhật Thành và Kim Chính Nhật của Bắc Hàn, Hugo Chavez sẽ lại là một xác chết chưa chôn.

Còn lại là một di sản ruỗng nát.

Về cái xác, tờ The Economist có một chữ rất ác: "Dân Mỹ châu La tinh đi vào mùa tử dâm"... - dịch từ "necrophiliac streak". Môn thần kinh tâm lý học nói đến một bệnh lạ là "necrophilia", ham muốn tình dục với xác chết. Có thể dịch là "ái tử thi" hay "lạc thi bệnh", hoặc đơn giản mà cũng hiểu được là "thi dâm" hay "tử dâm".

Nghĩ vậy thì lời phê của tờ báo là quá nặng. Mà chưa đủ.

Vì truyền thông Tây phương – và vài nhà báo thông ngôn của Việt Nam – cũng có người mắc tệ sùng bái Chavez khi ca tụng di sản của ông ta là chế độ cho dân nghèo. Chỉ vì họ thiếu am hiểu kinh tế nhập môn!

Lên kế nhiệm Hugo Chavez, Phó Tổng thống Nicolas Manuelo phải lo bầu cử vào tháng tới. Trước sự phân tán của các phe đối lập và nỗi sầu bi của quần chúng u mê khi lãnh tụ vừa qua đời, Manuelo sẽ dễ dàng đắc cử. Bầu cử là trò nhỏ.

Củng cố nội bộ để cải tổ kinh tế mới là chuyện lớn.

Hai năm qua, khi Chavez bị ung thư mà cố giấu bệnh trạng - và chữa tại Cuba hơn là Brazil để "bảo mật" - Venezuela thực sự đã bị khủng hoảng kinh tế. Xứ này khan hiếm lương thực và ngoại tệ, đang gặp nạn chợ đen, và có mức lạm phát cao nhất thế giới, hơn 20%.

Biện pháp phá giá 32% mà Manuelo ban hành tháng trước chỉ là mặt nổi và sẽ chìm. Sau khi phá giá thì một Mỹ kim ăn được 6,3 đồng Bolivars mà giá chợ đen của đồng bạc mang tên vị anh hùng dân tộc Simón Bolívar vẫn là 26 đồng: phá chưa đủ!

Nhìn lại, biện pháp tăng chi để mua phiếu trong cuộc bầu cử năm ngoái khiến ngân sách bị hụt 8,5% Tổng sản lượng Nội địa GDP. Nguồn thu chính từ tập đoàn dầu khí nhà nước Petroleos de Venezuela (PDVSA) bị cạn, chính phủ phải vay nước ngoài và đang thiếu tiền mặt. Vay nước ngoài như Trung Quốc, từ bốn lên tám tỷ đô la, và thế chấp bằng dầu thô sẽ bán sau này với giá "đồng chí" – là thấp hơn giá thị trường.

Cơ quan hiện tiếp cận với bái toán thiếu thanh khoản đó là Ngân hàng Trung ương, với dự trữ ngoại tệ bị bào mỏng vì vừa phải bảo đảm yêu cầu của nhập cảng vừa chuyển nhiều tỷ Mỹ kim cho công quỹ. Luật mới ban hành cho phép tập đoàn PDVSA đưa qua ngân hàng nhà nước gần hai tỷ rưỡi trong năm 2013. Nhờ 2,47 tỷ đô la, nhà nước trấn an dân chúng là không thiếu ngoại tệ để nhập cảng nhu yếu phẩm. Biện pháp phá giá vừa qua là việc nối tiếp.

Sau phá giá sẽ là quyết định bắt các công ty đào vàng phải bán vàng cho chính phủ. May quá, Bộ Năng lượng kịp loan báo sẽ mở thêm ba lô tìm vàng. Nay mai có thể là quyết định hạn chế trợ giá xăng dầu - một ngòi nổ chính trị.

Mấy chi tiết thiết thực ấy cho thấy nhiều bài toán đang vây bủa lãnh đạo Venezuela. Và sẽ sụp lên đầu dân đen cùng các tệ nạn xã hội như tham nhũng, tội ác. Thủ đô Caracas là kinh đô của xã hội đen. Venezuela là một trung tâm phân phối ma túy, với sự góp sức của nhiều tướng lãnh trong bộ máy an ninh của Chavex.

Vài chính khách và nghệ sĩ thiên tả của Hoa Kỳ qua dự tang lễ Hugo Chavez có thể khỏa lấp chuyện này dưới màn khói hồng. Rằng chế độ Chavez lo cho dân nghèo và chính sách tái phân lợi tức của nhà giàu cho người nghèo là tấm gương sáng!

Gần 30 năm trước, Venezuela đã có dân chủ và tương đối thịnh vượng nhờ kho dầu rất lớn. Nhưng bất ổn kinh tế vì dầu thô sụt giá và nạn tham ô đã gây bất mãn. Sau khi đảo chánh không thành, Hugo Chavez đi ngả khác - bơi trên làn sóng quần chúng mà tham gia bầu cử và thắng vẻ vang. Ông lập ra một chế độ đầy quyến rũ là "độc tài mị dân".

Mị dân nghèo để tập trung quyền lực vào phe đảng của mình, trên cùng là bản thân, tới khi gần chết mới buông.

Tài hùng biện với ngôn ngữ bình dân, thêm khẩu hiệu cách mạng của anh hùng Bolívar, tinh thần độc lập chống đế quốc (Mỹ, dĩ nhiên) và chủ trương xây dựng xã hội chủ nghĩa cho dân nghèo, v.v... ngần lợi thế giúp Chavez chiến thắng. Rồi tồn tại trong 14 năm nhờ đảng Xã hội Chủ nghĩa Thống nhất Venezuela và lực lượng dân quân có 125 ngàn tay súng, nằm ngoài quân đội mà trong hệ thống quyền lực của lãnh tụ. Chavez cũng lập ra mạng lưới liên hội cộng đồng có cái vỏ của "dân chủ từ cơ sở" theo cái nhìn ngây ngô của Hollywood, mà thực chất là thu vén quyền hành và quyền lợi của các địa phương vào tay những kẻ thân tín của lãnh tụ.

Phần còn lại là công lao của đối lập bát nháo, là dầu thô lên giá, hậu thuẫn của Cuba – đổi lấy dầu hỏa – và sự hợp tác với nhiều chế độ hung đồ, từ Liên bang Nga đến Trung Quốc, Iran, Lybia qua Syria....

Nhà văn nổi tiếng Carlos Fuentes tại Mỹ châu La tinh, một cây bút thiên tả, thì đánh giá Chavez là một "Mussolini nhiệt đới"! Con con, và hơi hề. Sức mạnh chính của Chavez là lượng dầu thô gần 300 tỷ thùng và con gà đẻ trứng vàng là tập đoàn PDVSA.

Di sản của Chavez là khiến cho con gà đẻ trứng ung.

Với trữ lượng cao thứ nhì thế giới, dầu chiếm khoảng 90% tổng số xuất cảng và một phần tư của lợi tức. Vì vậy, một bài toán của Venezuela là chia tiền dầu. Giải pháp của xã hội chủ nghĩa kiểu Chavez ("chavismo") là chia cho dân nghèo. Đấy là phần chính trị.

Phần kinh tế là một chuỗi sai lầm chiến lược.

Chế độ tập trung vào dầu khí mà không phát triển các khu vực công nghiệp hay nông nghiệp, nay phải nhập cảng lương thực, 50% lượng bắp và 100% lượng mì cho nhu cầu. Vì tiện ích công cộng sa sút, nạn cúp điện trở thành cơm bữa, ngay tại thủ đô chứ khỏi nói đến thôn quê. Bóng tối là đồng lõa với tội lỗi, cướp bóc nổi như ong.

Hạ tầng vận chuyển cũng bị xao lãng, các yết khẩu nhập cảng và phân phối lương thực biến ra ổ tham nhũng, đầu cơ và làm giá. Cái giá mà dân nghèo phải trả là thực phẩm lên giá hơn 30%.

Sai lầm kia là chế độ kiểm soát giá cả - cũng để giúp dân nghèo - khiến nhiều doanh nghiệp phá sản và việc trợ giá làm lệch lạc cung cầu, gây bội chi ngân sách lẫn bất ổn hối đoái đã nói ở trên. Chavez còn trực tiếp chia tiền cho dân nghèo, từ tài nguyên của tập đoàn PDVSA và các chi nhánh, mà mất bao nhiêu thì chẳng ai biết, và từ Quỹ Phát triển Quốc gia Fonden, tốn bao nhiêu và cho những ai thì cũng chẳng ai hay, trừ phủ tổng thống là cơ quan độc quyền điều hành.

Chính sách bao cấp tai hại của cánh tả đã được Hugo Chavez nâng lên một đỉnh cao mới là độc quyền bao cấp để bảo vệ chế độ độc tài dưới hình thức dân chủ vì có bầu cử!

Kinh hãi nhất là chính khu vực dầu khí cũng lụn bại sau khi bị quốc hữu hóa.

Ngành dầu khí tụt hậu về kỹ thuật khai thác. Chuyên gia nào của PDVSA mà chống Chavez thì bị đuổi từ năm 2002. Cấp số nhân viên PDVSA được nhân đôi dù sản lượng dầu thô sụt một phần ba: nhật lượng ba triệu rưởi thùng một ngày chỉ còn hai triệu tư, trong khi PDVSA phải thu nhận mọi nhân viên ngoại ngạch vào sổ lương toàn thời của lực lượng công chức trung thành với chế độ. Và sẽ đào những mạch dầu khó ăn hơn trước.

Nhờ được trợ giá, Venezuela là thiên đường của dân nghèo khi được mua xăng với giá hai xu (Mỹ) một lít! Vì vậy, tiêu thụ và buôn lậu gia tăng - và lượng dầu cho xuất cảng bị giảm.

Thật ra, Chavez chỉ tái lập tai họa của chế độ độc tài Juan Perón ngày xưa tại Argentina và làm xứ sở lụn bại dưới khẩu hiệu công bằng xã hội và độc lập quốc gia. Bất cứ ai lãnh đạo Venezuela sau này đều phải mất chục năm cải sửa những sai lầm đã qua. Từ nay đến đó, người dân nghèo khốn mới là nạn nhân. Họ khóc Chavez là phải.

Còn khóc dữ hơn nếu hiểu ra sự thật. Nhưng làm sao hiểu ra khi báo chí các nước dân chủ còn lầm lẫn và nói chuyện lếu láo?

2 nhận xét:

  1. qua bài này,các chính phủ mị dân nghèo thường tìm cách tăng chi để lấy lòng dân nghèo,nhất là chi cho cơ sở hạ tầng: làm đường,xây trường ...như ở ta, làm đường chi phí đến hàng vài trăm đến ngàn tỷ, nhưng hiệu quả, chỉ là cho buôn bán nhỏ lẻ,là tăng giá đất đai.1 cái giá rất cao cho 1 hiệu quả rất thấp về mặt kinh tế nhưng lại được dân nghèo ưa chuông ủng hộ,nó k chỉ diễn ra ở ta mà còn nhiều nơi trên TG

    Trả lờiXóa
  2. Hanoi ơi,

    Làm đường hay xây trường cũng không là sai lầm hay mị dân. Chavez có xây trường, không lo làm đường và ỷ y vào dầu khí với tập đoàn kinh tế nhà nước là PDVSA.

    Những "ẩn phí" - phí tổn ngầm - thì không tính ra, khỏi nói tới và lại trút lên đầu dân nghèo. Họ bị Chavez mê hoặc vì trình độ hiểu biết thấp (dân trí). Chuyện ấy, chúng ta nên suy ngẫm khi liên hệ đến Việt Nam.

    Nhưng khi truyền thông thiên tả và Hollywood ngợi ca Chavez vì lý do ý thức hệ thì đấy là cái tội vì gây lầm lạc trong du luận. Và là lý do của hai bài cùng viết trên hai nhật báo về Venezuela. NXN

    Trả lờiXóa